Độ tin cậy của các nghiên cứu chúng ta thấy hàng ngày
Đã bao giờ, trong một cuộc tranh cãi, các bạn nghe người đối diện thốt ra cụm từ sau: “Nghiên cứu nói rằng …..” hoặc “Khoa học nó bảo...
Đã bao giờ, trong một cuộc tranh cãi, các bạn nghe người đối diện thốt ra cụm từ sau: “Nghiên cứu nói rằng …..” hoặc “Khoa học nó bảo rằng…” chưa ? Mình tin chắc chắn là có và mình cũng tin là có nhiều bạn sau khi nghe được liền cảm thấy bất cứ một giả định hay suy đoán của bản thân không còn giá trị nữa. Lí do là vì rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng đã là nghiên cứu khoa học thì sẽ đúng. Trong thời đại công nghệ số 4.0 như hiện nay, bất cứ ai cũng có thể truy cập vào các cơ sở dữ liệu thông tin đại chúng và thấy được các “nghiên cứu” kể trên. Vì vậy, việc mọi người có thể dễ dàng đưa ra các dẫn chứng khoa học trong bất cứ cuộc tranh luận nào là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng liệu rằng nó có thực sự chính xác? Tất nhiên, với các nghiên cứu ở thời điểm hiện tại và một vài nghiên cứu trong quá khứ, câu trả lời nằm ở tương lai. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra lập luận về độ tin cậy của các nghiên cứu này dựa trên hiểu biết khoa học.
Với bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào, ở đây mình chỉ đề cập đến các vấn đề khoa học thôi, không đề cập đến bất cứ vấn đề phi khoa học nào, một điều tất yếu của chúng đó là phải có tính áp dụng thực tiễn. Vậy nên, một quy trình bắt buộc để một lý thuyết (theory) hoặc giả định (hypothesis) có thể được triển khai trong đời sống hiện thực đó là phải qua thử nghiệm (test/ experiment). Trong toàn bộ quá trình khoa học này (tiếng anh là Scientific Method, nên mình tạm dịch như trên), thì khâu thử nghiệm là quan trọng nhất. Vì thế nên tính thực tiễn của bất cứ một nghiên cứu nào gần như phụ thuộc hết vào giai đoạn thử nghiệm thực tế. Tuỳ vào bản chất của nghiên cứu (study) mà việc thử nghiệm nó sẽ khác nhau, có một vài nghiên cứu đòi hỏi phải phân chia đối tượng nghiên cứu (experimental unit) thành các “block” (block design) thì mới có thể tiến hành thí nghiệm, một vài vấn đề đơn giản hơn có khi chỉ cần quan sát là có thể rút ra kết luận (observational study), một vài vấn đề phức tạp hơn thì lại đòi hỏi hàng năm trời thí nghiệm dưới một môi trường được kiểm soát chặt chẽ (control). Nhưng có một đặc thù của các cuộc thử nghiệm, đặc biệt là thử nghiệm về con người và xã hội, đó là rất khó để có thể tự tin rút ra một kết luận về quan hệ hệ - quả (causation).
Lí do là bởi vì những thí nghiệm về con người và xã hội tiềm ẩn rất nhiều yếu tố nhiễu (confounding factor) và các định kiến (bias). Những thành phần này có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nghiên cứu, trong khi tính chính xác đòi hỏi phải được chứng minh một cách khách quan (objectives). Lấy một ví dụ nhỏ để có thể minh hoạ rõ nét về sự khó khăn trong việc đưa ra một kết luận mang tính nhân-quả, đó là việc hút thuốc lá gây ung thư phổi. Đại học Harvard đưa ra bằng chứng rằng xuyên suốt từ những năm 1920 cho đến 1970, hàng nghìn thí nghiệm đã được thực hiện để chứng minh thuốc lá gây ung thư phổi cho NGƯỜI MỸ. Khởi đầu là vào thập niên 20, các nhà khoa học đã tiến hành các cuộc khảo sát những người bị ung thư phổi và những người không bị để tìm xem có điểm nào khác biệt giữa họ ( nên nhớ là vào thời điểm đó, đã có các bằng chứng khoa học chỉ ra tác hại của nicotine lên cơ thể con người rồi ), và họ phát hiện ra thuốc lá là điểm khác biệt rõ ràng nhất. Tuy nhiên những cuộc khảo sát kiểu này nhanh chóng bị chứng minh là không đáng tin cậy do bản thân các đối tượng khảo sát xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có nhiều tiểu sử bệnh tật khác nhau, cộng với đó là việc lời khai của họ có thể không trung thực. Tiếp đến là liên tiếp các cuộc khảo sát tương tự cùng mức độ kiểm soát cao hơn đối với đối tượng thử nghiệm. Tuy nhiên, vì ung thư là một căn bệnh có nhiều xuất xứ, bao gồm gien, chế độ dinh dưỡng, vân vân, nên các cuộc khảo sát này đều không đáp ứng tiêu chuẩn, thêm vào đó là các quy tắc về quy mô thí nghiệm (sample size) không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Phải đến thập niên 1950s khi Hammond và Horn tiến hành một cuộc thí nghiệm quy mô lớn với 188.000 người trong vòng gần 5 năm trời, người ta mới có một ý niệm rõ rệt hơn về quan hệ “có qua có lại” giữa thuốc lá và ung thư phổi. Tuy nhiên, dù là một thí nghiệm được tiến hành vô cùng cẩn thận, nó vẫn vấp phải sự phản đối của dư luận. Những lời phản bác hầu hết dựa trên thực tế là mỗi người là một cá thể riêng biệt, có những đặc tính cơ thể khác nhau cùng trải nghiệm tiếp xúc với các loại chất gây hại cho phổi khác nhau. Phải sau cả nghìn lần thí nghiệm tương tự với kết quả tương tự, giới khoa học Mỹ mới có đủ cơ sở để công nhận rằng thuốc lá có thể gây ung thư phổi. Thực ra, nếu không có quyền con người, vấn đề có thể được giải quyết dễ dàng hơn bằng cách “thu giữ” một nhóm trẻ sơ sinh và chia chúng làm hai nhóm với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt y hệt nhau; điểm khác duy nhất là sự tiếp xúc với khói thuốc lá. Đây là cách thử nghiệm lý tưởng nhất để có thể thu được chính xác kết quả về tác hại của thuốc lá lên phổi con người ( nói vui vậy thôi chứ trừ phi muốn vào tù thì hẵng tiến hành thí nghiệm này ). Tất nhiên, việc hút thuốc gây ung thư phổi là một vấn đề có ảnh hưởng trên diện rộng nên nó mới cần đến hàng chục năm để chứng minh. Những vấn đề nhỏ hơn thì có thể được chứng minh nhanh hơn. Nhưng ý mình muốn nói là bản thân chúng ta phải suy xét quá trình hình thành nên các kết quả nghiên cứu một cách thấu đáo.
Gần đây, có nhiều báo mạng đưa tin về việc Covid -19 có thể đã xuất hiện tại Vũ Hán từ giữa tháng 8, dựa trên một nghiên cứu của Mỹ. Lập luận mà nghiên cứu đưa ra là có logic, vì thế, rất nhiều người tin vào nhận định này của Mỹ. Sự thật, dù có là thế nào, thì cũng chưa được công bố. Tuy nhiên, bản thân mình cảm thấy, nghiên cứu trên của các nhà nghiên cứu Mỹ là không đáng tin cậy. Nguyên do, đầu tiên phải kể đến mỗi nguy cơ tiềm tàng của định kiến. Chúng ta đều biết chính quyền tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích và đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch Covid, nếu suy luận dựa trên thuyết lợi ích trong chính trị (rationale theory), truyền thông Mỹ có thể sẽ nhả ra các thông tin có lợi cho chính quyền Trump. Vì vậy cũng không có gì đảm bảo là nghiên cứu trên không bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan (bias). Thêm vào đó, việc đưa ra nhận định dựa trên từ khóa tìm kiếm trên internet và số xe đỗ tại các bệnh viện ở Vũ Hán là thiếu căn cứ khoa học. Chưa có một thí nghiệm khoa học nào có thể chứng minh nhận định trên của người Mỹ, vì thế, cá nhân mình luôn thấy bài báo trên chỉ là một bài báo mang tính chất tham khảo chứ chưa phải là một dẫn chứng mà mọi người có thể bấu vào để kết luận về việc dịch bệnh xuất hiện từ tháng 8. Tiếp theo đó là việc mọi người kết luận rằng vết tiêm phòng lao của Việt Nam có khả năng giúp người Việt miễn dịch với Covid 19. Đây là một giả định (hypothesis) có tính khoa học cao hơn so với nhận định về việc Covid bùng phát từ tháng 8 tại Trung Quốc do nó có thể đưa ra bằng chứng: vaccine lao (BCG) tạo ra sự bùng phát cytokine giúp tiêu diệt virus. Tuy nhiên, kể cả là như vậy, giả định này hoàn toàn chưa qua thử nghiệm trên người. Đến bây giờ, sau một thời gian thử nghiệm, người ta tìm thấy quá nhiều yếu tố nhiễu (confounding factor) đến nỗi WHO phải tuyên bố không khuyến cáo sử dụng BCG như một loại vaccine ngừa Covid. Dù rằng tất cả các nghiên cứu trên đều có thể là đúng, nhưng ở thời điểm hiện tại, chưa thể đưa ra kết luận rằng chúng có tính áp dụng thực tiễn. Vì thế, theo đúng quy trình khoa học, trước khi có bằng chứng thử nghiệm chứng minh giả định ban đầu (null hypothesis) là sai, ta luôn phải giả định rằng nó là đúng. Nghĩa là ta nên nhận định rằng Covid-19 không xuất hiện tại Vũ Hán vào giữa tháng 8 và vaccine lao không giúp tiêu diệt virus corona.
Những lời trên đây của mình, thực sự không nhằm mục đích phản bác lại các nghiên cứu khoa học mà chỉ muốn mang đến một góc nhìn chi tiết hơn cho người đọc. Một phần lí do là vì mọi người hay viện vào các nghiên cứu để khẳng định một điều chưa được chứng minh, như 2 ví dụ ở trên. Theo như quy luật của khoa học nói riêng và tự nhiên nói chung, mọi thứ có thể có mối quan hệ tương quan nhất định (correlation), nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng có mối quan hệ hệ-quả (causation).
Nguồn tham khảo
Frost, Jim. “Causation versus Correlation in Statistics.” Statistics By Jim, 24 June 2019, statisticsbyjim.com/basics/causation/.
Long, Phuc. “Dịch COVID-19 Có Thể Đã Lây Lan ở Vũ Hán Từ Tháng 8 Năm Ngoái?” TUOI TRE ONLINE, 9 June 2020, tuoitre.vn/dich-covid-19-co-the-da-lay-lan-o-vu-han-tu-thang-8-nam-ngoai-20200609142355129.htm.
Mendes, Elizabeth. “The Study That Helped Spur the U.S. Stop-Smoking Movement.” American Cancer Society, 9 Jan. 2014, www.cancer.org/latest-news/the-study-that-helped-spur-the-us-stop-smoking-movement.html.
Trang, Thu. “Vắc Xin Phòng Lao (BCG) Có Phòng, Chống Lây Nhiễm Covid-19?” Hanoimoi.com.vn, Apr. 2020, www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/964915/vac-xin-phong-lao-bcg-co-phong-chong-lay-nhiem-covid-19.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất