[Review Phim] 6 Bài học ý nghĩa đến từ One Punch Man
One Punch Man là một bộ truyện tranh Nhật Bản đã chuyển thể thành phim hoạt hình được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Hình tượng nhân...
One Punch Man là một bộ truyện tranh Nhật Bản đã chuyển thể thành phim hoạt hình được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Hình tượng nhân vật và các tình huống trong truyện tưởng chừng chỉ mang tính giải trí này thực ra lại gửi đến người xem nhiều bài học ý nghĩa.
1. Hãy luyện tập chăm chỉ để đạt điều mình muốn
Nhân vật mạnh nhất trong One Punch Man (OPM) là Saitama. Anh ta chỉ cần dùng một cú đấm là có thể đánh bại hàng loạt quái vật dữ tợn từ đáy biển sâu cho đến tận vũ trụ bao la.
Trước đó, anh ta chỉ là một thanh niên bình thường. Thậm chí là tầm thường. Vậy điều gì biến người bình thường thành phi thường? Đó chính là sự tập luyện.
Bí quyết Saitama áp dụng là: một trăm cái hít đất, một trăm cái gập bụng, một trăm cái bật nhảy, chạy mười ki-lô-mét mỗi ngày, uống sữa, ăn chuối, không dùng máy điều hòa để tăng cường ý chí.
Dù mang tính hư cấu, song đó là chuỗi hành động cụ thể mà anh ta đã bền bỉ thực hiện để đạt được mục đích của mình. Như vậy, để trở thành siêu anh hùng hoặc thực tế hơn, chỉ đơn giản là trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân, thì bạn cần phải kiên trì tập luyện.
Không thể mong muốn nhanh chóng đạt được ngay kết quả, bởi kết quả chỉ đến sau khi bạn tập luyện đủ. Sự thiếu thốn không phải nằm ở tài năng, ở hoàn cảnh thuận lợi mà nằm ở tâm nguyện của bản thân. Nói tóm lại, kiên nhẫn làm việc mình muốn và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên cũng là hình thức tập luyện mà mỗi chúng ta có thể bắt đầu ngay để nuôi dưỡng ý chí.
2. Bất kì ai cũng có dự định riêng
Phần hai của OPM tập trung vào cuộc đối đầu giữa Hiệp Hội Anh Hùng và Hiệp Hội Quái Vật. Khi nhắc đến hiệp hội, chúng ta thường liên tưởng đến những thành viên có chung mục đích.
Thế nhưng khi quan sát thấy Hiệp Hội Anh Hùng lục đục về vấn đề phân chia đẳng cấp giữa bậc S và bậc A trong khi Hiệp Hội Quái Vật đầy kẻ sợ bị vua quỷ Orochi ăn thịt nhưng lại ham làm bá chủ thì chúng ta nhận thấy mọi thứ trong hai tổ chức này vận hành theo cách vô tổ chức do suy nghĩ của các cá thể không giống nhau.
Chưa hết, bên lề vẫn tồn tại song song Garou không muốn theo phe nào và Sonic chỉ quan tâm đến việc trả thù Saitama. Như vậy, cuộc sống là nơi tất cả cùng tham chia sẻ ước muốn và hành động của bản thân mình. Sẽ rất tốt đẹp nếu đó là những ước muốn, hành động mang tính chất đóng góp để đôi bên cùng có lợi.
Do đó, trước khi tham gia vào một tập thể, bạn hãy thử đánh giá tính bền vững của tập thể, những năng lực mà mình có thể đóng góp cho tập thể trước khi quan tâm đến lợi ích nhất thời mà nó mang đến cho bạn.
3. Những điều số đông tin tưởng thường quan trọng hơn hiện thực
Điều này được thể hiện rất rõ ở nhân vật “Người đàn ông mạnh nhất thế giới”, siêu anh hùng Class S, ngài King.
Cử chỉ, ánh mắt, sự im lặng và đặc biệt là vẻ ngoài rất “ngầu” của King khiến cả phe anh hùng lẫn quái vật phải kính nể. Ngài King luôn được coi là hiện thân của sức mạnh, địch thủ đáng gớm và hành động lạnh lùng, đơn độc mà theo đúng chất siêu anh hùng chuyên nghiệp.
Sự thật là ngài King không dữ dội đến thế. Khi gặp quái vật, anh ta sợ đơ người, tim đập chân run thì quái vật bỏ chạy vì nghĩ đó là âm thanh của “động cơ King” sắp tàn sát, trong lúc đó, dân thường thấy quái vật bỏ chạy thì nghĩ King rất mạnh. Tin tức lan truyền đến các siêu anh hùng khiến tất cả đều nghĩ anh ta mạnh. Còn ai chưa biết đến anh ta thì cho rằng anh ta mạnh bởi từ quái vật, anh hùng, dân thường đều tin là như thế. Việc chưa từng ai thấy anh ta hành động càng khiến cho King “bá đạo” hơn trong trí tưởng tượng của tất cả.
Ngài King đã cố gắng giải thích nhưng có lẽ sẽ còn rất lâu nữa anh ta mới thoát khỏi nỗi khổ khi phải sống thấp thỏm trong áp lực kì vọng của số đông. Ví dụ như trong khi ăn lẩu ở nhà Saitama, King bị thức ăn bắn lên áo. Ngay hôm sau nhìn thấy anh, thành viên của Hiệp Hội Anh Hùng đã nghĩ vết bẩn đó là do anh đánh nhau với quái vật cả đêm. Kết quả là: “Ai chứ ngài King một mình đánh cả bầy quái vật trong đêm là hợp lý rồi”.
Chi tiết hài hước này cũng không phải quá hiếm gặp. Mặc dù có đôi chút cường điệu nhưng thực ra, dù ít hay nhiều, bạn và tôi cũng thường có thói quen mang theo một phần kì vọng của bản thân vào đời thực và “dán nhãn” mọi thứ theo ý kiến chủ quan trước khi bình tĩnh xem xét ở các góc độ khác nhau.
4. Ai cũng có sức mạnh riêng
Trong OPM có rất nhiều siêu anh hùng kì lạ. Nhưng biến nhiệt tình thành sức mạnh thì chỉ có “Tài xế thầm lặng”. Đại khái là anh chàng này chuyên mặc đồ bảo hộ và đạp xe đạp đi làm anh hùng.
Anh ta hăng hái tham gia mọi chiến dịch chống quái vật từ lớn tới nhỏ. Bị thương không ít lần để rồi lại tiếp tục vẫn làm anh hùng theo phong cách cũ. Tài xế thầm lặng vẫn là chính mình, hỗ trợ người khác hết sức có thể và không bao giờ nghi ngờ sức mạnh của bản thân.
Điều này khiến cho nhân vật này rất thú vị và hoàn toàn đủ để truyền tải thông điệp “Thái độ hơn trình độ” trong đời sống.
5. Không có tốt và xấu hoàn toàn
Người tốt cũng có những tật xấu và kẻ xấu cũng có những hành động tốt. Như vậy đấu tranh dựa trên quan điểm cá nhân và triệt tiêu lẫn nhau là điều không nên.
Quái vật trong OPM xuất hiện tượng trưng cho thiên tai, dịch bệnh để chống trả lại tác động của con người đến môi trường thiên nhiên. Quái vật chính là kết tinh từ những hành động sai lệch do con người gây ra trong quá khứ. Do đó, dù các siêu anh hùng có cố gắng tiêu diệt đến mấy thì chừng nào nhân loại vẫn còn có suy nghĩ, hành động xấu thì quái vật vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Cuộc đấu tranh tốt xấu diễn ra ở bên ngoài thì không bao giờ có hồi kết.
Chiến thắng thực sự chỉ đến khi người ta làm chủ được tâm hồn mình. Do đó, còn nôn nóng, háo thắng thì những nhân vật như Genos, Garou, Sonic không thể đạt được sức mạnh như bản thân mong muốn.
Saitama mạnh nhất số tất cả các nhân vật là bởi anh ta không tự đưa ra định nghĩa để dựa vào đó mà phân biệt tốt hoặc xấu. Anh ta hành động khi thực sự cần thiết trên tinh thần “không ra tay thì thôi, nhưng ra tay thì không gì cản nổi”.
6. Không cần có lý do để hạnh phúc
Saitama làm anh hùng bởi vì thích
Genos làm anh hùng để trừ gian diệt ác
King làm anh hùng vì bất đắc dĩ
Tatsumaki làm anh hùng vì có sẵn sức mạnh
Bang, Automic Samurai làm anh hùng vì lòng kiêu hãnh
Không có chuẩn mực chung hoàn toàn chính xác để đánh giá siêu anh hùng. Bởi dựa vào hệ thống đánh giá thì điều duy nhất Hiệp Hội Siêu Anh Hùng thu về được là kết quả và thứ hạng. Theo đó, Genos học trò của Saitama là anh hùng Class S biệt hiệu “Quỷ Nhân Máy” còn Saitama sư phụ của Genos là anh hùng Class B mang biệt hiệu “Áo Choàng Hói” (!?)
Nếu coi trọng sự đánh giá và công nhận từ xung quanh thì chúng ta sẽ rất khó để bằng lòng với bản thân. Thực ra, công thức hạnh phúc đơn giản chỉ là mình, như mình đang là.
Thay cho lời kết
Nếu được sinh ra, nó có mục đích. Nếu tiếp tục tồn tại, nó có giá trị. Truyện tranh, phim hoạt hình hay các loại hình giải trí khác đều có khả năng chứa đựng những tri thức hữu ích nếu người thưởng thức suy nghĩ lâu hơn về chúng.
Đó là lí do tôi yêu thích việc trải nghiệm và luôn ủng hộ tinh thần trải nghiệm mọi thứ. Chỉ trải nghiệm mới giúp chúng ta thực sự hiểu đối tượng. Mới hiểu tại sao trẻ em thích điều này, mà lại không thích điều kia.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất