Thảm họa Nhật: Xu hướng hư cấu sau 1995
Về các thể loại thế giới, sinh tồn, đời thường/chữa lành trong bối cảnh nổi lên của nó
Khoảng thời gian đặc biệt khó khăn như gần đây dễ đưa đẩy người ta đến những hình dung về tận thế. Đứng từ đây, ta có thể quay sang nhìn lại năm 1995 ở Nhật, mốc thời gian mà rất nhiều người tin rằng đã tác động to lớn vào trí tưởng tượng đại chúng vì tính chất thảm họa của nó. Sự kiện kinh thiên động địa một khi đã qua đi, thì sẽ để lại những dư chấn gì, và phim truyện phản ánh điều đó ra sao? Chúng ta có một ví dụ Nhật Bản gần bên để mổ xẻ.
Thể loại tận thế đến từ chữ Hy Lạp apokálypsis, nghĩa là mở màn, hé lộ (và còn được dịch là "khải huyền") – thời khắc tận thế là thời khắc sự thật về thế giới được hé lộ.
Trong sách Apocalypse in Contemporary Japanese Science Fiction, tác giả Tanaka Mokoto lưu ý rằng sở dĩ trí tưởng tượng về tận thế nở rộ là nhờ người đời ngày nay có khái niệm về tương lai, về tiến bộ. Kể ra, trong văn hóa cổ đại từng có nhiều câu chuyện về ngày tàn của thế giới, và khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản nó cũng từng làm dậy lên trong giới quý tộc Heian niềm tin vào thời mạt pháp, nhưng Tanaka cho rằng những kịch bản đó vẫn dựa trên thế giới quan mang tính tuần hoàn, chu kỳ, và bấy giờ người ta vẫn thích nhìn về quá khứ huy hoàng, chứ không nghĩ rằng tương lai ở phía trước là thứ gì có giá trị đáng đón đợi. Thái độ kỳ vọng ở tương lai, theo dòng thời gian tuyến tính của đạo Thiên Chúa, mãi đến thời hiện đại hóa (tức thời Minh Trị ở Nhật) mới xuất hiện, khi khoa học hứa hẹn vô vàn phát minh kỳ thú ở phía trước. Ngay liền đấy, chiến tranh thế giới lại bùng nổ, trở thành cột mốc làm cho đông đảo loài người vỡ mộng. Đặc sản của thời hiện đại là đại tự sự lạc quan, để rồi nó sụp đổ, làm lộ ra hiện thực trơ trọi tan hoang, thì người ta thấy như bị phản bội, người ta tức tối, sợ hãi hay là suy sụp. Phim truyện tận thế cũng từ đó sinh sôi.
Tác phẩm thời nào thì phản ánh tinh thần (zeitgeist) của thời đại đó. Nhà xã hội học Osawa Masachi phân ra 3 thời đại gần đây ở Nhật:
- 1945-1970: thời lý tưởng (risō no jidai). Sau nỗi nhục bại trận, sự mất quyền lực tối cao của thiên hoàng và bi kịch là nước duy nhất trên thế giới hứng chịu bom nguyên tử, người Nhật cố hiện thực hóa lý tưởng xây dựng xã hội qua các phong trào chính trị, sinh viên ngoài đời thật.
- 1970-1995: thời hư cấu (kyokō no jidai). Nghi thức mổ bụng tự tử của Mishima Yukio năm 1970, sự kiện bắt cóc con tin Asama Sansou năm 1972, khủng hoảng dầu năm 1973, từ đây người ta nhận ra những lý tưởng tả-hữu không còn thực hiện được ở ngoài đời nữa và bù đắp bằng việc tái thiết đại tự sự đã mất vào trong các tác phẩm hư cấu.
- Từ sau 1995: thời bất khả (fukanōsei no jidai).
Tôi giới hạn bài viết về sau mốc 1995, phần vì giai đoạn này gần gũi hơn, phần vì như Tanaka giải thích, tinh thần thời này hiện lên rõ nét trong sản phẩm văn hóa đại chúng như manga, anime (giờ đây rất phổ biến và phát triển), khác với các thời trước hễ muốn bàn luận thì cần nắm rõ tiểu thuyết Nhật (mà tôi thì đã phạm vào một tội ác khó dung tha là chưa đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo của Murakami, hoặc sách của Ōe Kenzaburō, hoặc của Abe Kōbō, v.v.).
Nhưng 1995 thì có gì ghê gớm? Thập niên 90 ở Nhật thường được gọi là thập niên mất mát, ứng với 10 năm kinh tế trì trệ do vỡ bong bóng tài chính vào cuối năm 1991. Đầy rẫy người trẻ mất việc, không tìm được việc, hoặc làm những việc bán thời gian không đủ sống. Những người đến tuổi trưởng thành và bị đánh mất cơ hội trong giai đoạn này còn được gọi là thế hệ mất mát. Trong bối cảnh thắt ngặt đó, thảm họa thiên nhiên tàn khốc bất thình lình giáng xuống nước Nhật: động đất Kobe (hay còn gọi là động đất lớn Hanshin) ngày 17 tháng 1 năm 1995 làm hơn 6000 người thiệt mạng và biến Kobe thành bãi đổ nát. Thảm họa đau thương ấy mới qua đi chừng 2 tháng, thì Nhật Bản phải đối mặt một khủng hoảng mới. Ngày 20 tháng 3 trong cùng năm, các thành viên của giáo phái Aum Shinrikyo tấn công khủng bố tàu điện ngầm ngay tại thủ đô Tokyo vào giờ cao điểm, chọc thủng các túi khí độc sarin, làm chết 12 người và làm bị thương gần 5000 người khác. Đáng kinh ngạc là, trong số các tín đồ tu tập tâm linh này có cả những bác sĩ, kỹ sư thuộc hàng ưu tú trong xã hội – Họ ăn học cho siêu phàm để làm gì mà lại đến bước đường thành kẻ thù của nhân loại?
Ở vào hoàn cảnh đó, lẽ tự nhiên nhiều người cảm thấy như tận thế đang kéo đến. Huyền thoại về nước Nhật hiện đại an toàn và ổn định đã bị đánh đổ trước những đòn khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng niềm tin. Năm 1995 kích hoạt sự tan rã của thời đại hư cấu.
1995 cũng là năm Neon Genesis Evangelion được phát sóng, và nó (dù không lấy cảm hứng trực tiếp từ thảm họa đương thời) đã bắt đúng vào tinh thần của thời đại. Trong EVA, thế giới thì tàn lụi bí ẩn, nam chính thì lại vật vã trong nỗi khổ cá nhân của mình, trong khi hai bạn nữ của cậu trở thành những chiến binh bảo vệ thế giới. Bộ phim ban đầu đi theo công thức mecha truyền thống: mỗi tuần tiêu diệt một kẻ thù mới, nhưng khi kết thúc đến gần, nó tập trung đào sâu tâm lý nhân vật, bỏ mặc cái bên ngoài để hướng về cái bên trong. Ấn tượng khó phai nhất, series khép lại với bao điều dang dở, những vấn đề to tát bị buông xuôi, thế giới muốn ra sao thì ra, quan trọng là nhân vật chính của chúng ta đang sụp đổ tinh thần. EVA thường được cho là ông tổ của xu hướng sekai-kei trong phim truyện.
Như youtuber Joe trên kênh Pause and Select nói, trước những khủng hoảng trong đời sống, lại gặp phải cộng đồng otaku càng lúc càng không sẵn sàng đối mặt tình thế bấp bênh cộng dồn, nhiều tác phẩm cũng vận hành theo xu hướng rút lui, bi quan về định mệnh, một kiểu logic của hikikomori. “Sekai-kei”, “world-type”, cũng tức là “thể loại thế giới”, đại khái có thể hiểu như dạng tác phẩm thường chú trọng quan hệ (tình cảm) giữa chàng trai và cô gái, trong đó chàng trai thường vô dụng và cô gái thường buộc phải gánh trách nhiệm chiến đấu đớn đau (và có khi còn yêu thương chàng với tình yêu nồng nàn vô điều kiện như thể mẹ hiền). Vận mệnh thế giới phụ thuộc vào họ, ngoài đó ra thì tình hình xã hội, các tổ chức, cộng đồng,… đều không quan trọng, thậm chí có thể thiếu vắng hoàn toàn. Ví dụ về anime, đơn cử tác phẩm bứt phá năm 2002 của Shinkai Makoto: Hoshi no Koe / Tiếng gọi từ vì sao xa. Về manga: Saishuu Heiki Kanojo, a.k.a. Saikano (1999). Về light novel: Iriya no Sora UFO no Natsu (2001). Những tác phẩm này phổ biến vì chúng phản ánh khát vọng thoát ly thực tế của đối tượng thanh thiếu niên nam giới.
Osawa nhận định một xu hướng trong thời Bất khả là “siêu hư cấu hóa hiện thực” (khiến cho việc trốn chạy vào thế giới hư cấu càng được đẩy mạnh hơn) – đây là con đường của các tác phẩm sekai-kei. Có thể mượn ý tưởng “cà phê không caffeine” của Slavoj Žižek để dễ hình dung: hiện thực đã bị loại bỏ mọi nguy cơ, hiểm họa, dù chính những điều ấy đem lại ý nghĩa cho hiện thực. Nhưng đó là xu hướng thời đại: nước ngọt không đường, bia không cồn, sữa không béo, tình dục ảo trên game, chiến tranh được tiến hành từ xa… Chàng trai căm hận sự bất lực của mình, nhưng chàng vẫn sẽ tham gia vào tiến trình trọng đại của thế giới, bằng cách dõi theo nỗi đau khổ của người bạn gái – một cuộc chiến mà không chiến đấu.
Có hai cách để giải thích sâu hơn hiện tượng này. Siêu mọt M-A lừng danh Azuma Hiroki mượn đến các thuật ngữ tâm phân học Lacan, và gọi hiện tượng đó là sự suy yếu của cái Tượng / Symbolic. Để khỏi vận dụng quá nhiều nơ-ron thần kinh, tôi trình bày theo cách dùng từ của nhà phê bình Betsuyaku Minoru: đó là sự suy yếu của “trung cảnh” (middle ground). Đại khái, cái sờ chạm được, ở gần cá nhân là cái tiền cảnh. Tận cùng thế giới, hoặc vũ trụ rộng lớn ở xa lơ xa lắc là hậu cảnh. Trung cảnh là cái trung gian kết nối hai bên tiền và hậu, trung cảnh là xã hội, cộng đồng lớn hơn bên ngoài những mối quan hệ thân mật. Sekai-kei xử lý loanh quanh trong tiền cảnh, và nhảy cóc thẳng qua hậu cảnh. Không còn cầu nối, sự thất bại, căn tính bất ổn, tổn thương lịch sử không còn được đối mặt nghiêm túc, và trở thành những vấn đề không được giải quyết.
Đấy là các nam chính thụ động, xót xa cho đời, và được bao bọc khỏi hiểm nguy. Ở một thể loại khác cũng được đón nhận vô cùng hào hứng, nhân vật chính cần phải chủ động hơn, tàn nhẫn hơn, bạo lực hơn. Đấy là thể loại được nhà phê bình Uno Tsunehiro gọi là “sabaibu-kei”, tức “survival-type”, “thể loại sinh tồn”. Battle Royale, cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1999 và được dựng thành phim rạp đình đám năm 2000, là tiêu biểu rõ ràng dễ hiểu: những người trẻ bị bắt ép vào một tình huống phải tiêu diệt lẫn nhau, đạp lên đầu lên cổ nhau mà sống. Nếu các nhân vật hiền lành nhạy cảm trong sekai-kei không biết phải làm sao yêu quý hay biện minh cho một tận thế ngoài tầm kiểm soát, thì nhân vật trong sabaibu-kei không thèm yêu với quý gì, họ phải dấn thân vào giữa lòng cái ác. Trung cảnh trong mắt họ có tồn tại, đó là chính phủ vô đạo đức, xã hội mục ruỗng, cộng đồng phản trắc…
Tác phẩm thuộc thể loại này có thể kể đến như VN Fate/Stay night (2004), manga Gantz (2000), Death Note (2003), Mirai Nikki (2006)… Tình huống mà các nhân vật rơi vào rất khiên cưỡng, vô đạo, một “trò chơi” oái oăm, nhưng họ vẫn đấu tranh cho tiểu tự sự của riêng mình, và loại trừ những kẻ nào không cùng quan điểm. Tanaka nhận xét rằng thế giới quan sabaibu-kei ám chỉ xã hội đã thành ra một chốn phản địa đàng nơi đại tự sự không còn tồn tại. Những người lớn, người nắm quyền lực, thậm chí thế lực thần thông đều không còn dám chắc đâu là sai đâu là đúng. (Và Azuma thì nói rằng từ sau 1995, tác phẩm hư cấu Nhật chuyển từ hậu hiện đại bán phần sang hậu hiện đại toàn phần. Sự đối đầu biện chứng của các giá trị đã dần biến mất.)
Vì bị đóng vào khuôn khổ của trò chơi sinh tử, các tác phẩm này thuộc về thế giới kinh dị, ly kỳ, xem các mối quan hệ giữa con người là thù địch. Rất, rất khó để bồi đắp những tình cảm đầy ý nghĩa. Để chiến thắng bằng mọi giá thì người ta đâm ra lươn lẹo, gian trá, bất nhân. Nhưng giữa xã hội lạnh lùng, khốn khó, cạnh tranh khốc liệt thì người trẻ còn biết phải làm sao? Chủ động thế này cũng có thể là một kiểu cứng rắn hơn (dù, một lần nữa, rất đáng buồn).
Thật đau đầu vì một bên thì nam chính bạc nhược, một bên thì nam chính nhẫn tâm, nhưng theo dòng thời gian, thế giới hư cấu Nhật đã tìm ra thêm một giải pháp khác: dẹp quách nam chính đi! Hãy hóng chuyện vui đùa thường nhật vô thưởng vô phạt từ một nhóm các bạn gái dễ thương! Không màng thế giới hậu cảnh, không màng xã hội hay chính quyền trung cảnh, không hiểm họa, khỏi yêu đương, chẳng sợ drama, chỉ có một hội thân quen khép kín. Đến một lúc “nichijou-kei” trở nên thịnh hành, xu hướng này còn có tên gọi khác là “kuuki-kei”, tiếng Anh quen gọi là “slice of life”, tức “thể loại đời thường”.
Nichijou-kei cho đến thời bây giờ vẫn hết sức phổ biến, và có muôn hình vạn trạng. Nhưng khi nghiên cứu về xu hướng hư cấu những năm 2000, Tanaka Mokoto xem xét từ góc độ đối tượng khán giả nam (dù sao thì họ cũng chiếm phần lớn những nhà tiêu thụ otaku của thị trường), nên bà gói bàn luận lại trong giới hạn những phim truyện cuộc sống đời thường của hội nữ sinh, thứ khơi dậy cảm tình moe hồng hường cho nam giới. Một số tác phẩm đời đầu nổi bật bao gồm manga Azumanga Daioh (1999), Hidamari Sketch (2004), Lucky Star (2004), K-On (2008)… Điểm chung đáng chú ý của chúng là đều mang hình thức manga 4 khung/yonkoma (và đều được dựng thành anime rất thành công). Cốt truyện quả thực mỏng tanh, “chẳng có gì xảy ra”: hôm nay đi biển, hôm sau làm bánh quy, hôm sau nữa ngồi không vuốt mèo. Otaku cứ vô tư đắm chìm trong đây mà không lo xao lãng bởi mâu thuẫn rườm rà.
Bổ sung cho Tanaka, để bám sát hơn chủ đề thảm họa, Joe làm hẳn một kỳ video nghiên cứu về “iyashi-kei”, “thể loại chữa lành”, trong đó nhấn mạnh manga Yokohama Kaidashi Kikou (1994) và anime Sora no Woto (2010). Iyashi-kei thật ra đã có từ lâu; theo Paul Roquet, tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát (1979) của Murakami cũng đủ xếp vào iyashi-kei. Có điều đến cuối thập niên 90 thì nó bùng nổ. Với danh tiếng là thể loại chữa lành cho người đọc, người xem, ta cũng dễ suy luận rằng thể loại này ăn nên làm ra là do dân tình bấy giờ có nhiều nhu cầu được an ủi.
Iyashi-kei cũng có đặc điểm không xung đột, không đau tim, giống với nichijou-kei, và trên thực tế hai thể loại này rất thường chồng lấn nhau. Để phân biệt, có lẽ vẫn nên tập trung vào khía cạnh “chữa trị” của iyashi-kei, qua đó ngụ ý sự quay về thế quân bình – có điều gì đó lệch lạc, mất thăng bằng đã xảy ra, và giờ ta cần đi tìm lại yếu tố hài hòa, ta điều tiết lại tâm trạng. Nếu tác phẩm tận thế kể về một cuộc khủng hoảng ập đến thế giới, thì còn có những tác phẩm gọi là “hậu tận thế” khi mọi khủng hoảng đều đã xảy ra, đã qua, và người ta sống tiếp. Yokohama Kaidashi Kikou là một manga hậu tận thế như vậy: chẳng biết vì sao nhưng nước lũ đã trở thành một quang cảnh thường trực trong thế giới, còn nữ chính Alpha là một rôbốt mở quán cà phê thư nhàn, thỉnh thoảng cao hứng giao lưu với dân chúng xung quanh. Để được chữa lành tức là lại có thể đón nhận thế giới xung quanh, và manga sẽ đề cao sự gắn kết giữa nhân vật với thiên nhiên, với môi trường, cảm giác bình yên trước con đường, chiếc xe, bãi cát, dòng sông…
Nghe êm ái là vậy, nhưng không xu hướng nào tránh khỏi bị phê bình. Từ quyển sách Japan: The Paradox of Harmony, Joe nhắc lại nghịch lý của sự hài hòa là nó dẫn đến cảm giác tự thỏa mãn, không phòng bị. Sách dẫn ra ví dụ nhiều người có tư tưởng: nếu chuẩn bị cho tai họa thì chẳng khác gì mời gọi tai họa đến nhà mình. Lại nữa, khi ngập trong hài hòa, nhàn nhã, giới trẻ cố thủ trong những tiện nghi dư giả, chỉ biết mỗi cuộc sống thường nhật bất tận. Rồi thì không ai muốn làm chuyện gì bất thường. Nhưng tại sao không phòng bị khi tai họa sẽ còn xảy đến? Trên thực tế, một thảm họa còn thảm khốc hơn thảm họa 1995 đã thật sự xảy ra cho Nhật Bản hiện đại. Vào năm 2011.
Chuyện này dài dòng quá, đáng lẽ có kỳ sau mà giờ tôi không viết nổi.
Tham khảo chính:
Tanaka Mokoto, “Trends of Fiction in 2000s Japanese Pop Culture”. ejcjs, vol. 14, no. 2, 2014.
Tanaka Mokoto, “Apocalypse in Contemporary Japanese Science Fiction”. Palgrave MacMillan, New York, 2014.
Joe (Pause and Select), series “Understanding Disaster” & clip “Post-war Japanese Apocalypticism”
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất