𝓓Á𝓜 𝓑Ị 𝓖𝓗É𝓣

Bạn đang cảm thấy mình sống mà bám víu quá nhiều vào quá khứ, hay đang lầm đường, lạc lối và không tìm thấy hướng đi cho tương lai?
Bạn đang cảm thấy cuộc sống này quá nhạt nhẽo, vô nghĩa và luôn kiếm tìm niềm hạnh phúc cho mình?
Bạn đang cảm thấy kém cỏi so với người khac khi luôn so sánh mình với mỗi người?
Hay bạn đang mất đi sự tự do khi bản thân rơi vào cái vòng xoáy vô định của những mối quan hệ phức tạp và bám chặt vào khuôn mẫu người khác đặt ra?
Để tìm cách giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ kể trên thì cuốn sách “Dám bị ghét” sẽ là một phương thuốc hữu hiệu, giúp bạn định hình lại những giá trị sống tích cực cho bản thân và biết cách chắt lọc niềm vui, hạnh phúc để hướng đến cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn.
Quyển sách này được viết bởi hai tác giả đến từ xứ sở “mặt trời mọc” là Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Cuốn sách được trình bày dưới hình thức các cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và vị Triết gia. Câu chuyện bắt đầu khi cậu thanh niên đang cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống, trong đôi mắt của anh ta chỉ là một màu đen xám xịt của của một thế giới hỗn mang đầy mâu thuẫn, không tìm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, ở một vùng ngoại ô nọ, có vị triết gia đã phát biểu rằng “Con người có thể thay đổi, thế giới cực kỳ đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc”. Cảm thấy lời nhận định đó hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của mình, chàng thanh niên đã đến tìm gặp vị triết gia để tìm ra câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi “liệu con người có thể thay đổi để sống hạnh phúc?”. Thông qua các cuộc đối thoại đầy hấp dẫn và lôi cuốn của họ, tôi cảm thấy mình như bị xoáy vào dòng chảy không ngừng trong dòng suy nghĩ sâu sắc và những nét chính nổi bật trong tư tưởng của tâm lý học Alfred Alder, người được mệnh danh là một cây đại thụ trong tâm lý học hiện đại. Càng đắm chìm trong cuộc đối thoại thì càng nhiều vấn đề được đặt ra, và chúng được lý giải một cách sâu sắc và thuyết phục từ vị triết gia thông thái.
Cuốn sách chứa đựng nhiều quan điểm rất hay, không mới nhưng qua lăng kính của tâm lý học Adler cũng như sự chiêm nghiệm quý báu của vị Triết gia, người đọc như cảm nhận một làn gió mới được thổi vào quyển sách này. Hãy cùng tôi khám phá những quan điểm ấy và hãy tìm đọc để tích lũy cho mình những điều bổ ích từ quyến sách này nhé:

