[Dịch] - Nhật ký triết học của Marcus Aurelius - Quyển 12 (3) - Kết thúc
Lời tựa: ...
Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 12 (3)
26. Để mình giận dữ về một điều gì đó đồng nghĩa với ta đã quên rằng:
Mọi thứ xảy đến đều là hợp với tự nhiên.
Hành động sai trái của người khác là vấn đề của họ, chứ không phải ta.
Và hơn nữa ...
Rằng bất cứ thứ gì xảy đến thì đều đã luôn xảy ra trước đây, và sẽ lại xảy đến trong tương lai, và thậm chí đang xảy đến ngay lúc này ở nơi nào đó khác. Hoặc ít nhất cũng tương tự như thế.
Thứ kết nối một con người với đồng loại của mình: không phải máu mủ, hay sinh mệnh, mà là tâm trí.
Và
Rằng tâm trí con người là (một phần của) Chúa, và thuộc về Chúa
Rằng không gì là thực sự thuộc về một ai đó riêng lẻ. Trẻ con, cơ thể, hay thậm chí chính cuộc sống - tất cả đều đến từ một nguồn cội giống nhau.
Rằng tất cả nằm ở cách ta chọn để nhìn nhận vấn đề.
Rằng hiện tại là tất cả những gì ta có để sống cuộc đời mình. Hoặc để mất nó.
27. Thường xuyên điểm qua danh sách những người cảm thấy giận dữ tột cùng với một thứ gì đó: những người nổi tiếng nhất, hay bất hạnh nhất, hay đáng căm ghét nhất, hay bất cứ thứ gì nhất khác. Và tự hỏi: Họ giờ đang ở đâu? Làn khói, bụi đất, huyền thoại ... hay thậm chí không có cả giai thoại về họ. Nghĩ đến tất cả những ví dụ: Fabius Catullinus ở thôn quê, Lusius Lupus ở vườn cây trái, Stertinius ở Baiae, Tiberius ở Capri, Velius Rufus ... ám ảnh và cao ngạo.
Và những thứ chúng ta khát khao có được thì thực ra lại tầm thường thế nào. Và việc có thể chấp nhận những thứ ta được ban cho, đồng thời cho thấy sự ngay thẳng, khả năng tự chủ, sự sùng kính tuân theo Chúa/Thượng đế, đồng thời không đề cao bản thân vì những phẩm cách ấy, thì cao hơn, sáng suốt hơn đến thế nào. Không gì khó chịu hơn những kẻ lấy làm hãnh diện về sự khiêm nhường của mình.
28. Mọi người hỏi: "Đã bao giờ ngài thấy những vị thần mà ngài thờ phụng chưa thưa hoàng đế? Làm cách nào ngài biết chắc được về sự tồn tại của họ". Ta trả lời:
i. Chỉ cần các ngươi nhìn xung quanh mình. ii. Ta chưa bao giờ thực sự có thể nhìn thấy linh hồn mình. Nhưng ta vẫn tôn kính nó.
Đó là cách ta biết thần linh có tồn tại và tại sao ta lại tôn thờ họ - bởi ta cảm thấy sức mạnh, quyền năng của họ, hết lần này qua lần khác.
29. Sự cứu rỗi (cho linh hồn): đến trong việc nhìn mọi thứ như chúng thực sự là - bản chất của chúng, và mục đích của chúng.
Trong việc chỉ làm thứ gì đúng đắn, nói những lời đúng sự thật, và không ngập ngừng do dự.
Còn có thể là gì khác ngoài việc sống trọn vẹn cuộc đời này - bằng cách cứ xâu chuỗi hết việc tốt này đến việc tốt khác thành những vòng kín, không một kẽ hở.
30. Là đơn nhất, không phải số nhiều:
Ánh mặt trời. Dù nó bị chặn lại bởi những bức tường, hay ngọn núi, và hàng ngàn thứ khác.
Vật chất. Dù tách rời, phân chia thành hàng ngàn dạng, với những khuôn hình khác nhau.
Cuộc sống. Dù phân ra thành hàng ngàn những bản chất với những giới hạn riêng của từng cá thể.
Trí tuệ. Ngay cả nếu nó có vẻ như bị phân chia.
Những thành tố khác - hơi thở, vật chất - thiếu sự tự nhận thức hay khả năng liên kết với nhau (nhưng vẫn hoà nhập làm một và lực hấp dẫn vẫn cứ kéo chúng lại gần nhau).
Nhưng trí tuệ thì bị cuốn một cách đặc biệt vào những thứ giống như chính nó, và hoà hợp lại một cách không thể tách rời, cùng chia sẻ sự nhận thức ấy.
31. Ta muốn điều gì? Giữ mãi hơi thở? Còn các cảm xúc thì sao? Ham muốn? Phát triển? Thôi phát triển? Sử dụng giọng nói của mình? Khả năng suy nghĩ? Có gì trong số chúng đáng để ta thực sự sở hữu?
Nhưng nếu ta có thể sống mà không có tất cả chúng, thì hãy cứ tiếp tục đi theo lý trí, và Chúa/Thượng đế. Đến điểm kết thúc. Việc luyến tiếc những thứ ấy - đau khổ vì cái chết khiến ta mất chúng - cũng là một trở ngại cho chính ta.
32. Phần thời gian được ban cho mỗi người là nhỏ bé đến thế nào nếu so với cái vực thẳm vô hạn của tổng thể thời gian. Vì cả cuộc đời, thực ra cũng sẽ sớm bị nuốt trôi vào trong nó như một khoảnh khắc mà thôi.
Và phần vật chất tạo nên chúng ta, cũng nhỏ bé thế nào, và cả những linh hồn nữa.
Và cái phần nhỏ bé của thế giới mà ta sống trong.
Hãy ghi nhớ những điều ấy, và đừng coi bất cứ thứ gì là quan trọng ngoại trừ những gì bản chất tự nhiên đòi hỏi ở ta, và chấp nhận những gì Tạo hoá ban cho ta.
33. Tâm trí tự quyết định cho chính nó như thế nào. Tất cả đều phụ thuộc vào điều ấy. Nhưng mọi thứ khác, bất kể là thứ nằm trong quyền năng của ta, hay vượt ngoài tầm kiểm soát của ta - cũng đều là tro và khói, thiếu sinh khí, sự sống mà thôi.
34. Một khích lệ để ta có thể coi cái chết không quan trọng: ngay cả những người mà chuẩn mực đạo đức chỉ là hưởng thụ khoái lạc hay tránh né khổ đau, cũng có thể coi khinh nó.
35. Nếu ta chỉ coi duy nhất sự chín chắn là tốt đẹp ...
Và việc làm được nhiều hay ít những công việc, những hành động đúng theo lý trí mách bảo cũng chẳng khác biệt gì nhau
Và việc được nhìn thế giới trong khoảng thời gian dài hay ngắn cũng chẳng khác biệt
... thì cái chết sẽ chẳng thể khiến ta sợ hãi.
36. Ta đã sống như một người công dân trong thành phố vĩ đại (ý Marcus là cả thế gian cũng có thể coi như một thành phố vậy). 5 năm hay 100 năm - có gì khác biệt ở đây? Vì thứ gì tuân theo luật lệ chung thì cũng sẽ công bằng với tất cả (ý chỉ cái chết là luật lệ chung cho tất cả loài người).
Và việc bị bắt buộc rời bỏ nơi này, không phải bởi một bạo chúa hay một quan toà bất lương, mà bởi Tự nhiên/Tạo hoá, quyền năng đã mang ta đến từ ban đầu - tại sao điều ấy lại có thể tồi tệ được cơ chứ?
Như ông bầu gánh hát kéo màn và đuổi người diễn giữa chừng
"Nhưng tôi mới chỉ diễn đến màn thứ ba thôi mà"
Đúng. Vậy thì đây sẽ là một vở kịch có ba màn, độ dài được quyết định bởi quyền năng đã tạo ra ta, và giờ nó quyết định ta phải "thôi diễn". Chẳng quyết định nào trong hai quyết định ấy nằm dưới quyền kiểm soát của chính ta.
Vậy thì hãy ra đi trong phong nhã ung dung - như cách chính cái quyền năng ấy cũng hài lòng để ta ra đi vậy.
THE END
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất