Bao giờ mới chống dịch xong?
Sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng mới gần đây dẫn đến mất kiểm soát tình hình dịch tại TPHCM đã dấy lên câu hỏi liệu bao giờ Việt Nam mới chống dịch xong khi đã phong tỏa nhiều thành phố nhưng những ca F0 trong cộng đồng tăng liên tục?
8-7-2021

Những ngày gần đây, Việt Nam đang "vỡ trận" với COVID-19, lướt qua trang báo nào cũng chỉ thấy toàn tin về tình hình dịch bệnh, số ca bị lây nhiễm, chỗ này vùng kia bị phong tỏa… TPHCM, nơi số ca nhiễm tăng nhanh và nhiều nhất, đã vừa có quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 để phòng chống lây lan dịch ra cộng đồng.
Từ tự hào quá mức đến rối như canh hẹ
Trước hết phải nói ngay rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 cho đến nay, không một quốc gia nào, dù là những cường quốc có nền kinh tế tiên tiến hàng đầu như Mỹ, Tây Âu, Canada, Nhật, Hàn,… mà lại không mắc phải những sai lầm trong cách chống dịch, hoặc do đánh giá thấp lúc đầu mà tự mãn, không có chiến lược cho vaccine về sau.
Ở giai đoạn đầu khi Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch nhờ sự kịp thời và đúng lúc, nhiều người từ người dân đến giới chức cho tới báo chí truyền thông đều có thái độ chủ quan, "tự sướng" quá lố, đến mức còn tuyên bố rằng trong đại dịch này, có hàng vạn người từ nước ngoài đã muốn đăng ký về sống tại Việt Nam và rằng "Nếu cột điện biết đi ở Mỹ, thì nó sẽ về Việt Nam". Trong khi các quốc gia khác cùng khu vực cũng kiểm soát dịch tốt, như Đài Loan chẳng hạn còn tốt hơn Việt Nam, thì chả ai "ngất ngây" như vậy cả.
Bây giờ khi dịch bùng phát và lây lan nhanh ra cộng đồng thì lại rối loạn, làm toàn những chuyện ngớ ngẩn, như tiếp tục cho bầu cử, thi cử tụ tập đông người, rồi xét nghiệm/tiêm chủng tập trung, đi kiểm tra lấy giấy xét nghiệm âm tính - một cái giấy chỉ có giá trị 3-5 ngày (tương đương với hơn ba trăm ngàn đồng cho mỗi lần xét nghiệm) là một việc làm vừa vô nghĩa, và cũng lại chen lấn đông đúc dễ gây ra nguồn lây nhiễm thêm. Không những vậy, khi giấy khám xét nghiệm âm tính đó đã biến thành một "giấy phép" để có thể tiếp tục làm việc, thì có lẽ nó sẽ không chỉ dừng ở mục đích truy vết bệnh nhân nữa mà sẽ biến thành một công cụ kiếm tiền cho những kẻ bất lương - vốn không hiếm trong thời điểm hiện nay.

Hàng ngàn người xếp hàng dài trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 11, TPHCM để chờ tiêm vaccine Covid-19
Ồ ạt làm xét nghiệm để tìm nguồn lây, truy tìm các loại F1, F2 nhưng đã thất bại nặng nề, lại còn tốn kém khủng khiếp; càng xét nghiệm càng tăng số ca nhiễm, một việc làm chẳng cần thử cũng biết chắc chắn là như vậy. Vaccine thì ít và thiếu, thụ động trong việc nhập và phân phối do nguồn cung khan hiếm và chưa thể tự sản xuất ra vaccine.
Ngay cả chuyện cách ly tập trung, dồn tất cả các ca bệnh có liên quan vào một chỗ cũng sai, vì đã vô tình tạo điều kiện cho lây nhiễm chéo, thậm chí còn rất phản khoa học bởi sẽ có những ca F1, F2 chưa chắc đã khởi bệnh hoặc các ca bệnh ấy có lây lan virus nhưng dưới dạng lành tính, trong người họ sẽ sinh ra kháng thể và hệ miến dịch đủ để ức chế, bao vây, nuốt được virus nên dù có lây nhiễm, virus này cũng đã bị bất hoạt tự nhiên và làm cho người nhiễm thứ phát trở thành người lành mang virus như người trước. Vì vậy số ca bệnh (tức phát bệnh) trên thực tế là rất ít, số người cần chăm sóc bệnh viện còn ít nữa, vậy mà lại phải cách ly hàng loạt dẫn đến nghẽn cả hệ thống, không chỉ phản tác dụng mà còn đem lại kết quả xấu hơn.

Số lượng công nhân của khu công nghiệp Wanek 2, tỉnh Bình Dương được cách ly cùng một chỗ quá đông nên đã dẫn đến lây nhiễm chéo, 88 người mắc COVID-19 sau đó
Chống dịch nghiêm túc nhưng vẫn nhẹ nhàng, văn minh
Cần phải thấy rằng, ngay cả trong những ngày này, số ca bị nhiễm, số người chết vì COVID-19 ở Việt Nam, nếu những con số đó là đúng, thì so với Mỹ và châu Âu trong thời điểm dịch bùng phát nặng, vẫn chẳng là gì. Còn nhớ Mỹ và Anh từng có những giai đoạn thê thảm, trong lúc số người bị nhiễm và số người chết ở Mỹ cao nhất thế giới thì Anh cao nhất châu Âu. Nhưng nếu sống ở Anh thì sẽ không hề thấy sự hoảng loạn, từ chính phủ cho tới người dân. Không phải chỉ vì tính cách của dân bên họ lạnh lùng phớt ăng-lê như người ta thường nói mà cả ở Pháp, Đức, Bỉ, Canada… tình hình cũng vậy.
Không hoảng loạn, không rối trí ngay cả khi phải phong tỏa tới 6, 7 tháng, mà điển hình là đợt gần đây nhất Anh cũng đã phong tỏa toàn quốc từ tháng 12 năm 2020 tới 17 tháng 5 năm 2021 mới nới lỏng bớt, và đến 19 tháng 7 này nếu không có gì thay đổi, thì mới mở cửa lại hoàn toàn.
Phong tỏa một thời gian dài như vậy, mà nói đóng là đóng thực sự, quán xá nhà hàng mọi thứ đều đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, tiệm thuốc tây, một vài cửa hàng thiết yếu, người dân thì chỉ được phép đi siêu thị, đi mua thuốc, đi bộ hoặc chạy bộ ngoài trời, hai gia đình không được phép gặp nhau, càng không có chuyện tụ tập gì hết. Nhiều người dĩ nhiên sẽ bức bối, thậm chí còn bị trầm cảm vì suốt một thời gian dài không có những giao tiếp xã hội, không thể gặp gỡ người thân, không mua sắm, ăn uống nhà hàng gì được. Nhất là những người ở một mình, tình trạng còn tồi tệ hơn.
Nhưng ngoài đó ra thì không có sự căng thẳng, chính phủ cũng không lên gân, không hô hào khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là môt chiến sĩ"…; khi tình hình bi đát cũng không mất bình tĩnh mà lúc đạt được kết quả số người bị nhiễm, số người chết thấp hẳn nhờ tiến hành tiêm chủng vaccine nhanh chóng, cũng không ngất ngây "tự sướng".

Dịch thì đúng là chết người, nhưng không ai coi người bị nhiễm là tội phạm phải xa lánh hay chỉ trích, đời sống kinh tế của các thành phần xã hội bị ảnh hưởng vì đại dịch từ người thất nghiệp, người lao động tự do hay doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… đều được chính phủ hỗ trợ đầy đủ.
Chích vaccine thì ai cũng như ai, từ gia đình Hoàng gia, Thủ tướng cho đến người dân, cứ tính theo độ tuổi từ già đến trẻ, đến lượt là chích, lứa tuổi nào được phép chích loại vaccine nào thì chích, không phân biệt cấp bậc. Đi chích vaccine các trung tâm y tế đã bố trí giờ giấc sao cho không có đông người cùng một lúc, mỗi người sẽ phải ngồi cách xa nhau hai mét chờ đến lượt. Còn bình thường nếu muốn thử xem mình có bị nhiễm hay không thì cũng rất dễ dàng, nếu xét nghiệm nhanh thì có thể ra tiệm thuốc gần nhà lấy bộ kit về nhà tự thử lấy, còn nếu test đầy đủ (PCR test) thì cũng có thể tự thử tại nhà nhưng sau đó phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm đợi kết quả, hoặc đặt hẹn online, tìm một trung tâm nào gần nhà nhất mà đặt, đúng ngày giờ tới thử, kết quả sau đó được gửi qua email, hoặc tin nhắn qua điện thoại, mọi thứ cứ thế nhẹ nhàng, tuần tự mà làm.
Không thể cứ duy ý chí và bỏ quên bao số phận con người
Có thể Việt Nam chưa so sánh được với các nước nói trên, cũng có thể nói chúng ta chưa đủ khả năng để phổ biến vaccine do điều kiện sức khỏe chung của nhiều người là ít đáp ứng được với điều kiện của vaccine ngoại nhập, nhưng cần biết rằng, chính ở thái độ và cách ứng phó của chúng ta với đại dịch hiện nay mới là yếu tố tiên quyết giúp kiểm soát tốt tình hình dịch. Nếu như ngay từ đầu lúc kiểm soát tốt được dịch không tự mãn, không coi thường thì đến giờ mọi thứ đã chẳng mất kiểm soát đến vậy. Tuy nhiên, các phương pháp chống dịch hiện nay cũng không thể nói là tệ khi đã giúp Việt Nam thoát qua được nhiều đợt dịch gắt gao nguy hiểm, nhưng nó sẽ chỉ có tác dụng về mặt ngắn hạn. Tính đến lâu dài, nếu cứ tiếp tục áp dụng các lệnh phong tỏa, cách ly tập trung, khai báo xét nghiệm bằng giấy khám thì không chỉ gây ra những hệ lụy khôn lường về sự lây nhiễm mà còn khiến cho nền kinh tế bị kiệt quệ theo.

Việc duy ý chí ở một phương cách chống dịch cố định ngoài ra còn vô tình đẩy nhiều người dân vào thế "cùng cực" - chưa chết vì dịch thì đã có khả năng chết vì đói! Câu chuyện đưa sinh viên từ tỉnh Hải Dương vào TPHCM cũng đã nói lên cái thói quen làm việc thích phô trương hơn là thực chất, bởi nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: Thành phố đã sử dụng hết nguồn lực tại chỗ chưa, có thật cần thiết phải đưa người vào tốn kém nhiều như vậy chưa, và đưa nhiều người từ nơi này sang nơi khác giữa lúc dịch đang lan tràn có phải là khôn ngoan?
Trong những ngày đại dịch quay trở lại, mặt mũi ai nấy đều phờ phạc, nỗi lo dịch một phần thì nỗi lo chết đói, chết vì vỡ nợ… mười phần. Nhưng vừa tự lo cho mình, họ cũng giúp đỡ, đùm bọc người khác theo tinh thần "lá nát đùm lá rách" như hồi nào tới giờ vẫn thế, mà lại còn bị hành mới khác!
Song Chi
*Bài viết đã được hiệu chỉnh bởi người đăng bài, trong đó có lấy một số thông tin bổ sung từ tác giả Tân Phong, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng và một số nguồn báo khác*
Tham khảo

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Minh Cao
Giai đoạn đầu đúng là hơi ngạo mạn lố lăng, thấy nước bạn chết nhiều cái hả hê, quỳ lạy luôn, giai đoạn 2 cách ly ở sg ngăn sông cấm chợ mới có mấy ngày mà cảm giác như muốn bùng nổ vậy đó, đúng là nhiều người Vn có nhiều tật xấu, chê người ta cho lắm , bảo nào là cột điện có chân thì nó cũng về Vn tránh dịch, cuối cùng thì mới giãn cách 2 tuần mà đủ chuyện, yếu kém , còn Mỹ , Châu Âu Nhật .... thì họ lại gấp rút viện trợ vacxin cho người Vn mình, mà mình thì trước đó lại đi mỉa mai họ, chán
- Báo cáo
Cerca Trova
Đồng tình quan điểm với bạn, ngày nào Chính Phủ VN vẫn còn hô hào khẩu hiệu vô bổ và ko thừa nhận sai lầm trong công tác phòng chống dịch để có những chủ trương mới thì tai hại quá. Nền kinh tế VN ko giống với các nền KT khác, nó mỏng manh và thiếu nền tảng, nên cứ duy trì vậy thêm cỡ 1 tháng thì khả năng vỡ nợ xảy ra rất cao. Tương tự vậy là ý thức người dân, bất chấp tính mạng mình là 1 chuyện, mặc kệ luôn sức khỏe cộng đồng là một điều rất tệ, nhiều người thì vô ý thức tụ tập, vài người thì đầu cơ tích trữ tăng giá. Hi vọng bạn tác giả và những bạn đọc bài này và gia đình đều sẽ qua được mùa dịch này yên lành.
- Báo cáo

Navyblue Nerd

Chưa kể đến việc, chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh chính là vaccine. Không phải "mục tiêu kép", không phải "5K", chỉ có vaccine là thứ duy nhất có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thế mà đến tận đợt dịch mới nhất từ ngày 30/4 này thì chính phủ mới nhận ra không thể nào cứ "mục tiêu kép" với khoanh vùng dập dịch mãi được, mà vaccine mới là thứ thực sự cần thiết, thực sự là quá chủ quan, tự tin quá mức. Rồi cũng đến tận lúc đấy mới bắt đầu đàm phán với các hãng, rồi bắt đầu hô hào người dân và các tập đoàn góp từng xu một để thành lập quỹ. Kết quả là vaccine chưa thấy thấm vào đâu mà dịch đã tràn lan rồi (tính đến hôm nay mới được khoảng hơn 4 triệu người tiêm 1 mũi và chưa đến 1% dân số được tiêm mũi thứ 2, trong khi nhiều nước đang đề xuất tiêm đến cả mũi thứ 3). Há miệng chờ sung đợi covax với viện trợ thì biết đến bao giờ mới đạt đến con số 70% người dân được tiêm, chưa kể đợi vaccine trong nước sản xuất được thì có khi châu Âu, Mỹ, Nga, Israel hay Nhật nó bình thường lại từ đời nào rồi.
- Báo cáo

Pha Lê
Đồng ý với tác giả, chính sự tự cao sau đợt dịch đầu cộng với sự thiếu chuẩn bị trong cả một thời gian dài từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021 cùng với những việc như làm CCCD, bầu cử, thi THPTQG đã làm cho VN vỡ trận.
Đáng lo hơn là phương pháp chống dịch hiện tại càng làm cho VN suy kiệt kinh tế, kéo dài một thời gian nữa đến khi người dân thiếu lương thực thực phẩm thì toang thực sự.
- Báo cáo

Lighthouse2k
Thậm chí là còn cái kiểu chia vùng xanh vùng đỏ ở TPHCM nữa, trong khi cả thành phố lock down hoàn toàn thì có cần thiết không? Chúng ta đã quá tự mãn với thành tích chống dịch ở những làn sóng dịch trước đó để rồi bị biến thể Delta vả vào mặt 1 cái cho tỉnh.
- Báo cáo