Quản điểm 1: Những tổn thương trong quá khứ không tác động đến hiện tại

Đây là một quan điểm đem đến cho độc giả sự bất ngờ và có thể là sự tranh cãi khi chứng kiến sự đối lập hoàn toàn giữa hai quan điểm của tâm lý học Adler và Freud qua lời chia sẻ của vị triết gia. Theo tâm lý học Freud cho rằng “vết thương lòng ở quá khứ đẫn đến nỗi bất hạnh của ta trong hiện tại”, hay còn gọi là logic nhân quả. Tuy nhiên, tâm lý học Adler lại phủ nhận hoàn toàn điều này khi cho rằng “Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho trải nghiệm đó”.  Điều đó đồng nghĩa tâm lý học Adler đã phủ nhận hoàn toàn “Sang chấn tâm lý”. Nhận định này đã làm mình rất ngạc nhiên nhưng mình cũng cảm thấy khá thuyết phục thông qua lời giải đáp và phân tích sâu sắc từ vị Triết gia. Theo đó, vì bản chất của trải nghiệm là do những ý nghĩa chúng ta gán cho chúng chứ không phải chính trải nghiệm hình thành nên chúng ta của hiện tại. Nhưng hãy suy xét sự tác động  của “Sang chấn tâm lý” qua góc nhìn hai chiều. Sự tác động theo tâm lý học Freud, nếu trong suốt cả tuổi thơ của một đứa trẻ, nó đã trải qua và chịu đựng sự đau đớn về thể chất lẫn tinh thần khi là nạn nhân của bạo lực gia đình, hay cảm thấy bất hạnh khi bố mẹ chúng không dành cho nó sự quan tâm, chia sẻ đầy đủ để thấu hiểu mong muốn con mình, thì những vết thương lòng đó sẽ ảnh hưởng, tác động rất lớn đến tâm lý và sự trưởng thành của trẻ sau này. Điều đó chưa kể, đôi khi rời vào bước đường cùng của sự tuyệt vọng thì chúng lại bùng lên sự phản kháng với cha mẹ hoặc kinh khủng hơn là tìm đến những hành động dại dột và vô thức… những ví dụ trên cũng là trọng tâm nghiên cứu của tâm lý học Freud khi tập trung vào vai trò của vô thức của con người cũng như những trải nghiệm từ tuổi thơ của trẻ.
Nhưng chúng ta cũng nên hiểu sự phủ nhận “Sang chấn tâm lý” theo chiều hướng tích cực. Vì chính bản thân mình sẽ là nhân tố có thể chi phối và thay đổi cách suy nghĩ/ thái độ của ta về những trải nghiệm trong quá khứ. Thay vì cứ sống mãi với nỗi đớn đau, tuyệt vọng hay cứ chìm đắm trong vết thương lòng trong quá khứ, thì ta có thể sốc lại tinh thần, suy nghĩ khác đi khi biết cách chắt lọc những giá trị từ những trải nghiệm trong quá khứ. Và hãy nhớ cuộc đời là do ta định đoạt chứ không phải những trải nghiệm không mấy tươi đẹp kia.

Quan điểm 2: Con người luôn đối mặt với nỗi muộn phiền

Chính mối quan hệ giữa người với người là căn nguyên hình thành nên nỗi muộn phiền. Vì theo nhận định của Tâm lý học Adler cho rằng “Mọi muộn phiền của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”. Đây là quan điểm cơ bản và quan trọng của tâm lý học Adler. Chính những nỗi muộn phiền đã khiến mỗi người mong muốn tìm thấy những ốc đảo cho riêng mình. Đó là khi con người tìm đến sự cô đơn, tách biệt bản thân mình khỏi guồng quay không ngừng của những mối quan hệ. Tuy nhiên, đó chỉ là sự “cách ly về mặt địa lý”, thật sự thì nỗi muộn phiền vẫn ăn sâu bám rễ trong tâm trí của mỗi người, bởi vì con người không thể sống mà thiếu đi các mối quan hệ và ta phải lấy sự tồn tại của người khác làm tiền đề để sống, không thể nào mà sống hoàn toàn tách biệt với người khác. Quan trọng hơn cả là ta sống biết đối mặt và đón nhận những nỗi muộn phiền, biết tinh giảm và tối giản các mối quan hệ không cần thiết; biết nuôi dưỡng và vun đắp những mối quan hệ chất lượng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, bớt đi phần nào sự vướng bận không đáng có.

Quan điểm 3: Tự do là “DÁM BỊ GHÉT”

Dưới góc độ phân tích và lý giải của tâm lý học Adler, vị triết gia đã giải thích định nghĩa tự do rất ngắn gọn, thú vị nhưng gợi bao suy ngẫm, “TỰ DO là khi bị người khác ghét”. Theo đó, tự do đích thực là khi con người sẵn sàng trả cái giá là không để ý đến nhận xét, truy cầu sự thừa nhận từ người khác và dám đương đầu và chấp nhận nỗi ghét bỏ từ người khác. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, trái ngược vì con người luôn muốn khẳng định bản thân và không muốn bị người khác ghét. Tuy nhiên, vì những đánh giá, nhận xét, suy nghĩ của người khác ta không thể nào thâu tóm và kiểm soát được, chúng lại khiến ta thêm hao tâm tổn sức , có thể là nỗi tuyệt vọng ê chề khi cứ mãi khao khát sự công nhận, thừa nhận từ người khác. Chỉ khi ta trút bỏ hết những nỗi bận tâm và vướng bận ấy, thì TỰ DO đích thực sẽ tìm đến với ta như một món quà tuyệt vời. Với mình, đây là bài học hay nhất mình nhận được từ sách, nó giúp mình hiểu rõ hơn về giá trị của TỰ DO. Tự do phát biểu chính kiến, quan điểm mang tính xây dựng của mình về các vấn đề trong lớp học, trong công sở, góp tiếng nói riêng hòa vào tiếng nói chung chắc chắn sẽ làm tập thể hoàn thiện và lớn mạnh hơn. Tự do dám làm điều mình thích và phù hợp với khả năng của mình bằng niềm đam mê, tinh thần không bỏ cuộc khi bỏ ngoài tai những lời dè bỉu, chê bai của người khác. Và trên hết, tự do là khi ta biết “CHẤP NHẬN bản thân, chứ không phải là KHẲNG ĐỊNH bản thân với người khác”. Như sự giải bày của vị Triết gia: 
“Không sợ bị ghét mà cứ tiến lên phía trước. Không sống như hòn đá lăn xuống dốc mà cố gắng leo lên con dốc trước mặt. Đó chính là tự do đối với con người…Tôi quan tâm tới việc mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao. Cũng có nghĩa là tôi muốn sống tự do”.

Quan điểm 4: Vai trò của mỗi con người trong mối quan hệ là sự CỐNG HIẾN

Quan điểm này giúp ta nhận thức rõ vai trò thật sự của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Để làm được điều đó, ta nên chấp nhận một điều rằng “Mình không phải là trung tâm của thế giới”, ta chỉ là một phần nhỏ bé của cộng đồng. Dù là một phần nhỏ bé trong cái vũ trụ ấy, nhưng ta nên biết rằng “Mình là một và mọi người là một”, mình và ta hòa vào làm một. Một cộng đồng hay các mối quan hệ chỉ có thể phát triển và trường tồn khi có tinh thần trách nhiệm đóng góp của mỗi cá nhân. Và theo nhận định của vị triết gia, vai trò quan trọng của mỗi người là sự CỐNG HIẾN cho người khác, hay mở rộng ra là cộng đồng. Cảm giác mình đóng góp một phần sức lực, tâm huyết của mình vào một dự án, một hoạt động tập thể, một phong trào vì cộng đồng nào đó, chắc chắn sẽ đem đến niềm vui, hạnh phúc trong ta dẫu biết là có thể không nhận lại được sự đền đáp. Nhưng hãy cứ tin trao đi rồi sẽ nhận lại, không hôm nay thì mai sau…

Trên đây là những quan điểm chính được đề cập xuyên suốt trong quyển sách mà mình thấy hay nhất và được phân tích trên quan điểm cá nhân. Những quan điểm đó đều trả lời cho câu hỏi mang tính triết học “Làm thế nào để con người sống HẠNH PHÚC?”. Mặc dù có những thuật ngữ tâm lý học khó hiểu, nhưng có thể khẳng định rằng cuốn sách non-fiction này như một kim chỉ nam, một công cụ hữu hiệu chỉ đường dẫn lối cho bạn đọc tìm thấy mục đích sống và biết sống “can đảm, bứt phá”. Và quan trọng vẫn phụ thuộc ở chủ nhân của nó, khi đã lĩnh hội được các bài học quý báu và công cụ tuyệt vời, ta có biết cách thức để vận dụng và duy trì chúng với một tinh thần rộng mở, lạc quan và một niềm tin vững chắc vào bản thân, con người như Adler đã nói “cuộc đời ta là do ta lựa chọn” .