Những ngày cận tết hiếm khi cầm điện thoại, bật lên như thường lệ giữa dòng tin tức về virus Vũ Hán, cập nhật của friendlist về hình ảnh sửa soạn tết và các content ăn theo, bất chợt một kênh nguồn nước ngoài hay cập nhật về các điều viral trên mạng đăng bài về một cụ già ở viện dưỡng lão
Và đoạn tin tức đó làm mình bật khóc, cũng là điều thôi thúc mình viết nên những dòng này, tạm coi như là viết để 1 năm sau nhìn lại. 
Cụ gìa mình đề cập đến ở trên mắc bệnh Pakinson, mất đi khả năng nói, nên cụ giao tiếp bằng ngôn ngữ kí hiệu, cụ cảm thấy cô đơn cùng cực, rất nhiều lần muốn tự tử, một lần tình cờ cụ học cách quay clip bằng điện thoại và bằng cách nào đó chia sẻ trên internet - và đoạn clip đó trở nên "viral". Trong clip, cụ dùng tay run run ra kí hiệu để tâm sự, cụ "nói" cụ cảm thấy rất buồn vì cụ không thể giao tiếp với người khác, thậm chí với cả y tá, điều dưỡng chăm sóc cụ, có những lúc cụ chỉ muốn họ rót thêm cho cụ ít nước, không phải vì cụ khát, mà vì, cụ muốn có người ở bên cạnh cụ lâu thêm tí nữa. 
Mình khóc khi xem clip, không chỉ vì bản chất của đoạn phim đã cảm động, mà vì mình nhớ đến ông mình, ông mình cũng mắc Pakinson và mất đi khả năng vận động, suốt 5,6 năm trời cả nhà thay nhau chăm sóc ông, mình nhớ mãi những lúc ông muốn nói hay diễn đạt điều gì đó, mình luôn là người dịch lại cho cả nhà, vì mình quan sát ông rất kĩ, ánh mắt, khẩu hình miệng, nên khi nhìn thấy ngón tay của ông lão run run làm dấu, mình đã bắt đầu khóc rồi. Đoạn clip có hậu, sau đó ông được chuyển đến một trung tâm khác tốt hơn. 
Và mình muốn nói gì ở đây? Khi giờ đây một đứa trẻ 3 tuổi đến cục già 90 đều có một điểm chung và một thế giới bao la cùng chung sống là "mạng xã hội", người ta cứ loay hoay tranh cãi rồi tìm kiếm giải pháp rồi lại cãi về việc  "nó tốt hay xấu", "bao nhiêu là đủ", "cân bằng giữa ảo và thật"
Thế giới thật có 7 tỷ 7 người, thế giới ảo chắc sẽ ít hơn nhưng rộng lớn và bận rộn hơn vì trong đó họ còn bận tranh cãi nhau. Và những người nào thay đổi được? Những người đã "làm gì đó" 
Trong hàng triệu comment phẫn nội về việc bé gái bị xâm phạm, đã có vài người "làm gì đó" và dẫn đến một cái kết tạm làm thoả mãn dư luận.
Series phim tài liệu ăn khách gần đây của Nexflix về một nhóm người tìm ra danh tính kẻ giết hại 2 chú mèo con (bằng cách nhốt chúng vào túi nilon rồi dùng máy hút chân không rút hết không khí ra" - hoá ra hắn từng giết người thật. Khi hắn post đoạn phim thủ ác đó lên mạng, làn sóng căm giận tràn ngập mạng xã hội (đúng như ý hắn muốn), sẽ ra sao nếu không có ai "làm gì đó" để tìm ra hắn? Một đoạn video clip về giết người hàng loạt? 
Bạn có biết một năm ở Châu Phi có bao nhiêu trẻ em chết vì bệnh tả? Bao nhiêu người xem đoạn clip với nội dung: "người đổ phân đến hố xí múc từng thùng phân lên sau đó đẩy ra con suối trong làng, đổ hết xuống đó, cách đó tầm 500m là một nhóm em bé đang vọc nước" rồi rùng mình gõ comment "Ghê quá" "Cầu nguyện cho họ" "Một ai đó giúp họ đi" và...thôi. Một số ít trong đó thì dừng lại, đặt câu hỏi tại sao, suy nghĩ và bắt tay "làm gì đó" - có thể viển vông kiểu "biến phân thành nước sạch" chẳng hạn. (*)
Trong mạng lưới chằng chịt nhưng quá dễ dàng để tiếp cận, để chia sẻ, để mở toang cánh cửa riêng tư của mình cho đám đông, ta dường như thấy những điều bình thường hoá tầm thường và sau đó biến mất, có để lại cũng chỉ là một giây phút thoáng qua sau khi bấm chữ "done" ở khung comment -  cũng là tự đặt cho mình một cái kết cho một luồng suy nghĩ, một ý tưởng, một cam kết, một bắt đầu - điều mà trước đây có thể sẽ khiến chúng ta trăn trở lâu hơn - giờ nhường không gian và thời gian để ta kịp đón thêm những làn sóng khác đang lăm le xô đến ngay tức thì, cuốn phăng đi những phút lừng khừng, những gợn sóng trong lòng mang tên "Phải mà" "Mình nên"...
Quay lại đoạn chuyện cụ già phía trên, cộng đồng mạng đã chia sẻ rộng rãi, và một số người đã "làm gì đó" tác động đến con trai cụ, cũng như đội ngũ nhân viên, để rồi sau đó cụ được "thoát ra", đến với một môi trường khác tốt hơn. Mình nên thấy vui, nhưng  mình cứ ước gì một anh hay chị nhân viên nào đó đã có thể nán lại một vài phút và hỏi cụ "cụ có muốn thêm nước không". 
Và khi mình thì thầm 2 tiếng "ước gì" đó, mình nhìn lại bản thân mình.
Rồi mình chợt tìm thấy mục tiêu cho 365 ngày tiếp theo (nếu mình may mắn sống tiếp hết những ngày đó) rằng, khi có thể, trong khả năng, mình sẽ "làm gì đó" 
"Gì đó" là gì cũng được, miễn là làm, vì làm thì mới có làm đúng, sau đó là làm tốt, và làm tốt hơn. 
Nếu e dè cái vế sau chữ làm, ví dụ "làm sai", "làm bị chửi", "làm tốn thời gian" - thì chẳng bao giờ có "cái gì đó" cả. 
Nhớ, và làm, Mình nhé.
Chuyến đi biển đầu tiên của 2 chú cún nhà mình, điều mà mình trì hoãn mãi mới thực hiện. Và tụi nó hạnh phúc (mình cũng vậy)
Đêm giao thừa 2020.
(*) Dự án biến phân thành nước sạch của Bill Gates