Suốt những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường, thành tích học tập không tệ nhưng tôi luôn cảm thấy có hận với các môn học, vừa hận vừa sợ, rất sợ.

5 ngày trước khi thi Đại Học, nhồi nhét hết những gì có thể vào đầu.
Cuối năm, các quái vật học hành trong lớp đua nhau xem điểm tổng kết 9.4, 9.5, 9.6 (!) Đối với tôi học 3 môn Toán, Văn, Anh đã là cực lắm rồi, đối với những môn khác tôi rất tuỳ duyên, không hề có chút cố gắng. Nhưng đối với mấy đứa kia thì bài kiểm tra miệng cũng phải hoàn hảo, vì nó cũng góp mấy % vào điểm tổng kết cuối kì. Cho dù tôi có chút thành tích với môn ngoại ngữ, nhưng chưa bao giờ tôi học nó với niềm yêu thích quên ngày quên giờ cả. Nó là cả 1 quá trình trầy trật để giữ vững thành tích. Rất nhiều tối, tôi phát hiện mình ngủ vật trên giường sau khi tự hứa với lòng chỉ nghỉ 5 phút thôi. Tuy nhiên, lùng sục lại trí nhớ, lộn từ lớp 1 đến lớp 12 lộn lại, cũng có thể tìm được một số việc bản thân thực sự say mê quên ngày quên giờ. 
Năm lớp 2, tôi biết mình có khả năng sao chép tranh, ảnh và đồ vật ra giấy. Bạn bè bắt đầu nhờ vả tôi “vẽ” lại một số thứ như hình dán với các nhân vật ra giấy cho chúng nó. Năm lớp 5, lớp 6, tôi nuôi mộng vẽ truyện tranh, túi đựng bút của tôi có hình một con chồn bằng vải, nó trở thành nhân vật chính đầu tiên và cuối cùng tôi từng vẽ. Cuộc phiêu lưu của siêu nhân chồn kết thúc sau vài trang giấy, tất nhiên tôi cũng thử vẽ một vài mẩu truyện tranh khác nhưng cũng chẳng đến đâu. Năm lớp 7, lớp 8, trong giờ mỹ thuật, tranh tôi vẽ cũng có vài lần được cô mang ra khen, được vài con A+. 
Năm học lớp 9, một trong những lý do tôi lấy ra để không đăng kí thi vào trường chuyên, mặc dù tôi biết khả năng tôi đủ sức, là “học trường chuyên sẽ mất rất nhiều thời gian cho môn chuyên” do đó “không còn thời gian làm thứ tôi thích”. Kết quả tôi thi vào trường cấp ba làng. 
Năm học lớp 10, có một khoảng thời gian tôi cực kì chểnh mảng việc học, bỏ bê môn học. Đợt đó tôi say khắc bút chì, rất cất công mở youtube xem và học người ta khắc chữ lên thân bút chì, loại chữ in thì khắc như nào, chữ thường khắc ra sao. Sau đó, còn đi khắp các hiệu sách, hỏi han bạn bè để tìm mua loại bút chì không quá cứng cũng không quá mềm vì như thế sẽ vừa dễ đưa cán dao vào khắc, bút lại không bị gãy. Lưỡi dao khắc lâu ngày han gỉ, tôi mua cả hộp về để thay dần, còn tìm hiểu được cả loại lưỡi 30 rồi 15 độ nữa. Vào giờ học len lén chui xuống góc lớp ngồi luyện khắc, mặt bàn toàn những vẩn vẩn vụn gỗ bút chì. 
Một trong những thành phẩm đáng tự hào nhất :)
Năm lớp 11, vì thấy tôi học được, giáo viên gọi tôi vào đội tuyển ôn luyện thi HSG ngoại ngữ cùng các anh chị lớp 12. Mới bắt đầu ôn luyện có rất nhiều từ mới mà tôi không thể nhớ hết, tôi hì hục tự ngồi làm flashcard. Mua giấy màu bìa cứng về cắt ra, sau đó với mỗi từ, tôi tìm một hình ảnh thích hợp vẽ vào mặt sau của tấm bìa. Tôi vẽ dở, hay nói đúng hơn là tôi chỉ giỏi sao chép lại những hình tôi nhìn thấy. Rồi tôi thích việc đó hơn cả học từ, một tối vẽ được hơn chục tấm. Còn mang cả băng dính lên lớp, cẩn thận dính quanh miếng bìa, bạn bè rất tò mò không hiểu xấp bìa của tôi là cái gì? Cuối cùng, sau khi xâu được thành hơn 5 chục tấm, tôi cũng dừng lại. 
Lúc đó áp lực luyện đề rồi cả lịch học thêm các môn khác buổi tối nữa, tôi hùng hồn tuyên bố với con bạn thân: “Tao muốn xin nghỉ lớp học thêm, mày có định nghỉ với tao không? Nghỉ rồi có thể thoải mái làm việc mày thích không phải rất sướng sao?” Nó nói không, tôi bỏ lại nó một mình ở lớp học thêm. Sau việc làm flashcard, tôi lại tìm thấy hứng thú cắt xếp mô hình. Năm đó trường kỉ niệm 55 năm thành lập trường, tổ chức cắm trại rất lớn, mỗi lớp còn tự làm mô hình để chấm điểm. Bỏ ra nhiều tâm huyết, bọn tôi tự chấm mô hình của lớp mình điểm tuyệt đối. Đến khi nhìn sang lớp khác mới thấy họ làm rất công phu nghệ thuật, mô hình lớp họ được cho vào phòng truyền thống của trường, mô hình lớp tôi, tôi lẳng lặng tha hết về nhà mình. Mẹ mắng tha rác về chật nhà. 
Me and con dao dọc giấy ngày nào
Năm lớp 12, một lần sinh nhật đứa bạn, tôi nghĩ ra trò làm thiệp tặng nó. Xem qua mấy loại thiệp trên các trang mạng dạy, tôi làm đại thiệp popup hình con chó, tặng nó. Ai ngờ sau vụ đấy, popup card trở thành top đề xuất trên youtube của tôi, trên FB cũng follow đống người với fanpage làm popup card. Lúc đầu là in mẫu trên mạng xuống rồi dùng con dao ngày nào khắc bút chì và cắt xốp mô hình, tiếp tục cắt giấy làm popup card. Về sau, tôi muốn tự làm ra một mẫu của riêng mình, lại đi hỏi xem có thể dùng photoshop hay AI gì đó để dựng mẫu vẽ như này không. Kết quả không đủ kiên nhẫn, tự vẽ tay cho rồi. Lần đầu tiên tôi ngạc nhiên thấy mình thức đến 1h sáng, hôm sau vẫn dậy lúc 6h để kịp đi học. Nhưng khi ngồi vào bàn học để soạn sách, thấy mặt bàn ngổn ngang bản vẽ, tôi không soạn sách nữa, ngồi xuống tiếp tục đo đo vẽ vẽ. Nửa tiếng sau mẹ quát không định đi học hay sao mà còn ngủ? Còn nữa, giật mình nhớ lại, một lần trong bữa ăn, bố hỏi sau này muốn làm gì, tôi không nhớ hết được đã nói gì, chỉ nhớ có nói muốn sản xuất popup card hàng loạt để kinh doanh.  
Mặc dù từ khi bước vào cấp 3, trong đầu tôi luôn dằn vặt suy nghĩ sau này sẽ học đại học gì, trở thành người như nào, thậm chí không dưới 3 lần thu mình không chơi với bạn bè vì thấy “không ai hiểu tâm tư mình”, bọn nó chỉ “nghĩ đến chơi thôi”. Suy nghĩ nhiều, cũng không nghĩ ra. Trong rất nhiều, rất nhiều những bài viết chỉ cách tìm kiếm niềm đam mê, tác giả đều nói rằng bạn phải bắt đầu xâu chuỗi lại cuộc đời, đam mê của bạn chắc chắn liên quan đến những việc ngày bé bạn thích làm. Đọc nãy giờ, có lẽ mọi người sẽ nghĩ khả năng “vẽ vời nghệ thuật” của tôi cũng không tệ. Nhưng không, đối mặt với người khác, tôi chưa từng dám mở lời nói mình thích vẽ, thích những việc tôi vừa kể trên. Tôi không có tự tin. Cũng chưa từng nghiêm túc học những việc đó. Năm 12, sau khi thi đại học, còn khoảng 5 ngày để thay đổi lại nguyện vọng. Ông trời như muốn chọc tức tôi, bằng một may mắn nào đó mà điểm thi của tôi cao thuộc hàng top, muốn vào trường nào cũng đều có thể, vấn đề là, tôi không có đích đến. 
Trời đất bao la, nhiều lựa chọn, cái nào mới là dành cho mình.
Nằm vắt tay lên trán từ đêm đến sáng, lần đầu tiên hiểu cảm giác không-ngủ-được là như nào. Bố mẹ không ép tôi phải học trường nào, nhưng khi tôi nói những ngành tôi thích, câu trả lời là bố mẹ biết con không có khả năng theo những ngành đó đâu. Tôi biết lời bố mẹ nói có thể sai, nhưng tôi cũng chẳng có bằng chứng để chứng minh mình đúng. Cái tôi có chỉ là hai chữ "sở thích", một định nghĩa mà chính tôi cũng cảm thấy có tính biến động rất lớn. 18 tuổi tôi chênh vênh, không biết mình là ai, không biết khả năng bản thân đến đâu. Rất nhiều lần suy nghĩ thế này, Bộ Giáo Dục à, không phải mình em, mà rất nhiều bạn bè em, ở tuổi 18, trường đại học mà bọn em chọn quả thực chỉ như chơi loto đánh xổ số thôi, hoàn toàn là chọn bừa đó. Vậy không phải Bộ cũng phải có trách nhiệm với 4 năm thanh xuân Đại Học lỡ làng của chúng em sao? Nếu như kết quả thi xét tuyển Đại Học của bọn em có thời hạn 1 năm thì tốt biết mấy, có thêm một năm trải nghiệm trước khi đưa ra quyết định chọn trường.
Cuối cùng, quyết định theo học một chương trình liên kết quốc tế của tôi được đưa ra bằng công thức: zero niềm tin vào khả năng bản thân+ xuôi chiều ý bố mẹ+thời gian học được rút ngắn+ một chút mê tín sau khi xem bói+ một chút tò mò với chương trình học nước ngoài. 
Kết quả, năm nhất quật tôi tơi tả. Không cảm thấy vui. Không thích những thứ mình đang học. Vẫn là thấy mình chênh vênh, cách 2 ngày lại tự vấn bản thân một lần. Có nên học tiếp chương trình này hay nên dừng lại để suy nghĩ? Học phí hệ quốc tế rất cao, nếu sau này học xong rồi phát hiện mình chẳng thể theo nghề này, làm sao mới trả hết tiền đầu tư của bố mẹ đây...
Mùa hè đầu tiên ở Hà Nội, đến rồi.