Bài bên dưới được dịch từ bài viết của Kevin Cirugeda trên Anime News Network (2015):  https://www.animenewsnetwork.com/feature/2015-09-30/the-joy-of-sakuga/.93579

NIỀM VUI SAKUGA

Hoạt họa có đầy sức quyến rũ. Ngay cả trong một ngành công nghiệp khốn đốn như làm anime TV mà cũng có một số lượng đáng kinh ngạc các tác phẩm đặc sắc được đều đặn cho ra đời. Không phải lúc nào ta cũng được một bộ chất lượng sản xuất cao từ đầu đến cuối; mà có thể đó là một tập phim ấn tượng, một cảnh tuyệt vời hay một cut đơn lẻ với chuyển động bùng nổ phi thường. Dù là trường hợp nào đi nữa, có rất nhiều chất liệu phim phải mượn đến sức mê hoặc diệu kỳ mà phương tiện hoạt hình này sở hữu, nên cũng không bất ngờ gì khi rất nhiều người trở thành fan hâm mộ phim hoạt hình Nhật Bản. Mà cụ thể, hâm mộ chính yếu tố hoạt hình.
Chúng tôi còn được gọi là các fan Sakuga.
Một từ có lẽ bạn đã từng nghe qua, tuy nó đơn thuần mang nghĩa là “hoạt hình” trong tiếng Nhật, thì trong một thời gian dài các khán giả cuồng nhiệt hải ngoại đã dùng từ này để chỉ sự chuyển động ấn tượng. Từ này thường được lôi ra khi ta bàn về các cảnh có chất lượng sản xuất tăng vọt – bất cứ người xem nào đủ quen với anime chắc sẽ biết chủ trương tiết kiệm được áp dụng trong hầu hết các tác phẩm, để chừa lại các cut mạnh nhất cho cảnh cao trào. Nào là cú đấm đã mắt được diễn hoạt choáng ngợp, nào là cảnh nhân vật diễn xuất tinh tế mà giàu sắc thái, thiết nghĩ tôi có thể mạnh dạn bảo rằng mỗi khi anime được ghép nối lại tài tình thì hầu hết mọi người sẽ đều khoái chí. Vậy thì sao ta không cùng đến với sakuga?
Ừm thì… phức tạp đây. Có lẽ bạn đã sẵn mê hoạt họa rồi, nhưng khi cố tìm hiểu thêm thì tình hình lại hơi hơi giống ác mộng; thường chỉ nội trong số những người nói được tiếng Nhật họ mới có thể tiếp cận tận nơi nhà sáng tạo, và mặc dù các fan sakuga không phải lúc nào cũng dùng thuật ngữ nhà nghề nghiêm ngặt, nhưng để đọc kịp suy nghĩ của họ bạn vẫn sẽ gặp phải hàng tá tên người và các kỹ thuật làm bạn rối trí. Dẫu rằng bạn chỉ cần hai mắt là đủ để trân trọng cái đẹp hoạt họa, nhưng muốn đẩy xa mức độ thưởng thức bạn lại cần thêm một vài hướng dẫn. Trong trường hợp này, hiểu được cái bạn yêu thích là gì thôi thì bạn đã có thể cải thiện đáng kể cho trải nghiệm của mình.
Đó cũng là thái độ thích hợp để xử trí vấn đề này, tôi nghĩ vậy. Bạn sẽ không hiểu hết toàn bộ nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản trong nháy mắt, khi mà đã có hàng thập kỷ lao động và những phong cách rất riêng biệt đổ dồn vào đó. Mà bạn cũng không muốn hiểu hết đâu, trước hết phải nói vậy. Bạn sẽ không yêu thích hết mọi tác phẩm của mọi hoạt họa viên, cũng giống như bạn sẽ không yêu thích hết mọi bút pháp của mọi nhà văn. Bạn phải bắt đầu bằng việc tìm ra đúng thứ cuốn hút mình. Đây có thể là phần khó khăn nhất khi mọi người cần trợ giúp, nhưng may mắn thay cũng là phần về cơ bản là đơn giản nhất – hãy để trực giác tự dẫn đường. Không có quy luật nào phán quyết bạn phải say đắm loại nghệ thuật gì cả.
Quá trình này thường bắt đầu với một tác phẩm nào lay động được bạn trên tư cách cá nhân, mà bạn sẽ đóng vai trò xúc tác. Thường bạn phải mất một vài năm sau lần đầu trải nghiệm anime, chừng nào đạt đến một điểm đủ để nhận ra không phải anime nào trông cũng từa tựa như nhau. Một số người dễ có xu hướng chú ý kỹ mặt hình ảnh, nhưng trong đa phần thời gian, phải đến khi bạn đã nắm đại khái anime thể hiện được những gì thì bạn mới bắt đầu ưa chuộng thứ này thứ kia hơn. Đó là khi bạn tìm thấy một tác phẩm thật sự tạo cảm giác đặc biệt. Bất kể điều gì đã khơi nên cái đặc biệt đó, tác động của chúng luôn là như nhau – bạn mong muốn được nhiều hơn nữa. Thậm chí có thể bạn còn nghĩ ngợi về những ai đã góp công biến nó thành hiện thực. Nghệ phẩm không còn là thứ bạn tiếp thu thụ động nữa, mà đã trở thành thứ khiến cho bạn tự thấy tò mò.
Hyouka
Hyouka
Một số bộ phim hay đủ sức chinh phục hàng thế hệ người hâm mộ, rồi mỗi năm ta cũng đón nhận nhiều tác phẩm mới kích thích trí tò mò của những người mới nhập cuộc. Tôi thuộc về thế hệ đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu sakuga nhờ những anime như Gurren Lagann, bộ phim đã đem đến bao nhiêu là hoạt họa hiệu ứng lộng lẫy đậm đặc cá tính. Chúng tôi khởi sự làm quen với những cái tên như Yoshinari You và Sushio, quyết định dõi theo tác phẩm của họ để rồi nhiều năm sau chúng tôi có quyền mừng vui biết rằng cũng chính những hoạt họa viên tài năng đó đã có cơ hội dẫn dắt dự án riêng như Little Witch Academia. Giống với rất nhiều đồng đạo, tôi cũng có thể chỉ ra cảm tình của mình dành cho diễn xuất tỉ mỉ của nhân vật vốn đến từ những phim như The Melancholy of Haruhi Suzumiya, tác phẩm này đã thành công trong việc kết hợp chuyển động tinh tế với những khúc phim mãnh liệt hơn (chẳng hạn đoạn chơi nhạc nổi tiếng), cùng lúc đó nó vẫn giữ được khuynh hướng hiện thực trong cách thể hiện động tác.
Trải nghiệm của từng người trong khoản này có hơi khác biệt, nhưng kiểu mẫu chung là như nhau cả. Những năm gần đây tôi đã thấy các tác phẩm như Yozakura Quartet, Hana no Uta và Space Dandy khơi dậy hứng thú của mọi người dành cho hoạt họa; và dù con đường họ chọn đi có khác, tất cả chúng tôi đều dừng chân ở cùng một nơi. Điểm xúc tác sẽ thúc đẩy những chủ đề khác nhau tùy thuộc vào nét đặc sắc riêng của phim mà người ta thấy bắt mắt, cũng là lý do tại sao bộ Yozakura kể trên đã dẫn nhiều người đến chỗ muốn biết thêm về cái gọi là webgen – viết tắt cho web generation, “thế hệ mạng”, thuật ngữ này dùng để chỉ hầu hết những hoạt họa viên trẻ bắt đầu sự nghiệp chỉ đơn giản bằng cách đăng các mẩu hoạt họa gif của họ lên mạng để rồi giờ đây họ đang bước chân vào ngành công nghiệp. Tác phẩm của họ có một vẻ cách điệu rất riêng dễ nhận ra ngay, nên cũng là đối tượng hiển nhiên cho những ai mới làm quen mắt với hoạt họa. Tuy nói vậy, nhưng không phải chỉ mình các dự án nổi bật nọ mới đạt được hiệu ứng kiểu này. Hiếm sản phẩm anime TV nào phải vật lộn với nhiều khó khăn cho bằng Attack on Titan, vậy mà các trường đoạn hành động ba chiều của Imai Arifumi vẫn luôn châm ngòi thu hút nhiều người hâm mộ mới đến với sakuga.
Cũng có trường hợp đặc biệt nữa, có những phim mà chính cách tổ chức của chúng thúc đẩy cho quá trình này. Bất kỳ ai đã từng xem qua một anime dài kỳ hẳn sẽ biết rằng giá trị sản xuất của chúng thường chẳng hề đồng nhất, bởi lẽ việc hoạt họa cho một phim chiếu hàng tuần trong nhiều năm trời đòi hỏi nỗ lực vô cùng to lớn. Nhiều giai đoạn bị đốt cháy, rồi gia công thuê ngoài trở thành một nhân tố lớn hơn, và nhân sự được bố trí xoay vòng để duy trì dự án. Ấy thế mà khi thời khắc cao trào của phim đến, bọn họ dường như tung hết sức bình sinh ra. Nhiều bộ ngày thường phải cam phận hình ảnh nhạt nhẽo thì lại có được những điểm nhấn phi thường bậc nhất trong toàn ngành công nghiệp, và sự tương phản gay gắt đó vẫn luôn là hồi chuông réo gọi rất nhiều người hâm mộ sakuga ở ngoài kia. Nhưng dẫu những điểm nhấn hoạt họa ấy có thu hút sự chú ý hiệu quả đến đâu, thì việc chúng quá nổi cộm như vậy cũng là một con dao hai lưỡi. Không phải người hâm mộ nào cũng sẵn sàng đón nhận thay đổi, và một tập phim trông quá chõi so với các tập còn lại (nhất là trong một bộ phim dài tập mà người ta đã theo dõi hàng mấy năm trời) không phải lúc nào cũng được hoan nghênh.
Có lẽ đơn cử nổi tiếng nhất là Naruto Shippūden tập 167, cho đến nay vẫn còn là nguồn cơn tranh cãi; hãng Pierrot đã đặt lòng tin lão tướng Wakabayashi Atsushi sẽ tung ra một màn trình diễn thật sự độc nhất vô nhị cho trận đánh quan trọng hàng đầu của loạt phim này, nên kết quả là không để ai khác ngoài Wakabayashi đạo diễn, phân cảnh và giám sát hoạt họa cho toàn tập phim, đem đến một sự bùng nổ năng lượng bởi tay chỉ một vài hoạt họa viên khung chính (key animator), bao gồm tổ hợp của cả những nhân tài mới nổi lẫn những huyền thoại trong ngành. Thành phẩm của Yamashita Shingo – khoảng 7 phút hoạt họa do chính tay anh thực hiện – tóm tắt lại cảm giác chung về tập phim ấy: một cơn bộc phát chuyển động thuần chất không màng bám sát thiết kế mẫu nhằm ưu tiên phong cách nghệ thuật. Đứng trên lập trường hoạt họa mà nói, có rất nhiều thứ đáng để say mê trong đó, từ phần hoạt họa hiệu ứng phẳng lì mà hiệu quả cho đến đa dạng cách ứng dụng những mảnh vụn vỡ để tăng cường độ chấn động cho trận đánh. Wakabayashi cũng đâu có khờ dại, bảng phân cảnh tài tình của ông đã kiểm soát rất chặt chẽ lối hoạt họa tưởng chừng vô tội vạ này, ông xây dựng cảnh hành động xoay quanh nguyên tắc phải chuyển động điên cuồng không ngừng nghỉ, dẫn đến dòng chảy cho trận đánh cực kỳ suôn sẻ. Một màn phô bày đáng nhớ cho những thế mạnh của phương tiện kể chuyện này.
Dĩ nhiên như vậy vẫn còn chưa đủ, nhiều người phản ứng rất tệ khi phải thấy một phong cách dị thường mà họ không quen mắt. Nó khác biệt, nó kỳ cục, thì suy ra nó dở. Phản ứng tồi tệ này dẫn nhiều khán giả đến giả định rằng nhà làm phim đã không chịu bỏ công vẽ, rằng đây là một tập phim kinh phí thấp bị giao cho bên ngoài làm, và phía nhân sự làm phim ắt đã cóc thèm quan tâm. Đây không hẳn là một thái độ thuận lợi khi tiếp cận nghệ thuật, ngay cả trường hợp ta có gặp phải phong cách nào đó dễ gây chia rẽ như trên. Nói vậy không phải ý tôi muốn bắt mọi người đều phải yêu thích hết mọi khuynh hướng phi chính thống, mà chí ít một lựa chọn hợp lý hơn có lẽ là ta hãy tôn trọng nghệ phẩm ấy. Phải có lý do thì các hãng phim mới tin tưởng nhờ những người như Wakabayashi truyền tải các khoảnh khắc cao trào, có thể phương cách độc đáo của họ không làm hài lòng tất cả mọi người hâm mộ thông thường, nhưng bản thân các nghệ sĩ họ lại vô cùng yêu thích điều ấy.
Một điều hết sức quan trọng là ta cần hiểu tại sao tính cá nhân lại được chấp nhận ngay từ đầu và nó có vai trò gì trong cộng đồng sakuga. Một trong những thế mạnh thị giác tuyệt vời nhất của anime là mức độ tự do biểu đạt nghệ thuật, đây là điều không chỉ giới hạn trong các vai trò đạo diễn và nhà phân cảnh. Bởi thực tế khắc nghiệt của ngành công nghiệp mà không phải lúc nào cơ hội cũng có cho mọi người, nhưng ngay cả các hoạt họa viên vẽ khung chính cũng được phép khoe ra phong cách cá nhân miễn là người giám sát của họ thấy ổn. Điều đó giúp làm tăng sự đa dạng về phong cách, vì giới hạn của ta không phải là con số đạo diễn bộ phim nữa, mà là một khối rộng hơn gồm rất nhiều hoạt họa viên. Anime phong phú là bởi hệ thống sản xuất của nó không áp đặt tôn ty cứng nhắc, và điều đó khiến cho nhiều tiếng nói nghệ thuật riêng được cất lên và nghe thấy.
Tác động trực tiếp của việc này lên giới mộ điệu hoạt hình Nhật Bản là rất lớn, đến độ đã định hình cho cả cộng đồng đó. Chính việc được nhìn thấy bàn tay của người nghệ sĩ in dấu trong tác phẩm giúp khán giả xác định được những hoạt họa viên ấy, xem họ là đối tượng khả dĩ để hâm mộ thậm chí từ trước cả khi những người này có được chỗ đứng lớn. Có thể họ chẳng bao giờ lên được những chức cao như thiết kế nhân vật, nhưng miễn là fan còn nhận ra tác phẩm của họ và còn thấy nó cuốn hút thì vẫn sẽ có người chú tâm đến sản phẩm làm ra. Những hoạt họa viên thù lao ít ỏi mà đầy đam mê đó chí ít sẽ được hưởng chút ánh sáng sân khấu cho riêng mình – tình trạng làm việc sẽ không khá khẩm hơn, nhưng chí ít công sức của họ sẽ được nhìn nhận.
Một hệ quả khá vui là qua nhiều năm có những thuật ngữ dần trở nên phổ biến để chỉ ngón nghề riêng mà mọi người hay để ý thấy ở các hoạt họa viên. Từ những cụm kinh điển như Con rồng Kanada (Kanada Dragon) hay Rạp xiếc Itano (Itano Circus) cho đến những cụm mới đây hơn như Khối Yutapon (Yutapon Cubes), hệ thống thuật ngữ này được thiết lập là nhờ chính ngành công nghiệp cũng hưởng ứng đặc trưng riêng của các hoạt họa viên ấy và rốt cuộc chúng trở thành một yếu tố sẽ còn trở đi trở lại. Các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng lẫn nhau là chuyện đã thành lệ thường trong anime, bởi vậy mà những yếu tố vừa kể dần dà được đồng nghiệp của các hoạt họa viên kể trên sử dụng và phát triển thêm lên khi những người này rót vào đó phong cách của riêng họ. Những cụm từ như vậy thường lấy theo tên người nào phổ biến kỹ thuật gắn liền với chúng, tuy nhiên qua thời gian chúng trở thành một thủ thuật mà nhiều hoạt họa viên cùng nhau chia sẻ; như gần đây ngày càng nhiều người nhắc đến Nụ cười Akai (Akai Smile) – đặt theo tên Akai Toshifumi, nhà thiết kế nhân vật cho Magi cũng như nhiều anime khác – dù rằng ở thời điểm hiện tại người giúp lan truyền cách dùng từ này nhiều nhất lại là chiến hữu Matsuo Yuusuke của ông. Thật thú vị khi nhìn thấy những ngón nghề riêng và những cụm từ đại diện cho chúng tiến hóa theo dòng thời gian.
Đây dĩ nhiên là ngoại lệ xảy ra khi có những cá nhân được hưởng sự chú ý, bởi việc trân trọng cái đẹp hoạt họa không nhất thiết phải bó buộc vào việc ta biết ai làm gì. Ta gần như không thể nào nhận ra từng hoạt họa viên khung chính trong một tập phim do KyoAni sản xuất vì rằng cách vận hành đặc biệt của hãng này và văn hóa hoạt họa hết sức bài bản của họ đặt nặng vai trò của người chỉ đạo hoạt họa (animation director). Ở mức độ thấp hơn đó cũng là một nhân tố trong các phim Ghibli và thậm chí vài tác phẩm Gainax đời cũ, ấy thế mà đây đều là những ví dụ anime được fan sakuga hết sức xem trọng. Tài năng của cá nhân riêng lẻ là mấu chốt đối với anime, nhưng fan anime sẽ luôn sẵn sàng tôn trọng một nghệ phẩm tuyệt vời.
Quan trọng là ta phải nhận ra tại sao mình lại cần quan tâm đến cái tên của những hoạt họa viên kia. Đứng ở góc độ một người ngoài, chuyện này có vẻ giống như ta đang tôn thờ cá nhân thay vì bày tỏ nhiệt tình dành cho tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, nhưng bạn cần suy xét đến những điểm dị kỳ của ngành công nghiệp anime nữa; khi cho phép phong cách cá nhân của người hoạt họa viên len lỏi mạnh mẽ vào tác phẩm, người ta tạo ra một tình huống mà fan có thể dễ dàng tìm và nhận dạng đâu là kiểu nghệ thuật họ yêu thích. Nếu biết rằng cái người có phong cách bạn rất thích tham gia vào một phim nào đó thì nói không chừng phim ấy sẽ có những cảnh làm bạn tâm đắc, và nhận biết các tên tuổi trong danh sách nhân sự cũng là cách hay để tìm ra ai phụ trách phần đã gây ấn tượng mạnh với bạn. Người ta không theo dõi hoạt họa viên để mà tôn thờ thần tượng, người ta theo dõi là vì họ yêu thích những tiếng nói nghệ sĩ mà anime cho phép họ nghe thấy. Vấn đề không phải ở cái tên, mà là những tên ấy đại diện cho điều gì.
Có một thái độ thường thấy ở fan anime là họ cứ ám ảnh về hãng phim phụ trách một bộ nào đó, mà bất cần quan tâm thực tế của ngành và đôi khi gần như lấn qua ranh giới không lành mạnh và thiếu tôn trọng. Sự thật là chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt, còn lại thì anime là tác phẩm của những người hành nghề tự do và hoạt họa viên thuê ngoài; ngay cả đội ngũ nòng cốt của anime truyền hình và điện ảnh vẫn thường bao gồm những người không trực thuộc công ty, vậy nên nếu ta đưa ra phán quyết dựa vào đó thì giỏi lắm cũng chỉ là lời đáng nghi ngờ. Hiển nhiên cứ gán ý kiến lên một nhãn hiệu nào đó sẽ dễ hơn nhiều so với phải truy lùng công cán cá nhân, nhưng lối khái quát hóa dựa trên quan niệm sai lầm như vậy chẳng giúp ích cho ai. Nếu bạn muốn vinh danh một tác phẩm ấn tượng, hãy khen ngợi chính những họa sĩ đã làm ra nó. Không phải nói thế nghĩa là hãng phim không có vai trò gì – những nhân tài trong nhà vẫn tồn tại, điều kiện làm việc mỗi nơi mỗi khác nhau, và những nhà sản xuất khác nhau sẽ đảm nhiệm dự án theo những cách riêng. Tuy vậy, nếu bạn muốn biết tại sao một anime lại có phần nhìn như nó có, thì hãy chú ý tên của người sáng tạo thực thụ. Không phải vì cái tên, mà vì những con người đằng sau những tên ấy. Họ quan trọng.
Lovelab / Hoạt họa: Nonaka Masayuki
Lovelab / Hoạt họa: Nonaka Masayuki
Đã hiểu được tại sao những điều này quan trọng và để ý được những phong cách mà bạn yêu thích rồi, chính xác thì bạn phải làm sao để lần mò ra thêm về chúng? Ngày nay những ai đi đến được điểm này rồi sẽ ở vào địa vị ưu ái hơn những đồng minh ngày trước. Trước đây chỉ có những nguồn khả tín bằng tiếng Nhật cộng với video chất lượng thấp trên youtube, nhưng 2015 là năm hiền hòa hơn cho những người mới nhập cuộc; các nguồn như Sakugabooru thuận lợi hơn trong việc trình diễn những mẩu hoạt họa so với các video cũ kỹ kia, và các trang cơ sở dữ liệu như Anime News Network Encyclopedia và Animators Corner cũng khá hoàn chỉnh, và đang dần bắt kịp trang Wiki Nhân sự Anime tiếng Nhật. Cộng đồng sakuga ngoại địa đang lớn mạnh hơn trong những năm gần đây và như vậy có nghĩa là bạn dễ dàng được hướng dẫn hơn, dù vẫn không đến mức quá trực quan.
Một khi có đoạn hoạt họa nào thu hút sự chú ý của bạn, mục tiêu kế tiếp là hãy tập nhận dạng và làm quen. Ý trước có thể gây khó dễ cho ngay cả những fan kỳ cựu, nhưng một bước đầu vững chắc là bạn cứ nên để tâm đến phần danh đề (credits) trong phim. Danh sách nhân sự ở cuối mỗi tập phim bạn thường hay bỏ qua sẽ trở thành công cụ đầu tiên cho bạn khi muốn tìm hiểu thêm về điểm nào đó trong tập phim mà bạn thấy nổi bật. Đôi khi nhà làm phim tuyên bố dứt khoát ai phụ trách cảnh nào, hoặc phân ra ai là người diễn hoạt cảnh quan trọng và ai là những hoạt họa viên khung chính còn lại, nhưng đa phần thời gian bạn sẽ chỉ thấy một danh sách những cái tên. Bạn nào không đọc được kanji thì đừng quá lo lắng, vì khả năng cao là phần danh đề đó đã được nhập vào cơ sở dữ liệu nhân sự của các trang phương tây. Nhưng đến đấy vẫn chưa giải quyết xong vấn đề cốt lõi – tìm ra ai vẽ hoạt họa cho cảnh bạn quan tâm. Những người dùng tiếng Nhật sẽ may mắn dò được câu trả lời ở Sakuga Wiki, nhưng số còn lại sẽ phải dựa vào những phương pháp kém trực tiếp hơn như là đặt câu hỏi trên mạng xã hội. Tôi có danh sách liệt kê ra các fan sakuga để giúp bạn, và xét rằng fandom sakuga những năm gần đây đang lan tỏa, thì đơn giản là đặt một câu hỏi vào hư không trên Twitter có khi cũng đủ. Đừng ngại, một đoạn trò chuyện ngắn ngủi thôi có thể cũng đủ cho bạn biết được về một nhà sáng tạo nào đó mà biết đâu bạn đã hâm mộ sẵn rồi! Vì những người mới nhập cuộc thường chú ý đến những họa sĩ độc đáo, nên câu hỏi của bạn sẽ dễ dàng được trả lời, và việc tự bạn có phân biệt được các họa sĩ hay không sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hibike Euphonium
Hibike Euphonium
Như vậy chúng ta chuyển qua ý kế tiếp: làm quen. Nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp một tập phim mà hoạt họa khung chính được vẽ solo mà đương nhiên sẽ phô bày phong cách của người họa sĩ; ví dụ hiếm hoi có thể kể đến như Your Lie in April tập 5, là một màn trình diễn không ngừng nghỉ chuyển động nhân vật và hiệu ứng của Kojima Takashi. Hầu hết thời gian, tuy vậy, bạn sẽ chỉ biết rằng hoạt họa viên nào đó diễn hoạt cho vài cut nào đó trong một tập mà bạn thích. Một khi có được cái tên đó, hãy tra cứu về họ trên Sakugabooru hoặc tìm xem có clip tổng hợp về tác phẩm của họ ở đâu khác không (Sakuga MAD trên youtube?). Khi xem tác phẩm của chỉ một hoạt họa viên độc lập với số còn lại bạn sẽ dần dần để ý thấy những mẫu số chung, những phương cách vẽ riêng biệt của người ta và tất cả những gì làm nên phong cách cá nhân của họ. Từ kiểu vẽ tóc chi tiết và bồng bềnh trong tác phẩm của Kouno Megumi cho đến vô số tia lửa và mảnh vụn bắn ra trong các cut của Abe Nozomu, không thiếu gì những ngón nghề riêng cho bạn để ý. Có thể bạn sẽ muốn kiểm tra hoạt họa từng khung hình một để có cái nhìn rõ hơn về nghệ thuật của họ, nhưng cái đó không phải là cần thiết và fan không nhất thiết phải làm vậy để trân trọng hay cố hiểu biết sâu sắc về tác phẩm. Một khi bạn đã quen với quá trình này rồi, nó sẽ thành chuyện bạn làm một cách tự nhiên dù là lần đầu xem một tập phim; đừng lo nếu ban đầu bạn gặp nhiều vất vả. Chuyện này cũng giống như người ta sợ không theo kịp phụ đề anime rồi sau đó cũng có thể xử lý nhiều thông tin hơn mà không cần suy nghĩ!
Chắc không bất ngờ gì, nhưng một trong những nguồn tốt nhất để bạn lấy kiến thức kiểu này chính là từ đích thân nhà sáng tạo. Các trang như twitter đã đem đến cho họ một kênh giải tỏa cá nhân để họ chia sẻ những hiểu biết trong ngành, những công việc họ đang làm, đủ loại thông tin hấp dẫn. Đa phần, nghệ sĩ thích nói về công việc của họ và rất quý việc tương tác với người hâm mộ, nên ta cũng thường thấy những chuyện như là hoạt họa viên tự cung cấp các cut của họ khi fan hỏi đến. Điều này dĩ nhiên còn khá hạn chế trong số những người biết tiếng Nhật (dù bạn cũng có lúc thấy hoạt họa viên cố hết sức để trả lời bằng tiếng Anh cho người ngoại quốc, họ thích thú khi được người ta tìm đến mình như thế đấy), nhưng hiện nay cũng có rất nhiều người dịch những tin ấy sang ngôn ngữ khác. Khoảng cách giữa nghệ sĩ và người tiêu dùng càng lúc càng thu hẹp, và chúng ta hưởng được những thứ rất hay ho nhờ vào đó.
Tất cả mọi chuyện này rồi sẽ có ích gì? Tuy rằng không đến nỗi mệt mỏi như bạn tưởng, nhưng bạn vẫn sẽ phải bỏ ra chút sức cho công cuộc giải trí của mình đấy. Không phải ai cũng sẵn sàng làm vậy, và không sao cả. Việc này dù sao vẫn có rất nhiều lợi ích; nó nâng cao trải nghiệm xem anime của bạn, cho bạn hiểu rõ hơn về thứ bạn yêu thích và thậm chí giúp bạn dễ tiếp thu hơn. Con mắt dần dần được rèn luyện, rồi thì bạn sẽ biết điểm gì cần chú ý, đến nỗi nó sẽ thành ra một thói quen bạn vô thức thực hiện. Thì đúng, bạn cũng sẽ bắt đầu để ý thấy những khúc hoạt họa tệ hại, nhưng làm gì đến độ bạn thôi không thích những thứ mình đã từng say mê – đây đều là để trau chuốt công cuộc thưởng thức của bạn mà thôi. Bạn sẽ dần phát hiện ra chuyển động khẽ khàng của nhân vật trong một cảnh phim lay động mạnh mà trước kia bạn chẳng hề nhìn thấy, sẽ nhận ra tài nghệ đằng sau một cảnh nổ tung lộng lẫy, tất thảy đều rất bõ công.
Anime là một phương tiện quyền năng và yếu tố hoạt hình là một phần không hề nhỏ trong đó. Ngay cả những ai không muốn tốn công chú ý kỹ phần hoạt họa thì họ vẫn sẽ trải nghiệm nó một cách thụ động, và dù họ có ý thức hay không, một đoạn phim được hoạt họa xuất sắc vẫn sẽ luôn thu hút họ hơn. Tình cảm trân trọng dành cho sakuga không thay thế được một câu chuyện và dàn nhân vật lôi cuốn, mà đúng hơn sẽ bồi đắp thêm vào đó; rốt cuộc ra, lằn ranh bị mờ nhòa giữa những yếu tố dàn dựng – khả năng cao là một đoạn phim được đạo diễn tốt sẽ khéo dùng hoạt họa, chuyện kể hay nhất về nhân vật sẽ khoe ra điểm mạnh của các vai thông qua chuyển động tinh tế, và anime hành động gay cấn sẽ phải cậy dựa đáng kể vào phần dàn cảnh và biên đạo do người chỉ đạo hoạt họa nghĩ ra. Thế nhưng dẫu có là một phần thiết yếu của phương tiện hoạt hình này thì rào cản đầu vào vẫn gây khó khăn cho những người muốn bước đầu trân trọng hoạt họa theo cách chủ động. Hy vọng bài viết này có thể giúp làm nhẹ gánh công cuộc dẫn nhập, và sẽ có thêm nhiều người bồi đắp mức độ thưởng thức lên một tầng mới nữa dành cho sở thích của mình. Bạn sẽ thấy xứng đáng.