Không có mô tả ảnh.

Dựa theo phân tích về tâm lý học những năm đầu thế kỷ XX người ta phát hiện ra rằng, từ sâu bên trong tiềm thức, tất cả chúng ta đều được dẫn dắt bởi những ham muốn bản năng nhất. Ta muốn một người tình hoàn hảo về mọi mặt, một sự nghiệp ngày càng tấn tới, có sức khỏe và vóc dáng đẹp mà không cần phải tập thể dục… Nếu có thể thì những điều đó sẽ làm ta hạnh phúc. Nhưng liệu bạn có dám chắc rằng hạnh phúc đó sẽ kéo dài mãi hay chỉ là thoáng qua trong chốc lát?

Đọc thêm:

Các triết gia xưa thì tin rằng mỗi chúng ta, đã là một con người thì luôn có khao khát vượt lên trên tất cả mọi ham muốn trần tục nhất để có thể biết được ta là ai, và ta đến thế giới này để làm gì. Đó là lí do tại sao đức Phật đã từng dành sáu năm trời để chọn và theo đuổi lối tu khổ hạnh. Ngài ngồi tọa thiền hàng giờ đồng hồ dù lưng và chân có đau nhức, thiêu đốt da thịt mình dưới cái nắng hè bỏng rát để đi tìm chân lý cuộc đời. Dù có thể Người đã sai nhưng điều đó chứng minh một điều rằng ta không cần phải tìm đến những ham muốn bản năng để tiếp cận gần hơn tới triết lý.
Thế nhưng thời đại của chúng ta lại ít có chỗ cho những nhà hiền triết khổ hạnh, ta không được khuyến khích ngồi suy tư để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi thuộc về bản chất. Người ta muốn ta ăn đồ ăn nhanh, lái xe tốc độ cao, làm việc đến cạn kiệt cả sức lực lẫn tinh thần để rồi lại lao đầu vào những cuộc vui không hồi kết hay điên cuồng mua sắm những thứ không cần thiết. Ta có cả một ngành công nghiệp sách self-help dạy con người cách sống hạnh phúc nhưng sao thấy xung quanh lại ngày càng nhiều những người trầm cảm. Có lẽ nào ta nên dừng lại một chút và tự đặt câu hỏi “Liệu rằng theo đuổi hạnh phúc có phải là mục tiêu tối thượng của cuộc đời này?”. Phải chăng ta sẽ không tài nào tìm thấy một đời sống viên mãn trong quãng thời gian mà ta tồn tại?
Trong “Enneagram — Thuật Đọc Tâm”, một trong những cuốn sách vềtâm lý học rất hay của tác giả Don Richard Riso và Russ Hudson đã chỉ ra rằng hầu hết các cuốn sách sách self-help không sai, nhưng nó lại chưa thực sự đầy đủ. Đơn giản vì sách self-help sinh ra chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và quan điểm sống của chính người viết, phản ánh tâm lý và cách tư duy cá nhân của họ. Còn nếu bạn thực sự muốn phát triển bản thân thì đầu tiên phải nhận ra rằng mỗi người sinh ra đều đã có một nét tính cách riêng, và để hiểu được ai thuộc loại tính cách nào còn phụ thuộc rất nhiều vào cách phân tích tâm lý con người nữa. Từ trước đến giờ trong quá trình nghiên cứu tâm lý nhằm thấu hiểu tâm trí con người, đã có rất nhiều các hệ thống phân loại dựa trên khoa học hay tâm linh: chiêm tinh học, mô hình phân loại MBTI, Trắc nghiệm Rorschach…
Có lẽ điều đầu tiên khi Don Riso muốn nói với chúng ta khi viết cuốn sách Enneagram có lẽ là “hãy tôn trọng sự khác biệt”, mỗi con người chúng ta đều là người lệch chuẩn, và hiểu được điều đó là tối quan trọng trong giáo dục, khoa học nhân văn, kinh doanh, nhân sự và trị liệu tâm lý hay đặc biệt là trong việc tìm về bản chất của mỗi chúng ta và thấu hiểu người khác. Enneagram là một biểu đồ hình học vạch ra chín kiểu tính cách cơ bản của con người cũng như mối quan hệ qua lại giữa chúng. Mô hình này được phát triển dựa trên tâm lý học hiện đại cùng với sự kết hợp với trí tuệ tâm linh và triết học của nhiều nền văn hóa cổ đại khác nhau, từ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và cả người Do Thái.



Đọc thêm:

Cốt lõi của Enneagram cho rằng mỗi chúng ta là một “thực thể ánh sáng”, tức là bản thân chúng ta là nguồn sáng, nhưng bị bao phủ bởi và che lấp bởi một lớp vỏ màu đen và dai như nhựa đường. Thấu hiểu bản thân chính là phá bỏ đi lớp vỏ màu đen đó để ánh sáng từ bản thân mình soi sáng giúp chúng ta nhìn thế giới một cách rõ hơn. Ở vào thời điểm được khai sáng đó, ta dường như nhận được một sự mặc khải từ Đấng Toàn năng.
Theo Enneagram, có tất cả 9 kiểu tính cách khác nhau: Đầu tiên, Người Cải Cách là những người phân định đúng sai rõ ràng, tôn trọng đạo đức, trật tự và đầy lý tưởng. Người Trợ Giúp là loại tính cách biết quan tâm và chú trọng đến những mối quan hệ cá nhân, sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác, và có một tình yêu vô điều kiện cho mọi người. Kiểu Ba: Người Thành Đạt là những người tự tin, cuốn hút, hấp dẫn và luôn hướng tới thành tựu, họ luôn có nhiều người sẵn sàng đi theo và làm theo. Theo sau đó là những Người Theo Chủ Nghĩa Cá Nhân, những người nhạy cảm với bản thân, khép kín và ít nói, dễ buồn bã và thiếu tự tin. Gần như là trái ngược đó là kiểu Người Điều Tra, những kẻ cực kì lý trí nhưng tò mò về thế giới, họ luôn đặt câu hỏi và có thể tư duy về những điều trừu tượng. Còn nếu muốn tìm một người đáng tin cậy thì nên tìm những ai mạnh về kiểu Sáu: Người Trung Thành, những người tận tụy, luôn hướng đến sự bảo đảm an toàn. Còn có những Người Nhiệt Huyết tràn đầy năng lượng sẵn sàng lao vào những công việc đầy ngẫu hứng, lạc quan và thực tế. Kiểu Tám là Người Thách Thức, những người đầy quyền lực, tự tin, mạnh mẽ và quyết đoán, họ thích che chở và bảo vệ người khác, và có thể trở thành người anh hùng vĩ đại hay những kẻ độc tài. Kiểu cuối cùng là Người Hòa Giải, loại tính cách khiêm nhường, họ luôn xuất hiện khi các mối quan hệ trở nên căng thẳng và duy trì trạng thái hòa hoãn.
Tuy nhiên khi tìm hiểu và nghiên cứu cuốn sách này, bạn nên giữ một thái độ cởi mở trong đánh giá, để tránh rơi vào việc dán nhãn bản thân vào một kiểu tính cách trong số chín kiểu trên. Bạn không cần hoàn toàn đồng ý với bất cứ xét đoán nào trong cuốn sách này, bởi vì chính hai tác giả cũng nói rằng không có ai hoàn toàn thuộc về một kiểu tính cách, mà mỗi chúng ta đều là sự kết hợp nhất định giữa các kiểu tính cách, nó có thể biến động theo thời gian nhưng sẽ có sự chuyển dịch từ căn tính này sang căn tính khác. Bạn luôn có cả chín kiểu bên trong mình với một mức độ nhất định. Cho đến cuối cùng của cuốn sách và có thể là một trạm dừng cho hành trình tâm linh của bạn, ta có thể cảm thấy bình yên hơn với chính mình, sống thực tế hơn và biết tha thứ cho bản thân mình và người khác. Sẽ có những câu hỏi được đặt ra, nhưng sự hoang mang không phải là một thứ gì đó quá đáng sợ, miễn là bạn đang hoang mang đúng cách.
Hiểu biết về bản thân không bao giờ là đủ – bạn không gặt hái được một thành tựu hay một kết luận. Hành trình hiểu về bản thân là một dòng sông bất tận.” —KRISHNAMURTI.

Đọc thêm: