Định nghĩa Tokusatsu và lịch sử phát triển
Những bộ phim như thế nào thì được cho là phim Tokusatsu? Dòng phim này đã phát triển như thế nào theo thời gian?
Với sự thành công của các Series như Kamen Rider và Super Sentai, “Tokusatsu” từ lâu tới nay vẫn bị khán giả đại chúng tại Việt Nam hiểu lầm hoặc quy chụp là “thể loại phim siêu nhân cho lứa tuổi thiếu nhi”. Vậy thực sự, Tokusatsu có nghĩa là gì? Những bộ phim như thế nào thì được cho là phim Tokusatsu? dòng phim này đã phát triển như thế nào theo thời gian?
Định nghĩa
“Tokusatsu”, “hiệu ứng đặc biệt”, là một cụm từ tiếng Nhật để chỉ những bộ phim người đóng sử dụng các hiệu ứng và kỹ xảo điện ảnh ở tần suất dày đặc. Các thể loại phim thuộc Tokusatsu có thể loại tương đối đa dạng. Từ khoa học viễn tưởng, giả tưởng, cho tới cả kinh dị. Bởi vậy mà phim Tokusatsu đã phần nào trở thành một trong những phương thức giải trí được lan truyền và ưa chuộng nhất tại quốc gia sáng tạo ra nó, Nhật Bản.
Những yếu tố nền móng đầu tiên hình thành nên Tokusatsu hiện đại đã có và được áp dụng từ rất lâu, thời điểm kịch nghệ Kabuki và nghệ thuật múa rối Bunraku còn thịnh hành vào khoảng thế kỷ 19. Ở thời điểm này, các nghệ nhân và nghệ sĩ Nhật Bản đã sử dụng các kĩ thuật dựng cảnh đặc biệt để thực hiện các phân cảnh hành động và chiến đấu.
Nhưng Tokusatsu hiện đại chỉ thực sự hình thành vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, với ý tưởng và sự khai sinh của Godzilla, “kaiju” nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Sự khai sinh của Godzilla, thể loại Kaiju và ảnh hưởng tới sự phát triển của Tokusatsu
Năm 1954, nhà sản xuất Tomoyuki Tanaka, cùng với sự giúp đỡ của phù thủy hiệu ứng Eiji Tsuburaya đã sáng tạo ra con quái thú Godzilla, được coi là hiện thân của nỗi sợ hậu thế chiến 2.
Một con quái vật thời tiền sử bị đóng băng, hiện đang yên giấc ở tận sâu dưới đáy đại dương. Hàng triệu năm sau, nó bị đánh thức bởi một nguồn năng lượng hạt nhân lớn. Godzilla tỉnh giấc và tàn phá Tokyo cũng như toàn Nhật Bản. Đây là một ý tưởng rất đột phá vào thời điểm đó, nhất là khi đất nước mặt trời mọc chỉ vừa mới phục hồi sau 2 quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống một cách tàn ác. Ở trong bối cảnh lịch sử đó, người dân Nhật Bản có một nỗi sợ rất lớn với phóng xạ hạt nhân, và chính nỗi sợ ấy khiến Godzilla trở thành một hiện tượng. Từ những ngày đầu tiên ra mắt, con quái vật ấy đã là biểu tượng cho sự đáp trả của tự nhiên tới hành động hủy diệt tàn ác của con người.
Godzilla thành công vang dội tại thị trường nội địa và quốc tế. Bộ phim Godzilla đầu tiên tại thị trường Nhật Bản có mức tổng kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 275 ngàn USD đã thu về con số khổng lồ lên tới tận 2.8 triệu USD. Thành công tương tự cũng đạt được ở Mỹ khi phiên bản chuyển thể của phương Tây ra mắt sau đó 2 năm với tựa “Godzilla, King of the Monster!” thu về 2 triệu đô với mức chi phí bỏ ra là 650 ngàn USD, chứng tỏ sự ảnh hưởng của loạt phim đã vượt ngoài ra khỏi thị trường nội địa.
Thành công về mặt thương mại ấy lớn tới mức tạo nên một cuộc cách mạng giải trí mà ai cũng muốn tranh phần lợi nhuận béo bở mà Godzilla đang nắm giữ. Nhưng phải tới tận năm 1965, tận 11 năm sau, Godzilla mới gặp được đối thủ ngang ngửa và xứng tầm với mình. Đó là Gomora. Cặp đôi này trở thành kỳ phùng địch thủ trên thị trường phòng vé hàng thập kỷ sau đó, mở ra thời kỳ hưng thịnh nhất cho dòng phim Kaiju.
Các anh hùng biến thân đưa Tokusatsu đi xa hơn nữa
Tokusatsu có 2 nhánh nhỏ phổ biến nhất với đại chúng hiện nay. Bên cạnh dòng phim Kaiju mà chúng ta vừa nói ở trên, thì dòng phim thịnh hành tiếp theo có tên là “Henshin Heroes”. Về cơ bản, “henshin” trong tiếng Nhật có nghĩa là “biến hình”. Nên có thể định nghĩa dòng phim “Henshin Heroes” để mô tả những người anh hùng mang trong mình khả năng biến thân để chiến đấu với cái ác và bảo vệ những điều tốt đẹp.
“Henshin Heroes” có thời gian khởi đầu gần như cùng lúc với dòng phim Kaiju. Vào năm 1958, TV Series đen trắng mang tên “Gekko Kamen” được ra mắt và phát sóng từ đầu năm 58 đến giữa năm 59. Bộ phim dài 131 tập, và được ghi nhận là bộ phim siêu anh hùng Tokusatsu đầu tiên được sản xuất. Nhưng cũng phải tới tận gần 1 thập kỷ sau, một người đàn ông tên Shotaro Ishinomori xuất hiện và đưa thể loại “Henshin Heroes” lên một tầm cao mới. Nhưng chúng ta sẽ nói về con người này sau.
Quay lại với Eiji Tsuburaya, phù thuỷ kỹ xảo của Godzilla trong khi làm việc với Toho, ông đã tự thành lập hãng phim của riêng mình, Tsuburaya Production. Ban đầu, đây chỉ là một dự án cá nhân với quy mô tương đối nhỏ. Tới năm 1963, ông mới bắt đầu tạo nên sản phẩm đầu tiên dưới danh nghĩa Tsuburaya Production có tên là “Ultra Q”. Để mô tả thì Series phim đen trắng này là sự kết hợp của 2 series phim truyền hình nổi tiếng cùng thời điểm là “The Twilight Zone” và “The Outer Limits”.
Mỗi tập phim của “Ultra Q” mô tả hành trình các nhân vật chính điều tra về những sự kiện siêu nhiên như quái vật khổng lồ, người ngoài hành tinh, ma quỷ và các loại hiện tượng khác.
Ngay khi “Ultra Q” bắt đầu phát sóng, Tsuburaya ngay lập tức đã thực hiện một series hậu truyện để đề phòng nếu dự án “Ultra Q” có thất bại. Nhưng trái với dự đoán, bộ phim đạt được thành công lớn, đủ để đài TBS đặt hàng một series mới đến từ Tsuburaya Production. Nhưng lần này, series sẽ được quay màu.
Eiji Tsuburaya và biên kịch Tetsuo Kinjo đã lấy ý tưởng gốc của “Ultra Q”, kể về các thường dân và các nhà khoa học tìm cách để xử lí các quái vật khổng lồ, thành lập một đội chuyên để thực hiện điều này. Từ đó mà dự án “Ultraman”, phát sóng 12 ngày sau khi Ultra Q kết thúc.
Nội dung của Series kể về một người ngoài hành tinh từ hành tinh Nebula M78, thường được gọi là “Ultraman”, hoặc được fan gọi với cái tên “Shodai Ultraman” hay “Ultraman Hayata”. Chiến binh này du hành tới Trái Đất đã vô tình đâm phải một người tên Shin Hayata. Để tạ lỗi thì ông đã lấy hình dạng của anh để giúp Hayata thoát chết, cũng như có một cơ thể để tồn tại ở Trái Đất. Trong suốt thời lượng của bộ phim, anh ta có thể biến thân trở lại hình dáng ngoài hành tinh và chiến đấu với các quái vật khổng lồ.
Dự án thành công tại Nhật, thậm chí còn được phủ sóng sang tới cả thị trường phương Tây khi “Ultraman Seven” được dịch, lồng tiếng và phát sóng vào khung giờ đêm muộn tại Mỹ.
Sau này, Tsuburaya Eiji tiếp tục làm việc ở Toho, tạo ra hàng loạt các phần tiếp nối của Ultraman, cho tới khi ông qua đời vào năm 1970. Nhưng di sản của ông vẫn còn được duy trì và phát triển cho tới tận ngày nay.
Kỷ nguyên Shotaro Ishinomori đưa Tokusatsu lên cực thịnh
Tuy vậy, Ultra Series không hề chiếm thế độc tôn trên thị trường. Đến đây là khi Shotaro Ishinomori chính thức bước vào cuộc chiến. Ông xuất thân là một họa sĩ vẽ Manga, đã từng là trợ lý của huyền thoại Osamu Tezuka và cũng đóng góp phần nào công sức trong việc tạo nên Astro Boy.
Các bộ Manga được ông thực hiện phần lớn đều thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, lấy motif siêu anh hùng, tiêu biểu là bộ Manga Cyborg 009 kể về 9 con người bị bắt cóc và tẩy não trở thành chiến binh người máy chiến đấu chống lại thế lực phản diện tà ác. Đây trở thành chiến đội siêu anh hùng đầu tiên được tạo ra tại Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có “Skull Man”, kể về một người đàn ông có cha mẹ bị sát hại còn nhỏ. Bởi vậy mà anh ta đã khoác lên mình bộ trang phục để trả thù cho cái chết của cha mẹ mình. Những tác phẩm của Shotaro Ishinomori thường khá đen tối và không phù hợp lắm với khán giả thiếu nhi, vốn là đối tượng chính của các bộ Manga. Bởi vậy mà ông đã kết hợp cùng với Toei Company để đi xa hơn .
Năm 1971, Ishinomori sáng tạo ra hình tượng siêu anh hùng biến thân Kamen Rider. Kamen Rider ban đầu được lên kế hoạch như là một phiên bản TV series chuyển thể từ “Skull Man” và “Cyborg 009”, nhưng vì cốt truyện quá đen tối nên Ishinomori đã phải có một vài sự chỉnh sửa trong cốt truyện cũng như thay đổi tạo hình.
Phim kể về chàng thanh niên Hongo Takeshi, vốn là một người biểu diễn môtô mạo hiểm, bị bắt cóc bởi tổ chức tàn dư của Phát Xít có tên là Shocker nhằm tẩy não và biến đổi thành Cyborg. Takeshi trốn thoát ngay trước khi giai đoạn cuối cùng của quá trình tẩy não diễn ra, có trong mình sức mạnh biến thân của Shocker, anh đã một mình chống lại cả tổ chức tà ác.
Một vài năm sau, Shotaro Ishinomori lên ý tưởng về một chiến đội tập hợp nhiều Kamen Rider khác nhau. Tuy vậy, ý tưởng nhanh chóng bị gạt bỏ. Thay vào đó, một thương hiệu khác đã được ra đời, Super Sentai. Và chiến đội đầu tiên được sản xuất vào năm 1975 là Himitsu Sentai Goranger.
5 đặc vụ bí mật may mắn sống sót khỏi vụ tấn công của một tổ chức độc ác, họ tập hợp lại, có trong mình khả năng biến thân thành những người hùng có màu sắc và sức mạnh khác nhau để một lần nữa tiêu diệt kẻ phản diện.
Trong khoảng thời gian từ 1971 tới 1975, cũng có một Series khác đang trong giai đoạn sản xuất. Đó là Kikaider. Tương tự Kamen Rider, Kikaider có xuất phát điểm là một Manga được sáng tác bởi Ishinomori, nhưng sau này đã được Toei chuyển thể thành một TV Series vào năm 1972. Dù không gặt hái được nhiều thành công như 2 thương hiệu trên, Kikaider cũng là một dấu mốc quan trọng của Ishinomori.
Thập niên 70 kết thúc và tiến vào những năm 80-90. Niên đại Showa cũng dần kết thúc khi mà Nhật Hoàng Hirohito đang có ý định thoái vị. Ở thời điểm này, Toei cũng đang rất lưỡng lự về việc có nên tiếp tục thực hiện các show Rider hàng năm như thông lệ nữa hay không. Nhưng khi câu hỏi đó vẫn chưa tìm được đáp án, Toei lại quyết định khởi động một dự án Tokusatsu mới hoàn toàn để lấp vào chỗ trống mà Kamen Rider để lại sau khi Black RX kết thúc vào năm 1989. Khởi đầu với series “Space Sheriff Gavan” và phát triển lên thành dòng phim “Metal Hero”. Tuy vậy, dòng phim này chỉ đủ sức để tồn tại đến cuối thập niên 90.
Cũng trong thời gian này, các show Tokusatsu đang chuyển hướng và trở nên đen tối hơn bao giờ hết. Các người hùng của chúng ta giờ thay vì chiến đấu với các tổ chức xấu xa thì phải chống lại các thế lực ngoài hành tinh hay từ các chiều không gian khác. Nhân vật chính diện giờ cũng hoàn toàn có thể hy sinh để thúc đẩy sự phát triển tính cách cho các nhân vật khác.
Phải đến thập niên 90, Toei mới nhận ra lượng khán giả chủ yếu cho các sản phẩm của họ hầu hết đều là trẻ em, nên họ đã giảm bớt sự tăm tối trong các series sau đó. Như là Gekisou Sentai Carranger năm 1996 chẳng hạn. Đây là một series tràn đầy với năng lượng tích cực và sự hài hước để thích hợp hơn trong việc tiếp cận với các khán giả nhỏ. Lượng Rating bắt đầu tăng trở lại nhờ sự chuyển hướng này.
Toàn cầu hóa Tokusatsu
Cũng như Godzilla và dòng phim Kaiju, các series thuộc thể loại Henshin Heroes bao gồm Metal Hero, Kamen Rider và Super Sentai đều trở thành những thương hiệu nổi tiếng và được yêu thích. Những người hùng và chiến đội mới liên tục được sản xuất hàng năm để phục vụ đại chúng.
Tiêu biểu nhất phải kể đến chiến đội Kyoryu Sentai Zyuranger ra mắt năm 1992, được hãng Saban đưa về làm lại thành một Series mới với tên gọi Power Ranger. Metal Hero thì được chuyển thể thành series “VR Troopers”. Hay là Kamen Rider Black RX năm 1988 cũng được mang sang thị trường phương Tây dưới cái tên Masked Rider, cũng bởi Haim Saban.
Tuy vậy, chỉ có Power Ranger là vẫn còn giữ được sức hút và vẫn đang được tiếp tục duy trì cho đến nay. Các series khác do không nhận được sự ủng hộ từ đại chúng phương Tây, hoặc do phiên bản ở Nhật đã tạm ngừng sản xuất nên không còn được duy trì. Còn đối với dòng phim Kaiju, các nhà sản xuất phim phương Tây vẫn cho ra bom tấn đều đặn với sản phẩm gần đây nhất là “Godzilla vs. Kong” năm 2021.
Đối với thị trường Nhật Bản, các thương hiệu Ultraman, Kamen Rider, Super Sentai vẫn được duy trì. Bên cạnh đó là sự ra đời của một loạt các Series mới và sự trở lại đột phá hơn của các Series cũ như Lion-Maru, Daimajin Kanon, Shougeki Gourangan và Hoàng Kim kị sĩ Garo. Tokusatsu đã vượt ra ngoài định nghĩa ban đầu của nó khi chỉ ám chỉ một phương thức làm phim, nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng thu hút mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất