“Tôi có đủ tố chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức bị hạn chế. Nhưng trí tưởng tượng bao quanh thế giới.” - Albert Einstein
Tư duy vận hành theo dạng sơ đồ tư duy và biểu đồ, không phải kiểu tuyến tính và từ ngữ, nhờ thế mà Albert Einstein trở thành cha đỡ đầu cho bản đồ tư duy của thế kỷ XX.
Bản đồ tư duy ra đời như một công cụ cực kỳ mạnh mẽ và phổ biến để ghi nhớ thông tin qua hình ảnh, màu sắc và những mối liên kết chặt chẽ đầy logic. Đáng buồn thay, dù nhiều người vẫn sử dụng bản đồ tư duy hàng ngày nhưng lại không hề thực sự biết cách để tạo ra một sản phẩm đúng nghĩa và tối đa hóa toàn bộ sức mạnh của nó.
Và câu hỏi: Tương lai nào cho bản đồ tư duy trong thời đại đang ngày càng đổi thay mạnh mẽ với sự xuất hiện và phát triển vượt bậc của AI. Tương lai này sẽ đưa chúng ta đến đâu, liệu bản đồ tư duy đóng vai trò gì trong một thế giới nơi Trí tuệ Nhân loại (HI) vẫn kiểm soát được Trí tuệ Nhân tạo (AI)?
Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp trong cuốn “Mind Map - Lập bản đồ tư duy siêu tốc” của Tony Buzan...

Đôi nét về tác giả

Anthony "Tony" Peter Buzan là một nhà tư vấn giáo dục, nhà tâm lý, tác giả sách và cha đẻ của phương pháp tư duy Mind map, hay chúng ta vẫn thường gọi với cái tên quen thuộc hơn là “bản đồ tư duy”.
Tony Buzan cũng là cố vấn cho một số tổ chức chính phủ và các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, giảng viên thường xuyên của các đại học Oxford, Cambridge… Là một nhân vật truyền thông toàn cầu, ông đã xuất hiện trên 100 giờ ở các chương trình truyền hình, trên 1000 giờ ở các chương trình truyền thanh trong nước và trên thế giới. Ông được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 5 nhà thuyết giáo hàng đầu thế giới.
Tony Buzan
Tony Buzan

Về cuốn sách

“Sơ đồ tư duy sử dụng bộ não theo cách mà nó được thiết kế, tiết kiệm thời gian, cải thiện kết quả và đầy thú vị. Làm thế nào mà bất cứ doanh nhân nào có thể không có công cụ đầy sức mạnh này?” - STEPHEN C. LUNDIN (Đồng tác giả bộ sách nổi tiếng “Fish! - Triết Lý Chợ Cá”)
Bản đồ tư duy là công cụ mạnh mẽ, đơn giản và hiệu quả để tập trung tối đa xử lý thông tin, xây dựng kế hoạch hành động và triển khai các dự án. “Lập bản đồ tư duy siêu tốc” không chỉ là phương tiện để bạn đọc biến đổi cuộc sống của mình thông qua một cộng đồng toàn cầu sống động, cuốn sách còn là công cụ đắc lực cho bất kỳ ai muốn cải thiện tư duy và tự làm chủ bản đồ tư duy của chính mình.

1. Giới thiệu bản đồ tư duy

Quan điểm về cách tư duy hai nửa bán cầu não lần đầu tiên được phổ biến tới công chúng bởi học giả người Mỹ Betty Edwards qua muốn Drawing on the Right Side of the Brain về khoa học thần kinh. Cùng với tác phẩm đoạt giải Nobel về phương pháp đột quá trong giảng dạy và hội họa của Roger W. Sperry đã chỉ ra rằng não bộ có hai cách thức để nhận thức và xử lý thực tế. Não trái phụ trách cử chỉ và phân tích, não phải phụ trách hình ảnh và tri giác.
Cũng dựa trên cách tư duy này, bản đồ tư duy đã ra đời như cuộc cách mạng làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận cũng như ghi nhớ kiến thức. Nó hạn chế được giới hạn của tư duy tuyến tính - lý thuyết, đơn điệu và nhàm chán bằng những hình ảnh, màu sắc thú vị, đồng thời bứt phá giới hạn phân tích của cả hai bán cầu não.
Tư duy tuyến tính (Linear thinking) hay tư duy logic truyền thống là kiểu tư duy như một đường thẳng theo logic từng bước đơn thuần với đầy luật lệ ép ta vào cái khuôn có sẵn. Như việc muốn đi từ điểm A đến điểm E thì bắt buộc phải đi theo trình tự lần lượt qua các điểm B,C,D.    
Trái ngược với tư duy tuyến tính là tư duy đa chiều (Lateral thinking) hay thậm chí là tư duy bức xạ. Giống như cấu trúc của bộ não, mỗi nơron có các nhánh tỏa ra từ một hạt nhân, giống như cành của một cái cây (Tư duy bức xạ) --> bản đồ tư duy (phát triển từ mô hình liên kết). Một kiểu tiếp cận đầy sáng tạo và phá vỡ các luật lệ thông thường, cực kỳ hữu ích trong thế giới không có thứ gì là “một đường thẳng” cả.   
Việc lập bản đồ tư duy đòi hỏi hoạt động của cả hai bán cầu não, nên nó rất đa dụng và hiệu quả với tất cả các chức năng nhận thức bao gồm trí nhớ, óc sáng tạo và khả năng học tập với mọi hình thức tư duy. “Nó rất hữu ích, thiết thực và thú vị!”, cách hiệu quả và đầy cảm hứng để nuôi dưỡng tâm trí, linh hồn và tinh thần khát khao.
Triết gia thời Hy Lạp cổ đại Socrates, “ruồi trâu” của Athens có một câu nói nổi tiếng rằng, “Cuộc sống thiếu sự suy xét thì không đáng sống.” “Dù nhiều người nghĩ Socrates giống thần rừng nửa người nửa dê hơn một con người, chẳng mấy ai tranh cãi về tư duy tuyệt vời của ông. Ông đã thách thức các công dân Athens phải suy nghĩ sâu sắc, và như con ruồi trâu ‘châm đốt’ việc thực hiện nhiệm vụ của thành bang.  ‘Athens giống như một con ngựa lười biếng, còn tôi là một con ruồi trâu đang cố chích cho nó tỉnh ra’. Ông đã cho thấy giá trị của việc khai triển từng lớp từng lớp ý tưởng. Nguyên tắc được thực hiện thông qua cuộc tranh luận phân cấp này cũng cho thấy bản đồ tư duy có thể được sử dụng để khám phá trọn vẹn một ý tưởng thông qua các nhánh của nó.” Cấu trúc phát tán của bản đồ tư duy giúp dễ dàng nhận ra các kết nối giữa các nhánh khác nhau và tạo ra các liên kết mới để lấp đầy những khoảng trống, từ đó khuyến khích chúng ta không ngừng suy nghĩ sáng tạo.

2. Cách thiết lập bản đồ tư duy

Việc lập bản đồ tư duy, về bản chất, không phải suy nghĩ cứng nhắc kiểu “thành công và thất bại” hay “làm hoặc chết”, và tất nhiên sẽ chẳng có ai đánh giá kết quả của bạn cả. Để có thể tận dụng tối đa lợi ích của bản đồ tư duy, bạn cần phải tuân theo một số quy tắc nhất định, những quy tắc đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.
1. Luôn dùng một tờ giấy trắng (đảm bảo trang giấy đủ lớn để vẽ các nhánh phụ)
2. Vẽ một hình vào chính giữa trang giấy (thể hiện chủ đề, chỉ nên dùng tối thiểu ba màu)
3. Sử dụng hình ảnh, biểu tượng, mã và cấp bậc
4. Chọn từ khóa và viết in hoa những từ này
5. Viết in hoa từng từ hoặc vẽ hình ảnh lên nhánh của nó
6. Vẽ các nhánh tỏa ra từ hình ảnh trung tâm (nhánh dày hơn ở gần trung tâm và nhánh mỏng hơn ở xa trung tâm)
7. Giữ cho các nhánh, từ và hình ảnh có độ dài bằng nhau
8. Sử dụng màu sắc đa dạng (mỗi nhánh dùng một gam màu riêng)
9. Nhấn mạnh, dùng mũi tên và đường nối (để mô tả các mối liên kết giữa các chủ đề liên quan trong bản đồ tư duy)
10. Thể hiện sự rõ ràng (bản đồ tư duy cần không gian để thở, những khoảng trống để bạn biết mình đang ở đâu và đang đi đâu)
Tuân theo những quy tắc, hãy giải phóng bản thân và phát triển “dấu ấn” độc đáo riêng của bạn, trong khi vẫn tuân theo tinh thần cốt lõi của bản đồ tư duy.
Sau khi đã nắm rõ các quy tắc này, ta hãy bắt đầu với từng bước:
Bước một: Tập hợp nguồn lực Sau khi chọn được chủ đề, trước khi đi vào thực hiện bản đồ tư duy, hãy thu thập mọi loại thông tin, tài liệu có liên quan mà bạn nghĩ là cần thiết, có thể là từ sách vở hoặc internet.
Chuẩn bị một tờ giấy trắng khổ lớn trống trơn, luôn đặt tờ giấy nằm ngang trên bàn, ghim vào tường hoặc bất cứ đâu miễn là bạn cảm thấy thoải mái.
Bạn nên sử dụng một bộ bút màu dễ viết với độ dày từ nét thanh đến nét đậm để tăng sức hấp dẫn thị giác.
“Hãy chuẩn bị bộ dụng cụ lập bản đồ tư duy với giấy và bút màu để mang theo mọi nơi bạn đến. Như thế, bạn sẽ không bao giờ bị mắc kẹt với những dòng kẻ và chiếc bút bi xanh.”
Bước hai: Chọn hình ảnh trung tâm Khi nghĩ tới một chủ đề hãy vẽ một hình ảnh trung tâm chính giữa trang giấy, dùng kích thước, phong cách cá nhân và màu sắc để làm nó thật nổi bật và đáng nhớ.
Nếu một từ cụ thể đặt hoàn toàn ở trung tâm bản đồ tư duy, hãy chuyển đổi từ đó thành hình ảnh bằng cách sử dụng kích thước và màu sắc để tăng cường sự hấp dẫn trực quan cho nó.
Một hình ảnh trung tâm sống động sẽ tự nổi bật đối với mắt và não, kích hoạt nhiều liên kết.
“Bạn muốn bản đồ tư duy tiết lộ cho bạn điều gì? Hãy luôn nghĩ tới mục tiêu này trong mọi bước.”
Bước ba: Lập mục tiêu và ý tưởng cơ bản sắp xếp theo thứ tự Các ý chính, tỏa ra trên các nhánh từ hình ảnh trung tâm, được gọi là các ý tưởng cơ bản theo thứ tự - Basic Order Ideas (BOI) và tạo thành khung của bản đồ tư duy.
Tập hợp các BOI vững chắc và sắp xếp trực quan sẽ giúp bản đồ tư duy được triển khai hiệu quả nhất.
Để bắt đầu, hãy ghi lại 10 từ hoặc hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn, sau đó nhóm các từ này vào các tiêu đề chung để tạo thành nhánh chính.
Bước bốn: Phân nhánh Vẽ các nhánh gần hình ảnh trung tâm nhất dày hơn, để nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin đối với não bộ, và viết các BOI phía trên.
Bất kỳ nhánh phụ nào nảy ra từ nhánh chính sẽ giữ thông tin hỗ trợ cho BOI cụ thể đó. Nội dung tổng quát nhất thường gần hình ảnh trung tâm hơn, còn nội dung cụ thể hơn sẽ xuất hiện trên nhánh phụ, cách xa trung tâm hơn.
Vẽ tất cả các nhánh vươn ra có tổ chức, tựa như làn sóng để tăng tính hấp dẫn thị giác. Khi vẽ các nhánh cong và tỏa ra theo hệ thống, mỗi nhánh sẽ có một hình dạng độc nhất mà sau này có thể kích thích gợi nhớ thông tin trong nhánh đó.
Bước năm: Thể hiện bản thân qua hình ảnh Điểm mạnh của Mind Map luôn là sự linh hoạt, đa dạng, trực quan và hấp dẫn về thị giác của hình ảnh, hãy tự do sử dụng hình ảnh ở bất cứ vị trí nào có thể. Cũng đừng lo lắng nếu bạn vẽ không quá đẹp, các bản phác thảo nhanh, biểu tượng hay hình vẽ đơn giản đều hữu ích.
Sử dụng hình ảnh sẽ giúp cải thiện nhận thức thị giác của bạn mỗi ngày. Bất kể trình độ mỹ thuật có như thế nào, Mind Map sẽ khuyến khích bạn tập trung hơn vào cuộc sống thực để gặt hái niềm cảm hứng và nhận thức sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
Năm 1970, giáo sư Ralph Haber đã thực hiện một nghiên cứu đáng kinh ngạc về nhận dạng hình ảnh, trong mười năm, ông đã nghiên cứu trí nhớ của những đứa trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 11. Trí nhớ nhạy cảm tồn tại ở một tỷ lệ nhỏ trẻ em. Điều đáng ngạc nhiên là những đứa trẻ có trí nhớ sâu sắc lại nói về hình ảnh ở thì hiện tại, như thể nó luôn ở trước mặt chúng, in sâu vào não bộ của chúng. Và trung bình một người khi được xem 10.000 bức ảnh, có thể nhớ hơn 98% trong số đó. Nghiên cứu này đã cho thấy con người có trí nhớ về hình ảnh và nó trở thành một công cụ trợ giúp bộ nhớ tuyệt vời như thế nào. Giống như việc hoàn thành 100 bản đồ tư duy, bạn hoàn toàn có thể nhớ cả 100 tấm bản đồ đó, thậm chí 1000, 10000 và hơn thế nữa. Cho dù chỉ là 98% hay thấp hơn thì cũng thật đáng kinh ngạc. Hãy bắt đầu từ tấm bản đồ đầu tiên cho đến 100, đó sẽ là đội quân chống lại pháo đài của sự thiếu hiểu biết.
“Hãy vẽ hình ảnh càng rõ ràng càng tốt. Một hình ảnh rõ ràng sẽ dẫn đến một phản ứng rõ ràng. Sự rõ ràng sẽ làm sạch tầm mắt bạn và giúp bạn quan sát thế giới như một đứa trẻ tò mò hay một nghệ sĩ ham học hỏi. Khả năng nhận thức của bạn sẽ tăng lên.”
Bước sáu: Chơi đùa với ngôn ngữ Hãy chỉ sử dụng một từ khóa cho mỗi nhánh của Mind Map. Một và chỉ một từ khóa đơn giản sẽ tạo sự rõ ràng, thoải mái hơn rất nhiều so với một cụm từ và sẽ ghi dấu dễ dàng hơn trong bộ nhớ.
“Tựa như hòn sỏi rơi xuống hồ nước, nó sẽ tạo nên những gợn sóng và kích thích nhiều kết nối khác nhau, từ đó thúc đẩy quá trình tư duy.”
Sử dụng cả chữ in hoa và chữ thường để phân cấp thông tin, ý tưởng cho thấy tầm quan trọng của các từ trong bản đồ tư duy.
Bước bảy: Sử dụng giác quan thứ phát “Giác quan thứ phát (Synaesthesia) ám chỉ một hiện tượng nhận thức, trong đó một phản ứng được kích thích tới một giác quan hoặc một phần cơ thể thông qua sự kích thích từ một giác quan hoặc phần cơ thể khác.” Chẳng hạn như việc một người có thể nghe thấy một âm thanh, nhưng lại nhìn nhận nó như một màu sắc. Nói cách khác, họ có thể “ nghe” thấy màu xanh.
Giác quan thứ phát thường được coi là một chứng rối loạn tâm thần thường thấy ở một số người mắc tự kỷ, khiến con người hoang mang trước nhận thức giác quan của họ. Tuy nhiên, một khi giác quan thứ phát được tổ chức tốt sẽ có thể tạo ra sức mạnh đáng kinh ngạc cho bộ não.
Bản đồ tư duy có thể coi là một công cụ tư duy giác quan thứ phát theo hệ thống, và theo một cách nào đó, nó là biểu hiện về thể chất và tinh thần của sức mạnh kết nối. Vì thế, hãy tận dụng giác quan thứ phát khi lập bản đồ tư duy bằng cách sử dụng cả năm giác quan của bạn: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác.
Bước tám: Tạo kết nối Các nhánh kết nối và mũi tên thể hiện mối quan hệ có thể được sử dụng để liên kết các khu vực riêng biệt và các nhánh trên bản đồ tư duy, nó cho thấy các khái niệm dường như khác nhau lại có liên quan với nhau như thế nào.
Các đường liên kết các nhánh có thể cong, vòng tròn, vòng lặp, mắt xích, to nhỏ hoặc bất kỳ hình dạng nào có thể thu hút trí tưởng tượng của bạn. Các mũi tên thể hiện mối quan hệ sẽ tự hướng mắt kết nối đến một phần khác, khuyến khích tâm trí dõi theo hình ảnh và kích thích suy nghĩ, thúc đẩy tính sáng tạo và tư duy khác biệt của bạn.
Bước chín: Sử dụng giới hạn và phân đoạn Nếu bản đồ tư duy vẫn còn dang dở, mọi nhánh của nó cần phải “mở” và tự do tạo những kết nối mới.
Nếu một nhánh được vạch ra ranh giới quá sớm, người lập bản đồ tư duy có khả năng sẽ bị bó hẹp trong một nhà tù tuyến tính. Một người lập bản đồ tư duy giỏi sẽ luôn được tự do.
Bước mười: Cho bản thân không gian để thở Không gian giữa các yếu tố trong bản đồ tư duy cũng đóng vai trò rất quan trọng như chính các mục. Có một khoảng không gian trống nhất định xung quanh mỗi mục sẽ hữu ích đối với sự rõ ràng và cấu trúc của bản đồ tư duy. Vừa giúp dễ dàng quan sát và cũng vừa giúp khả năng hấp thụ thông tin được tốt hơn.
 Phát triển bản đồ tư duy qua ba giai đoạn: - Chấp nhận: trước khi lập bản đồ tư duy hãy gạt bỏ đi mọi định kiến về trí thông minh, trí tưởng tượng hay kỹ năng hội họa của bạn. Chỉ cần tuân thủ các quy tắc cơ bản và bạn sẽ khám phá ra tầm quan trọng của hình ảnh và màu sắc.
- Ứng dụng: sau khi hiểu hết các quy tắc, hãy áp dụng bằng cách lập nhiều bản đồ tư duy nhất có thể.
- Thích ứng: bạn sẽ phát triển theo một phong cách lập bản đồ tư duy riêng theo thời gian sau khi đã tạo ra hàng trăm bản đồ tư duy.
Các ứng dụng chính của bản đồ tư duy Bản đồ tư duy không chỉ được tạo ra với mục đích ghi nhớ, nó còn có thể dễ dàng áp dụng vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn như một tấm bản đồ tư duy cho mục tiêu “Chạy Marathon”. Các ý tưởng cơ bản theo thứ tự - Basic Order Ideas (BOI) phản ánh mối quan tâm chính của người luyện tập chạy đường dài bao gồm LUYỆN TẬP, DINH DƯỠNG, TRANG BỊ, ĐỘNG LỰC và TRỞ NGẠI. Từ các từ khóa này, ta dẫn ra thêm các nhánh khác, trang thiết bị ta cần là gì, khi đối mặt với trở ngại ta sẽ có phương án nào, nếu phương án A chưa tối ưu thì có nên chuẩn bị thêm phương án B hay không? Bạn hoàn toàn có thể khám phá qua từng giai đoạn trong hành trình của mình một cách đầy đủ hoặc tạo thêm những bản đồ tư duy để khám phá từng bước sâu hơn.
Một số gợi ý liên quan đến ứng dụng của bản đồ tư duy ngoài việc đặt mục tiêu để dễ dàng đến đích hơn thì còn có “lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ”, “tìm kiếm món quà hoàn hảo”, “nghiên cứu” hay “xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh”,... Lời khuyên ở đây là hãy cứ tự do vận dụng và sáng tạo hết mức có thể với bản đồ tư duy, giới hạn chỉ nằm trong suy nghĩ của bạn.

3. Bản đồ nào không phải bản đồ tư duy?

Những người mới làm quen với bản đồ tư duy hoặc chưa nắm vững những quy tắc lập bản đồ tư duy có thể thấy mình tạo ra một sơ đồ trông giống bản đồ tư duy nhưng hóa ra lại là một thứ hoàn toàn khác, như sơ đồ mạng nhện, sơ đồ kim tự tháp, bản đồ khái niệm, sơ đồ xương các hoặc biểu đồ hình tia nắng mặt trời.
Mỗi kiểu sơ đồ vừa nói trên đều là các phương pháp ghi chép được nhiều người sử dụng vì họ nghĩ nó tối ưu hoặc vô tình dùng mà không biết tên gọi của chúng. Điểm chung của những kiểu sơ đồ dạng này là phân nhánh, phân cấp, đơn điệu, có thể tối đa thông tin và trông có vẻ giống với bản đồ tư duy, nhưng lại thiếu sự sáng tạo, tính hấp dẫn trong hình ảnh và màu sắc. Các kiểu ghi chép này về cơ bản là tối ưu hơn việc ghi chép tuyến tính nhưng lại khó có thể cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin của bộ não.
“Nói chung, bản đồ tư duy giải phóng sức mạnh của tư duy sáng tạo tốt hơn nhiều các loại công cụ trực quan khác.”
Và để bản đồ tư duy của bạn không trở thành một kiểu sơ đồ nhàm chán nào đó thì hãy luôn ghi nhớ những điều dưới đây:
“Nếu bản đồ tư duy của bạn mất đi hình ảnh trung tâm, bộ não và trái tim của nó sẽ bị tước đoạt.
Nếu bản đồ tư duy của bạn mất đi màu sắc, sức mạnh của nó sẽ tan biến.
Nếu bản đồ tư duy của bạn chỉ còn những đường thẳng, nó sẽ mất đi sức hấp dẫn.
Nếu bản đồ tư duy của bạn mất đi hình ảnh, dòng máu sinh lực của nó sẽ cạn khô.
Nếu bản đồ tư duy của bạn có nhiều hơn một từ trên mỗi nhánh, nó sẽ thật khó coi.
Nếu các nhánh và từ khóa trên bản đồ từ duy của bạn dài ngắn không cân xứng, cấu trúc của nó sẽ sụp đổ.
Bây giờ, hãy hình dung những bất lợi chồng chất nếu mất đi bộ quy tắc. Khi đó, một trạng thái vô luật, hỗn loạn và tan rã sẽ xảy ra...”

4. Tìm kiếm giải pháp

Nếu bạn đang trên con đường học cách lập một bản đồ tư duy đúng nghĩa, ở một số giai đoạn, bạn có thể cảm thấy phương pháp ghi chép này không hợp với mình. Xin đừng từ bỏ!
Tất cả những gì bạn cần làm là kiên trì.
“Sự kiên trì là bí quyết lập bản đồ tư duy, và tôi sẽ cổ vũ bạn “Thử đi, thử tiếp và THỬ lại!”
“Thông thường, vấn đề không nằm ở bản đồ tư duy, mà ở sự lo ngại của con người. Sợ hãi là kẻ phá hủy tâm trí. Nếu trên chiếc thuyền trong vùng biển động, bạn sẽ bám chặt lấy sợi dây thừng, cầm bánh lái để nắm quyền điều khiển nó; tương tự như vậy, nếu bạn từng kẹt trong vùng nước hiểm trở khi lập bản đồ tư duy, hãy bám chặt vào các quy tắc.”

5. Các ứng dụng đa dạng của bản đồ tư duy

Như đã đề cập qua ở phần thứ hai, vì bản đồ tư duy dựa trên cách chúng ta quan sát thế gới theo bản năng, nên đường nhiên, nó sở hữu nhiều ứng dụng đa dạng, mỗi ứng dụng đều riêng tư và độc đáo với mỗi chúng ta. Bản đồ tư duy vô cùng đa năng và hữu ích trong hầu hết nhiệm vụ bạn đặt ra cho nó, từ nhà cửa, công sở, giáo dục, sáng tạo, cho đến cả sức khỏe và trí nhớ.
Bản đồ tư duy cũng có thể hoạt động như một sự kích thích trực tiếp, thúc đẩy chúng ta hoạt động. Trong cuốn The Scottish Himalayan Expedition (tạm dịch: Chuyến thám hiểm Himalaya kiểu Scotland) của nhà leo núi kiêm nhà văn người Scotland, W.H. Murray đã cho thấy mọi thứ sẽ vào đúng chỗ khi chúng ta cam kết làm điều gì đó. Và việc tạo một bản đồ tư duy là cách lý tưởng để đưa ra cam kết đó. “Trong mọi sáng kiến (và sáng tạo), thật sự là, thái độ thờ ơ với sáng kiến sẽ giết chết vô số ý tưởng và kế hoạch đẹp đẽ: Khoảnh khắc một người tự cam kết với chính mình, tầm nhìn cũng mở rộng theo.” - W.H.Murray
Tóm lại, bản đồ tư duy không chỉ là phương pháp để tổng hợp và ghi nhớ kiến thức, đó còn là công cụ đắc lực để cam kết, thúc đẩy hoạt động, giải quyết các vấn đề hằng ngày bằng việc chia nhỏ mọi thứ ra theo những quy tắc. Hãy cứ tự do khám phá cách vận dụng bản đồ tư duy vào cuộc sống, tất cả chỉ bị giới hạn bởi tâm trí của bạn.

6. Tương lai của bản đồ tư duy

Liệu sẽ có tương lai nào cho bản đồ tư duy trong thời đại kỹ thuật số và mối liên hệ của nó với Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang phát triển vượt bậc?
Bản đồ tư duy luôn phát triển, vì bản đồ tư duy phản ánh quá trình tư duy của bộ não con người nên chắc chắn sẽ tuân theo các nguyên tắc tiến hóa.
Trong thời đại mới, sự cân bằng có vẻ đã dịch chuyển từ thủ công sang công nghệ máy tính, và các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem tâm trí và quy trình tư duy của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghệ hiện đại như thế nào.
Vào thời điểm năm 2018 khi Tony Buzan viết cuốn sách này ông đưa ra luận điểm rằng Trí tuệ Nhân tạo (AI) thiếu nhận thức dựa trên tri giác, và có vẻ đến thời điểm hiện tại thì vẫn vậy. Tháng 11/2022, ChatGPT ứng dụng do OpenAI phát hành gây sốt toàn thế giới vì những gì nó có thể làm được. Những chatbot này có thể trò chuyện như con người, viết báo, làm thơ và nói về hầu hết mọi chủ đề. Việc ta thấy các Chatbot đôi khi đưa ra các phản hồi sai lệch, khó hiểu, thậm chí tự ý làm những tác vụ mà ta không yêu cầu là vì chúng được nạp dữ liệu từ internet với hầu hết các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Dù được cho là có “khả năng suy diễn” nhưng Chatbot không hề có tri giác như con người.
Trong bài báo cáo cho tờ New York Times có tên Artificial Intelligence Is Stuck. Here’s How to Move It Forward, giáo sư Gary Marcus lưu ý rằng các hệ thống AI đang gặp khó khăn trong thế giới thực và lập luận rằng chúng ta cần phát triển một mô hình AI mới trong đó các kiến thức “từ trên xuống” và “từ dưới lên” được đặt trên cơ sở cân bằng. Kiến thức từ dưới lên như là loại thông tin thô mà chúng ta tiếp nhận trực tiếp từ giác quan, còn kiến thức từ trên xuống gồm các mô hình nhận thức về cách thức hoạt động của thế giới. AI hiện đang làm việc chủ yếu với kiến thức từ trên xuống, chứ không phải là kích thích cảm giác. Lập luận của Garry Marcus là cả hai hình thức kiến thức cần phải được tích hợp nếu muốn hệ thống AI phát triển vượt khỏi vai trò kho chứa thông tin thụ động. Máy tính ngày nay không nhận thức được những gì mà chúng đang làm, chúng thiếu ý thức thực sự.
Những cỗ máy AI sẽ không bao giờ thưởng thức một bữa ăn ngon, lắng nghe môi trường xung quanh nó, cười, khóc và hồi tưởng. Trong trường hợp này, có lẽ yếu tố con người vẫn là một thành phần thiết yếu đối với bản đồ tư duy trong tương lai gần.
Và chúng ta vẫn chưa phát triển AI đến độ có thể lập bản đồ tư duy bằng cách sử dụng liên kết và trí tưởng tượng theo những cách có ý nghĩa. Tony Buzan tin rằng khả năng lập bản đồ tư duy là bằng chứng rõ ràng nhất về trí thông minh của các AI. Thay vì sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng bản đồ tư duy, thì bản đồ tư duy có thể là một cách tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển của AI. 

Lời kết

Bản đồ tư duy vô cùng toàn năng, cũng vì thế mà việc hiểu sâu và áp dụng đúng cũng rất khó, điều quan trọng là ta phải kiên trì và hiểu đúng việc mình đang làm.
Bạn khó có thể thành thạo một kĩ năng nào đó chỉ bằng cách đọc một cuốn sách hay xem vài video, hãy coi đây là nguồn tài liệu tham khảo, nguồn động lực cho một bản đồ tư duy “đúng nghĩa” đầu tiên của bạn. Quá trình hoàn thiện một kỹ năng cần thời gian dài với nhiều nguồn kiến thức, quan trọng là ta phải kiên trì, kiên trì và kiên trì với mục tiêu của mình.
“Hãy bắt tay vào giai đoạn tiếp theo trong chuyến phiêu lưu với bản đồ tư duy ngay bây giờ bằng cách lập một bản đồ tư duy lấy chủ đề thay đổi cuộc sống của bạn. Trong bản đồ tư duy này, hãy vận dụng tất cả các kỹ năng lập bản đồ tư duy của bạn để nhìn xa hơn hoàn cảnh hiện tại, kết nối với những ước mơ và khám phá ra những cách mới và thú vị. Một khi đã bắt đầu, tôi biết sẽ không gì ngăn được bước tiến của bạn.”