May mắn là, "Our greatest glory is not in never falling, but in rising every time we fall." (Vinh quang lớn nhất của chúng ta không phải là không bao giờ vấp ngã, mà là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.) – Confucius

Điều chúng ta làm không quyết định chúng ta là ai, quan trọng hơn là bạn sẽ như thế nào sau những lần vấp ngã

Hành động chỉ phản ánh một phần con người, tại một thời điểm nhất định nào đó (thậm chí không phần nào nếu người đó cố ý có mục đích). Vì thế, đừng đánh giá bản thân hoặc người khác chỉ dựa trên những gì một người từng làm trong quá khứ.
Bạn của mình có một người anh họ, từng xích mích nhỏ chỉ vì cái đồng hồ, đã nỡ đâm xe ch*t người và chịu án tù 25 năm trước. Ngày được tự do đến nay cũng đã hơn 10 năm, anh lấy vợ, sinh con, tu chí làm ăn, sống một đời lương thiện. Bạn mình kể, "không phải ai đi tù về cũng hoàn lương, người ta thường có tâm lý sợ và bias những đối tượng này dù không muốn, nhưng vì là anh mình nên mình hiểu, mình cũng nghĩ ngoài kia còn những người giống như anh ấy."
Một người chị thân thiết khác của mình là mẹ đơn thân. Chị khiến mình có niềm tin về việc người phụ nữ có khả năng để tự dành lấy cuộc đời mà họ muốn; cảm giác “phép màu” thực sự tồn tại gần mình đến vậy chứ không còn chỉ là những câu chuyện trên báo, trên phim. Chị bảo “hôn nhân không sai, chị chỉ chọn sai người thôi.” Làm sai thì mình làm lại. Bây giờ, chị sống viên mãn với một cô con gái xinh xắn và yêu mẹ, trong căn nhà do chính tay chị tích cóp mua được, công việc mơ ước, chị ngày càng trẻ đẹp ra, và chị đang có một tình yêu bình yên cùng nhau ngày qua ngày.
26 năm trên đời, mình cũng đầy lần vấp ngã. Như ai đó bảo, “Có lúc là mắt mờ chân run mà ngã. Có lúc bồng bột hấp tấp và ngã. Có lúc bị người ta ngáng chân mà ngã.” Dù ngã kiểu nào, điều quan trọng hơn là bạn sẽ như thế nào sau những lần vấp ngã đó.

Về một vấp ngã nhớ đời

7 năm trung học (cấp 2 & cấp 3), mình đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của trường. Mình là đứa học nhanh, hiểu nhanh; có thể học tốt đều tất cả các môn tự nhiên & xã hội, nhưng có lẽ mình không thực sự có năng khiếu đặc biệt ở môn nào. Mình chưa từng tự tin vào khả năng văn chương, viết lách của mình. Kể cả cô giáo dạy Văn cấp 2 và cấp 3 của mình, đều nói rằng mình có khả năng đó; mình vẫn luôn hoài nghi (cho đến bây giờ). Mình hiếm khi đạt được trạng thái văn không biết từ đâu tuôn trào ra rồi cứ thế viết hết tờ này sang tờ khác như mấy bạn còn lại trong đội tuyển. Mình thường gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để viết cho ra cái gì đó khiến mình ưng ý. Nhưng càng về sau, mình đã dần cố tình phớt lờ nó (phớt lờ việc mình thực sự phải nỗ lực rất nhiều mới có thể có những bài văn tốt nhất). Mình bị một vài thành tích quá khứ cùng những tung hô của thầy cô bạn bè về năng lực khiến mình thực sự tin rằng mình giỏi một cách bẩm sinh. Và thế là mình bớt chăm.
Lần vấp ngã đúng cả nghĩa trắng và đen của mình, là lần thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 11, mình trở về nhà trong tâm thế “hơi” tự tin. Có lẽ mình đã tin bằng một cách nào đó, khả năng văn chương thiên bẩm mà mọi người nói về mình sẽ dẫn lối mình đạt được giải nhất/nhì/ba hoặc tệ nhất cũng là giải khuyến khích, giống như những lần trước, những lần mà mình cũng đã từng không hiểu tại sao mình có thể đạt kết quả cao (sau này mình mới biết là do mình chăm chỉ). Và rồi năm đó là năm đầu tiên mình rớt. Nhớ lúc nhận tin báo kết quả, mình “quằn quại” nằm lê ra ở đoạn đất trống sau nhà, tay vừa bấu những nắm đất đá vừa kêu khóc. Tưởng tượng lại cảnh đó như thể vừa ngã đúng nghĩa đen. Có thể nói, đó là một trong những thất bại lớn nhất thời đi học của mình.

Trung thực và dũng cảm đối diện với thất bại, đừng phủ nhận hay đổ lỗi

Nhìn mình đau lòng, gia đình thương động viên bảo: Học tài thi phận. Thầy cô bạn bè an ủi văn chương muôn hình muôn vẻ, hay với người này chưa chắc đã tốt với người khác nên đôi khi nó là do “gu” người chấm. Thật may sao khi mới mười tám đôi mươi, trong suy nghĩ của mình đã luôn tin rằng, mọi thứ diễn ra trong cuộc đời mình đều là do mình mà nên (là chính).
Mình tự vấn bản thân, biết rằng thời gian qua đã chểnh mảng hơn thế nào. Sau này mình hiểu, đối với việc viết, thực hành và rèn luyện đều đặn thường xuyên là tiên quyết để có thể viết tốt, cho dù bạn có năng khiếu thiên bẩm hoặc không thì tần suất là bắt buộc để có thể duy trì phong độ. Mình nhớ lại năm thi chuyển cấp từ 9 lên 10, vì chủ quan ở môn sở trường nên mình không ôn Văn nhiều mà tập trung ôn luyện Toán & Anh. Đúng là trăm hay không bằng tay quen, chỉ cần lơ là chểnh mảng đi đôi chút là kết quả khác liền. Năm đó điểm Văn của mình thấp hơn 2 môn còn lại, kéo tổng điểm của mình xuống dưới mức mong đợi, xếp sau rất nhiều người.

Tìm nguyên nhân, rút ra bài học từ sai lầm

Đôi lần vấp ngã trên chính môn sở trường khiến mình được gắn cho cái mác “học tài thi phận” ngày càng nhiều. Lúc đó, mình không định hình được nguyên do cụ thể như bây giờ, chỉ biết rằng mình đã thất bại những lần trước do chủ quan cho rằng “tài năng” thiên bẩm thì không cần phải học quá nhiều trong khi thậm chí mình còn chưa hiểu rõ bản thân có thực sự có tài năng đó hay không.
Nhưng thời điểm đó, thi đại học lại là một thứ gì đó rất khác, lớn lao đặc biệt với những đứa học sinh trường huyện ở tỉnh như bọn mình, đại học là để “đổi đời”, nhất định không thể để cho “phận” định đoạt kết quả thi của mình được. Mình vùi đầu vào học ngày cày đêm, kể cả môn “tủ”. Mình không muốn phải hối tiếc vì bất cứ sự bỏ lỡ nào của bản thân. Mình học hết, làm hết tất cả những gì có thể. Không một ngày nào mình không làm ít nhất 1 đề mỗi môn trong suốt hằng mấy tháng trời trước khi bước vào kỳ thi. Kết quả mình được tổng 26,3 điểm 3 môn, đậu Ngoại thương, với 9 điểm Văn, là người có điểm thi đại học khối D cao nhất huyện mình năm đó.

Đừng bỏ cuộc khi chưa cố gắng hết mình

Có câu: "The only real mistake is the one from which we learn nothing." - Henry Ford (Sai lầm thực sự duy nhất là sai lầm mà chúng ta không học được gì từ đó.) Mà kể cả khi không/chưa thực sự học được bài học gì cụ thể, thì cứ dậy và bước tiếp đã. Cứ đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, tiếp tục cố gắng, dù thế nào đi nữa. Nỗ lực hết khả năng của mình để không có gì hối tiếc. Có thể ngay lúc đó, bạn còn chưa biết nguyên nhân sâu xa tại sao mình ngã, thì cứ khắc phục những thứ bạn có thể nhìn ra được hiện tại. Thời gian trôi qua, bạn sẽ dần hiểu ra những quy luật bất biến của vũ trụ này. Một trong những nguyên tắc đó là: Thất bại là tạm thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn.
Chúng ta rồi sẽ ngày càng trưởng thành lên sau những lần không bỏ cuộc đó. Đó là cách duy nhất để ta có những “version” bản thân tốt đẹp hơn quá khứ.