"Bỏ phố về quê" liệu có phải là một trào lưu nhất thời?
Bài viết của người mới nhưng không cũ
X là một nhân viên của một tập đoàn công nghệ lớn, X đã làm việc gần 6 tháng tại nơi này. Một ngày của X bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc ở 10h tối, từ T2 đến T7, có khi là cả CN. X tự hỏi mình làm thế này được bao lâu nữa, bao giờ mới mua được nhà, bao giờ mới đủ tiền để sửa cái bếp cho bố mẹ, bao giờ mới đủ để... Đang suy nghĩ miên man thì Outlook của X hiện lên thư mới của lãnh đạo, X mở ra đọc, sau đó đeo tai nghe, làm ngụm trà và bắt đầu một đêm dài.
D là một nhân viên của một tập đoàn lớn, D đã làm việc tại nơi này được tận 4 năm. Guồng công việc trong 4 năm đã tôi luyện D thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, khi có rắc rối thì D là người đầu tiên đứng ra để xử lý. Tuy nhiên D lại thường hay cảm thấy trống rỗng mỗi khi đi làm về mặc dù D vẫn hoàn thành tốt công việc. Lá thư xin thôi việc được D viết ra cách đây 1 năm vẫn còn dang dở, D không nhớ đã sửa nó biết bao nhiêu lần, nhưng hôm nay D quyết định sẽ gửi nó đi.
Trên đây là 2 trong số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn câu chuyện mà các bạn đi làm sẽ gặp phải ít nhất 1 lần trong cuộc đời đi làm của mình. Các bạn có thể dễ dàng bắt gặp 2 câu chuyện trên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước lớn như Trung Quốc, Nhật, Mỹ và ngày càng có nhiều câu chuyện tương tự đang xuất hiện. Các phong trào như "Bỏ phố về quê" hay "tang ping (lying flat)" sao lại xuất hiện nhiều như vậy trong thời gian qua? Chúng có tác động gì đến các chính sách của nhà nước hay không? Và những phong trào đó có phải là nhất thời hay thậm chí là vô nghĩa? Trong bài viết này mình sẽ chỉ đề cập đến hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc do có nhiều điểm tương đồng.
1. Nguyên nhân:
Trong vài năm gần đây, những bài viết nói về tình trạng người trẻ Việt Nam hoặc Trung Quốc từ bỏ lối sống ở thành thị áp lực để đi tìm một phong cách sống hoặc chỉ đơn giản là tìm một nơi sống đỡ áp lực hơn, cả về tài chính lẫn tinh thần. Nguyên nhân chính của các trào lưu này có thể được chia làm 3 nguyên nhân chính: (1) Môi trường và cường độ lao động ngày càng khắc nghiệt, điển hình như 996 tại Trung Quốc (9h sáng đếm 9h tối, 6 ngày/tuần), (2) Thu nhập không tương xứng với tốc độ tăng của giá nhà và các loại hình dịch vụ khác như y tế, giáo dục, (3) Khoảng cách giàu nghèo ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh (4) Áp lực về mặt tài chính và về hôn nhân. Có thể cho rằng trào lưu này dùng để chống lại vòng quay chuột ( hay còn gọi là Rat Race) của một thế hệ lao động trẻ tuổi. Họ thấy rằng dù cố gắng đến mấy thì thực tế quá phũ phàng, họ có khi sẽ không bao giờ có thể đạt được giấc mơ thành công như cái cách mà cha mẹ họ đã đạt như cách đây 10-20 năm về trước.
Họ đang mất dần niềm tin vào cơ hội tiến thân trong sự nghiệp; với họ, làm việc chăm chỉ không còn là chìa khóa vạn năng dẫn đến thành công.
Trong quý 1 vừa qua, thu nhập bình quân tháng người lao động chia theo các khu vực kinh tế chủ yếu rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Chúng ta dễ có thể thấy với số tiền đó thì sống ở các thành phố đắt đỏ như Sài Gòn hay Hà Nội cũng khá khó khăn, chứ còn nói gì đến việc tích cóp hay đầu tư tài chính. Tất nhiên vì là trung bình nên sự chênh lệch thu nhập chúng ta sẽ không nhìn được rõ, nhưng ít nhất chúng ta có một con số để so sánh.
Còn anh hàng xóm Trung Quốc thì sao? Cụm từ "Tang Ping" (dịch ra tiếng Anh là 'lying flat') có một dạo nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Cụm "tang ping" hiểu đơn giản có nghĩa là nằm yên, mặc kệ tất cả và xây dựng cho mình một cuộc sống ít tham vọng và lặng lẽ hơn. Cụm từ này bắt nguồn từ một bài post từ người dùng Kind-Hearted Traveler nói về việc người này chi tiêu 1 tháng vào khoảng 200 Nhân dân tệ (~ 31 USD) và ngày chỉ ăn 2 bữa và đã không đi làm trong 2 năm. Bài chia sẻ của người dùng này hiện đã bị xóa.
Thu nhập bình quân của một người/năm ở các đô thị lớn tại Trung Quốc vào năm 2020 vào khoảng 97k NDT, nếu chia ra các tháng là vào 8083 NDT/tháng ~ 28tr VND. Đây là một con số có thể nói là cao ở VN, nhưng khi áp vào những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải thì con số này nhỏ bé đến đáng ngạc nhiên, bạn có thể sống ổn với từng đó tiền nhưng để đầu tư và mua nhà hoặc xe thì chừng đó là chưa đủ.
Tại Thượng Hải, một trong các thành phố lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2019 giá của một căn hộ nằm gần trung tâm đã có giá gần 94k NDT/m2, tức là một mét vuông bằng lương cả năm của một người. Nếu đi ra xa khu trung tâm, ra tận rìa thành phố chẳng hạn thì giá sẽ giảm khoảng 1 nửa, nhưng người lao động vẫn phải mất tầm nửa năm lương để sở hữu được một mét vuông.
2. Phản ứng:
Hiện tại ở Việt Nam, nhà nước vẫn chưa có một động thái rõ ràng nào về trào lưu này, ngoài việc có một vài phóng sự và một vài bài báo nói về chủ đề này. Do tình hình Covid diễn biến phức tạp trong vài tháng gần đây, thật sự cũng khá khó thống kê được bao nhiêu người từ bỏ công việc của mình do trào lưu này và bao nhiêu người từ bỏ công việc do dịch bệnh. Có chăng số liệu phản ánh sát với thực tế hơn một chút đó chính là số người rút bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên một lần nữa do dịch bệnh nên số liệu này cũng khó mà phản ánh được:
Vậy còn anh bạn Trung Quốc họ phản ứng thế nào với tình trạng này? Trước khi chúng ta nói về cách chính quyền phản ứng, chúng ta hãy đi qua một chút về nền kinh tế này sau đại dịch. Trong báo cáo của Pwc gần đây về Trung Quốc, chúng ta thấy được rằng việc quản lý chặt chẽ các ca nhiễm mới bằng công nghệ thông tin lẫn nguồn nhân lực khổng lồ, kết hợp với việc tiêm chủng đại trà vaccine, so với cùng kỳ năm ngoái (Q1) nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi và đi vào ổn định.
Không chỉ vậy, chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là 6%, con số này được các nhà phân tích cho là thận trọng, ổn định hơn con số dự báo của IMF là 8.4%. Trong báo cáo cũng chỉ ra gần 9 triệu cử nhân với đủ các ngành ra trường trong năm nay, đồng nghĩa với áp lực lên thị trường lao động Trung Quốc là không hề nhỏ.
Với mục tiêu vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mưc thấp lại vừa còn phải kiểm soát bệnh dịch, không lạ khi chính quyền Trung Quốc coi "tang ping" là một mối nguy hại đối với nền kinh tế. Ngay sau khi bài viết đầu tiên về "tang ping" được đăng tải, rất nhiều bài viết lẫn video chia sẻ của người trẻ về vấn đề này được bàn luận công khai. Một bộ phận chỉ trích rằng những người này đang làm quốc gia trở nên trì trệ và làm người trẻ Trung Quốc mất đi động lực, nhưng cũng có một bộ phận người dùng cho rằng môi trường làm việc hiện tại quá khắc nghiệt, kết hợp với chi phí sống đắt đỏ tại các thành phố lớn làm cho người trẻ càng muốn rời đi nơi khác. Chính quyền và các mạng xã hội lớn tại Trung Quốc bắt đầu có những hành động mạnh tay hơn đối với phong trào này.
3. Thực tế ra sao?
Có một điều mình không thích về phong trào này là gần đây một số trang tin trong nước đã cố tình tô màu hồng cho những người chọn cuộc sống "bỏ phố về quê" này. Những bài viết kiểu như: chàng trai từ phố về quê trở về mở trang trại (đất của bố, trong bài vô tình để lộ), chị gái từ bỏ công việc văn phòng để kinh doanh (với nguồn vốn tự thân và vài tỏi của gia đình cho) thật sự không phản ánh được hết những người tham gia trào lưu này. Không phải ai cũng có tiền hoặc có nguồn lực để có thể dễ dàng từ bỏ công việc ở thành phố mà ra chill ở một vùng đất mới cả, điều đó khá hiển nhiên. Cũng có người về quê chọn mở kinh doanh riêng mà thành công, tạo dựng được những thương hiệu uy tín, có danh tiếng nhưng số đó là rất ít, số người thất bại còn cao hơn rất nhiều lần.
Trong phóng sự của VTV, khi phỏng vấn những người mà từ phố bỏ về quê, sau đó lại trở về lại thành phố do vỡ nợ hoặc nhận ra mình không phù hợp với lối sống đó, mình thấy tâm đắc nhất đoạn này:
"...chỉ có làm việc, chơi, nghe nhạc, đọc sách,... Nghe thì có vẻ rất là thích nhưng mình nghĩ là nếu như mình cứ dành hết tất cả thời gian tuổi trẻ của mình cho những việc đấy thì nó hơi uổng phí .
Giới trẻ Trung Quốc cũng vậy, có người tưởng như đã từ bỏ công việc ở thành phố nhưng sau đó vì cơm áo gạo tiền hoặc vì lý do sức khỏe, gia đình mà họ đã trở lại vòng quay 996 hoặc họ tìm được một công việc với điều kiện làm việc tốt hơn. Nhưng có những người vẫn bám trụ lại với cuộc sống mới và chưa hề có ý định quay trở lại cái guồng 996 đó, họ đơn giản là đang chờ đợi.
Mặt trái của trào lưu "tang ping" hay "Bỏ phố về quê" là những rủi ro tiềm ẩn lên nền kinh tế cũng như lên các cá nhân tham gia, giả sử như số lượng người trẻ hưởng ứng ngày càng nhiều. Quan trọng là nhà nước và các doanh nghiệp sẽ làm gì với tình trạng trên?
Nói đi cũng phải nói lại, trào lưu này được ủng hộ nhiều như vậy cũng không phải là không có lý do. Nó đang cho thấy một sự bất bình ngầm tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ người lao động: Tại sao tôi lại làm công việc này? Nó có đáng không khi mà chi phí cho mọi thứ ngày càng tăng? Tôi hiện tại có đang gặp vấn đề về sức khỏe khi làm công việc này không? Những câu hỏi này cũng giúp nhà nước và doanh nghiệp có thể cải thiện và hỗ trợ người lao động tốt hơn, từ đó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và vừa sở hữu tầng lớp lao động có trình độ, sức khỏe tốt.
4. Kết luận:
Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau về cả thể chất lẫn về điều kiện tài chính. Tuy nhiên khi đi làm, khi ra ngoài xã hội, mỗi người đều phải chịu trách nhiên cho quyết định mà họ đưa ra. Ở lại thành phố cũng được, về quê cũng không sao miễn là tuân thủ luật pháp và quan trọng nhất: bạn biết mình đang làm gì. Bởi lẽ khi biết đủ về những rủi ro và những đánh đổi của mỗi lựa chọn, bạn sẽ biết được mình nên dừng ở đâu, và điều chỉnh ngưỡng chịu đựng sao cho phù hợp.
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất