Chuẩn bị đi ngủ thì tình cờ nhấp vào link này. Đây là bản ngâm (tiếng Trung) bài Trường hận ca (Bạch Cư Dị). Trước kia đã từng nghe nói nhưng chưa muốn học, phần vì dài, phần vì ngại các đề tài thù hận lôi thôi. Nhưng phần trình diễn này tài tình quá, khiến mình lặng người theo dõi suốt hơn mười phút, dù chỉ hiểu được lõm bõm đôi lời.
Vội tìm đọc nguyên tác và thấy luôn bản dịch thơ của Tản Đà. Sửng sốt lần hai. Từ hình thức tới nội dung, Tản Đà rõ ràng đã nhìn thấy trong hình ảnh nàng Dương Qúy Phi bóng dáng Thúy Kiều. Từ chi tiết như chiếc trâm xẻ đôi, cho đến cú pháp, từ ngữ, đều thấy bóng thơ Nguyễn Du bàng bạc. Tập cổ có nhiều, nhưng tập cổ cho nhuần nhuyễn, cho thăng hoa thì rất hiếm. Cũng như việc dịch thuật, nhất là dịch thơ, bản dịch xuất thần là bản dịch mà tưởng như nguyên tác đã thấm vào xương cốt tác giả, trở thành một thứ mạch nguồn thông suốt, để chờ có dịp phù hợp thì ào ạt tuôn ra. Khi ấy, chuyển ngữ không còn là thao tác bắc cầu từ chữ nọ sang chữ kia mà là một sự chuyển hóa về chất – là kết tinh của sự tương tác nhuần nhuyễn giữa những tâm hồn nghệ sĩ trong một ngôn ngữ mới.

1. Bản ngã nghệ thuật và sự tái sáng tạo 

Nếu không nghe bản ngâm thơ, chắc chẳng bao giờ tìm đọc Trường hận ca. Giọng ngâm, tiếng đàn lão luyện, khúc chiết, tác động tới trí tưởng tượng, không những hơn xa thứ nhạc nôm na hiện đại mà còn vượt cả dòng phim cung đình lòe loẹt và rắc rối, diễn viên mắt lúc nào cũng trợn ngược. Bản dịch thơ của Tản Đà cũng làm được một việc tương tự với bản ngâm Trường hận ca – ấy là chuyển hóa tinh thần nguyên tác qua lăng kính người dịch, theo cách gần gũi hơn với tâm hồn Việt. Câu “Nhà Dương có gái mới choai” – rõ là về từ ngữ lẫn giọng điệu đều không có vẻ cung kính, trịnh trọng như hầu hết các bản dịch khác. Nhưng ấy là một câu thơ rất có hồn, rất hợp với giọng ngông nghênh của Tản Đà, và rất ăn ý với toàn bài. Đối chiếu với cái trang trọng của nàng Qúy Phi lúc một bước lên mây, cái tức tưởi của cảnh chết giữa đường giữa chợ, và các xa xôi thoát tục nơi tiên giới, thì thấy bức tranh thơ của Tản Đà hiện ra muôn vẻ muôn màu, nhấm nhá đậm nhạt có chủ ý cả. Dịch thơ mà nhất nhất khách quan tôn trọng nguyên tác thì dễ làm mất hồn thơ. Có chữ có câu nhưng tâm tình bị gột đi hết cả. Người dịch đã coi mình là cái máy dịch hoàn hảo thì đời nào dám để cảm nhận cá nhân chen vào tinh thần khách quan mà anh ta sống chết tôn thờ.
Ôi cái mang danh “khoa học” này đã giết chết bao nhiêu rung cảm nghệ thuật. Người dịch thơ đừng vội nói là dịch cho một đấng phán xét khách quan nào (làm gì có sự tuyệt đối khách quan), trước tiên hãy dịch cho mình đã. Bao họa sĩ vẽ cùng một cảnh, có khi màu sắc, đường nét cũng nhiều điểm tương đồng. Lời lẽ, tình cảm của Dương Qúy Phi là chuyện tình nhân muôn thuở, là câu Thúy Kiều gửi Thúy Vân nhắn cùng Kim Trọng, là cảnh Thúy Kiều từ biệt Thúc Sinh “vầng trăng ai xẻ làm đôi,” là cái nhìn đau đáu của người chinh phụ tiễn chồng, là giấc chiêm bao của Hồng Lâu Mộng. Đọc kĩ ra thì cũng chỉ là bình mới rượu cũ, vậy mà bao đời vẫn mê đắm, đọc lại vẫn ngẩn ngơ. Quan hệ giữa sáng tạo và quy chuẩn có trước? Không phải lệ thuộc, cũng không phải phá bỏ. Nói theo cách của Nietzsche, sáng tạo đùa giỡn với các ranh giới (“play with boundaries”). Sáng tạo thực ra là sự tái sáng tạo.
Dịch thuật thể hiện rõ con đường ấy. Phải có một sự tự chủ đến bực nào, thì người dịch mới uyển chuyển lay rào vịn vách để bức tranh vẽ lại trung thực mà vẫn toát lên được thần thái của cá nhân mình. Không những tự chủ mà còn tự trọng nữa. Tức là trân trọng bản ngã nghệ thuật của mình. Tuyệt phẩm không có sự gắng gượng chắp nối, bởi mỗi đường nét, màu sắc là giọt máu nhỏ từ tâm. Người nghệ sĩ học được chủ đề, phương thức nhưng không bắt chước thần thái, vì có bắt chước cũng không được. Tác phẩm của người thợ khéo (chưa phải người nghệ sĩ) làm ghép nối những hồn ma lảng vảng mà không có chủ thể độc nhất đứng sau. Quân lính toán loạn không tướng cầm đầu.
Quên là một quá trình tối cần thiết của sự thực học và tái sáng tạo. Không một tuyệt phẩm nào ra đời bằng cách áp dụng và chắp nối.

2. Ngôn ngữ và quan hệ cá nhân – cộng đồng trong sáng tạo 

Dẫu những dân tộc, trường phái chỉ là cộng đồng tưởng tượng (“Imagined communities – Anderson), những cộng đồng ấy vẫn có sự chi phối lớn lao tới quá trình tái sáng tạo ở cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là nói tới sự ảnh hưởng trong phong cách cá nhân người nghệ sĩ, còn đầu ra là chỉ kẻ thưởng thức. Tác phẩm có giá trị luôn gợi cảm hứng để được tái sinh. Tái sinh trong một ngôn ngữ mới. Mà ngôn ngữ không chỉ là chuyện từ vựng, ngữ pháp. Ngôn ngữ là văn hóa. Dịch tiếng Việt nghĩa là để cho người Việt đọc. Mà không chỉ đem điển tích điển cố của nước Việt áp vào là xong. Còn phải thể hiện được tâm tình người Việt nữa. Trong câu “cầm áo dậy, thẩn thơ buồn bực,” của Tản Đà, mấy từ “thẩn thơ, buồn bực” nào có trong nguyên tác, thế mà cảm giác tự nhiên, tài tình quá, biến chuyện trong cung cấm nhà Đường thành ra hình ảnh cô em nào vừa tỉnh giấc trưa, thực sinh động và dễ cảm!
Ngôn ngữ – với tất cả những khía cạnh đa dạng, kì ảo của nó – nằm bên trên, bên ngoài từ ngữ. Hệ thống từ ngữ thực ra cũng chỉ là một dạng kí hiệu của nền văn hóa. Đâu phải cứ dùng chữ đẹp thì gọi là văn hay. Cốt yếu là có đi được vào lòng người, có dùng được nhuần nhuyễn ngôn ngữ của nền văn hóa ấy không. Nhưng cái “người” ở đây cũng rất cụ thể và đa biến. Người của cộng đồng nào, của nhóm nào trong cộng đồng ấy, của thời kì nào, trong hoàn cảnh nào? Người nghệ sĩ khi đã cho ra đời đứa con tinh thần tâm huyết thì hãy vui vẻ để nó sống một cuộc đời riêng, đừng hòng kiểm soát hay đính chính. Hãy so sánh Truyện Kiều và Cung Oán Ngâm Khúc, chẳng phải đều họa cùng một cảnh đó sao? Vậy mà sự tiếp nhận của người đời – cụ thể là người Việt Nam cho tới thời điểm này – nghiêng hẳn về phía tác phẩm của Nguyễn Du. Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng là ngôn ngữ Truyện Kiều gần gũi, nhuần nhuyễn hơn với lời ăn tiếng nói và nếp sống của đa số dân Việt. Nhưng đâu thể vin vào sự tiếp nhận để phán xét rằng ngôn ngữ trang trọng của Cung Oán là kém hơn Truyện Kiều theo một quy chuẩn tuyệt đối nào đó.
Đọc thêm:
Ngôn ngữ không đứng im mà luôn biến đổi theo sự tái sáng tạo. Người nghệ sĩ và truyền thống văn hóa có mối quan hệ căng thẳng. Một mặt, anh được đánh giá ở cái tài sử dụng nhuần nhuyễn các kí hiệu ngôn ngữ khớp với truyền thống văn hóa. Mặt khác, anh đôi khi cũng gặp mâu thuẫn giữa ngôn ngữ cá nhân – vốn chẳng nên tuân theo một luật lệ nào ngoài sự giải phóng không biên giới của trực giác – và (những) ngôn ngữ gắn với (các) cộng đồng liên quan. Sự nổi loạn của người nghệ sĩ, nếu đến từ sự tái sáng tạo thực tâm chứ không chỉ là ý muốn ngông cuồng muốn đả phá truyền thống (xem lại phần “quan hệ giữa sáng tạo và quy chuẩn”) thì sẽ giúp mở rộng ngôn ngữ. Ngôn ngữ, với nghĩa là hệ thống kí hiệu, khái niệm hóa (conceptualization) của văn hóa – có thể đựng trong bình chứa – bằng giấy như sách vở, hay hiện vật như các loại bảo tàng, tượng đài. Nhưng chừng nào nó chưa ngấm được vào một tâm hồn nghệ sĩ, để rồi một ngày phát tiết trong một cuộc chuyển hóa thần kì, thì ngôn ngữ không sống khỏe được. Ngôn ngữ được sử dụng sẽ phong phú hơn, như một người càng luyện công thì càng khám phá ra năng lực tiềm tàng. Ngôn ngữ không được dùng, thì dù bảo quản kĩ đến đâu, mắt thấy, tai nghe, tay sờ được, cũng vẫn là ngôn ngữ chết. Cộng đồng cần những kẻ nổi loạn có tài và có tâm để mở rộng biên giới văn hóa của mình, nếu không cộng đồng sẽ diệt vong.


3. Mở rộng về ngôn ngữ. Và sự cảm thụ 

Ngôn ngữ không chỉ là lời ăn tiếng nói. Ngôn ngữ là thứ chất duy trì và được duy trì bởi một dạng thức sống. Ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ hình thể. Đời sống bao nhiêu dạng thức thì bấy nhiêu ngôn ngữ. Mọi sự chuyển hóa xuất thần đều cần một ngôn ngữ phong phú. Ngôn ngữ muốn phong phú cần thời gian: thời gian lĩnh hội của cá nhân và thời gian trau dồi vun đắp truyền thống của nhiều lớp người, cả những người duy trì và những kẻ nổi loạn. Nước Việt có ca trù. Tình cảm tùy người, nhưng những bản nghe qua hầu như đều thấy đậm đà, chắc vì những ai còn gắn bó tới nay đều có tâm tình cả. Truyền thống ca trù phong phú không cần bàn thêm nữa. Nói như ông Trần Văn Khê, chỉ nghe tiếng gõ phách thôi đã thấy thú. Nghe bà Quách Thị Hồ ngâm Tì bà hành hay Tương tiến tửu lại thấy ngôn ngữ ca trù chuyển hóa bản dịch thơ lên thêm một tầng kì ảo. (Và ngay những bản dịch này cũng rất thấm, rất hay).Khi xưa, Nguyễn Du từ Kim Vân Kiều Truyện mà viết Truyện Kiều, Lâm Ngữ Đường đang dịch dở Hồng Lâu Mộng phải bỏ dở mà viết Kinh Hoa Yên Vân bằng tiếng Anh thực đều đã giác ngộ sự chuyển ngữ theo nghĩa tái sáng tạo.
Nguyên tác qua lăng kính người nghệ sĩ nhận lấy một bản thể độc nhất vô nhị, thấm đượm bản ngã cá nhân. Phải say sưa với nguyên tác lắm thì người dịch, người hát mới thổi được hồn mình vào đó. Sáo tốt phải có người thổi, người thổi phải có người thưởng thức, để rồi sợi dây cứ mãi nối dài. Tiếc thay, nhìn quanh quất văn hóa đại chúng chỉ thấy sự vô hồn ngự trị. Vô hồn là uống rượu mà chỉ cảm thấy được nước lã, người ngoài nhìn vào chỉ biết nghe khoe có rượu ngon rồi ngốc nghếch ngưỡng mộ, cũng vì bản thân chưa từng biết cảm giác thăng hoa trong men say là thế nào.
Tiếp xúc với một ngôn ngữ mình chưa thành thục, nhưng rung động vì cái hồn, kinh ngạc bởi cái phong phú của truyền thống, thì vẫn hơn loanh hoay trong vũng nước chật đã chán lè của ngôn ngữ mình quen. Người ta tìm đến nghệ thuật đâu phải để ố á nhất thời vì cái gì mới mẻ ngoài kia, mà suy cho cùng là để thức tỉnh một phần nội tâm tưởng đã cỗi cằn. Truyện hay là truyện vừa quen vừa lạ. Phải có quen để liên tưởng, để bắc cầu cho rung động nội tâm, chứ không chỉ là thấy người ta khen mình cũng tát thêm vào. Nhưng phải có lạ để cảm nhận sự sống được chuyển tiếp. Cảm được cái hay của bản dịch, bài ca cũng chính là hiểu được trải nghiệm thăng hoa của người nghệ sĩ. Hiểu được sự thăng hoa ấy thì bản thân ta cũng có cơ may được dự phần vào sự khai hóa mà nghệ thuật có khả năng mang lại cho đời sống. Chính nghệ thuật, chứ không phải một hệ thống giáo điều, luật lệ núp dưới bất kì danh nghĩa nào mới mở ra cánh cửa vô biên của sự khai sáng. Bởi chỉ có một nguyên tắc bất biến của nghệ thuật: lòng đồng cảm chân thật và cái tự do vô ngần của sự tái sáng tạo. Tái sáng tạo bắt đầu ở ngưỡng cửa của sự rung động chân thật và sâu sắc. Nhưng mọi cảm xúc, dẫu là đau khổ, sung sướng, hay giận dữ, cũng chỉ là những phản ứng trên bề mặt – biểu hiện cho sự ngộ giác tự nhiên lòng Yêu – mạch nguồn bất tận của sự Sống, được duy trì bởi sự Tái Sáng Tạo không ngừng