[Dịch] Nga sửa đổi SGK lịch sử, Putin thúc đẩy BGD LB Nga xóa và sửa tài liệu lịch sử về cuộc xâm lược vùng Đông Bắc (TQ) để củng cố thành quả chiếm đóng
(Lưu ý: bài viết này là quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của người dịch và bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả)...
(Lưu ý: bài viết này là quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của người dịch và bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả)
Tác giả: FLOMDA
Dịch giả: Đạt Nguyễn
Nguồn: Zhihu
Putin thúc đẩy Chính phủ Nga sửa đổi sách giáo khoa lịch sử trong trường học trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine gia tăng và tiến hành xóa một phần nội dung về việc xâm lược vùng lãnh thổ Đông Bắc (Trung Quốc) ở Viễn Đông, không biết người dân Trung Quốc, đặc biệt là bọn *Tiểu Phấn Hồng thân Nga sẽ cảm thấy thế nào khi biết tin này? Có người nói rằng lịch sử là do kẻ thắng viết nên, câu nói này đã được lịch sử khẳng định một lần nữa khi cả một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc (Trung Quốc) bị chính quyền Nga cưỡng chiếm, lẽ nào đây là tình hữu nghị vô bờ bến giữa Nga và Trung Quốc mà bọn thân Nga nói đây sao? Theo một báo cáo gần đây của Hãng thông tấn *TASS của Nga, Chính phủ Nga đã tiến hành sửa đổi sách giáo khoa lịch sử dành cho học sinh lớp 8 và xóa mọi nội dung đề cập đến việc Nga xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc ở Viễn Đông, nhà xuất bản Nga giải thích rằng những nội dung này đã gây ra tranh cãi giữa một số cư dân vùng Amur ở Viễn Đông Nga. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông ở vùng Viễn Đông Nga, một số cư dân ở thành phố Blagoveshchensk, thủ phủ của tỉnh Amur cho biết, có một vài phụ huynh cảm thấy phẫn nộ khi thấy sách giáo khoa lịch sử mà con cái họ đang học ở trường có nội dung dạy rằng Nga đã sử dụng vũ lực để tàn sát các cư dân địa phương và cướp đoạt 3 triệu km2 lãnh thổ của Trung Quốc, nên họ phản đối và yêu cầu sửa đổi.
*Tiểu Phấn Hồng (小粉红): là một thuật ngữ mô tả những người trẻ tuổi ủng hộ phong trào dân tộc hiếu chiến trên Internet tại Trung Quốc.
*TASS (tiếng Nga: ТАСС), tên đầy đủ Thông tấn xã Nga TASS (tiếng Nga: Информацио́нное аге́нтство Росси́и ТАСС): là thông tấn xã lớn nhất Liên bang Nga, và là một trong các hãng thông tấn lớn nhất toàn cầu, cùng với các hãng Reuteurs, AP và AFP. Thời kỳ Liên Xô, hãng đóng vai trò phân phối tin chính cho các cơ quan báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Sau khi Liên Xô giải thể, hãng được đổi tên thành ITAR-TASS từ năm 1992 đến năm 2014, khi hãng lấy lại tên cũ ban đầu.
Theo tiết lộ trong sách giáo khoa lịch sử gốc của Nga trước năm 2022 đã đề cập rằng “Người châu Âu háo hức lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc vào thế kỷ 18 và 19. Từ năm 1857 đến năm 1860, Anh và Pháp đã phát động Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai và giành được quyền mua bán với Trung Quốc. Nước Nga đã mượn gió bẻ măng chiếm vùng Amur ở Viễn Đông, thị trấn Nikolaevsk-na-Amure, Vladivostok, Blagoveshchensk, đàn áp thành công cuộc Khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc" . Trong đó, từ tiếng Nga "Захват" được sử dụng trong sách có nghĩa là chiếm đóng, cướp bóc và xâm lược.
*Ân Mẫn Hồng (殷敏鸿): một cựu chiến binh Trung Quốc và là nhà nghiên cứu độc lập, đã đệ trình hai đơn khiếu nại lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc chính phủ Trung Quốc cố tình che giấu thông tin vùng lãnh thổ Tannu Uriankhai hay Đường Nỗ Ô Lương Hải (là một khu vực thuộc Đế quốc Mông Cổ và sau này thuộc về nhà Thanh. Lãnh địa Tannu Uriankhai nay gần như trùng với lãnh thổ Cộng hòa Tuva thuộc Liên bang Nga), giáp giới với các vùng thuộc Nga và Mông Cổ bị Nga chiếm đóng.
Nhưng trong sách giáo khoa lịch sử mới, nhà xuất bản Phong trào Khai sáng (Просвещение), chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa lịch sử cấp trung học cơ sở của Nga, đã xóa toàn bộ câu "Nước Nga đã mượn gió bẻ măng chiếm vùng Amur ở Viễn Đông" sau khi nghe tin tức này. Có thể hình dung rằng kể từ khi Putin và Chính phủ Nga ngầm đồng ý xuyên tạc và xóa bỏ giai đoạn lịch sử xâm lược này của Nga đối với 3 triệu km2 lãnh thổ của Trung Quốc trong sách giáo khoa lịch sử, thì người Nga trong tương lai sẽ rất khó biết được lịch sử xâm lược các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc (Trung Quốc) của Nga. Nhà sử học Trung Quốc và Hong Kong *Trình Tường và Ân Mẫn Hồng cho biết, Chính phủ Nga trước đây thực sự đã thừa nhận trong sách giáo khoa lịch sử của mình rằng vùng phía bên ngoài vùng Đông Bắc vốn là lãnh thổ của Trung Quốc, bây giờ Nga nóng lòng muốn xóa bỏ những tài liệu lịch sử này, trên thực tế, điều đó có nghĩa là họ muốn tiếp tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ này của Trung Quốc trong tương lai, hợp pháp hóa chúng và đây là khởi đầu của một điềm báo trước.
*Trình Tường(程翔; sinh ngày 3 tháng 12 năm 1949 tại Triều Châu, Quảng Đông): là một nhà báo cánh tả người Hong Kong và là cựu sinh viên của trường St. Paul's College. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hong Kong, ông gia nhập tờ báo thân Trung Quốc “Văn Hối” vào năm 1974, từng là giám đốc kiêm phó tổng biên tập của tờ báo ở Bắc Kinh. Năm 1996, ông là Trưởng phóng viên Trung Quốc của tờ The Straits Times tại Singapore và nghỉ hưu năm 2009. Năm 2005, ông bị buộc tội làm gián điệp và bị kết án 5 năm tù ở Bắc Kinh. Theo tuyên bố của ông, ông bị kết án chỉ vì đã theo đuổi “Thỏa thuận bổ sung về Phần phía Đông của Biên giới Trung-Nga” được ký năm 2004 và đặt câu hỏi về việc Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công nhận các hiệp ước bất bình đẳng này.
*Alexander Dugin: là một triết gia cực hữu và là người theo chủ nghĩa tân Âu-Á với trọng tâm là tư tưởng Đại Nga. Ông cũng được biết đến là một người phản đối chủ nghĩa tự do và toàn cầu hóa. Theo truyền thông phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi những lý thuyết của ông là cẩm nang gối đầu, và từ đó, gán cho ông danh hiệu “bộ não của Putin”, bất chấp những nguồn tin đính chính từ Nga.
Sau khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai bùng nổ, năm 1858, Nga tuyên bố "hỗ trợ Trung Quốc chống Anh" và đe dọa Tướng tỉnh Hắc Long Giang là Ái Tân Giác La Dịch Sơn của nhà Thanh ký "Hiệp ước Ái Hồn", nhượng 600.000 km2 phía bắc của sông Hắc Long Giang cho Nga và 400.000 km2 đất phía đông sông Ussuri sẽ nằm dưới sự "quản lý chung của Trung Quốc và Nga". Đây là hiệp ước mà Trung Quốc bị buộc phải nhường nhiều lãnh thổ nhất trong thời cận đại, nên chính quyền nhà Thanh lúc bấy giờ đã không chấp thuận.
Khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai sắp đi đến hồi kết, Nga cho rằng mình đã “có công hòa giải” nên đã ép triều đình nhà Thanh ký “Công ước Bắc Kinh” năm 1860. Toàn bộ 400.000 km2 đất phía đông sông Ussuri đều thuộc về Nga, bao gồm cả đảo Sakhalin và cảng nước ấm Vladivostok. Kể từ đó, Trung Quốc mất quyền tiếp cận biển Nhật Bản.
Chính quyền nhà Thanh và các chính quyền sau đó đều không công nhận những hiệp ước bất bình đẳng đó, và cho rằng những hiệp ước này là nhục nước mất chủ quyền. Tuy nhiên, Hãng thông tấn "TASS" dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao Lukyanov của Viện Nghiên cứu Lịch sử St. Petersburg (Xanh Pê-téc-bua) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói rằng: “Vì những hiệp ước này giữa Nga và Trung Quốc, nên việc sử dụng cách giải thích cướp bóc và xâm lược là không phù hợp”. Hiện nay, phía chính phủ và các học giả Nga hầu hết ủng hộ và ngầm đồng ý với việc xóa bỏ nội dung "xâm lược lãnh thổ Trung Quốc" trong sách giáo khoa lịch sử.
*RT (ban đầu là Russia Today - Nước Nga Ngày nay): là một mạng lưới truyền hình được tài trợ bởi chính phủ Nga. Nó hoạt động các kênh truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh trực tiếp với khán giả bên ngoài nước Nga cũng như cung cấp nội dung Internet trong các ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Nga. RT thường xuyên được gọi là một cơ quan tuyên truyền cho chính phủ Nga và chính sách đối ngoại của Nga bởi các phóng viên tin tức, trong đó có các cựu phóng viên RT. RT cũng bị cáo buộc truyền bá thông tin sai.
Việc Putin thúc đẩy phía chính phủ và các học giả Nga xóa cụm từ "xâm lược lãnh thổ Trung Quốc" khỏi sách giáo khoa lịch sử gần như là sự ủng hộ và ngầm đồng ý từ một phía. Bộ Giáo dục và Khoa học tỉnh Amur giải thích rằng: “Sách giáo khoa lịch sử này là sách giáo khoa được sử dụng trong chương trình giáo dục được nhà nước công nhận và việc sửa đổi nội dung không vi phạm bất kỳ luật nào của Liên bang Nga!”
Nhà nghiên cứu cấp cao Igor Lukyanov của Viện Nghiên cứu Lịch sử St. Petersburg (Xanh Pê-téc-bua) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn TASS rằng: “Mô tả ban đầu của sách giáo khoa về nước Nga đã lỗi thời. Bởi vì từ năm 1858 đến 1860, giữa Nga và Trung Quốc đã ký kết các hiệp định như "Hiệp ước Ái Hồn", "Hòa ước Thiên Tân", "Công ước Bắc Kinh", "Thỏa thuận về phần biên giới phía đông Trung-Nga" hoàn toàn giống với các hoạt động quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine, nên việc sử dụng các hành vi cướp bóc và xâm lược để miêu tả Nga là không phù hợp, cần phải tuyên bố để củng cố những thành tựu mà Nga đã đạt được”. (ý của ông Lukyanov này là việc Nga xâm lược và sát nhập các lãnh thổ của Trung Quốc khi đó giống với việc Nga đang làm với lãnh thổ Ukraine bây giờ)
Phó tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Trưởng khoa Khoa Lịch sử và Chính trị tại Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Quốc gia Tomsk (TSU) của Nga, ông Evgeny Lukov cho biết: “Việc kiểm tra chuyên môn sách giáo khoa lịch sử là cần thiết để đảm bảo chuyên môn lịch sử đạt chất lượng cao”. Nghị sĩ của *Duma Quốc gia (Nga) Yevgeny Fedorov nhận xét về bản sửa đổi sách giáo khoa lịch sử rằng: “Việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử là rất cần thiết, một số sách giáo khoa được biên soạn với sự tài trợ của nước ngoài, họ mô tả Liên bang Nga với hình tượng là một kẻ tàn bạo, khát máu và xâm lược lãnh thổ của các quốc gia khác với động cơ xấu xa, những điều này là vì cạnh tranh quốc tế. Đọc xong những điều đó sẽ làm người khác không muốn sống ở Nga. Nhưng Nga chưa bao giờ xâm lược bất kỳ quốc gia nào cả!”. Vào thời điểm nước Nga của Putin xâm lược và ném bom Ukraine, thì những lời nói này của ông nghị sĩ có phải là một cái tát vào mặt bọn Tiểu Phấn Hồng thân Nga hay không?
*Duma Quốc gia (tiếng Nga: Государственная дума (Gosudarstvennaya duma): là hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga
Lịch sử Nga xâm lược một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc Trung Quốc khiến cho Trung Quốc mất hoàn toàn vùng cửa sông Đồ Môn và nó là nỗi đau muôn thuở trong lòng người dân Trung Quốc (ý nói không còn lối ra biển Nhật Bản). Nhưng phía Nga lại ra sức xem nhẹ và lấp liếm, ví dụ như đã có nhiều trường hợp hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc ở Viễn Đông giới thiệu với du khách Trung Quốc rằng nơi này vốn là lãnh thổ của Trung Quốc đã bị nước Nga dùng vũ lực cưỡng chiếm, kết quả là tin tức về các hướng dẫn viên và du khách Trung Quốc bị Cục Nhập cư Nga và cảnh sát đánh đập, gây khó dễ đã được các phương tiện truyền thông tiết lộ. Hiện tại chưa có phương tiện truyền thông trong nước nào phản hồi về việc này. Khi cáo buộc phe cánh hữu Nhật Bản sửa đổi sách giáo khoa lịch sử để che giấu đi sự thật lịch sử xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản thì thái độ và phản ứng trong nước rất gay gắt, cho rằng điều đó làm tổn thương đến tình cảm của người Trung Quốc, việc Putin thúc đẩy các ban bệ giáo dục Nga sửa đổi sách giáo khoa lịch sử, xóa đi việc xâm lược lãnh thổ Viễn Đông của Trung Quốc, thì liệu người dân trong nước có phản ứng tương tự như thế không? Và dưới đây là bảng kê chi tiết quá trình Nga thôn tính vùng lãnh thổ Viễn Đông của Trung Quốc cho các bạn biết:
1. Năm 1689 (thời Khang Hy nhà Thanh), sau khi Trung Quốc thắng trận Nhã Khắc Tát hay Yaksa (1685), Trung Quốc và Nga đã ký kết "Hiệp định Nerchinsk", triều đình nhà Thanh đã nhượng lại cho Nga 3 triệu km2 đất ở phía bắc Hắc Long Giang và Dãy Ngoại Hưng An đến tận Bắc Băng Dương.
Biển Đông Siberia là một vùng biển giáp ranh của Bắc Băng Dương, nằm giữa Mũi Bắc Cực ở phía bắc và Siberia ở phía nam, có diện tích hơn 900.000 km2.
2. Năm 1727 (thời Ung Chính nhà Thanh), Nga lừa Trung Quốc ký "Hiệp ước phân định ranh giới khu vực trung tâm của biên giới Trung-Nga" và "Hiệp ước giữa triều đình nhà Thanh và Nga Hoàng ở Kyakhta năm 1728", Trung Quốc mất hơn 300.000 km2 đất lưu vực sông Angara phía nam hồ Baikal và phía bắc Kyakhta.
