Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
“Thuở thiếu thời, tôi thường nghe cha nói về Kim Các.
Tôi được sinh ra nơi một mũi đất vắng vẻ nhô ra biển Nhật Bản, phía Đông Bắc Maizuru, nhưng cố hương của cha tôi lại không phải ở đó, mà ở Shiraku, ngoại ô phía Đông Maizuru. 
Cố hương của cha tôi có nhiều ánh sáng, nhưng vào khoảng tháng mười một, tháng mười hai, ngay cả những ngày có vẻ quang đoãng, trời vẫn đổ mưa tới bốn năm lần.
Những buổi chiều tà tháng Năm, khi đi học về tôi hay trèo lên phòng học ở tầng hai nhà chú, nhìn về ngọn đồi trước mặt. Triền đồi lá non đẫm ánh hoàng hôn, và ngay giữa cánh đồng cỏ, thấy như có một bức bình phong dát vàng ai đó đã dựng lên, mà tôi cứ ngỡ Kim Các."
Vào tháng 7 năm 1950, toàn bộ nước Nhật bỗng rúng động vì vụ án phóng hỏa chùa Kim Các ở Kyoto, gây ra bởi một tiểu tăng trong chùa. Dựa trên câu chuyện có thật, sáu năm sau, nhà văn Mishima Yukio viết lên tác phẩm Kim Các Tự. Kim Các Tự trở thành một tác phẩm văn học đặc sắc nhờ vào khả năng sử dụng ngôn từ phong phú, độc đáo và tinh tế.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn làm lên tên tuổi của nhà văn Mishima Yukio tại xứ sở mặt trời mọc nhờ khả năng tái hiện sâu sắc cuộc đấu tranh xung đột nội tâm, đi sâu vào phân tích động cơ phía sau hành động của nhân vật chính trong câu chuyện. Cuốn sách sẽ khiến bạn đọc phải liên tục trăn trở, không ngừng đặt ra câu hỏi: "Tại sao một người từng hết lòng yêu cái đẹp lại có thể ra tay tàn phá một cách tàn bạo đến vậy?"

Tóm tắt nội dung

Tiểu thuyết kể về Mizoguchi, con trai vị tu sĩ nghèo trong ngôi chùa hẻo lánh ở vùng ngoại ô Đông Maizuru. Từ khi sinh ra cậu đã có một thân thể yếu ớt, mắc tật nói cà lăm (nói lắp). Vì ngoại hình xấu xí, khiếm khuyết nên Mizoguchi bị bạn bè xung quanh chế giễu xa lánh. Không thể hòa nhập với chúng bạn, Mizoguchi trở thành một cậu bé lặng lẽ, sống khép kín.
May mắn trong mỗi chuyến ghé thăm nhà, cha thường dành thời gian kể cho Mizoguchi nghe về Kim Các Tự - một tòa tháp lâu năm trong ngôi chùa ngụ tại Tokyo. Vẻ đẹp Kim Các Tự trong những câu chuyện cha kể, chẳng biết từ khi đã trở thành một biểu tượng ý nghĩa trong lòng Mizoguchi.
 “Dù không biết bao lần Kim Các rành rành trong ảnh và trong sách học, nhưng nét diễm lệ của Kim Các mà cha tôi kể vẫn cứ chiếm ngự lòng tôi. Tuy chúng tôi không hề nói về một Kim Các cụ thể lấp lánh hoàng kim, nhưng theo ông, không có gì trên đời đẹp hơn Kim Các.” 
Mỗi ngày trôi qua bất kể nắng mưa, dù đặt chân đến bất cứ nơi đâu, Kim Các đều sát bên cậu. Tâm hồn cậu thiếu niên nhỏ tuổi và vẻ đẹp Kim Các trong trí tưởng tượng đã hòa quyện vào nhau.
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa
Mỗi lần chỉ cần bắt gặp một cảnh sắc đẹp đẽ nào đó, cậu đều liên tưởng đó chính là Kim Các Tự.
 “Khi nhìn cánh đồng xa xa lung linh dưới ánh mặt trời, tôi cứ ngỡ đó là hình bóng của Kim Các Tự. Dù Tokyo thực ra nằm ở hướng Tây ngược lại, tôi vẫn thấy Kim Các từ giữa vùng nắng sớm nơi núi đồi ấy sừng sững hiện lên trên bầu trời ban mai phía Đông. Kim Các cứ hiện ra khắp nơi như thế. Dù trong hiện thực, tôi chưa từng nhìn tận mắt Kim Các.”
Có thể nói, Kim Các đã trở thành tâm điểm chính trong cuộc sống của Mizoguchi lúc bấy giờ.
Nhưng niềm tin nhanh chóng vỡ tan khi cậu được cha dẫn cậu lên Tokyo trong chuyến ghé thăm chùa. Cha muốn gửi gắm cậu cho thầy sư chủ trì trước khi ông lâm bệnh nặng qua đời. 
Đó là chuyến đi đầu tiên Mizoguchi rời xa quê nhà, cũng là chuyến đi cậu hằng ao ước, được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của Kim Các.

Niềm hy vọng tan vỡ

Nếu trước đây, trong lòng Mizoguchi Kim Các là một tòa tháp mang vẻ đẹp huyền ảo, lộng lẫy, tỏa sáng thì giờ đây cậu phải đón nhận nỗi thất vọng ê chề vì vẻ ngoài xấu xí, tầm thường, thô kệch của Kim Các đời thực sừng sững trước mặt.
“Tôi thay đổi góc độ hoặc nghiêng đầu mà ngắm, nhưng chẳng thấy cảm động chút nào. Đó chẳng qua chỉ là một tòa nhà ba tầng cũ kỹ, đen đúa, nhỏ bé. Con phượng hoàng trên đỉnh giống như một con quạ đang đậu. Đẹp là đẹp ở chỗ nào? Nó chỉ cho tôi cảm giác bồn chồn khó chịu. Tôi tự hỏi: Cái đẹp ư? Chẳng lẽ nó ở nơi chẳng đẹp đẽ này sao?
“Tượng này nữa, trước mắt tôi, tôi chỉ thấy nó như một bức tượng kỳ quái, lấm lem và chẳng có chút gì là đẹp.
Trong sách có một chi tiết Mizoguchi lặng người, tựa vào lan can mong manh nhìn bâng quơ xuống mặt hồ. Khi nhìn xuống, cậu thấy: “Kim Các rơi thẳng xuống hồ, ánh hoàng hôn khi ấy trên mặt hồ, khiến cho tòa thấp ẩn hiện như mặt soi cổ bằng đồng đã han gỉ.” Phải chăng giây phút ấy cái đẹp trong lòng Mizoguchi cũng đang rơi, chúng vỡ vụn hàng trăm mảnh, làm nhiễu cả mặt hồ vốn rất phẳng lặng và yên ả.
Một chuyến đi buồn. Còn tâm hồn cậu thiếu niên khi ấy, có thêm một vết cắt sâu. 
Khi cha qua đời, Mizoguchi được gửi trong chùa, trở thành chú tiểu, ngày ngày sống gần bên Kim Các. Công việc mỗi ngày của Mizoguchi là: quét dọn, đi học, luân phiên hầu trà cho các sư thầy. 
Dù sống cạnh Kim Các, nhưng Mizoguchi chưa bao giờ có thể ngăn mình thôi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng tòa tháp. Dù rằng giờ đây đối với cậu, vẻ đẹp ấy chẳng còn vẹn nguyên.
Mizoguchi ngắm nhìn tòa tháp nhiều đến nỗi bị các chú tiểu khác cười nhạo, nhưng cậu chẳng lấy làm bận tâm. 
“Những ngày ở Maizuru, ngẫm ra, đối với tôi, dường như Kim Các đứng vĩnh viễn ở một góc ở Tokyo, nhưng bây giờ tôi đến sống ở đây, Kim Các chỉ thực sự hiện ra trước mắt tôi khi tôi nhìn nó, và khi tôi ngủ trong phòng chính, tôi có cảm tưởng nó không còn nữa. Do đó ban ngày tôi cứ ngắm Kim Các hoài hoài, làm mấy tiểu tăng khác cứ cười nhạo tôi. Dù ngắm nó bao nhiêu lần đi nữa, chuyện Kim Các tồn tại ở đó với tôi vẫn quá lạ lùng, và nếu ngay cả sau khi đã ngắm và đáng trên đường trở về phòng chính, tôi đột ngột quay lại nhìn lần nữa, Kim Các, tôi nghĩ giống như Eurydice sẽ biến mất trong nháy mắt.”
Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa luân chuyển đến và đi. Chú tiểu Mizoguchi lớn lên, từ một cậu thiếu niên trung học nay trở thành sinh viên trường đại học dưới sự nuôi nấng, hỗ trợ của vị sư chủ trì trong chùa.
Lên đại học, chú tiểu vẫn giữ dáng vẻ như trước, đơn độc, một mình. Người duy nhất cậu có thể kết bạn, trò chuyện là Kashiwagi - một sinh viên đại học có tật ở chân, mối bận tâm lớn nhất anh chàng này luôn xoay quanh việc hẹn hò và ngủ với các cô gái đẹp. 
Bên cạnh Kashiwagi, chú tiểu thấy an toàn, giữa hai người họ dường như tìm thấy một sợi dây liên kết trong tâm hồn hay phải chăng vì Kashiwagi là một anh chàng có khiếm khuyết, vậy nên chú tiểu không cần phải sợ hãi Kashiwagi sẽ đả kích vào yếu điểm của mình như những người bạn trong quá khứ.
Nhìn vẻ bề ngoài ai cũng nghĩ Mizoguchi đơn thuần là một chú tiểu lặng lẽ, khép kín, nhưng không ai biết đằng dáng vẻ trầm lặng lại có một tiểu vũ trụ chực chờ muốn nổ tung.
Những con sóng ngầm không ngừng trỗi dậy trong tâm tưởng chú tiểu. Thời gian không làm cho những con sóng ngầm lặng yên, ngược lại chỉ khiến chúng trở nên lớn mạnh hơn.

Liệu trên thế gian này, cái đẹp hoàn hảo có thực sự tồn tại?

Mizoguchi đã dành nhiều thời gian suy tư, tìm đọc những cuốn sách tự cổ chí kim, nhưng cậu vẫn không tài nào lý giải được tại sao bản thân cậu luôn cảm thấy đau khổ, cảm giác không thể thỏa mãn với cuộc sống hiện tại.
Tâm trí của Mizoguchi trong mọi khoảnh khắc, liên tục tìm một thứ gì đó mà chính cậu không hiểu được.
Vì không thể tìm thấy điểm cân bằng trong suy nghĩ, nội tâm của Mizoguchi liên tiếp nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn tích tụ đủ lâu, khiến cậu bắt đầu hành động chống phá.
Không chịu học hành tử tế, Mizoguchi thường xuyên cúp học đi lang thang. Một ngày nọ, cậu còn nghe lời tên lính Mỹ dùng chân chà đạp lên bụng người thiếu nữ làm cô ta sảy thai, nhưng không một chút hối hận về hành động man rợ của mình, ngược lại cậu còn cảm thấy hả hê, vui sướng.
Lâu dần hành động của Mizoguchi biến chất hơn. Cậu tìm đến kỹ viện, ngủ với các cô gái trẻ, bỏ chùa đi bụi, vay mượn tiền không trả. Nhưng mọi hành động sai trái của cậu, đều được tha thứ.
Nhưng khi nhận được sự khoan dung, Mizoguchi lại càng cảm thấy không thỏa mãn. Bên trong cậu, mỗi ngày đều nung nấu ý chí phải hành động xấu xa hơn.
Ban đầu, Mizoguchi suy tính sẽ làm cái gì đó thật tàn nhẫn để Sư Thầy chủ trì đuổi ra khỏi chùa. Nhưng chờ mãi không có cơ hội. Vào một ngày nọ, cậu nảy ra ý định đốt Kim Các Tự. Cậu quyết chí phải biến cái tòa tháp hàng trăm năm tuổi ất cháy thành tro bụi, chỉ khi nào Kim Các bị hủy diệt, cậu mới hả dạ.
Mizoguchi nảy sinh ý định đốt Kim Các không phải cậu ghét Kim Các, ngay cả khi đối mặt nỗi thất vọng về phía cạnh xấu xí của tòa tháp. Sâu thẳm trong lòng, cậu biết trên đời này không có ai có thể yêu Kim Các như trái tim non trẻ của cậu. Tuy nhiên khi càng yêu, càng đem lòng say mê, càng hướng về Kim Các Tự, mong muốn hủy diệt trong cậu lại càng lớn.
Những ngày kế tiếp, Mizoguchi tỉ mỉ lên chuẩn bị cho kế hoạch phóng hỏa. Cậu chuẩn bị rơm, bật lửa, thăm dò thời tiết tình hình, định ngày hành động. Cậu cũng chuẩn bị dao găm, thuốc lá, thuốc độc sẵn để tự sát. Cậu muốn sau khi Kim Các bốc cháy, cuộc đời cậu cũng chấm dứt.

Động cơ nào cho một con người say mê cái đẹp nhiều đến thế lại dấy lên sự khao khát hủy diệt nó mãnh liệt đến vậy?

Theo cảm nhận mình khi đọc tác phẩm, mình nghĩ nguồn cơn cho mọi hành động sai lệch của chú tiểu chính là nỗi thất vọng. Nỗi thất vọng không thể tìm thấy điểm dung hòa giữa cái đẹp trong mộng tưởng và cái đẹp đời thực.
Nỗi thất vọng đầu tiên mà chú tiểu phải tiếp nhận là do quân bài số mệnh phân chia. Sinh ra trong thân phận con của một vị thầy chùa nghèo, gia cảnh túng thiếu, sở hữu thân thể xấu xí, mắc tật nói lắp. Tất cả những gì Mizoguchi phải tiếp nhận khi còn bé dường như đã quá lớn, quá đau đớn so với sức chịu đựng của một đứa trẻ.
Ngay từ đầu, tác giả đã lý giải cái tật nói lắp đã là một cánh cửa đóng kín, ngăn cách cậu bé mở lòng với thế giới bên ngoài. Bởi vì ngôn từ là chiếc chìa khóa, là cánh cửa giao tiếp, kết nối một người với cuộc sống xung quanh anh ta.
“ Cái tật cà lăm ấy, không cần phải nói ra, thì ai cũng biết nó ngăn cách tôi với ngoại giới. Cái âm đầu tiên thoát ra được cửa miệng thật khó khăn. Mặc dù biết cái âm đầu tiền giống như chìa khóa để mở cánh cửa nội giới thông ra ngoại giới, tôi cũng xoay mãi chiếc chìa ấy mà chẳng được. Phần đông người ta nhờ nói được ngôn ngữ một cách thông suốt, mới mở được cánh cửa nội giới thông ra ngoại giới, giữ cho giao tiếp trơn tru, nhưng tôi thì chẳng thể làm vậy. Ổ khóa đã gỉ mất rồi.
“ Người bị tật cà lăm, trong khi vội vàng, tất cả để phát ra cho được cái âm thứ nhất, cũng giống như con chim nhỏ vững vẫy gỡ thân khỏi keo đặc quánh, nhưng khi thân đã thoát được thì muộn mất rồi. Trong tôi cũng vậy, ngoại giới hiện thực cũng có khi khoanh tay chờ đợi, nhưng cái hiện thực đang chờ đợi tôi ấy không còn là hiện thực tươi mát nữa.”
Nỗi thất vọng thứ hai hình thành từ sự đơn thuần của người cha. Xuất phát từ lòng say mê và tình yêu chân chính với Kim Các, ông vô tư truyền đạt cái đẹp cho cậu con trai bé bỏng. Mặc dù có thể cái đẹp trong đôi mắt và quan điểm của người cha, cái đẹp trường tồn với thời gian dù có thô kệch, rạng nứt đến đâu chính là vẻ đẹp toàn vẹn và hoàn hảo nhất. 
Nhưng ông hề biết rằng qua đôi mắt ngây thơ một đứa trẻ cái đẹp hoàn toàn nguyên vẹn, giữ đúng bản chất như lời ông nói. Để rồi khi đứa trẻ tận mắt nhìn thấy sự khác biệt giữa đời sống và những gì mà tâm trí có hình dung, đã nuôi dưỡng. Thì một sự phản kháng mãnh liệt sẽ xé nát tâm can, làm trái tim nó tổn thương sâu sắc.
Pinterest
Pinterest
Có phải tất cả chúng ta đều trải qua cảm giác thất vọng đến nghẹn thở khi phải đối mặt với hiện thực không như mong đợi. Khi còn là một đứa trẻ chúng ta có thật nhiều hoài bão, mơ ước. Nhưng lớn lên, cuộc sống trưởng thành dần khiến chúng ta đánh mất sự ngây thơ, trong trẻo ngày nào. Không những vậy, dòng đời đưa đẩy còn khiến tâm hồn chúng ta mang theo tổn thương mà thời gian không thể xóa nhòa. Những vết thương ấy thường rất sâu và rất đau, bạn nhỉ?
Nếu phân tích kỹ hơn, ta sẽ thấy xung đột nội tâm của Mizoguchi không chỉ dừng lại ở mâu thuẫn giữa cái đẹp mộng tưởng và thực tế. Xung đột ấy còn bắt nguồn từ sự bức xúc khi liên tiếp phải chứng kiến sự thối nát và bần cùng của hiện thực.
Là sự tàn bạo của chiến tranh. Lòng khinh bỉ với ham muốn tầm thường, tục tĩu của các sư thầy ngày thì an tĩnh giao giảng đạo lý, đêm về dùng tiền của người dân quyên góp đến kỹ viện, ăn chơi trác táng. 
Nỗi đau của Mizoguchi còn tích tụ trong sự tức giận đối tham vọng của người mẹ. Trong mỗi lá thư gửi viết gửi con trai. Bà đều viết, mong ước lớn trong cuộc đời bà là được nhìn thấy con trai trở thành vị sư chủ trì của chùa. Mẹ của chú tiểu - ẩn sâu dưới dáng vẻ hiền lành, chất phác thực chất che giấu một tham vọng lớn.
Hà cớ sao mọi chuyện lại thành ra như vậy? Tâm hồn Mizoguchi khao khát được ôm ấp, được chạm vào cái đẹp một cách đơn thuần và chân chính. Nhưng sao cuộc đời này, từ cảnh vật, con người xung quanh, kể cả bản thân chú tiểu lại tồn tại quá nhiều sự xấu xí hợm hĩnh.
Nỗi thất vọng của Mizoguchi ban đầu nhỏ xíu, tựa như một hạt cát trong sa mạc. Nhưng theo năm tháng, thời gian dần trôi, nỗi thất vọng phình to như thế ai đem những hạt cát rải vào một quả bóng bay mà không biết rằng, quả bóng bay sẽ nổ tung vì nó vốn dĩ rất nhỏ bé và mong manh.
Đệ nhất phu nhất Mỹ Abigail Adams từng nói: “Nỗi thất vọng và bất hạnh của chúng ta phát sinh từ việc hình thành những quan niệm sai lầm về sự vật và con người.”
Sai lầm lớn nhất trong đời Mizoguchi có lẽ cậu đã chăm bẵm quá kỹ cái ý niệm rằng trên thế gian này tồn tại cái đẹp hoàn hảo tuyệt đối. Vì mộng tưởng không tìm thấy điểm cân bằng trong đời thực nên sự hạt giống bất hạnh ươm mầm bấy lâu, bắt đầu nảy sinh mạnh mẽ.

Thông điệp chính trong tác phẩm 

Xuyên suốt quá trình khai thác khía cạnh nội tâm, đào sâu động cơ hành động của nhân vật Mizoguchi từ cậu bé thơ ngây cho đến tiểu tăng phóng hỏa đốt tòa tháp. Thông điệp chính tác giả gửi gắm trong tác phẩm chính là:"Chúng ta cần có đủ sự tỉnh táo, để nhìn thấu bản chất cuộc sống. Nhìn thấu rồi, hãy học cách sống chung với cuộc sống này bằng sự hiền hòa và sáng suốt". 
Phải nhớ rằng, một phần của cái đẹp là sự xấu xí, cái đẹp và sự xấu xí không đối nghịch, chúng là một tổng thể hòa hợp, giống như ánh sáng có thể tồn tại được là nhờ vào bóng đêm. Sự bất toàn và mong manh cũng vậy, chúng là một phần tạo nên sự sống. Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ được chân lý này, chấp nhận nó, đón nhận nó một cách chân thành, khi đó chúng ta mới có thể sống trọn vẹn với đời.

Đừng sợ hãi vì có dục vọng, hãy tin rằng chúng ta luôn có cơ hội để tái sinh

Khi nhìn cảnh Kim Các Tự cháy trong biển lửa, dục vọng dồn nén trong lòng chú tiểu bấy lâu hóa thành tro bụi giống như ngọn lửa đang bùng cháy trên tòa tháp Kim Các. Cũng vào khoảnh khắc ấy, khao khát được sống trỗi dậy mãnh mẽ bên trong thân thể đẫm máu của Mizoguchi.
“Khi tỉnh ra, tôi mới thấy cả thân mình bị bỏng rộp, bị xước và chảy máu. Ngón tay tôi cũng chảy máu dầm dề, rõ ràng đây là vết thương tôi gây ra lúc đấm vào cánh cửa ban nãy. Tôi liếm vết thương như con thú chạy trốn. Tôi mò vào túi, lôi ra con dao găm, và lọ thuốc an thần Calmotin gói trong khăn tay. Nhắm hướng khe núi, tôi quăng xuống đất."
Tay tôi đụng vào gói thuốc lá ở trong túi khác. Tôi châm thuốc, hút. Tôi cảm thấy giống như một người vừa làm xong công việc và thảnh thơi hút một điếu thuốc, tôi muốn sống.”
Qua cách truyền đạt của tác giả, những ham muốn, dục vọng của con người phải chăng cũng là điều bình thường, là một loại bản năng sống. Yêu mến cái đẹp, khao khát sở hữu cái đẹp là dục vọng. Nhưng dục vọng này không hẳn là xấu, chúng đơn giản là một chất liệu góp phần tạo nên sự nhiệm màu cho đời sống.
Tuy nhiên chúng ta cần có sự tỉnh thức để quản lý dục vọng của mình. Bởi dục vọng không đứng yên, chúng sẽ di chuyển, sẽ lớn lên, sẽ phình to. Một khi dục vọng đã lớn, rất khó kiểm soát.
Quản chế dục vọng là phương thức giá trị giúp con người tránh những đau khổ không cần thiết trên đường đời. Tuy nhiên, đôi lúc con người buộc phải trả giá bằng nỗi đau, bằng trải nghiệm của bản thân, mới lĩnh hội được chân lý. 
Giống như Mizoguchi, cậu phải trả giá cho hành động sai lầm của bản thân. Cận kề cái chết, lòng cậu mới thấu tỏ. Được chân lý soi sáng, tâm hồn cậu mới tự do. Và khi ấy, khao khát được sống trỗi dậy mạnh mẽ, cậu giống như loài phượng hoàng bay lên từ đống trò tàn, được thức tỉnh và tái sinh.
Pinterest
Pinterest
“Người ta cứ nói rằng mọi giá trị đã bị sụp đổ, nhưng trong tôi, trái lại, vĩnh cửu đã thức dậy, đã sống lại và xác lập quyền lợi của nó. Vĩnh cửu đã nói với tôi rằng Kim Các sẽ còn mãi cho đến muôn đời.”
Cái hay của tác giả trong tác phẩm chính là cho phép tình yêu và dục vọng được song hành, để chúng tương tác với nhau, phát triển cùng nhau, sau đó cùng nhau hủy diệt. Nhưng sự hủy diệt luôn cần thiết để sự sống được sinh ra, phát triển theo một hình thức mới.
Sự thật là vĩnh cửu tồn tại. Nhưng vĩnh cửu sẽ tồn tại cùng sự mất mát, chúng giống như một cặp bài trùng, tựa như ngày và đêm, như ánh sáng và bóng tối, như cái đẹp và xấu xí là một tổng thể hòa hợp, mãi không tách rời.
Qua tác phẩm Kim Các Tự, một lần nữa ta sẽ thấm nhuần chân lý: “Khi con người ta yêu một thứ đó quá mãnh liệt, nếu đổ vỡ, mong muốn hủy diệt tình yêu ấy sẽ rất lớn mạnh.”
Kim Các Tự quả thực là một tác phẩm văn học đẹp và đượm buồn.

Đôi nét về tác giả

Internet
Internet
Mishima Yukio (1925 - 1970) sinh tại Tokyo, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ Tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông: "Khát vọng yêu đương" (năm 1950), "Tiếng triều dâng" (năm 1954, giải thưởng Văn học Shinchosha), "Kim Các Tự" (năm 1956, giải thưởng Văn học Yomiuri), Sau bữa tiệc (năm 1960)... Ngày 25 tháng 11 năm 1970, ông tự sát tại doanh trại Ichigaya của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành những trang cuối bản thảo "Năm tướng suy của người trời" - tập thứ 4 trong tác phẩm trường thiên "Biển phì nhiêu". Các tác phẩm của Mishima Yukio được yêu thích toàn thế giới. 
Ông là một trong nhà căn hàng đầu Nhật Bản vào thế kỷ 20. Văn chương ông luôn được đánh giá là các tác phẩm tinh tế, đa cảm xúc, luôn gắn liền với sự hủy diệt. Tuy nhiên đằng sau mỗi sự hủy diệt, bạn đọc luôn có thể tìm thấy ý nghĩa chân thực của sức sống và cái đẹp.