Gần đây tôi có trò chuyện với một người bạn và nghe được câu chuyện này: Cặp đôi A với B yêu nhau gần năm năm, tới lúc bàn chuyện kết hôn thì lại chia tay. Bởi B là con nhà gia đình đơn thân nhưng không hề nói cho A biết, tới khi gia đình A biết thì đã bắt họ chia tay.
Tôi quá đỗi ngạc nhiên, tại sao tới thời đại này rồi mà vẫn còn chuyện kì thị gia đình đơn thân nhỉ? Bạn tôi đành gật đầu một cách bất lực: Sự thật là vẫn còn đấy.
Thế là tôi đi hỏi một lượt những người bạn của mình về vấn đề này, kết quả là đã nhận ra một sự thật tàn khốc: Ngay cả trong thời đại này, con cái của những gia đình đơn thân vẫn phải chịu nhiều kỳ thị hơn chúng ta tưởng.
Nhưng mà, những sự kỳ thị này có hợp lý không? Con cái của gia đình đơn thân đối diện và xử lý kỳ thị ra sao, làm cách nào để có một cuộc sống thoải mái và bình đẳng đây?
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Con cái của gia đình đơn thân sẽ chịu những kiểu kỳ thị nào?

Sau khi trò chuyện với vài người bạn tới từ các gia đình đơn thân, tôi nhận thấy nguồn gốc gây ra những kỳ thị mà họ phải chịu đựng xuất phát từ nhiều mặt và còn bắt đầu ở mọi độ tuổi.
“Đây là đứa trẻ thiếu giáo dục.”
Bắt đầu từ hồi nhỏ, không biết bao nhiêu lần bị người ta nói là thiếu giáo dục rồi. Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi sống với bố trong khu tập thể. Hàng ngày sau khi ăn tối, bọn trẻ con sẽ chạy hết ra khoảng sân chung để chơi đùa. Lúc đó, có vài người hàng xóm sẽ tới lôi mấy bạn bên cạnh tôi đi, nói: Đừng chơi với nó, sẽ bị nhiễm tật xấu đấy. Mà tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết các bạn ấy sẽ bị nhiễm cái xấu gì từ tôi nữa. (Tâm, nữ, 29 tuổi, từ 5 tuổi sống với bố đơn thân)
“Tâm lý lệch lạc, nhân cách khiếm khuyết.”
Hồi năm ba đại học, tôi yêu một người hơn tôi 10 tuổi. Không lâu sau chuyện này được đồn đại trong khoa: “Các cậu biết gì chưa, bạn trai của xx là người đi làm rồi, hơn mười mấy tuổi đấy, chắc chắn là vì xx là con nhà đơn thân, thiếu thốn tình cảm của người cha nên mới hẹn hò với bạn trai lớn hơn nhiều tuổi như thế…” Chẳng có ai chịu nhớ tôi có người yêu cũ là bạn học cùng năm nhất. Định kiến gì vô lý đến thế là cùng. (Jenny, nữ, 25 tuổi, từ 9 tuổi sống với mẹ đơn thân)
“Gia đình kiểu này chắc chắn khó hòa hợp.”
Tuần trước tôi có đi hẹn hò giấu mặt, cảm thấy bốn chữ “gia đình đơn thân” chứa đầy sự kỳ thị. Người ta sẽ không nói gì trước mặt bạn mà quay sang rỉ tai nhau: “Gia đình đơn thân không tốt, bố mẹ đều có gia đình mới thì mối quan hệ sẽ thành phức tạp. Với cả tình cảm của những kiểu cha mẹ như thế dành cho con cái sẽ không được bình thường, tính chiếm hữu rất lớn, gả con gái cho họ thế nào cũng chịu thiệt thòi.” Có thể tồn tại những gia đình như vậy nhưng tuyệt nhiên không phải tất cả đều giống nhau. (Chú mèo trèo cây ngắm trời, 34 tuổi, 18 tuổi thành con nhà đơn thân)
“Con cái của gia đình đơn thân về sau cũng rất dễ ly hôn.”
Chào mọi người, tôi chính là B trong câu chuyện đầu bài đây. Bố mẹ của bạn gái tôi (bạn gái cũ rồi) cho rằng, vì con cái nhà đơn thân không có một gia đình trọn vẹn nên sẽ không học được cách kiểm soát mối quan hệ vợ chồng từ bố mẹ mình, về sau sẽ dễ dàng đi vào vết xe đổ của họ. Dù thế nào đi nữa thì đây là “nguy cơ không thể tránh được”. Thế nếu không phải đơn thân thì sẽ không ly hôn à? Ngược lại cũng không hẳn là vậy mà… (B, nam 30 tuổi, thành trẻ nhà đơn thân từ tiểu học)
“Với tôi, tỏ vẻ đồng cảm cũng là một kiểu kì thị.”
Tôi rất ít khi nhắc tới chuyện gia đình với người khác, không phải bởi vì tự ti mà là tôi sợ bị người khác nhìn bằng ánh mắt thương hại. Ví dụ: “Cháu khổ thật đấy, thấy thương quá à”, “Xin lỗi nhé, lại hỏi bạn về vấn đề này…” Tại sao phải xin lỗi? Tại sao phải thương hại tôi? Mẹ dành cho tôi gấp đôi tình thương, cho tôi môi trường đầy đủ để phát triển, sức khỏe thể chất và tinh thần tôi đều tốt, công việc thuận lợi, đâu có cần cái kiểu thông cảm cứ như là kì thị đó. (Ruru, nữ, 36 tuổi, 12 tuổi bắt đầu sống cùng mẹ đơn thân)
Ngoài vài điều vừa nêu bên trên, tôi còn nghe được những câu nói kỳ thị rất là ối giời ơi. Ví dụ, có người nói hầu hết con cái nhà đơn thân có tâm lý bất thường hay đơn thân cũng di truyền được. Đương nhiên tôi cho rằng cái kiểu kỳ thị cực đoan này chỉ là cá biệt nhưng nó cũng cho thấy con cái nhà đơn thân vẫn phải đang chịu đựng sự đối xử kỳ thị và bất công nghiêm trọng.
Nguồn: Getty Images
Nguồn: Getty Images
Kỳ thị như thế hợp lý chỗ nào?
Không thể không thừa nhận là có nhiều kết quả nghiên cứu chỉ rõ vấn đề đơn thân thực sự gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho thế hệ con cái. Ví dụ như những đứa trẻ lớn lên trong gia đình đơn thân sẽ có khả năng cao sa đà vào nghiện ngập, như rượu hay thuốc lá (Nwagboso, 2018), hoặc khả năng cao gặp khó khăn về kinh tế, trải qua các vấn đề về nhận thức, tình cảm và xã hội như tội phạm, mang thai sớm (Badger, 2014).
Tuy nhiên, đơn thân không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra những vấn đề này và những tình trạng đó cũng không xảy ra với tất cả con cái gia đình đơn thân. Khách quan mà nói, con cái nhà đơn thân thực sự chịu ảnh hưởng không tốt từ gia đình ban đầu nhưng cũng có thể nhận được một số lợi ích từ chính gia đình đơn thân của mình.
Đầu tiên, nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ này sẽ trưởng thành hơn so với các bạn cùng tuổi, điều này có nghĩa là chúng sẽ sống có trách nhiệm hơn.
Lý do là vì, sau khi bố mẹ chia tay, con cái sẽ bắt đầu đảm nhận một phần trong vai trò “gánh vác gia đình”. Ví dụ trong gia đình có mẹ một mình nuôi dạy con cái, đứa trẻ sẽ đảm nhận một phần vai trò bị thiếu hụt của người cha, hoặc mẹ và con cùng nhau chia sẻ vai trò đó. Hơn nữa, nhiều đứa con nhà đơn thân sẽ chủ động gánh trách nhiệm gia đình vì muốn chia sẻ áp lực với bố/mẹ hoặc vì không muốn bị bỏ rơi (Dan, 2021).
Thứ hai, nhiều người cho rằng con cái nhà đơn thân sẽ có một vài khuyết điểm nhất định, như không giỏi giao tiếp hay tính cách khép kín, nhưng thực ra là cũng tùy từng người.
Nếu bố/mẹ đơn thân vì bận đi làm mà phải gửi con cho hàng xóm hay họ hàng trông nom thì đứa trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng giao tiếp nhờ va chạm với nhiều người. Dĩ nhiên cũng có nhiều đứa trẻ vì gia cảnh đơn thân mà tự ti, nhạy cảm, dần mất đi khả năng giao thiệp. Bởi vậy, cách các bạn ấy thích ứng với hoàn cảnh, tự mình điều chỉnh sẽ càng có tác dụng mang tính quyết định trong sự thể hiện với thế giới bên ngoài.
Đối với mối quan hệ thân mật, cũng tồn tại một kiểu hiểu lầm phổ biến. Đó là con cái sẽ dễ dàng lặp lại sai lầm của bố mẹ, dẫn tới hôn nhân tan vỡ. Chính xác thì theo một thống kế, vào đầu thập niên 70 của thế kỉ XX, những người trưởng thành trong gia đình đơn thân có khả năng ly hôn cao gấp hai lần những người trưởng thành trong gia đình đầy đủ. Nhưng kể từ năm 2018, tỉ lệ này chỉ còn là 1.1 lần (Nicholas, 2019).
Cũng có thể nói rằng, dựa trên tỷ lệ ly hôn hiện nay, hai nhóm này dường như không còn khác biệt gì cả.
Trên thực tế, hôn nhân của con cái nhà đơn thân so với các gia đình đầy đủ cha mẹ lại hạnh phúc hơn. Họ sẽ nhận ra những đặc điểm của “một người bạn đời không tốt” từ chính cha mẹ mình để hết sức né tránh trong quá trình chọn bạn đời. Họ cũng hiểu về những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới mối quan hệ (như sự cam kết, trách nhiệm) để cố gắng đạt được trong mối quan hệ thân mật. Tuy nhiên mối quan hệ của con cái gia đình đơn thân cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Ví dụ như theo phát hiện của nhà tâm lý học Nielsen (2019), con gái thiếu đi tình yêu thương của người cha sẽ vì “quá khát khao thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc với cha mình” mà trong những trường hợp không cân nhắc kĩ càng đã vội vàng đến với người có thể đáp ứng yêu cầu này, về sau nếu không khéo sẽ gặp rắc rối.
Dù sao đi nữa, từ những nghiên cứu này có thể nhận thấy, gia đình đơn thân chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định tới cá nhân, nhưng ảnh hưởng này không phải là tuyệt đối, cũng không hoàn toàn là bất lợi. Khi mà sự kỳ thị vẫn đang tồn tại một cách khách quan, con cái của gia đình đơn thân nên làm thế nào để vẫn sống tốt trong điều kiện môi trường như vậy?

Những bí kíp dành cho con cái gia đình đơn thân

Trạng thái đơn thân thì không thể thay đổi, nhưng tất cả điều này không phải lỗi của con cái. Mỗi người đều có thể dùng cách riêng của mình để có được sự cân bằng trong cuộc sống, dưới đây sẽ là 5 bí kíp dành cho các bạn:
1, Xây dựng và củng cố nhận thức rằng đơn thân vốn không phải lỗi của bạn
Đầu tiên bạn là một cá thể độc lập, sau đó mới là một người con trong gia đình. Việc đơn thân trên thực tế do cha mẹ bạn quyết định, không quá liên quan tới bạn, vì vậy khi thành con cái của cha mẹ đơn thân, bạn nhất định phải xây dựng và củng cố nhận thức này: Đơn thân vốn dĩ không phải lỗi do bạn.
Vì toàn bộ đều không do bạn gây ra, vậy nên bạn không phải bù đắp gì cho cha mẹ hay gia đình. Bạn không cần mang cảm giác tội lỗi với chính mình, càng không phải tiếp nhận những sự phân biệt và chỉ trích của người khác theo kiểu “như nó phải thế”. Việc thiết lập được nhận thức này sẽ có thể giúp bạn đối mặt với sự thay đổi hoàn cảnh và những đàm tiếu không có cách nào kiểm soát được bằng một tâm thế vững vàng.
2, Không được tự kì thị chính mình, mà càng phải “tự yêu lấy bản thân”
Nếu muốn có được sự tôn trọng của người khác, trước tiên bạn phải tôn trọng mình cái đã, nên càng không được tự kỳ thị bản thân. Có nhiều người khi giao tiếp với người khác cố ý nhắc đến hay cố ý tránh né tình trạng của mình, có người lại có thói quen lấy lòng người khác để tránh những ánh nhìn khác thường, cũng có người lại hạ thấp tiêu chuẩn chọn bạn đời của mình, miễn cưỡng kết giao.
Đơn thân chỉ là một trạng thái khách quan, không có gì khác với có cha mẹ đầy đủ. Vậy nên, bạn phải dừng ngay những hành vi miễn cưỡng, không được chìm đắm trong quá khứ, tự chăm sóc tốt bản thân.
Bạn phải hiểu rằng, trên đời này, hạnh phúc không hề phụ thuộc vào đơn thân hay song thân, chỉ những ai tin rằng mình có thể tự do lựa chọn và tin tưởng vào khả năng của mình để đạt được hạnh phúc thì mới dễ dàng có được hạnh phúc thực sự (Seligman & Peterson, 2005).
3, Trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, bạn hãy nói rõ hoàn cảnh gia đình của mình càng sớm càng tốt
Khi mới bắt đầu kết giao, hãy nói một cách rõ ràng về hoàn cảnh gia đình mình sớm nhất có thể. Đây là hành vi mang tính trách nhiệm với cả đôi bên. Điều này không có nghĩa ám chỉ “gia đình đơn thân” là có “vấn đề”, mà sẽ tránh được những rủi ro khi trao đổi thẳng thắn ngay từ khi bắt đầu. Ví dụ nếu người ta lúc đầu không biết được hoàn cảnh gia đình bạn, sau đó rất lâu mới phát hiện thì có thể cảm thấy bạn cố tình che giấu, không những tự suy diễn ra những vấn đề hoàn toàn không tồn tại (kiểu như nhà bạn chắc đang ôm nợ?), mà còn sinh ra sự sụt giảm sự tin tưởng. Khi bạn nói ra sớm, có thể khiến người kia cảm thấy sự chân thành của bạn và còn thúc đẩy mối quan hệ phát triển (Clous, 2016).
Thêm một ví dụ nữa, nếu người kia hay gia đình họ khi vừa mới bắt đầu đã biết bạn con nhà cha mẹ đơn thân mà tỏ thái độ không thể nào chấp nhận được thì mối quan hệ này nếu miễn cưỡng tiếp tục thì sẽ rất khó để có một giải pháp trọn vẹn, tốt nhất hãy kịp thời chấm dứt, không làm lãng phí thêm thời gian và tình cảm của nhau.
4, Xem “cách người kia đối xử với gia đình đơn thân” làm tiêu chí chọn lọc giá trị quan khi kiếm bạn đời hay kết bạn
Một người trưởng thành và có khả năng suy nghĩ độc lập sẽ tuyệt đối không lấy việc “có phải con của gia đình đơn thân hay không” để đánh giá bạn. Ngược lại, chỉ có những người có tư duy rập khuôn, không linh hoạt, thậm chí có “tam quan lệch lạc” mới vô duyên vô cớ đi công kích và vu khống con cái gia đình đơn thân. Vì vậy, khi chúng ta kết bạn hay tìm bạn đời, thái độ đối xử với gia đình đơn thân chính là biểu hiện đầy đủ về giá trị quan của một người. Bạn có thể coi điểm này là điều kiện lựa chọn bạn bè và bạn đời của mình. Hãy chọn những trường hợp có thể đối xử với bạn một cách khách quan và lý trí, không vì chuyện này mà thương hại hay công kích bạn, coi đây là đối tượng thích hợp để tiến tới. Nếu có người chỉ vì điều này mà quay lưng với bạn thì cũng không cần phải thấy tổn thương, vì người đó đâu có phù hợp với bạn và bạn cũng đã tránh bị vướng vào sai người.
5, Chủ động tránh xa những người kỳ thị và làm tổn thương bạn
Trên đời này tồn tại những định kiến không thể xóa bỏ hoặc có những người mang cặp kính phiến diện để làm tổn thương bạn. Khi đối diện với họ, chúng ta không cần phải lúc nào cũng nhẫn nại, chịu đựng, càng không nên dễ dàng tha thứ cho họ bởi làm thế chỉ khuyến khích cho sự tiếp diễn những suy nghĩ và hành vi tương tự.
Một mặt, chúng ta cần dũng cảm bộc lộ cảm nhận và quan điểm của mình, chỉ ra vấn đề của họ (nhưng không nhất quyết phải thuyết phục họ). Mặt khác, chúng ta cũng cần có ý thức tránh xa những con người và môi trường kiểu đó. Bởi vì chúng ta mãi mãi không có cách nào để thay đổi quan niệm của họ, còn họ sẽ vẫn dùng quan niệm này ảnh hưởng tới nhiều người. Đó gọi là “vòng tròn độc hại”, không chỉ liên tục gây hại tới chúng ta mà còn khiến chúng ta ngày càng tự nghi ngờ bản thân, ngăn cản chúng ta hướng tới một cuộc sống tốt đẹp.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, chúng ta sẽ trở thành người như thế nào, sống cuộc đời ra sao, phụ thuộc chủ yếu vào những trải nghiệm và tiến bộ cá nhân của chúng ta về sau. Những ai không thể nhìn nhận đúng đắn hay đánh giá khách quan về bạn sẽ không đáng để bạn buồn bã, tức giận, tự hoài nghi bản thân. Ngược lại, những người bị định kiến làm cho mù quáng, không thể nhìn thấy bản chất thực sự của thế giới thì mới là những kẻ đáng thương.
Còn bạn, chỉ cần là chính mình thì Thượng đế sẽ luôn luôn dịu dàng và dành ưu ái cho bạn. Đảm bảo đó!
Tham khảo:
Badger, E. (2014). Children with married parents are better off but marriage isn’t the reason why. The Washington Post.
Cloud, H. (2016). The Power of the Other: The startling effect other people have on you, from the boardroom to the bedroom and beyond-and what to do about it. Harper Business.
Dan Brennan, MD.(2021).How Does Single Parenting Affect a Child?.Medicine Net.
Nicholas, H. W.(2019).Trends in the Intergenerational Transmission of Divorce, 1973-2018. If studies.
Nielsen, L. (2019). Father-daughter relationships: Contemporary research and issues. Routledge.
Nwagboso, L. N. (2018). Single parent attachment styles and its relationship with teenage pregnancy in Namibia (Doctoral dissertation).
Seligman, M. E., Steen, T. A., Park, N., & Peterson, C. (2005). Positive psychology progress: empirical validation of interventions. American psychologist, 60(5), 410.
Tác giả: KnowYourself
Bài gốc: https://zhuanlan.zhihu.com/p/558123741