Khi lũ trẻ con bắt đầu dần gọi tôi bằng chú thay vì anh, tôi đã nhận ra nhiều điều thú vị mới. Đầu tiên, hãy cho tôi biết liệu bạn đã gặp một cuộc trò chuyện kiểu này chưa:
“Chào bác ạ”
“Ôi, X đấy à. Dạo này lớn nhỉ? Ngày trước tao với bố mày chơi với nhau mày còn bé tí ấy, hai bọn tao chạy khắp làng...”
Hay “Ngày xưa, hồi cô còn là sinh viên ấy, cô cũng ở kí túc xá, mỗi cuối tháng á là đói meo bụng, toàn cầm bát đi xin gạo”
Tôi hồi trước, cũng như đa phần mọi người, tiếp nhận thông tin đó và đáp lại, “ồ thế ạ”, “vâng ạ” một cách hời hợt. Vì đó là câu chuyện của một người ta chẳng quen biết mấy, ở một thời cách xa ta vài chục năm, nên não tôi đã vô thức bỏ qua nó cũng là điều dễ hiểu vì không thực sự tìm được điểm chung.
Nhưng bỗng một ngày, tôi đã nói một điều tương tự với những người trẻ tuổi hơn mình. Và từ đó tôi cũng nhận ra rằng vì sao mọi người hay nói những câu như thế. Mục đích của nó không phải để mình hay người nghe phải chăm chú, và cảm thán hay cảm thấy liên hệ gì, mà họ đang chia sẻ một hồi ức, một kỉ niệm, một chuỗi các cảm xúc vừa chảy qua trong họ. Khi ta nói đến kí túc xá, họ nhớ đến chuỗi ngày ở kí túc của họ vui, thú vị hay buồn cười như thế nào. Khi ta nhắc đến tình yêu, họ cũng nhớ về mối tình đậm sâu của họ đã từng đắng cay ngọt ngào ra sao. Họ muốn nói ra để chia sẻ những cảm xúc mà những câu chuyện ấy đang đem lại.
Chắc hẳn ai cũng đã nghe câu "mọi vật, mỗi người đều có một câu chuyện đằng sau". Nhưng có vẻ chúng ta thường không quá bận tâm về điều đó. Chiếc điện thoại bạn đang cầm, là kết quả của cả một quá trình, bao gồm hàng trăm các câu chuyện khác nhau tạo nên, xưởng điện thoại đang chạy hết công suất, người đã tạo ra màn hình cảm ứng đầu tiên, người shiper chưa kịp ăn đem nó đến tay bạn. Hoặc gần gũi hơn, đó là những người lớn tuổi quanh ta, họ cũng đã từng trải qua thời thanh xuân giống như bạn, họ cũng có mối tình đầu rồi chia tay, họ đã tham gia bộ đội và đấu tranh với cái đói, cái khó, họ cũng từng lo lắng trong đám cưới của mình, cũng có những khoảng khắc vui tột độ hay buồn tha thiết, cũng đã trải qua những cuộc khủng hoảng hiện sinh hay tận hưởng những giây phút yên bình có được sau đó (hoặc không). Đằng sau mỗi sự vật, con người là vô vàn những câu chuyện có thể kể, nhưng chỉ thể hiện qua ngoại hình ta nhìn thấy hay những câu nói ngắn ngủi ta nghe được.
Hiểu được điều đó, bỗng tôi thấy trân trọng hơn những câu chuyện nhỏ lẻ mà người khác hay vô thức nhớ về và kể ra cho tôi. Tôi bỗng thấy các câu chuyện trở nên thú vị hơn chứ không còn xa cách và không liên quan như trước. Rất có thể ngày mai tôi sẽ gặp các cảm xúc mà họ từng nói, những bài học họ cố gắng khuyên biết đâu tôi ngày trước thấy sai, giờ lại cảm ơn nó. Và hơn hết, khả năng cao một tương lai xa, tôi lại ngồi xuống, bảo với cháu tôi rằng “Thời niên thiếu ông trẩu vl”. Mong cháu tôi và cháu bạn sẽ đọc được bài này rồi kiên nhẫn ngồi nghe người lớn nói chuyện.