Discipline - Hình xăm duy nhất xứng đáng ở trên cơ thể bạn suốt đời!
Với công việc dỗ nhiều hơn dạy của mình, đây là thứ mình mệt nhất: - Anh Thông ơi, tại sao có những bạn có thể xin được học bổng,...
Với công việc dỗ nhiều hơn dạy của mình, đây là thứ mình mệt nhất:
- Anh Thông ơi, tại sao có những bạn có thể xin được học bổng, em thì mãi miệt mài vẫn không có lối ra?
- Vì những bạn đó có ước mơ và họ bắt tay thực hiện ngay LẬP TỨC.
- Không đúng! Em cũng mơ có học bổng du học để thay đổi cuộc sống hiện tại, em không chờ đợi và bắt tay apply NGAY LẬP TỨC. Tại sao em vẫn THẤT BẠI???
- Em nghĩ tại sao?
… Và các bạn nghĩ tại sao?
Mình xin nói đây là một bạn cực kì high-profiled, bạn tốt nghiệp top 5 trong khoa của trường Đại Học Quốc Gia, kinh nghiệm 5 năm ở Unilever, P&G, từng làm delegates ở các diễn đàn trẻ ASEAN, bạn chắc chắn không thiếu ideas hay câu chữ để viết essay, nhưng bạn không có một thứ...
Rất giống hầu hết các bạn, cả mình khi xưa, bạn thiếu duy nhất một thứ quan trọng hơn tất thảy những yếu tố kể trên – Discipline/ Kỷ luật
Kỷ luật là gì? Là khả năng mình kiểm soát được những bốc đồng, cảm xúc và hành động nhất thời. Nó là khả năng nói “Không” khi thực sự mình rất rất muốn nói “Có”. Bạn đừng nghĩ rằng kỷ luật nghĩa là miễn nhiễm với Facebook, Youtube khi bạn định mở máy để viết essay - miễn nhiễm không có nghĩa bạn muốn có học bổng và tự nhiên bạn chẳng tha thiết tới những buổi hẹn cuối tuần nữa. Kỷ luật là khả năng bạn “cắn răng” vượt qua những điều vụn vặt nhất thời này. Hơn cả vượt qua những điều này, kỷ luật là việc bạn nhận thất bại, bạn đứng vẫn tin vào ước mơ của mình và tiếp tục theo đuổi. Trong những thử thách tột cùng nhất, kỷ luật là thứ xác định đẳng cấp giữa một người thành công và một người thất bại. Những giá trị mọi người vẫn thần tượng như giỏi giang, giàu có hay may mắn, đến lúc này chẳng có ý nghĩa gì nếu kỷ luật không tồn tại!
Điều mình nói trên không phải là một bài học kiểu “bơm tinh thần” – đó là khoa học. Cơ sở khoa học để nói điều này đến từ “Growth Mindset” (Carol Dweck), nơi người ta đã chứng minh được nếu bạn kiên định theo đuổi mục tiêu của mình, bạn sẽ dần “huấn luyện” cho bộ não hiểu rằng thất bại không phải là thực tại vĩnh viễn, và thực tại này có thể thay đổi. Điều trớ trêu là xây dựng mindset này cần rất nhiều nỗ lực và hi sinh, nhưng rất dễ để bạn làm hỏng nó, chỉ cần vài ngày bạn chọn Facebook, Youtube, bạn sẽ không bao giờ có thể ngồi yên suy nghĩ, chứ đừng nói cầm bút viết essay!
Kỷ luật có nghĩa kiên định theo mục tiêu tới khi nào được thì thôi? Không! Kỉ luật kiểu không có lí trí như vậy thì...mình làm biếng còn hơn.
Mình kể bạn nghe lần đầu thất bại của mình với học bổng. Năm đầu mình đi xin học bổng, mình đặt rất nhiều kì vọng lẫn đầu tư cho hồ sơ của mình – khi đó mình đã ở 1 trạng thái kỷ luật thượng đẳng, suốt 6 tháng mình chỉ có đi làm và suy nghĩ về essay. Mình suy nghĩ và ghi note mọi lúc, mình không café, không du lịch, không phim ảnh hay showbiz gì cả. Đáp lại sự kỷ luật này là liên tục những thư chúc mừng cho các vòng của học bổng Irish Aid. Năm 2016, mình có tổng cộng 4 vòng apply và mình đi thẳng như chẻ tre tới vòng sau cùng. Trước ngày phỏng vấn cuối mình đã nhẩm: “Bao tháng ngày khổ hạnh sắp qua rồi!” – nhưng rồi mình nhận bức thư kinh điển nơi người ta ít khi gọi tên bạn và hay bắt đầu bằng “We are sorry to inform…” – Toàn bộ mặt đất như sụp đổ và nhấn mình xuống tận cùng của thất vọng trong hàng tuần – mình bỗng thấy mấy câu nói về kỷ luật là thứ thuốc phiện mị dân mà mình đã phê quá lâu. Nhưng mình may mắn có một mentor có tâm (và đúng lúc), và đây là câu nói giúp mình sáng mắt mà mình sẽ nói lại với các bạn:
“Thất bại là nếu em nhìn lại mà thấy mình vẫn nói được “giá như…”, em cần tự xem lại những cái “giá như” mình đã có, vì em đã không dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho học bổng”
Khoảnh khắc kỷ luật là đây, là bạn đã thất bại nhưng vẫn nhìn lại những gì mình đã làm và “cắn răng” vượt qua cái sự nản để thực hiện lại nó theo một cách khác, mới hơn và tốt hơn. Mình từng nghĩ mình đã làm tốt, nhưng thực ra mình chỉ làm tốt hơn những người chung quanh mình thôi, mình chỉ kỷ luật hơn những bạn bè, đồng nghiệp những người mà họ…không apply học bổng. Những người đậu học bổng năm đó họ ở một đẳng cấp kỉ luật khác mình - Mình vẫn còn hàng chục cái “giá như” – những thông tin, kiến thức mà mình đáng ra mình nên đầu tư thời gian trước khi vào phỏng vấn.
Chốt lại, kỉ luật tới khi nào thì ngừng? Đó là khi bạn đã nhìn lại mọi thứ mình làm và bạn thấy rằng mình không thể làm điều gì khác nữa, khi bạn đã mang phiên bản tốt nhất của mình để gõ cửa ước mơ mà vẫn không được chào đón, có thể khi đó bạn nên chấp nhận, đó không phải là cánh cửa cho mình, và mình tiếp tục cuộc sống với những điều xứng đáng hơn. Bạn cần biết điều gì cho mình để theo đuổi nó tới cùng và từ bỏ những thứ không phải cho mình, tuy nhiên, bạn cần tỉnh táo để phân biệt được hai cái đó. Nếu không, kỉ luật chỉ là cách biện hộ cho sự theo đuổi mù quáng.
Nếu bạn quyết định sẽ xăm một điều gì đó lên cơ thể, một giá trị sẽ theo bạn suốt đời – mình khuyên đó là chữ Discipline/Kỷ Luật vì đó phẩm chất không bao giờ thay đổi qua thời gian. Kỉ luật là nền tảng, nhờ có kỉ luật, mọi tố chất khác của bạn mới được phát triển và thể hiện.
Mình đến từ nhóm Săn học bổng cùng Alumni, bạn có thể xem thêm các bài viết về săn học bổng, việc làm ở Châu Âu tại Đây
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất