Hồi tôi còn bé, phương tiện giải trí không nhiều như bây giờ. Trên TV cũng chưa có nhiều chương trình dành cho thanh thiếu niên, học sinh phổ thông hồi ấy chủ yếu đọc báo Hoa Học Trò. Suốt mấy chục năm rồi, bao giờ trang ba của tờ báo cũng được dành cho mục “Trò chuyện đầu tuần”. Trong khoảng nửa trang báo là những câu chuyện súc tích, ngắn gọn, những bài học về lẽ sống cho tuổi mới lớn. Gắn bó với “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa thuở ấy là anh Đoàn Công Huynh (bút danh Đoàn Công Lê Huy), người được nhiều em học sinh yêu mến gọi là “anh trang ba”. Sau này, khi anh Đoàn Công Huynh chuyển công tác sang báo Tiền phong, rồi lên làm lãnh đạo ngành Thông tin - Truyền thông, nhà báo Lê Thanh Hà (bút danh Hà Nhân) về giữ mục “Trò chuyện đầu tuần” cũng viết rất đặc sắc. Song với cá nhân tôi, thì những trang ba của Đoàn Công Lê Huy đã là một phần không thể thay thế được của thời thơ trẻ.

Dông dài như vậy, để bạn đọc hiểu vì sao tôi lại nhớ rõ số báo ra ngày hôm ấy, số báo ra vào cái ngày thứ hai hửng nắng, sau một đợt rét đậm rét hại 38 ngày liên tục, 40 năm mới gặp một lần. Trang ba của số báo hôm ấy là những dòng đau xót: “Ai chẳng muốn áo trắng tinh khôi không dính bụi gạo tiền. Nhưng nhũng kẻ cho vay nặng lãi đã tràn vào lớp học. Hàng ngàn anh chị cấp 3 ở Cà Mau phải bỏ học vì vay nặng lãi. Giấc mơ đổi đời của con nhà nghèo vào phố học phải đứt đoạn giữa chừng”. Những cô cậu học trò mới chỉ mười lăm, mười sáu tuổi, xa gia đình đi trọ học trường huyện, chỉ một phút lỡ làng, mải vui chơi, thiếu tính toán mà sa chân vào cạm bẫy tín dụng đen của bọn cho vay nặng lãi. Vay 500 ngàn đồng thì phải trả lãi mỗi ngày 10 ngàn đồng, lãi suất lên đến hơn 60%/tháng, cao gấp 60 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại ở cùng thời điểm. Đau xót hơn, “chân rết” của những kẻ cho vay nặng lãi lại là chính những học sinh trong trường. Các học sinh này sẽ là đầu mối dụ dỗ “con mồi” đến gặp những kẻ cho vay nặng lãi, viết giấy vay nợ, kí tên, điểm chỉ và nhận tiền. Cũng chính những học sinh này sẽ là người bắn tin đe dọa, sẽ chặn đường đón đánh, sẽ tìm về tận gia đình nếu nạn nhân chậm trả tiền.
Cơn bão tín dụng đen quét qua, mang theo nhiều cuộc đời học trò vừa chớm nở. Hàng ngàn học sinh bỏ học, chuyển trường, trốn tránh về quê nhà. Đó là năm 2008, khi tôi mới học lớp 6. Lúc đấy, tôi chưa bao giờ trọ học xa nhà, chưa bao giờ có cảm giác phải đối mặt với những cám dỗ của cuộc đời khi rời xa vòng tay cha mẹ. Trang ba báo Hoa ngày hôm đó bật lên những câu hỏi: “Tại sao các anh chị ấy không báo với gia đình ngay khi biết mình mắc bẫy?”, “Tại sao công an không bắt bỏ tù hết những kẻ cho vay nặng lãi ấy đi?”. Những câu hỏi day dứt trong trái tim thằng bé 12 tuổi, về công lý và lẽ sống ở đời, đã theo tôi vào trường luật, đến tận bây giờ.

Trước ngày lễ Chiến thắng năm 2017, nghĩa là 9 năm sau khi sự kiện đau lòng nói trên xảy ra, báo Sài Gòn Giải Phóng chạy một tin ngắn chưa đầy hai trăm chữ: Nạn tín dụng đen lại trở lại hoành hành trong các trường học ở Cà Mau. Chỉ riêng tại trường THPT Cà Mau đã có khoảng vài trăm học sinh mắc nợ. Hàng chục em nợ trầm trọng, phải bỏ học hoặc chuyển trường. Thật đau xót làm sao!

Trong khoảnh khắc, tôi trở lại thành thằng bé 12 tuổi của 9 năm về trước. Vẫn là cảm giác bất lực trước một thực tại đau đớn, dù giờ này tôi đã sắp tốt nghiệp cử nhân luật. Có khác chăng, thì 9 năm về trước, cảm giác bất lực là do tôi chưa hiểu gì về pháp luật. Còn 9 năm sau, thì tôi hiểu rằng lực lượng chấp pháp đang rất khó khăn trong xử lí loại tội phạm này. Gần 10 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, trên địa bàn Hà Nội hàng triệu dân chỉ mới truy tố trường hợp cho vay nặng lãi đầu tiên vào tháng 9/2009. Con số trường hợp cho vay nặng lãi trở nên bé nhỏ một cách cay đắng, khi so sánh với số cửa hàng dịch vụ cầm đồ trong thành phố, hay với rất nhiều vụ án giết người và cố ý gây thương tích liên quan đến tín dụng đen xảy ra trong cùng thời gian.
Điều 163 Bộ luật Hình sự về tội phạm cho vay nặng lãi quy định đến hai dấu hiệu về hành vi khách quan, đó là (i) cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, và phải (ii) có tính chất chuyên bóc lột. Việc xác định đủ những dấu hiệu cấu thành tội phạm là rất khó khăn, vì những đối tượng cho vay nặng lãi có đủ các thủ đoạn để che giấu mức lãi suất thực tế mà con nợ phải chịu. Trên giấy tờ, mức lãi suất chỉ được ghi là “do hai bên thỏa thuận”. Việc ghi nhận như vậy là hoàn toàn hợp pháp, vì khoản 2 điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định: “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Như vậy, những đối tượng cho vay nặng lãi không cần ghi lãi suất trên hợp đồng vay, mà chỉ cần áp đặt một lãi suất thực tế với con nợ, cao hơn rất nhiều so với lãi suất cho phép của pháp luật. Chẳng có giấy trắng mực đen nào ghi nhận sự thỏa thuận đó. Chúng được bảo đảm bằng những thế lực “xã hội đen”, sẵn sàng hành xử bằng “luật rừng” với con nợ. Những đối tượng cho vay nặng lãi thường nhắm đến những học sinh, sinh viên trẻ tuổi, nông nổi, ăn chơi đua đòi, cờ bạc, cá độ bóng đá … Dĩ nhiên, những cậu ấm, cô chiêu ăn chưa no, lo chưa tới này không thể làm ra tiền để trả nợ; nhưng bố mẹ chúng có thể bỏ nhà cửa, bỏ hết tài sản chứ không thể bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Trước mối đe dọa của dao búa giang hồ, những bậc sinh thành ấy thường chịu mất tiền, chứ không muốn tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật. Mặt khác, như đã trình bày ở trên, cơ quan công an nhiều khi cũng đành bó tay thúc thủ, vì ranh giới giữa tội phạm hình sự và giao dịch dân sự trong trường hợp này là quá mong manh.

Trên tinh thần của quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp 2013, công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, trong đó có các giao dịch cho vay tài sản. Các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 trước đây, cũng như điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 hiện nay đều đưa ra giải pháp cho tình huống không xác định rõ lãi suất, hay có tranh chấp về lãi suất, nhằm cung cấp sự bảo vệ cho các bên khi thực hiện giao dịch. Tinh thần của quy định này là rất tốt. Tuy nhiên, điều này đã bị lợi dụng để che giấu mức lãi suất thực tế trong những hợp đồng cho vay nặng lãi. Mặt khác, trong suốt hơn 17 năm thi hành Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn không thể định nghĩa rõ ràng về những dấu hiệu “tính chất chuyên bóc lột” hay “thu lợi bất chính lớn” của tội phạm cho vay nặng lãi. Nói chính xác hơn, thì hoàn toàn không có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho cấu thành tội phạm vốn rất mơ hồ của điều 163 Bộ luật Hình sự 1999, trong suốt gần hai thập kỷ Bộ luật này có hiệu lực. Việc “thả cửa” cho những giao dịch dân sự mà không đi kèm với việc sửa đổi, tăng cường các công cụ tư pháp hình sự, liệu có nên chăng?

Không thể ngăn cấm giao lưu dân sự bằng những biện pháp hành chính cứng nhắc. Song cũng rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, để những hành vi tội phạm không thể núp bóng giao dịch dân sự để lộng hành. Sẽ chẳng có sự phát triển kinh tế nào đánh đổi lại được hàng ngàn gia đình tan nát vì vay nợ nặng lãi, hàng ngàn học sinh phải bỏ học vì tín dụng đen, kéo theo một tương lai tươi sáng trở thành mịt mờ vô định.

Đã nhiều năm trôi qua sau dấu mốc đau lòng năm 2008, tình trạng tín dụng đen hoành hành trong học đường không giảm đi, mà thậm chí còn có chiều hướng tăng lên, dưới một vỏ bọc mới: Hỗ trợ tài chính sinh viên. Không khó để thấy những tờ rơi “hỗ trợ tài chính sinh viên” như thế, được dán đầy các cột điện hay bờ tường, trước cửa các trường đại học lớn. Day dứt một câu hỏi trong trái tim thằng bé 12 tuổi là tôi ngày ấy, cũng là câu hỏi mà ngành tư pháp hình sự Việt Nam còn đang mắc nợ: Làm sao để áo trắng tinh khôi không vướng bụi gạo tiền?