Đọc Hồng Lâu Mộng, lại thấy nhớ Mùi Hương.
Đọc Mùi Hương, lại nhớ Hồng Lâu Mộng.

Một tác phẩm thì nói về kẻ sát nhân man rợ, một thì lãng mạn đến mức chưa mở đã phảng phất mùi phấn son.
Thế thì có gì liên quan đến hai con người, hay đúng hơn là hai tác phẩm này đây?
Giữa một Giả Bảo Ngọc kiều diễm, lả lướt trong đám quần thoa, cháu cưng của Giả Mẫu, đệ nhất công tử của hai phủ Ninh Vinh, mặt trắng như ngọc, môi đỏ như son, nâng niu đến từng cô hầu, người ở, và một Jean Baptiste Grenouille, con cóc ghẻ, lạnh lẽo, bẩn thỉu, bên lề xã hội, máu lạnh, sát nhân, chẳng bao giờ trái tim nó mảy may rung động chút nhân-tính, nhân-tình.
Tưởng chẳng có chút liên quan nào!
Thế nhưng Giả Bảo Ngọc ngào ngạt hương thơm son phấn ấy lại giống với Grenouille một cách lạ lùng! Vì họ, đều là những con người lững thững trong màn sương của con tạo, như tôi và bạn, của một thế giới thực thực hư hư, nửa Chân nửa Giả, nửa mê nửa tỉnh.
Nếu như Grenouille giết người, sưu tầm hương thơm để tìm ra bản ngã của chính hắn, thì Bảo Ngọc phải trầm luân trong giấc mộng lầu hồng để nhận chân giá trị của cuộc sống. Họ đều đi trong thế giới mộng ảo để tìm ra bản lai diện mục.
Một thì khao khát nắm bắt thế giới phù du của hương thơm để tìm ra bản ngã cho chính mình, một thì khao khát thể nghiệm cái thế giới trần gian vì những tưởng nó là chắc thật, nhưng than ôi, chớp mắt một cái, cả hai bọn họ đều phải thất vọng, rơi rụng, và có lẻ là cả hoát nhiên, choàng tỉnh ở đoạn cuối của cơn mơ này.
Tưởng như có đấy mà lại hóa ra Không (mùi hương), tưởng như Thật đấy, mà hóa ra chỉ là một giấc mộng. (Hồng Lâu Mộng). Có người tiếc nuối cho Bảo Ngọc, có người thì giận dữ với Grenouille, riêng tôi, tôi mừng cho họ.
Mộng lành, mộng dữ, tất cũng chỉ là mộng cả mà thôi.
Giả Bảo Ngọc là hòn đá vá trời, nhưng lại không được dùng đến, chỉ là một viên "bảo ngọc" giả, còn Grenouille có cái mũi độc nhất vô nhị có thể khiến hắn bá chủ thế giới, nhưng rốt cuộc bản thân hắn thì chẳng là ai, vì hắn chẳng có mùi đếch gì! 
Đến Bảo Ngọc, nguyên là hòn đá dùng để Nữ Oa vá trời (dẫu cho nó không được dùng tới thì linh tính của nó cũng không phải dạng vừa), là Thần Anh thị giả, thần tiên trên trời. Grenouille, có cái mũi bậc nhất, có khả năng chế ra loại nước hoa bậc nhất, có khả năng sai khiến cả thế giới, có thể khiến giáo hoàng cúi xuống hôn chân, còn "không là ai cả", thì chúng ta "là ai?"
Tôi phát cuồng cái cách Patrick Suskind lấy hương thơm để nói về Bản Ngã, và Tào Tuyết Cần lấy giấc mộng của hòn đá để nói về chân tướng cuộc đời. Vì ngay trong cái Cảnh Ảo đó, nó chính là sự thật về cuộc sống này, ở trong chính thế giới phù du của hương thơm, là bản ngã.
Lấy một lãnh vực vô cùng trừu tượng, không thể nắm bắt được là "mùi hương" mà nói một cách rõ ràng, khúc chiết về cuộc sống, lấy câu chuyện hoang đường về hòn đá mà nói trần trụi nhân tình, thế thái, thì chẳng có gì sát sao và gẫy gọn hơn. 

Có gì có thể tả về đời sống, về bản ngã bằng những thứ mơ hồ ảo ảnh đó.

Cuộc sống này: Đại Quan Viên, mùi hương, rốt cuộc cũng được xây dựng trên một nền tảng mơ hồ, phù dung như vậy cả. Ở ngoài Ta Bà thì không có Niết-bàn.
Cái cách mà hai người bọn họ đi thẳng vào giấc mộng, Grenouille ngấu nghiến mùi hương, Bảo Ngọc đằm chìm thế giới Đại Quan Viện, nó giống như Dante Alighieri đi thẳng xuống địa ngục để tìm ra cánh cổng thiên đường. Vì thế tôi thấy sao họ giống nhau quá đến vậy.
Tôi không biết Patrick Suskind có đọc Hồng Lâu Mộng bao giờ chưa, nhưng tôi xem hai tác giả như có cái nhìn tương đồng và minh triết như nhau về cuộc sống. Vả chăng, có lẽ họ đã có một điều gì đó như là ngộ tính? Tưởng như cay nghiệt, bí bách mà thật ra họ nhìn đời sống hết sức sáng tỏ.
Lấy chuyện Mộng để nói đời Thực, lấy mùi hương để nói về bản ngã. Thật giống như Trang Tử nằm mơ: Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. 
Cả hai thế giới Mộng và Ảo, Hư và Thực, Mùi Hương và Bản Ngã, đều được xây dựng trên một nguyên liệu, nếu đi hết cõi Ta Bà này, thì ở đâu có chốn gọi là Niết-bàn?