Hồ Baikal là hồ sâu nhất thế giới và là hồ nước ngọt lớn nhất ở Á-Âu, trữ lượng nước ngọt của hồ chiếm 20% tổng lượng nước ngọt của Trái Đất. *Tô Vũ của nhà Tây Hán đã chăn dê ở đây.
*Tô Vũ (蘇武): là một nhà ngoại giao đời vua Hán Vũ Đế (140 TCN-87 TCN), nổi tiếng qua điển tích Tô Vũ chăn dê.
3. Năm 1858 (thời Hàm Phong nhà Thanh), Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai nổ ra, Nga bức nhà Thanh ký "Hiệp ước Ái Hồn", nhượng 600.000 km2 đất phía nam dãy Ngoại Hưng An và phía bắc sông Hắc Long Giang .
Dãy Ngoại Hưng An, bị Sa Hoàng Nga đổi tên thành "Dãy núi Stanovoy", nằm ở phía bắc sông Hắc Long Giang, dãy núi dài 725 km, rừng, mỏ khoáng sản, tài nguyên động thực vật rất phong phú.
4. Năm 1860 (thời Hàm Phong nhà Thanh), Nga đã lừa dối và ép buộc chính quyền nhà Thanh ký kết "Công ước Bắc Kinh", nhượng lại 400.000 km2 đất phía đông sông Ussuri, bao gồm cả đảo Sakhalin.
Đảo Khố Hiệt được gọi là "Đảo Sakhalin" ở Nga và tên được dịch của nó xuất phát từ tiếng Mãn Châu, có nghĩa là "Đảo cửa sông đen". Đảo Sakhalin nằm ở phía đông bắc của lục địa Á-Âu, phía đông nam của cửa sông Hắc Long Giang, hướng ra biển Okhostk ở phía đông, đối diện với đất liền ở phía tây qua eo biển Miyako và giáp với Hokkaido của Nhật Bản ở phía nam qua eo biển Soya (hay La Pérouse), hòn đảo có giá trị chiến lược quan trọng. Với diện tích khoảng 76.000 km2, đảo Sakhalin từng là hòn đảo lớn nhất của Trung Quốc, tài nguyên biển xung quanh rất phong phú.
5. Năm 1864 (thời Đồng Trị nhà Thanh), Nga cưỡng ép nhà Thanh ký “Hiệp định phân giới Tháp Thành”. Hiệp ước quy định rằng đường biên giới giữa Trung Quốc và Nga được đánh dấu bằng các đồn biên phòng cố định và các đồn biên phòng này cũng chính là các cột mốc biên giới. Tuy nhiên, Nga đã đơn phương vượt qua các đồn biên phòng của Trung Quốc, tiến sâu vào nội địa Tân Cương và chiếm gần 440.000 km2 đất đai của Trung Quốc.
Tannu Uriankhai (hay Đường Nỗ Ô Lương Hải), ngoài "Cộng hòa Tuva" của Nga, còn bao gồm "Cộng hòa Altai" phía đông bắc, “Vùng Altai” phía đông nam, “Tỉnh Kemerovo" và " Cộng hòa Khakassia (Cộng hoà Cáp Ca Tư)" đều ở phía nam cùng phần lớn "Tỉnh Khovsgol" của Mông Cổ, với tổng diện tích khoảng 380.000-400.000 km2.
6. Năm 1881 (thời Đồng Trị nhà Thanh), sau khi chính quyền nhà Thanh lấy lại Tân Cương, Trung Quốc và Nga đã ký "Hiệp ước Ili", và Nga đã chiếm hơn 40.000 km2 đất phía tây dãy núi Altai và thượng nguồn sông Irtysh của Trung Quốc.
Sông Irtysh, ở Nga được gọi là "sông Obi" (ở đây tác giả có sự nhầm lẫn, sông Obi thật ra chỉ là một chi lưu của sông Irtysh, sông Irtysh là sông dòng chính và nó đã bao gồm cả sông Obi), bắt nguồn từ sườn phía nam của dãy núi Altai ở Tân Cương, chảy về phía tây bắc dọc theo chân đồi phía nam của dãy Altai và cuối cùng đổ vào Bắc Băng Dương.
7. Sau “Hiệp ước Ili”, Nga đã liên tiếp ký một số hiệp định phân giới với nhà Thanh, cắt hơn 30.000 km2 đất phía tây sông Horgos ở Tân Cương.
Sông Horgos từ bắc chí nam chảy vào sông Ili, trước đây là sông nội địa của Trung Quốc, sau do bờ tây được nhượng lại cho Nga nên nó trở thành sông biên giới Trung-Nga, khi Liên Xô tan rã, phía tây bờ sông được giao cho Kazakhstan.
8. Năm 1898 (thời Quang Tự nhà Thanh), Nga đã cưỡng chiếm hơn 20.000 km2 đất phía tây dãy Sarikol trên cao nguyên Pamir và chiếm phần lớn cao nguyên Pamir từ tay Trung Quốc, dẫn đến không thể phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Nga, kéo dài hàng thế kỷ trên cao nguyên Pamir.
Pamir nằm ở cực Tây của Trung Quốc, trải dài từ Tân Cương, Tajikistan đến Afghanistan, là nơi giao nhau của các dãy núi Côn Lôn, Karakoram, Hindu Kush và Thiên Sơn, có diện tích khoảng 100.000 km2.
9. Năm 1911, lợi dụng Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, Nga đã xúi giục các vương công quý tộc thượng lưu của Ngoại Mông tuyên bố độc lập, thành lập Nhà nước Đại Mông Cổ. Năm 1945, dưới sự can thiệp của Liên Xô, Ngoại Mông giành được độc lập. Trung Quốc mất 1,55 triệu km2 lãnh thổ.
Uliastai, tên đầy đủ là "Vụ hành chính Uliastai", trước đây vùng này quản lý 4 bộ tộc vùng Khalkha và 2 khu vực vùng Khobdo và Tannu Uriankhai (hay Đường Nỗ Ô Lương Hải). Vùng lãnh thổ này tương đương với toàn bộ lãnh thổ của Mông Cổ ngày nay cộng với phần thượng nguồn sông Irtysh, khu vực từ phía đông Hồ Zaysan (Kazakhstan) đến dãy núi Sayan (nằm giữa tây bắc Mông Cổ và miền nam Siberia, Nga) và phần phía bắc vùng Altai của Tân Cương. Năm 1924, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ được thành lập, với Khố Luân là thủ đô và sau được đổi tên thành Ulan Bator theo tiếng Mông Cổ là Ulaanbaatar, có nghĩa là “anh hùng đỏ”
10. Năm 1914 (dưới thời Chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc), Nga đã xâm lược và chiếm đóng 170.000 km2 đất ở Tannu Uriankhai, phần cực bắc của Trung Quốc.
Tannu Uriankhai (Đường Nỗ Ô Lương Hải), phần lớn hiện nay là "Cộng hòa Tuva" của Nga.
11. Năm 1929, Liên Xô chiếm đảo Hắc Hạt Tử (hay đảo Bolshoi Ussuriysky, diện tích 335 km2. Năm 2004, Trung Quốc và Nga đã ký "Thỏa thuận bổ sung về phần biên giới phía đông Trung-Nga", và nửa phía tây của đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriysky) rộng khoảng 171 km2, được giao cho Trung Quốc. Năm 2008, phía tây của đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriysky) chính thức trở lại Trung Quốc và đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriysky) có trạng thái "một đảo, hai quốc gia".
Đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriysky), còn được gọi là đồng bằng Phủ Viễn, nằm ở thị trấn đảo Hắc Hạt Tử, thành phố Phủ Viễn, tỉnh Hắc Long Giang, là một hòn đảo tạo thành từ trầm tích nằm ở nơi hợp lưu giữa hai sông Ussuri và sông Hắc Long Giang, nó là lãnh thổ cực đông của Trung Quốc. Đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoi Ussuriysky) bao gồm ba hệ thống đảo gồm đảo Ngân Long, đảo Hắc Hạt Tử và đảo Minh Nguyệt, cùng hơn 80 hòn đảo và bãi cát, có diện tích khoảng 335 km2.
12. Hải Sâm Uy, Nga đổi tên thành "Vladivostok", có nghĩa là "người cai trị phía Đông", là thành phố cảng lớn nhất trên bờ biển Thái Bình Dương của Nga và là căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Nơi đây có nguồn tài nguyên thủy sản, rừng và khoáng sản phong phú, đây là quê hương của cua hoàng đế và là thành phố lớn nhất ở Viễn Đông Nga.
Năm 1860, “Công ước Bắc Kinh" ép Trung Quốc nhượng lại khu vực phía đông sông Ussuri, bao gồm cả Vladivostok cho Nga.
13. Bá Lực, Nga đổi tên thành "Khabarovsk" (Khabarov là tên người, đây là người khai phá lãnh thổ mới của Nga), nằm trên bờ phía đông nơi hợp lưu của sông Hắc Long Giang và sông Ussuri, là một thành phố đầu mối giao thông cảng sông quan trọng, hiện là trung tâm hành chính của Vùng Liên bang Viễn Đông Nga và là thành phố lớn thứ hai ở Viễn Đông Nga.
Năm 1860, cũng trong "Công ước Bắc Kinh", Trung Quốc bị ép nhượng khu vực phía đông sông Ussuri, bao gồm cả Khabarovsk cho Nga.
14. Song Thành Tử, được Nga đổi tên thành "Ussuriysk", là thành phố trung tâm nối Khabarovsk và Vladivostok, đồng thời là trung tâm tập kết hàng quan trọng ở Trung Quốc và Viễn Đông Nga.
Tiếp tục trong “Công ước Bắc Kinh” năm 1860, khu vực phía đông sông Ussuri, bao gồm Song Thành Tử (Ussuriysk) được nhượng cho Nga.
15. Tại cửa sông Đồ Môn, Trung Quốc đã mất chủ quyền đối với 15 cây số cuối cùng từ sông Đồ Môn thông ra biển Nhật Bản. Nga và Triều Tiên đã xây dựng một cây cầu sắt rất thấp trên sông Đồ Môn, chỉ có thể đi qua bằng những chiếc thuyền đánh cá nhỏ, một cây cầu sắt đã khóa chặt lối thoát duy nhất hướng ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc của Trung Quốc.
Sau "Hiệp ước Ái Hồn" và "Công ước Bắc Kinh" giữa Trung Quốc và Nga, Nga đã bí mật chiếm cửa sông Đồ Môn. Năm 1938, giữa Nhật Bản và Liên Xô xảy ra xung đột quân sự, sau khi Nhật Bản bại trận, Liên Xô đã chiếm toàn bộ khu vực hồ Khasan (hay Chương Cổ Phong), chỉ để lại một lối đi hẹp đến Phòng Xuyên cho người Trung Quốc, vì vậy cuối cùng Trung Quốc đã mất đi vùng cửa sông Đồ Môn.
16. Miếu Nhai, bị Nga đổi tên thành “Nikolaevsk-na-Amure”. Vào thời nhà Thanh, nó thuộc thẩm quyền của Tướng quân tỉnh Cát Lâm; còn thời nhà Minh, nó được gọi là Đô chỉ huy sứ ty Nô Nhi Can, những người đã nghiên cứu lịch sử phải biết điều thông tin .
Miếu Nhai (Nikolaevsk-na-Amure) nằm ở cửa sông Hắc Long Giang, đối diện trực tiếp với đảo Sakhalin, bao quanh là đồng bằng phù sa màu mỡ, vị trí địa lý rất thuận lợi.
Năm 1860, "Công ước Bắc Kinh", Trung Quốc đã nhượng lại khu vực phía đông sông Ussuri, bao gồm cả Miếu Nhai (Nikolaevsk-na-Amure) cho Nga.
17. Hải Lan Bào được Nga đổi tên thành "Blagoveshchensk", có nghĩa là "báo tin mừng" (do Sa Hoàng Nga xâm lược một phần lớn đất đai), hiện là thủ phủ của tỉnh Amur ở Nga và là thành phố lớn thứ ba ở Viễn Đông Nga.
Năm 1858, Trung Quốc và Nga đã ký kết "Hiệp ước Ái Hồn", hiệp ước này khiến Trung Quốc mất khoảng 600.000 km2 lãnh thổ ở phía bắc sông Hắc Long Giang và phía nam dãy Ngoại Hưng An. Blagoveshchensk và 64 thôn Giang Đông nằm ở bờ bắc sông Hắc Long Giang, cũng nằm trong phạm vi này.
Vào thời nhà Thanh, Blagoveshchensk có nền kinh tế thịnh vượng, với hơn 40.000 cư dân Trung Quốc, sau khi nhượng đất, Sa Hoàng Nga ban đầu không xua đuổi họ vì chỉ có vài nghìn quân Nga đóng ở đây và họ cần sự hỗ trợ từ cư dân Trung Quốc. Do có một số lượng lớn cư dân nhà Thanh sống ở 64 thôn Giang Đông, nên hiệp ước quy định rằng cư dân của 64 thôn Giang Đông có quyền thường trú và chính quyền nhà Thanh có quyền tài phán vĩnh viễn đối với những người dân ở đó. Năm 1900, để xua đuổi cư dân Trung Quốc, Sa Hoàng Nga đã trắng trợn đưa quân đến Blagoveshchensk và 64 thôn Giang Đông, gây ra cuộc thảm sát cực kỳ bi thảm chấn động thế giới tại Blagoveshchensk và 64 thôn Giang Đông. Một số lượng lớn thường dân đã bị tàn sát dã man, có tới 50.000 đến 60.000 người đã chết ở Blagoveshchensk và hơn 20.000 người đã chết ở 64 thôn Giang Đông.
Từ số liệu thống kê trên, chúng ta có thể thấy rằng Nga đã cướp hơn 6,5 triệu km2 đất từ Trung Quốc, tức là 2/3 diện tích lãnh thổ của nước Trung Quốc ngày nay.
Ngoại trừ Ngoại Mông, lãnh thổ của Trung Quốc bị Nga trực tiếp cưỡng chiếm là 5 triệu km2.
Có thể nói, Nga là quốc gia có diện tích đất liền lớn nhất thế giới với 17 triệu km2, nhưng gần 1/3 diện tích đất đai của họ là từ việc cướp phá Trung Quốc.
Putin từng nói: “nếu Nga và Trung Quốc cùng hợp tác thì thế giới sẽ hòa bình”, Putin xuất thân từ KGB, KGB trước tiên phải phá vỡ ranh giới đạo đức khi đào tạo các đặc vụ, tức là với tư cách là một đặc vụ KGB đủ chuẩn mực thì Putin là 1 vị tổng thống có đạo đức ở mức âm. Cộng với sự lãnh đạo của vị tổng thống này thì cách nói trên có ý nghĩa là gì? Tôi tin rằng Tokayev, tổng thống Kazakhstan, người đã bị Putin cắt đứt các kênh xuất khẩu dầu khí sẽ hiểu rõ nhất!
Hàn Phi Tử cho rằng "mình không thể cường mạnh, lại không thể yếu đuối, thì chỉ có một con đường là chết mà thôi", nước Nga của Putin chỉ là một quốc gia tầm trung về kinh tế, một quốc gia tạm về mặt chính trị còn không chịu thừa nhận sự yếu kém của mình, ngược lại còn muốn kế thừa cái chủ nghĩa bá quyền của Sa Hoàng Nga và Liên Xô, ỷ vào sức mạnh để cố tỏ ra phô trương, kết quả chỉ có thể là thất bại và tan rã hoàn toàn trên chiến trường Ukraine.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất