Trung Quốc ngày nay rất rộng lớn cả về quy mô dân số và diện tích lãnh thổ. Hàng ngày tôi đi làm và nghe thấy nhan nhản những câu như “Một tỉnh của Trung Quốc còn to hơn cả nước Việt Nam.  Nhưng tại sao Trung Quốc lại rộng lớn như vậy. Tại sao các quốc gia châu Âu không thể thống nhất thành một đất nước. Có những yếu tố tự nhiên khiến cho Trung Quốc có thể thống nhất được, nếu không có các yếu tố đó thật khó để bất kì một vị vua hay một chế độ nào có thể cai trị được một vùng lãnh thổ rộng lớn với dân cư đông đúc như vậy. Chứ hoàn toàn không phải do các cụ ta ngày xưa không giỏi bằng người Trung Quốc.
Hiểu biết còn  hạn hẹp. Mong bạn đọc có ý kiến đóng góp  chia sẻ thêm.
PHẦN I

TRUNG NGUYÊN THẬT RỘNG LỚN

Khi xem các bộ phim lịch sử Trung Quốc (Tam Quốc, Chiến Quốc… ) nhiều bạn sẽ nghe thấy những cụm từ như “ tranh bá Trung Nguyên”, hay “Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên”. Có bao giờ bạn tự hỏi Trung Nguyên là ở đâu, tại sao nó quan trọng như vậy với các thế lực muốn thống trị Trung Hoa?
Trung Nguyên là khu vực đồng bằng trung và hạ lưu sông Hoàng Hà , với trung tâm là khoảng tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay và nó là nơi phát nguyên  của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Và được người Hoa Hạ coi là trung tâm của Thiên hạ.
Vị trí của Trung Nguyên
Vị trí của Trung Nguyên
Vậy tại sao nó lại quan trọng như vậy ?
Trong tiến trình lịch sử của loài người chúng ta đã trải qua các cuộc cách mạng về nhận thức, cuộc cách mạng nông nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã hình thành các đế chế và các nền văn minh cổ đại trong lịch sử loài người. Tất cả các nền văn minh cổ xưa đều phát sinh từ các vùng đất nông nghiệp như nền văn minh Ai Cập ở hạ lưu sông Nile, nền văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh Hoa Hạ, nền văn minh lúa nước ở phía Nam sông Dương Tử.
Từ khi nông nghiệp phát triển con người chuyển từ lối sống săn bắn hái lượm sang lối sống định canh định cư. Con người không còn sống nay đây mai đó mà bắt đầu tập trung định canh định cư ở một khu vực nhất định phù hợp với việc canh tác nông nghiệp, đồng thời sự định cư cũng giúp con người có thể tích trữ của cải thặng dư dẫn đến hình thành giai cấp người giàu và người nghèo. Điều đó dẫn đến một vấn đề mà trước đó con người chưa từng gặp phải, khi sống cuộc sống săn bắn hái lượm một bầy người chỉ bao gồm một, hai có khi vài ba gia đình sinh sống săn bắt cùng nhau (số lượng nhiều nhất chỉ khoảng 20, 30 người), tất cả mọi người đều biết nhau, mọi mâu thuẫn dễ dàng được thỏa hiệp, nhưng khi chuyển sang cuộc sống định cư, số lượng người tăng lên trong một quần thể có thể là vài trăm người trở lên, sẽ có những người không quen biết nhau, mối quan hệ sẽ phức tạp hơn dẫn đến những mâu thuẫn xảy ra nhiều hơn, khó thỏa hiệp với nhau hơn, quần thế đó bắt đầu đi đến tình trạng hỗn loạn, tranh cướp tài sản, tranh chấp hôn phối, đánh chiếm các khu vực đất đai phù hợp với việc canh tác nông nghiệp. Điều đó dẫn đến hệ quả là việc tạo ra một bộ máy cai trị, duy trì kỉ luật của quần thể người sống trong khu vực đó. Nó ban đầu là các tù trưởng, tộc trưởng quản lý các bộ lạc. Khi bộ lạc này trở nên lớn mạnh hơn, giàu có hơn, dân số phát triển hơn, sẽ xảy ra tình trạng đất đai canh tác nông nghiệp, của cải, lương thực không đủ nuôi sống các cư dân của bộ lạc đó. Họ bắt buộc phải tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lấn, các bộ lạc khác. Dần dần một bộ lạc sẽ thống nhất nhiều bộ lạc khác và hình thành tiểu quốc với người đứng đầu là Quốc vương. Cũng như vậy nhiều tiểu quốc xâm lấn, đánh chiếm lẫn nhau và thống nhất các tiểu quốc lân bang thành một thể thống nhất là đế quốc, đứng đầu là Hoàng đế. (Trong lịch sử Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên làm được việc này).
Từ đó ta có thể tóm gọn sự hình thành nhà nước như thế này.
- Khu vực nào phát sinh nền nông nghiệp nơi đó là mảnh đất tốt để hình thành nhà nước - Đồng bằng nào càng rộng lớn, có nhiều các loại cây nông nghiệp thích hợp thì sẽ là nơi sinh sống của nhiều các cư dân nông nghiệp. Các cư dân nông nghiệp đó sẽ hình thành lên các bộ máy cai trị. Trải qua các quá trình thống nhất các bộ máy cai trị nhỏ sẽ hình thành nhà nước với quy mô lớn trong khu vực đó.
<i>Hình 2: Trung Nguyên rộng hơn đồng bằng sông Hồng rất nhiều lần</i>
Hình 2: Trung Nguyên rộng hơn đồng bằng sông Hồng rất nhiều lần
Từ hình 2 ta có thể thấy được rằng vùng đồng bằng và hạ lưu sông Hoàng Hà lớn hơn rất nhiều so với đồng bằng sông Hồng, cũng như các đồng bằng phía nam sông Dương Tử. Vùng Trung Nguyên rộng lớn và màu mỡ nhất thế giới giúp nuôi dưỡng được một lượng dân cư đông đảo và cung cấp lương thực cho các cuộc viễn chinh của các đế chế Trung Hoa. Thời Tam Quốc Tào Tháo chiếm được vùng đất này nên nước Ngụy đã trở thành nước mạnh nhất trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô.
Nhưng vùng đồng bằng bằng phẳng rộng lớn này có một điểm yếu chết người đó là khả năng phòng thủ quân sự. Nó dễ dàng bị thống nhất. Bất kỳ thế lực nào trở nên mạnh mẽ sẽ dễ dàng tấn công các thế lực lân bang. Ví dụ như nước Tần thời Chiến quốc khi trở nên mạnh mẽ hơn sáu nước còn lại đã dễ dàng thực hiện công việc thống nhất Trung Hoa hoặc khi Ngô Tam Quế quyết định đầu hàng người Mãn mở cửa Sơn Hải Quan cho Đã Nhĩ Cổn, người Mãn với lực lượng kỵ binh hùng mạnh cũng đã dễ dàng đánh bại quân đội nhà Minh lập ra triều đại của người Mãn Thanh ở Trung Quốc. Người Trung Hoa cũng đã nghĩ ra cách là tạo ra các tòa thành trì đề ngăn chặn các cuộc tấn công nhưng thành cao hào sâu cũng không thể bằng được núi cao hiểm trở được. Trung Nguyên là sức mạnh của văn minh Trung Hoa, đồng thời nó rất khó bị chia tách, mà kể cả trong lịch sử có những thời kỳ bị chia tách thì cũng nhanh chóng thống nhất lại dưới cai trị của một chính quyền duy nhất.
Sau khi thống nhất được Trung Nguyên các triều đại Trung Hoa bắt đầu tiến đánh các khu vực phía nam sông Dương Tử, vùng đất mà trước đó thuộc quyền kiểm soát của các dân tộc không phải là người Hoa Hạ, trong đó có các dân tộc Bách Việt. Các lãnh thổ của người Việt chính thức bị sát nhật vào đế quốc nhà Hán từ năm 111 TCN bắt đầu giai đoạn lịch sử 1000 năm Bắc thuộc đến năm 938.
Mặc dù về mặt hành chính chính trị trong suốt 1000 năm đó lãnh thổ của Trung Hoa đã kéo đến tận miền Bắc Việt Nam ngày nay, nhưng do địa hình phức tạp, khí hậu khác biệt, và tinh thần dân tộc của người Việt nên các đế chế Trung Hoa vẫn rất khó kiểm soát được vùng đất phía Nam này. Các dân tộc phía Nam có tiếp thu được văn hóa Hán (chữ Hán.…), và người Hán cũng tiếp nhận lại các tín ngưỡng, văn hóa của nền văn minh trồng lúa nước. Vẫn có một sự khác biệt rất lớn về sinh học (người Hán phương Bắc cao lớn, mắt một mí còn người phương nam nhỏ bé, mắt hai mí), ngôn ngữ học (tiếng Việt), và văn hóa giữa miền Nam và miền Bắc Trung Quốc. Sự khác biệt đó dẫn đến các cuộc nổi dậy của người Việt để dành lại độc lập và thành công đã đến vào năm 938 sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền.
Yếu tố địa hình cũng khiến người Trung Hoa chưa bao giờ vượt qua được dãy núi Himalaya để tiến vào khu vực của người Ấn Độ cũng như các nước Tây Á, khu vực Tây Tạng trước kia cũng không thuộc quyền kiểm soát của người Trung Hoa. Tại đó đã từng tồn tại quốc gia độc lập là nhà nước Thổ Phồn. Nhà nước này đã có lúc đạt đến sức mạnh quân sự không kém Trung Hoa. Phải đến thế kỉ 20 lực lượng hồng quân của Mao Trạch Đông sau một cuộc hành quân được miêu tả là vô cùng gian khổ ,Tây Tạng mới chính thức bị sát nhập vào lãnh thổ Trung Hoa.
Tựu chung lại như đã nêu trên Trung Hoa đã may mắn có một đồng bằng rộng lớn hơn rất nhiều so với đồng bằng sông Hồng nơi được coi là cái nôi của nền văn minh Đại Việt. Vì thế vùng đồng bằng đó có thế tập trung được lượng dân cư lớn hơn, và tích trữ được lương thực lớn hơn phục vụ cho các cuộc viễn chinh. Dựa vào nguồn nhân lực vật lực đó mà Trung Hoa có để dễ dàng tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược còn các cụ ta thì không. Trong lịch sử nước ta chỉ có vua Quang Trung là người duy nhất đã có ý định chiếm lại vùng đất Lưỡng Quảng của Trung Quốc để sát nhập vào Đại Việt. Chỉ tiếc là việc chưa thành mà nhà vua đã qua đời.
PHẦN II

NGỰA – XE TĂNG THỜI TRUNG CỔ

Chắc hẳn các bạn đọc có người sẽ nghĩ mấy con ngựa thì có gì mà nguy hiểm. Đúng như thế vào thời nay với sự phát triển của khoa học công nghệ quân sự, mấy con ngựa không có tác dụng gì lắm trên các chiến trường. Nó chỉ xuất hiện trong mấy trường đua ngựa, nhà hàng, các khu vực chăn thả gia súc hay trong các bộ phim của Trung Quốc.
Nhưng bối cảnh thời gian tôi đang nói đến ở đây là thời xưa. Các bạn xem phim Tam quốc chỉ cần nghe câu “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” là đã thấy tầm của con ngựa nó như thế nào rồi. Người thì không thể chạy nhanh bằng ngựa, nhìn mấy anh lính chạy bộ trong phim thì thật tội nghiệp so với mấy ông tướng trên lưng ngựa. Những chiến binh trên lưng ngựa có ưu thế hơn hẳn so với người đứng ở dưới khi đánh giáp lá cà. Bạn có tin nhờ có ưu thế của ngựa và sắt thép Francisco Pizarro González cùng 168 người đồng hành của ông ta đã chiến thắng trong trận Cajamarca, tàn sát hơn 20.000 người da đỏ, bắt sống được vua Atahualpa của đế chế Inca. Các triều đại hùng mạnh nhất của Trung Hoa là nhà Hán, nhà Đường và nhà Thanh cũng là nhờ sở hữu được các vùng đất thích hợp chăn thả ngựa từ đó có một nguồn cung cấp ngựa lớn cho quân đội. Còn triều đại nhà Tống một triều đại rất phát triển về kinh tế và kỹ thuật thủ công nghiệp thì lại thường xuyên chịu cảnh bị các quốc gia phương Bắc với nền văn hóa kém phát triển hơn mình như Khiết Đan, Đại Kim xâm lược chỉ vì không phát triển quân đội và đặc biệt là không có ngựa. Xem mấy bộ phim như “Bao Thanh Thiên, Tinh Trung Nhạc Phi hay là Dương gia tướng” v…v… đủ thấy ông Đại Tống này khổ sở với ông Khiết Đan như thế nào. Đến cả cụ Lý Thường Kiệt nước mình cũng dám dẫn quân đánh châu Ung, châm Khâm của Trung Quốc luôn. Đỉnh điểm của nỗi nhục Trung Hoa là bị kỵ binh của Đại Kim tiến vào tận kinh đô Biên Kinh bắt sống 2 vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông cùng hoàng tộc gây ra sự kiện Tĩnh Khang chi loạn, hậu quả của sự kiện này chắc cũng chả kém mấy vụ thảm sát của quân đội Nhật gây ra trong chiến tranh thế giới thứ II. (Bạn nào xem phim của Kim Dung sẽ biết đến 2 nhân vật Quách Tĩnh và Dương Khang, 2 nhân vật này được đặt tên theo sự kiện Tĩnh Khang, còn ông Tống Huy Tông chính là ông vua đã cưng chiều đồng chí Cao Cầu làm khổ anh em Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử đó)
Thêm một minh chứng nữa cho sức mạnh của ngựa trong chiến tranh thời xưa đó chính là Đế chế Mông Cổ. “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đấy”
<i>Hình 3: Lãnh thổ của đế chế Mông Cổ thời cực thịnh</i>
Hình 3: Lãnh thổ của đế chế Mông Cổ thời cực thịnh
Nói đến đây các bạn đã thấy vào thời trung cổ kỵ binh trên lưng ngựa có sức mạnh khủng khiếp như thế nào rồi chứ, phải đến chiến tranh thế giới thứ I, ngựa mới mất dần vai trò của mình trong các cuộc chiến.
Người Hán trong các cuộc xâm lược của mình đã sử dụng ngựa, ngựa ở vùng thảo nguyên của Trung Hoa dẻo dai, giỏi chịu đựng và có sức chiến đấu hơn hẳn ngựa phương nam vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới
<i>Hình 4: Ngựa Mông cổ và ngựa vùng Tây bắc Việt Nam</i>
Hình 4: Ngựa Mông cổ và ngựa vùng Tây bắc Việt Nam
Có ngựa các đế chế Trung Hoa dễ dàng thực hiện các cuộc hành quân đường xa. Đặc biệt là các khu vực có địa hình rộng lớn và bằng phẳng như thảo nguyên Mông Cổ hay vùng đồng bằng Trung Nguyên. Các đội quân nào có lực lượng kỵ binh hùng mạnh dễ dàng làm chủ được Trung Nguyên như nhà Tần, thiết kỵ Mông Cổ…
Tuy vậy ở các vùng có địa hình phức tạp như sông ngòi, đồi núi ngựa không còn chiếm ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. Quân đội Mông Cổ gặp rất nhiều khó khăn khi tấn công xuống phía Nam và đặc biệt là đã 3 lần thất bại ở Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vương triều nhà Trần. Khi tiến quân vào Đại Việt ngựa không chỉ không còn chiếm được ưu thế mà lại gặp điều kiện khí hậu khác hoàn toàn so với khí hậu miền Bắc Trung Hoa hay vùng thảo nguyên Mông Cổ, các binh sĩ người Hán khi tiến vào Đại Việt cũng gặp cảnh tương tự như vậy. Tôi đã từng tiếp xúc với một số người quê ở Liêu Ninh, Trung Quốc, khí hậu mùa hè ở miền Bắc Việt Nam đúng thực sự là một cực hình đối với họ.
Ngoại trừ yếu tố về địa hình và khí hậu thêm một yếu tố nữa khiến Trung Hoa có thể thống nhất nhưng quân đội rất khó tiến xuống được các vùng đất ở Đông Nam Á lục địa đó là lương thực. Chỉ có vùng Trung Nguyên là nơi có thể cung cấp một lượng lương thực đủ lớn cho các cuộc chiến, nhưng khoảng cách từ Trung Nguyên đến nước ta khá xa, quá trình vận chuyển lương thực khí giới cũng tốn kém. Khi quân Mông Cổ tiến vào Đại Việt, vua tôi nhà Trần đã nhận định được vấn đề này và thực hiện chiến thuật vườn không nhà trống, cũng như tập kết đánh úp thuyền lương của địch. Quân đội Mông Cổ ở xa tới không có lương thực để ăn, cũng như gặp điều kiện khí hậu khác biệt nên sức mạnh đã giảm đi 8,9 phần.
Những yếu tố về địa lý, và điều kiện tự nhiên trên đã giải thích được tại sao Trung Hoa có thể thống nhất nhưng rất khó bành trướng tiếp tục xuống phía Nam là khu vực nước Việt Nam ngày nay. Tôi xin nhắc lại là trong bài viết này tôi chỉ nêu ra các yếu tố khách quan về điều kiện tự nhiên, chứ tôi không phủ nhận tinh thần độc lập, cũng như trí tuệ của cha ông ta.
Bây giờ ta thử suy nghĩ ngược lại, liệu cha ông ta có thể tiến hành các cuộc xâm lược lên phía Bắc không, vua Quang Trung cũng đã từng có suy nghĩ như vậy mà. Thực tế ra chỉ dựa vào những yếu tố trên thôi ta cũng thấy là rất khó, khu vực đồng bằng sông Hồng không thể tích trữ được một số lượng quân đội đủ lớn, lương thực cũng ở vùng đồng bằng sông Hồng nhỏ hẹp cũng không đủ cho các chiến dịch kéo dài và phải vượt qua các địa hình phức tạp. Giả sử trường hợp quân đội Đại Việt tiến lên được phía bắc mà gặp phải kỵ binh phương Bắc trong địa hình bằng phẳng rộng lớn thì cũng gặp phải bất lợi. Chính vì vậy dân tộc Việt cũng chưa bao giờ tiến đánh Trung Quốc, cụ Lý Thường Kiệt có đánh cũng chỉ là tiêu diệt sinh lực địch trước rồi nhanh chóng rút quân về nước. Các bạn nào có hiểu biết về lịch sử Trung Quốc cũng biết rằng ngoại trừ Chu Nguyên Chương thì các cuộc chiến trong lãnh thổ Trung Quốc phần thắng đều thuộc về các thế lực phương Bắc một phần cũng là do những nguyên nhân trên.
PHẦN III

SỰ THỐNG NHẤT CỦA NGƯỜI HÁN

Ngày nay Trung Quốc tuyên bố trên lãnh thổ của mình tồn tại 56 dân tộc khác nhau (Người Kinh ở Tam Đảo gốc Đồ Sơn, Hải Phòng cũng là một trong 56 dân tộc đó). Nhưng trước kia liệu số lượng các dân tộc trong lãnh thổ Trung Quốc có phải như vậy
Riêng người Hán ngày nay cũng có rất nhiều nhánh khác nhau. Liệu họ có cùng một nguồn gốc rồi di tản ra các vùng địa lý khác nhau hình thành các nhánh khác nhau hay là do quá trình thống nhất các quốc gia, và sau đó tiến hành đồng hóa các dân tộc khác khiến các dân tộc đó tự nhận mình là người Hán.
Trước kia ngoài các triều đại chính thống Trung Hoa như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh trên lãnh thổ Trung Hoa còn tồn tại các quốc gia khác của các dân tộc khác như Hung Nô, Khiết Đan, Đại Kim, Thổ Phồn nhưng đến ngày nay người dân của các dân tộc đó đâu. Đặc biệt là người Khiết Đan một quốc gia hùng mạnh ngày nay đã mất tích không còn dấu vết.
Sự thật thì cả hai quá trình người Hán di tản ra các vùng khác nhau và người Hán đi xâm lược và đồng hóa các dân tộc khác đều diễn ra. Nhưng quá trình người Hán đồng hóa các dân tộc khác diễn ra mạnh mẽ hơn.
Bản đồ các phương ngữ của Trung Quốc cho ta hiểu rõ hơn điều này. Để xác định người gốc của một dân tộc người ta thường có 2 phương pháp để xác định. Một là yếu tố về gen di truyền sinh học, hai là yếu tố về ngôn ngữ.
<i>Hình 5: Bản đồ các phương ngữ địa phương của Trung Quốc</i>
Hình 5: Bản đồ các phương ngữ địa phương của Trung Quốc
Từ bản đồ phương ngữ này cho ta thấy các vùng khác nhau này có thể đã thuộc sự cai trị của một số dân tộc khác không phải người Hán, sau các cuộc tấn công bành trướng của người Hán xuống phía Nam các lãnh thổ này bị sát nhập vào Trung Quốc, người dân của các vùng này bị đồng hóa với người Hán và tự nhận mình là người Hán.
Những bạn bè của tôi khi học tập và làm việc tại Trung Quốc đều nói với tôi mỗi vùng mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có một ngôn ngữ riêng, và các ngôn ngữ đó có sự khác biệt không thể hiểu lẫn nhau. Điều đó càng minh chứng cho nhận định trên.
Sự đồng hóa này bắt đầu từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Ông đã tiến hành một kế hoạch mà đến ngày nay người ta vẫn còn rất lên án đó là “Đốt sách chôn nho” tiêu hủy nền văn hóa của các nước bại trận. Các quốc gia khác thời Chiến Quốc cũng có nền văn hóa khác biệt, kế hoạch của Tần Thủy Hoàng là tiêu diệt nền văn hóa của các nước đó, khiến cho người dân của các nước đó quên đi văn hóa, lịch sử của dân tộc mình và dần dần tự nhận mình đều là thần dân của ông.
Sau triều đại nhà Tần các triều đại tiếp theo cũng tiến hành các kế hoạch đồng hóa tương tự đối với các dân tộc khác. Vào dầu thế kỉ 15 khi quân Minh tiến vào nước ta đã tiến hành một kế hoạch đồng hóa vô cùng khủng khiếp. Nó đã được ghi lại trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tan
Vùi còn đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Chu Thành Tổ Chu Đệ cũng tiến hành đốt bỏ các thư tịch, văn thư của người Việt, bắt những người Việt tài giỏi về Trung Quốc tiêu biểu là cụ Nguyễn Phi Khanh cha của Nguyễn Trãi, kiến trúc sư Nguyễn An người đã thiết kế và chủ trì việc xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh vẫn tồn tại và là biểu tượng của Trung Quốc cho đến ngày nay. Cũng may dân tộc ta vẫn còn giữ nguyên được tinh thần độc lập, những người anh hùng như Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã đứng lên dành lại độc lập cho đất nước, nếu không thì nước ta cũng mất rồi.
<i>Hình 6: Khu vực có nhiều phương ngữ</i>
Hình 6: Khu vực có nhiều phương ngữ
Nhìn hình 6 ta cũng sẽ thấy được rằng khu vực Đông Nam Trung Quốc mặc dù đã được sát nhập vào Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm nhưng do điều kiện địa hình và khí hậu các chính quyền Trung Quốc vẫn rất khó quản lý và tiến hành kế hoạch đồng hóa. Đến tận ngày nay ở đó vẫn còn tồn tại các phương ngữ khác biệt.
<i>Hình 7: Hình ảnh tượng 1 người đàn ông ở miền Nam Trung Quốc được cho là
thuộc tộc người Bách Việt, và tượng một người lính trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng</i>
Hình 7: Hình ảnh tượng 1 người đàn ông ở miền Nam Trung Quốc được cho là thuộc tộc người Bách Việt, và tượng một người lính trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Thêm một minh chứng nữa cho ta thấy được sự khác biệt giữa các tộc người mà ngày này đều tự nhận là người Hán. Ta thấy người lính trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thân hình cao lớn, mắt xếch 1 mí. Còn người bức ảnh còn lại là tượng 1 người đàn ông miền nam Trung Quốc ngày nay với ngoại hình thấp nhỏ, mắt 2 mí, và xăm mình giống người Việt cổ (Các cụ nhà ta trước kia có tục ăn trầu, nhuộm răng đen và xăm mình).
Vậy nguyên do tại vì sao các chính quyền trung ương Trung Hoa phải thực hiện những chiến lược đồng hóa trên.
Khi quản lý một lãnh thổ rộng lớn, với số lượng dân số lớn như vậy sẽ nảy sinh những vấn đề rất phức tạp về sắc tộc. Ngày nay chúng ta vẫn nghe thấy những cuộc chiến tranh do mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo, ví dụ như trường hợp người Do thái trong chiến tranh thế giới II, xung đột giữa người Do thái và người Ả Rập, xung đột giữa người Hồi giáo dòng Sunny và Hồi giáo dòng Shia. Thì trong lãnh thổ Trung Quốc cũng đã và đang xảy ra các xung đột như vậy như các khu vực Tây Tạng và khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, làm sao để những nhà cầm quyền Trung Hoa tránh được việc một nhóm người không cùng sắc tộc cảm thấy mình là giai cấp bị trị, cảm thấy mình bị áp bức và quyết định đứng lên đòi li khai và dành độc lập.
Đồng hóa các dân tộc khác thực sự là một kế hoạch rất thông minh. Ngày nay phần lớn người dân Trung Quốc đều tự nhận mình là người Hán, hậu duệ của các dân tộc khác đã không còn biết đến nguồn gốc của mình, và rồi khi tất cả người dân đều chung một nền văn hóa, chung một lịch sử, chung những niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng, tuân theo tư tưởng Nho giáo về trung quân ái quốc và những quy tắc làm người quân tử của Khổng tử thì những mâu thuẫn về sắc tộc sẽ không còn xảy ra nữa. Những nhà nước trung ương Trung Quốc sẽ không phải lo lắng về các cuộc nội chiến do sắc tộc mà tiếp tục mở rộng lãnh thổ, tiếp tục kế hoạch đồng hóa của mình.
Rút gọn lại trên lãnh thổ Trung Quốc ngày nay đã từng là nơi phát sinh không chỉ một mà của nhiều nền văn minh. Qua các cuộc xâm chiếm lãnh thổ nó thống nhất và dần dần mở rộng cho đến ngày nay. Người Hán trong thời kì khoảng thế kỉ thứ 2, thứ 3 TCN là những dân tộc vùng Trung Nguyên đã lập nên những triều đại nhà Tần, nhà Hán. Còn người Hán ngày nay là tập hợp của nhiều dân tộc khác nhau đã bị đồng hóa trong quá trình xâm lấn lãnh thổ của các triều đại Trung Hoa
LỜI KẾT
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin, những yếu tố đã là lợi thế cho các cuộc xâm lược bành trướng của Trung Hoa đã không còn nữa. Yếu tố quan trọng nhất quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại chính là yếu tố con người. Nhìn qua Israel nhỏ bé nằm giữa thế giới Ả Rập bao la vẫn phát triển hùng mạnh mới thấy sức mạnh trí tuệ con người mới lớn lao chừng nào. Nếu dân tộc Việt Nam đoàn kết đồng lòng, chăm học chăm làm quyết tâm vươn lên thì lo gì tương lai đất nước bởi nước ta có lợi thế về địa lý và tài nguyên hơn hẳn Israel cơ mà.!