Contact tracing - Một phương thức kiểm tra xem ai đã bị nhiểm Covid- 19 và theo dõi xem những ai có thể đã tiếp xúc với người bệnh đó để họ có thể cách ly. Đây là một phương pháp từ lâu được xem là hiệu quả trong việc làm chậm và cũng có thể kết thúc được đại dịch.
Các tổ chức y tế của Mỹ cũng như trên thế giới đã dồn nhiều nhân lực vào việc theo dõi người bệnh và những người bị tiếp xúc. Trong khi đó, vào tháng 4, Google và Apple đã thông báo rằng họ đang hợp tác để phát triển một phương pháp thực hiện điều đó trên những chiếc điện thoại thông minh. Kết quả là vào tháng 5, Google và Apple đã triển khai "Exposure Notifications system" - có thể tạm dịch là hệ thống thông báo phơi nhiễm.

Đây là một API mà nhà phát triển có thể xây dựng một ứng dụng tiếp xúc của riêng họ để cung cấp các thông tin y tế trong cộng đồng. Nền tảng này cho phép người dùng tải về ứng dụng theo dõi tiếp xúc của họ và chạy ngầm. Khi người dùng tiếp xúc một khoảng thời gian với một người khác, hai điện thoại sẽ tự kết nối với nhau thông qua Bluetooth, trao đổi mã ID giữa hai máy với nhau, những mà này sẽ được thay đổi mỗi khoảng 15 phút. Nếu một trong những người dùng được báo dương tính với Covid 19, tất cả các điện thoại đã từng tiếp xúc sẽ nhận được một cảnh báo rằng họ có khả năng nhiễm Covid 19.



Hàm API này không thu thập thông tin vị trí cũng như không cho phép dữ liệu mà nó thu thập được lưu trữ ở một máy chủ trung tâm (centralized servers) - Điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư cũng như giúp việc quảng bá ứng dụng rộng rãi hơn.

Dan Kohn - Giám đốc điều hành tại Linux Foundation Public Health - một tổ chức đang giúp triển khải Google - Apple API tại một số bang của Mỹ cho biết: "Điều đơn giản nhất khi nghĩ về Exposure Notification là nó không bao giờ chia sẻ thông tin mà có thể được sử dụng để xác định bạn là ai. Không phải về là sự tin tưởng nơi Google, Apple hay hệ thống y tế của chúng ta". Kohn tin rằng hệ thống này là "cú bắn" tốt nhất và hiệu quả nhất để theo dõi tiếp xúc mọi người - nhưng cũng có nhiều rủi ro khác và nhiều đối thủ cạnh tranh khác.



Ai là người sẽ sử dụng ứng dụng theo dõi tiếp xúc?


Việc cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc này diễn ra rất chậm chạp ở Mỹ. Các tổ chức y tế ở bang Alabama và Virginia đã phát hành ứng dụng đầu tiên ở Mỹ dựa trên API của Google và Apple từ đầu tháng 7. Nhưng ở một số nước khác, việc triển khai ứng dụng theo dõi tiếp xúc diễn ra tốt hơn nhiều. Có mười sáu nước, trong đó có Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Latvia, Gibraltar và Uruguay đã xây dựng các ứng dụng dựa trên API này. Tại Ai Len, một quốc gia với dân số chỉ khoảng 4,8 triệu người, ứng dụng theo dõi tiếp xúc của chính phủ đã được phát hành từ đầu tháng 7 và đã có khoảng 1,4 triệu lượt tải về.
Chính phủ Đức ban đầu tuyên bố sẽ tạo ra ứng dụng của riêng họ - không sự dụng Google- Apple API, và dữ liệu sẽ được lưu trữ ở một máy chủ của chính phủ thay vì ở điện thoại của người dùng. Ứng dụng này đòi hỏi Apple phải thay đổi một vài cài đặt trên iphone. Khi Apple từ chối điều này và có hàng trăm chữ ký của các học giả đã ký vào lá đơn cảnh báo về quyền riêng tư của người dùng- Chính phủ Đức đã phải lựa chọn sử dụng hàm API của Google và Apple. Từ khi được phát hành vào giữa tháng 6, ứng dụng Corona-Warn-App của Đức đã được tải về hơn 16 triệu lần. Tương tự Đức, tại Vương quốc Anh, sau khi thất bại nặng nề hơn nữa trong việc phát hành ứng dụng theo dõi tiếp xúc, họ cũng đã tạo một ứng dụng mới dựa trên API này.
Vào 31 tháng 7, phó giám đốc kỹ thuật của Google nói rằng: "Ở Mỹ, 20 tiểu bang và đặc khu- khoảng 45% dân số đã có thể sử dụng ứng dụng dựa trên ENS (Exposure Notifications systems)". Trong một email gửi cho The Markup, Julie Grimes, một đại diên của cơ quan y tế bang Virginia cho biết: "Một trong những lý do chính mà bang Virginia sử dụng ENS là bởi vì yếu tố quyền riêng tư của người dùng".
APHL- The Association of Public Health Laboratories, một tổ chức đại diện cho các phòng xét nghiệm của Mỹ đã thông báo gần đây rằng họ sẽ làm việc với Google, Apple và Microsoft để chắc chắn rằng sẽ triển khai đồng bộ ứng dụng tại các bang khác nhau của Hoa Kỳ. Điều tương tự cũng đang được thực hiện ở EU. Ứng dụng này không cần số lượng người dùng  khổng lồ để có thể tác động đến việc giảm sự lây lan của virus. Một mô hình nghiên cứu tại đại học Oxfort cho thấy, chỉ cần khoảng 20- 40% dân số của khu vực thực sự cài đặt và sử dụng ứng dụng thì có thể giảm khá đáng kể số lượng người nhiễm trong cộng đồng.

Tại sao không phải ai cũng đều sử dụng ứng dụng theo dõi tiếp xúc?


Mặc dù một số lo ngại đã được giải quyết nhưng những thách thức về quyền riêng tư và công nghệ đã dẫn đến việc áp dụng chập trễ các ứng dụng theo dõi tiếp xúc.
Ban đầu, các hàm API không yêu cầu bất kỳ loại xác minh nào khi người dùng tải lên kết quả xét nghiệm dương tính của họ, điều này khiến nó dễ bị giả mạo- bất kỳ ai cũng có thể nhập sai số liệu và làm giảm sự chính xác của hệ thống. Google và Apple sau đó đã tạo ra các hướng dẫn cho các nhà phát triển để tạo một máy chủ xác minh tính chính xác của xét nghiệm. Khi người dụng nhật được kết quả kiểm tra, họ sẽ nhận được một "mã"-có thể là bar code hoặc QR code...- họ sẽ phải nhập vào ứng dụng và máy chủ sẽ xác nhận tính chính xác của xét nghiệm. Tại Đức, các phòng xét nghiệm cung cấp cho người dùng mã QR trong tờ kết quả.
Cũng có những lo ngại các hệ thống như API của Google và Apple rất dễ bị giả mạo- một người khác có thể hack tính hiệu Bluetooth. Trong một email gửi tới The Markup, Bennett Cyphers, một nhân viên tại Electronic Frontier Foundation cho biết: "Chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy kiểu giả mạo này đã xảy ra, nhưng điều này vẫn là một mối bận tâm". Điều này có thể dẫn đến cho kết qua dương tính sai, những ngươi nhận thông báo có khả năng phơi nhiễm ngay cả khi họ không hề tiếp xúc. Bennett viết: "Tôi chưa thấy đề xuất nào của các tập đoàn công nghệ hay các nhà phát triển giúp giải quyết vấn đề này".
"Bluetooth, phương thức mà Google và Apple dựa vào để đánh giá sự tiếp xúc gần của người dùng có thể không chính xác." Greg Nojeim- cố vấn cấp cao và giám độc dự án "Tự do, An ninh và Công nghệ" tại The center for Democracy and Technology cho hay.
"Nếu tín hiệu bluetooth có thể truyền qua vải-như túi quần bạn, điều này làm giảm tín hiệu và cho rằng bạn xa người khác hơn trong thực tế. Ngoài ra, tín hiệu bluetooth có thể cho kết quả dương tính giả nếu truyền qua những bức tường và phát hiện tiếp xúc với người mà không có có bằng chứng nguy cơ lây nhiễm".
Và những cộng đồng có tỷ lệ mắc Covid 19 cao nhìn chung ít sử dụng điện thoại thông minh hoặc ít tin tưởng vào các ứng dụng của chính phủ hay các công ty công nghệ lớn.
Và không có sự đảm bảo chắc chắn nào những ứng dụng này sẽ làm việc hiệu quả.
Khẩu trang đã được chứng minh tính hiệu quả và có sự đồng thuận trong cộng đồng y khoa về việc deo khẩu trang giúp bảo vệ người khác. Nó không giống với các ứng dụng theo dõi tiếp xúc, không chắc chắn rằng ứng dụng Bluetooth sẽ hoạt động hiệu quả, mọi người có tải kết quả của họ  khi họ bị dương tính hay không và người đã tiếp xúc với người dương tính Covid 19 có tự cách ly sau khi nhận thông báo hay không?

Một số nơi đang phát triển công nghệ của riêng họ


Nhiều nước đã chọn sử dụng các loại ứng dụng theo dõi truy vết xâm phạm quyền riêng tư hơn– mà theo họ nói là có ích hơn cho các cơ quan y tế công cộng.
Ví dụ như Trung Quốc có một ứng dụng mà người dân trong nước yêu cầu phải tải về và phải được sử dụng để bắt buộc cách ly sau khi phơi nhiễm. Ứng dụng này chia sẻ nhiều thông tin, bao gồm dữ liệu vị trí và mã nhận dạng người dùng với một máy chủ trung tâm nơi mà cảnh sát cũng có thể truy cập được.
Ứng dụng Crush Covid RI của đảo Rhode sử dụng dữ liệu GPS mà người dùng có thể chọn chia sẻ nếu họ có kết quả dương tính. Theo trang web chính thức của ứng dụng, "Thông tin ẩn danh mà bạn cung cấp cho bộ y tế đảo Rhode ( không bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng hay cơ quan) có thể được sử dụng để hiểu rõ hơn về nơi dịch bệnh lây lan. Ví dụ : nếu có một địa điểm (như: siêu thị) nơi 20 người khác cũng cho kết quả dương tính trong cùng một thời gian, thì địa điểm đó cần phải đóng cửa và làm vệ sinh.
Ban đầu ứng dụng Healthy Together của Utah sử dụng cả dữ liệu bluetooth và GPS để các cơ quan y tế công cộng của địa phương này có thể hiểu rõ hơn về vị trí và cách thức lây lan của virus. Ứng dụng này cũng cung cấp cho các cơ quan nhà nước và công ty Twenty Holdings Inc, công ty đã giúp phát triển ứng dụng, quyền truy cập thông tin nhận dạng cá nhân như tên, dữ liệu vị trí và số điện thoại người dùng. Nhưng sau khi Utah ra mắt ứng dụng vào tháng 4 , chỉ có 200 người tải xuống. Các quan chức đã quyết định tắt tính năng GPS vào tháng 6. Tiến sĩ Angela Dunn – nhà dịch tễ học bang nói với The Salt Tribune : "Chúng tôi đã học được suốt ba tháng qua rằng theo dõi vị trí là điều không được mọi người ưa thích. Và kết quả là, nó không thực sự có ích trong nỗ lực truy vết tiếp xúc của chúng tôi."
Sau khi Google và Apple từ chối cung cấp API của họ cho các quốc gia muốn lưu trữ dữ liệu trên một máy chủ tập trung, Pháp đã tuyên bố sẽ tạo ra một ứng dụng của riêng mình-Ứng dụng tên là StopCovid. Ứng dụng StopCovid này đã bị chỉ trích vì hoạt động kém trên Iphone. Bộ trưởng bộ thông tin của Pháp, ông Cédric O, đã đổ lỗi cho Apple trong một cuộc phỏng vấn với BFM TV: "Apple có thể đã giúp chúng tôi làm tốt hơn, chúng tôi sẽ ghi nhớ điều này."

Quan điểm của người viết về ứng dụng theo dõi tiếp xúc


Tôi có biết về Google- Apple API, hàm API này được cập nhật qua Google services nên không cần điện thoại phải có phiên bản android mới nhất mới sử dụng được. Điện thoại của mình đang chạy Android 9 và google services cập nhật tự động nên cũng có thể sử dụng các ứng dụng dựa trên API này. Theo tôi đây là phương án hiệu quả nhất vì ngoài Bluetooth ra thì các phương pháp khác không hiệu quả và không chính xác bằng. Việc hack tín hiệu bluetooth không phải là vấn đề của ứng dụng theo dõi tiếp xúc mà là thuộc vấn đề bảo mật và việc này hiện nay cũng rất khó xảy ra.


Hiện nay ở Việt Nam, chính phủ đã phát hành ứng dụng Bluezone, một ứng dụng không sử dụng Google- Apple API. Bluezone đã được nhà nước cũng như các phương tiện báo chí quảng bá rộng rãi. Hiện tại đã có hơn 10 triệu lượt tải ứng dụng trên Google play store. Tôi đã tải ứng dụng về trên điện thoại của tôi, một chiếc điện thoại chỉ sử dụng bluetooth, không có sim, không bật wifi, tuy nhiên tôi liên tục nhận được các yêu cầu bật vị trí để giữ liệu được chính xác hơn từ ứng dụng.


Vậy liệu ứng dụng này có giống như những cam kết hay không? Gần đây có nhiều nhận xét và góp ý đưa ra trên github dự án của nhà phát triển ứng dụng. Các phản hồi của người phát triển có vẻ cầm chừng và chưa được rõ ràng. Hiện tại dịch Covid 19 không chỉ quay trở lại Việt Nam mà cả nhiều nước ở trên thế giới, ngoài vấn đề sức khỏe người dùng thì vấn đề quyền riêng tư cũng đáng được lưu tâm. Và khi quyền riêng tư được lưu tâm thì việc phổ biến ứng dụng này có trở nên dễ dàng hơn? Điều đó chưa biết chắc chắn được nhưng liệu khi có một phương án khác tốt hơn thì ta có thể sử dụng nó hay không?
Bài viết này được dịch một phần dựa trên bài viết gốc "What ever happened to those coronavirus contact tracing apps?" trên "The Markup". Nội dung sai sót nếu có là của người dịch. Vui lòng không copy hay reup.