img_0
Sinh ra rồi chết chậm cho đến ngày quan tài, mọi sinh vật đều như vậy, nhưng cỏ cây ắt phải khác động vật và con người cũng thế, trừ một đặc điểm chung, không ai thoát khỏi vòng sinh tử. Đốt Lò Hương Cũ của Đinh Hùng, là một truy vấn về sống chết. Đọc lướt dăm trang đầu, dốc một lèo đến cuối chỉ thấy rặt những người chết, từ Tản Đà, Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Xuân Khoát, Phan Bội Châu…các dư ảnh đũ cũ, hết tuổi trời nhưng không về thế giới của những bia mộ. Người, sau khi chết thì bước sang một chuyển sinh mới, dựa vào những gì họ còn lại được trong lúc sống, Đinh Hùng gọi đấy là “những người không bao giờ chết”. Đốt Lò Hương Cũ mở đầu bằng một ngọn lửa như thế, trong sự khảo xưng của hoài niệm. “chúng ta không khỏi xót xa khi nhắc tới những người bạn đã khuất bóng. Nhưng khi nghĩ rằng họ là “những người không bao giờ chết:, chúng ta dịu lòng đôi chút” (tr. 19) Thành danh bởi thơ nên khi viết tùy bút, khí thơ chảy lên như một mùi hương cũ, say và lên men như rượu ủ. Đinh Hùng không cố viết từ trí nhớ các sự kiện trong đầu, không mô phỏng mà viết chúng một cách cân bằng. Sự quan sát tường tận giúp Đinh Hùng nhìn ra các dấu hiệu của một cốt cách nằm chìm. Ví như Tản Đà cùng cái thú lai rai, vừa khó tính cũng đầy khoái lạc. Với Tản Đà, ông quan trọng cái lòng của người đối với món ăn chứ không phải lòng của học trò dâng lên ông món ăn. Tản Đà đặt bản thân dưới món ăn nhưng không phàm phu, ông nâng niu chúng, bộ lòng cá dấm, một đãi vật của đời. Rồi thì Thạch Lam cùng cá tính lạ thường, vừa khép mình trong một ốc đảo cô liêu nhưng rất hết mình với bạn bè đến nhà trong những cuộc say từ ngày đến đêm. Về Xuân Diệu, Đinh Hùng viết “Con người văn nhân thi sĩ mà ăn liền được một lúc bốn tấm bánh chưng rất lớn tất phải là con người đã mang sẵn cái máu…duy vật vô sản trong máu huyết” (tr.59). Đinh Hùng lướt qua phần tài danh và nhìn vào cuộc sống của các văn sỹ, không quá khẩn trương và rất chừng mực liên kết hai phần nội tâm,trong và ngoài như một hình thức giải mã con người đó. Thạch Lam như một cơn say, không muốn tỉnh cho đến lúc qua đời cũng như trong trạng thái say rượu, một cuộc hôn mê vĩnh viễn.
    Trong sách phần lớn viết về những trạng thái say. Bút pháp của Đinh Hùng cũng vậy, hành văn như một trận say dài. Ngôn ngữ gọn gàng, sáng nghĩa như đặc thù vốn có của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cốt thơ như mây như sương, gợi lại thứ không khí cổ xưa của miền Bắc. Các tao nhân mặc khác cứ đi, đi rồi không về nữa nhưng chẳng có gì hoài công bởi linh hồn họ đã quyện trong ký ức của người sống, trước đó là Đinh Hùng và bây giờ, tôi, kẻ đang viết những dòng này. Hà Nội Văn Nghệ Những Ngày Báo Hiệu Loạn Ly là một chương viết về thời loạn, sự chia cắt nhưng tuyệt nhiên không thấy những diễn từ tuyên truyền theo kiểu loa phường. Đinh Hùng nhen một lửa củi đốt lại chiếc lò hương quá khứ, mùi của mái cũ rêu phong, rồi thì trong quán nhạc, toán lính Lê Dương hung hăng nhưng vẫn cúi đầu trước âm nhạc, nghe cho vẹn bài và không giơ súng nhắm bắn, bàn tay vẫy chào thân thiện. Dầu Đinh Hùng không viết thẳng nhưng tôi ngờ rằng nghệ thuật, tiếng nhạc đã thắng bạo tàn. Không ai muốn bỏ quê hương để đi đàn áp dân tộc khác. Lịch sử không thể an bài, chỉ có những người muốn an bài lịch sử theo ý mình dù biết bản thân sẽ phải chịu sự an bài của thế lực mạnh hơn. Cũng bởi sự nhọc nhằn, sống như nhục hình, như tù hãm nên các văn sỹ mới tìm đến sự quên trong lạc thú. Đọc hết hơn trăm trang viết, chỉ thấy các văn sỹ miền Bắc ăn ra sao, uống thế nào, nghĩa là cái ăn đi trước chứ rất ít thấy những diễn ngôn răn đời. Điều khác là dù trong giấc ăn, giấc say, khi mệt lửa các nhân vật từng sống ngót nửa thế kỷ trước vẫn rất khí khái, đẹp và đầy chân thành. Một điều đáng tiếc cũng đáng trọng, nếu họ thoát khỏi cơn say liệu có trễ lìa đời hơn hay sẽ như Vũ Trọng Phụng mở mắt để thấy mình nghèo vẫn hoàn nghèo, vẫn trắng tay cả lúc sống lẫn khi đã về thế giới bên kia.   
Đốt Lò Hương nhưng lò không cháy thành tro than, lửa và lò bám vào nhau, bắt thành một hương liệu của dĩ vãng, thứ mùi cũ ngai ngái đậm đà của phế tích lịch sử đã bị chôn vùi trong sự thờ ơ, vô tâm của người đời. Người chết và người sống gặp nhau, cùng nói, cười, cạn chén và rầu rĩ những buồn tủi, chua xót cho cái bất khả tri của cuộc sống. Tài và danh khó liền thành một đường, cả tài lẫn danh đều đi đến bệnh tật. Tản Đà chết nghèo, Thạch Lam chết như say, Vũ Trọng Phụng chết bệnh, Kim Hà chết điên, Phan Bội Châu chết trong tù túng…Điều còn lại vẫn chỉ là tác phẩm. Giai thoại không phải sự ví von hài hước, nhiều khi xảo quyệt, Đinh Hùng ghi lại những phần chân thực nhất của người nghệ sỹ, đấy là các chỗ hổng vì nhiều lý do con người muốn tránh né, muốn rũ bỏ trong hoan lạc sau khi rời khỏi cõi viết. Đốt lò hương cũ, một thứ mây lìa ngàn (chương cuối của sách) đã cứa vút lên thinh không một làn khói hương tưởng niệm, những người không bao giờ chết.