Đôi Lời Cảm Nghĩ Về Stalker của Tarkovsky
Các bạn có bao giờ thường thức được ý thơ trên màn ảnh chưa? Cảm nhận đó như thế nào? Bài thơ mang lại thông điệp và ý nghĩa gì?...
Các bạn có bao giờ thường thức được ý thơ trên màn ảnh chưa? Cảm nhận đó như thế nào? Bài thơ mang lại thông điệp và ý nghĩa gì?
Dạo gần đây mình vừa xem lại phim Stalker, ‘Người Dẫn Đường’ (1979) của đạo diễn người Nga, Andrei Tarkovsky. Nếu các bạn là một người có nghiên cứu về điện ảnh thì không còn xa lạ với cái tên và phong cách của đạo diễn này và cũng lập tức trả lời được câu hỏi ở trên đề ra. Tuy nhiên, trả lời được câu hỏi thì cũng chỉ là bước tiến ban đầu. Đây là một bộ phim về hành trình đi vào Khu (The Zone, cũng có thể dịch là ‘Vùng Cấm’ nhưng mình thích dịch là ‘Khu’ hơn.) của ba người đàn ông không có họ tên mà chỉ được gọi theo chức vụ hoặc công dụng của nhân vật trong phim: người dẫn đường (Stalker), giáo sư (Professor) và nhà văn (Writer). Theo lời đồn rằng trong Khu có một Căn Phòng (The Room), nơi đó có thể biến ước mơ hoặc ham muốn của con người thành hiện thật. Giáo sư với ham muốn tìm đến kiến thức và nhà văn đang tìm kiếm một cảm hứng mới trong sáng tác đã theo chân người dẫn đường đi vào trong Khu để thực hiện mong muốn.
Khu là một nơi đầy những dấu vết phát triển thái quá của con người bị bỏ hoang và bây giờ chỉ còn những đống phế tích được bao bọc bởi tự nhiên. Cho nên để đi tới Căn Phòng, ba nhân vật không thể tránh khỏi những trở ngại về mặt thể xác và hơn nữa là về mặt linh hồn. Khi cuộc hành trình dần dần đi đến đích, hai nhân vật giáo sư và nhà văn cũng bộc lộ ra những trở ngại trong linh hồn họ, khiến họ không thể không tự nhủ những ham muốn của bản thân có thật sự là điều mình cần hay chỉ là mình quá khát khao thành công ở thế giới “hiện thực” bên ngoài. Sự thắc mắc đó khiến họ trùn bước trước Căn Phòng, không ai dám bước vào để biến ước mơ thành hiện thực. Bản thân người dẫn đường cũng không từng đi vào trong bao giờ mà chỉ đưa những người khác đến đây, anh ta xem đó là sứ mệnh, anh ta cho rằng họ chỉ cần có “niềm tin” thì sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Mình không thể không thắc mắc rằng, nếu người dẫn đường đã “tin” vào Căn Phòng đó có khả năng như vậy, tại sao anh ta không đi vào trong để thực hiện ước mơ của mình mà như hai người kia đứng trước Nó? Đáp án có lẽ được đưa ra qua hành động của ông giáo sư chuẩn bị dùng quả lựu đạn để phá hủy nơi linh thiêng ấy. Người dẫn đường đã dùng hết sức lực để ngăn cản hai người kia, và nói: “Tôi biết rằng ở đằng kia của lưới sắt, tôi là một kẻ thất bại, nhưng cũng chính tôi, một kẻ thất bại có thể đưa những linh hồn lạc lối đến đây. Giúp được những linh hồn như thế sẽ khiến cho tôi hạnh phúc hơn.”. Điều biểu hiện ở đây không phải gì khác mà là “niềm tin” của tôn giáo trong xã hội hiện đại, giáo sư và nhà văn sau cuộc hành trình đã không còn tin vào Căn Phòng là nơi có thể thực hiện khao khát của bản thân, mà là nhận thức được hiện thực ở xã hội, tuy nhiên họ có còn “niềm tin” hay không thì tùy vào giải thích của từng người. Còn người dẫn đường không thể bước vào Căn Phòng là anh ta quá sợ hãi khi phải đối mặt với niềm tin của mình có thể chỉ là một giấc mơ trống rỗng, tuy nhiên cũng có lời giải thích là anh ta dù biết nhưng vẫn đặt niềm tin của mình vào nó.
Mặc dù mình đã kể các tình tiết của bộ phim, nhưng như câu hỏi đã đặt ra ở trên, bộ phim này phải được xem và tận hưởng dưới hình thức là một bài thơ, cho nên dù có spoil như thế nào thì cũng không bằng các bạn tự thường thức chất thơ của nó. Đó cũng chính là sư lợi hại của Tarkovsky, ông xem điện ảnh không phải là một kỹ thuật để thu hút người xem với những hiệu ứng và hành động hồi hộp và cũng không phải là một công cụ để khoe khoang, làm màu với thông điệp hay ý nghĩa dậy đời về đạo đức (đây là ý của riêng tôi khi xem phim của ông). Với ông, điện ảnh là triết học về thời gian, vừa khắc họa, lắng động được và cũng vừa giải phóng được nó, điện ảnh là nghệ thuật về không gian, những khoảng trống rỗng và mù mờ ở từng khung hình đều là không gian để người xem (lẫn đạo diễn) chứa đựng những suy nghĩ, những lời nói của mình. Những điều này cũng như sáng tác trong thơ ca, Tarkovsky dùng ống kính của mình để sáng tác, vừa là khắc họa vừa là giải phóng cho ý nghĩa của từng bộ phim (bài thơ).
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất