Lời tựa: Mượn câu hỏi của chị Thùy Minh trong HAS, nếu phải chọn một cuốn sách cho cả cuộc đời/mang ra hoang đảo, mình sẽ chọn Trang Tử Nam Hoa Kinh (bản dịch và bình của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Mình tin không cuốn nào có thể gói trọn tất cả những gì cần thiết, thông thái và tinh túy nhất cho một đời người, mà lại được viết bằng ngòi bút sắc sảo, những câu truyện ngụ ngôn độc đáo đến như thế.
Đúng như nhận định của nhà học giả triết Trung Hoa mà bà giáo sư Vu Đan đã đề cập trong cuốn “Trang Tử tinh hoa”, cho rằng nếu phải chọn duy nhất một người để bảo tồn cho lịch sử văn hóa triết học Trung Hoa, ông ấy sẽ chọn Trang Tử.
Vì Trang Tử còn, minh triết Trung Hoa còn.
Hiển nhiên, mình không đủ khả năng để mà bình luận chuyên sâu về Nam Hoa Kinh (và cụ Thu Giang NDC cũng đã làm điều ấy quá tốt trong bản dịch và bình này rồi), nên ở đây chỉ xin chia sẻ vài thứ mình nghiệm được trong mấy ngày đọc lại sách vừa rồi mà thôi.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google

1: Về tài năng và sự nổi tiếng

Khá thú vị là điểm ấn tượng nhất với mình trong lần đọc này lại đến từ những trang cuối sách, tức là từ Ngoại Thiên chứ không phải phần Nội Thiên đặc sắc nhất của Trang Tử. Có lẽ vì cái suy nghĩ và đường hướng hành động được bàn đến ở đây thực sự là trái ngược với xu hướng, trào lưu đang thịnh hành bây giờ: thành tích được đong đếm bằng độ phổ biến (số lượt xem, lượng follow, đắt show vv.).
Trong Nam Hoa Kinh, quan điểm của Trang Tử lại là:
Có tài mà phô tài ra cho cả thiên hạ biết đến là ngờ nghệch, là tự mang hiểm họa vào thân.
Cảm giác thực sự như một gáo nước lạnh làm cho tỉnh người, để rồi phải dừng lại và tự mình suy nghĩ về vấn đề.
Và không hiểu sao, càng nghĩ, mình càng thấy quan điểm của Trang Tử vẫn rất đúng đắn.
Con người mà có tài và để cho người người đều biết mình là có tài, thì sẽ như cây sơn, cây quế, bị chặt, bị đốn ... Người ta đều biết cái lợi của hữu dụng, mà không biết cái lợi của vô dụng
Nhưng, tất nhiên, thế không có nghĩa là Trang Tử nói ta phải ém đi cái tài của mình, không tận dụng nó. Mà cái thâm ý ở đây là ngay việc sử dụng tài năng của mình như thế nào cũng là điều mà mỗi người cần phải cân nhắc suy tính cẩn thận.
Đúng như lời bình cực chất của cụ TGNDC:
Người chưa hiểu Đạo thì cố chấp trong một cái tài, hay bất tài để đối xử với đời. Tài và bất tài, cũng như thị phi, thiện ác...đâu có thể thiên hẳn bên nào. Có tài mà cho người ta thấy rõ cái tài của mình, chưa ắt là cái lợi cho mình...Cho nên xử sự phải tùy thời tùy lúc, “khi thì như rồng, vượt trên mây xanh”, nhưng có khi cũng phải biết làm như “con rắn bò sát đất”, len lỏi trong lùm cây bụi cỏ. Cho nên, trong đạo xử thế, không cứ là phải có tài hay không có tài, mà cốt yếu là lúc nào nên thi thố cái tài của mình, lúc nào không nên đem cái tài của mình ra cho người ta thấy.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google

2. Về “Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời”

Hay nói cách khác: “Đọc sách xong, hãy giữ lại ý, và quên sách đi”.
Cực kỳ cần thiết với mấy đứa cuồng sách, như mình :(
Lời mà quý là nhờ nơi ý. Ý phải căn cứ theo chỗ không thể dùng lời mà truyền. Vậy mà người đời lại quý lời truyền trong sách vở. Người đời tuy quý nó, nhưng lại quý cái không đủ để mà quý. Vì cái mà họ quý, chẳng phải là cái quý. Nhìn mà thấy được là hình và sắc. Lắng mà nghe được là danh từ và tiếng nói. Thương thay, người đời lại cho rằng hình và sắc, danh từ và tiếng nói đủ để tả được cái chân tánh của sự vật. Mà hình và sắc, danh từ và tiếng nói làm sao để tả được chân tánh của sự vật. Nên kẻ biết thì không nói, kẻ nói là không biết, người đời há biết được thế ư?

3. Về sự vô ích đến nực cười của những tranh biện hơn thua

Và khi mà sách vở, hay lời nói đã chẳng còn quan trọng, thì những tranh biện hơn thua đâu còn nghĩa lý gì.
Nếu ta với ngươi cùng tranh biện nhau, ngươi thắng được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là phải, ta hẳn là quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi, ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là phải, ngươi hẳn là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau … thì phải nhờ ai chánh lại việc ấy đây? Nhờ kẻ đồng với ngươi để chánh lại việc ấy ư? Nó đã đồng với ngươi thì làm sao chánh được việc ấy. Cậy người đồng với ta để chánh lại việc ấy ư? Nó đã đồng với ta thì làm sao chánh được việc ấy? Cậy người khác với ta và khác với ngươi, để chánh lại việc ấy ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chánh được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi để chánh lại việc ấy ư? Nó đã đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chánh được việc ấy? Vậy thì ta với ngươi, cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?
Thực ra, nếu xét về tận cùng của tranh biện, thì bạn sẽ thấy đó chính là sự thiếu tự tin vào suy nghĩ của bản thân, cộng thêm chút độc đoán đòi hỏi ý kiến của mình phải được tán thành, thậm chí là tuân theo 100%. Và vế sau của vấn đề cốt lõi này cũng được bàn đến trong Nam Hoa Kinh:
Sở dĩ có bài bác chăng là bài bác cái óc thiên tư độc đoán cho rằng chỉ có mình là phải mà thiên hạ đều quấy, và cái phải hay cái quấy chỉ là một trạng thái tạm thời và luôn luôn phản biến bất thường, không thể dụng tư tâm đem cái quan niệm về điều phải lẽ quấy của riêng mình mà bắt cả thảy thiên hạ cùng theo, và nhân đó làm cho con người thống khổ. Vậy chứ cái mà thiên hạ thường gọi là lo đời chẳng phải là lo đem thiên hạ vào cùng một khuôn tư tưởng như mình sao? Và “hễ đồng với ta, ta cho là phải, không đồng với ta, ta cho là quấy”, hay nói cách khác, kẻ nào không cùng với ta, là nghịch với ta. Thiên hạ từ xưa đến nay sở dĩ mà loạn, là vì phần nhiều ai ai cũng tưởng cái phải của mình là tuyệt đối, nghĩa là chỉ có mình là phải. Không thế, thì sao có những chế độ độc tài đã làm điêu linh thống khổ thiên hạ!
Và một câu chốt không thể chất hơn:
Cùng ếch giếng không thể nói biển đặng: nó chỉ biết cái hang nó mà thôi. Cùng con trùng mùa hạ không thể nói tuyết đặng: nó chỉ biết có một mùa của nó mà thôi. Cùng kẻ khúc sĩ hẹp hòi, không thể nói chuyện Đạo được: họ bị ràng buộc trong giáo lý của họ mà thôi.

4. Về vô vi, hay cố mà … đừng tham

Và cuối cùng là một liều thuốc quý cho xã hội đương thời, khi mà kiệt sức burnout vì công việc trở nên rất phổ biến, vì luôn cảm thấy mình kém cỏi và quá nhiều thứ để học, hay cụm “luôn cố gắng tốt hơn mỗi ngày” đã trở thành câu nói cửa miệng:
Sinh lực của ta thì có hạn, mà sự muốn biết của ta thì không bờ bến. Đem cái có hạn (như sinh lực của ta) để mà chạy theo cái không bờ bến (như lòng ham muốn của ta) là nguy vậy! Đã biết thế, lại không dừng, càng nguy hơn nữa. Làm việc thiện mà không bị danh ràng buộc; làm việc ác mà không bị hình phạt tru lục. Thuận theo con đường giữa mà đi, thì có thể giữ được thân mình, có thể toàn được sinh mạng, có thể nuôi dưỡng mẹ cha và có thể hưởng được hết tuổi trời.

Kết

Khác với Đạo Đức Kinh của Lão Tử, cuốn sách mà bạn sẽ cần rất rất nhiều trí tuệ và ít nhất cũng phải mấy chục năm kinh nghiệm sống để hiểu và lĩnh hội (lý do chính mình nghĩ là vì Lão không muốn viết, chỉ bởi người đời cầu xin mãi nên ông mới để lại vài nghìn chữ cho mà chiêm nghiệm mà thôi), thì Nam Hoa Kinh của Trang Tử có thể cho bạn trải nghiệm một chút cảm giác của suy nghĩ, tư tưởng, và cách sống của chân nhân,
tự do tự tại,
thảnh thơi mà sống,
an thời xử thuận, buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng.
Và giữa cuộc sống bề bộn này, trải nghiệm được chút cảm giác ấy, tin mình đi, cũng đã là một hạnh phúc rồi.
A Dreamer