Giàu, nghèo, và sự bất công
Mình gần đây (đặc biệt sau mấy vụ xì-căng-đan xin con vào trường ĐH An Ninh Cảnh Sát ở bên Việt Nam với Xít-tan-phợt bên Mỹ ) thỉnh...
Mình gần đây (đặc biệt sau mấy vụ xì-căng-đan xin con vào trường ĐH An Ninh Cảnh Sát ở bên Việt Nam với Xít-tan-phợt bên Mỹ) thỉnh thoảng có si tư câu hỏi, sự bất công (ở Việt Nam hay bất cứ đâu) có đủ để giải thích việc người nghèo nghèo mãi hay không.
Nhớ mấy năm trước mình đi phỏng vấn ở Google. Xong đi ăn trưa với một người, chắc lớn hơn mình 10-15 tuổi. Bác này sẽ là quản lý tương lai của mình nếu mình được tuyển vào đấy. Mình có đọc trước tiểu sử của bác ấy online thì thấy bác là người Ấn Độ, tiểu sử làm việc rất hoành tráng, trước là sinh viên học ở một trường đạo Phật ở Ấn Độ. Mình hỏi bác ngày trước ở trường đấy như thế nào, và bạn bè ra sao. Bác bảo sướng lắm, đó là trường cho đội con nhà có điều kiện, học rất giỏi. Trường đó mới hết năm đầu đã có các công ty tới tuyển hết... Mình mắt chữ O mồm chữ A. Đi ăn cùng bác, mình khen ăn thế này ngon quá. Bác bảo còn thua xa ngày xưa bác ăn khi còn là sinh viên. Bác và một nhóm bạn bè sinh viên của bác hùn tiền với nhau thuê hẳn cả một người đầu bếp để từng ngày muốn ăn món gì thì chỉ việc nói đầu bếp mua rồi làm trước, ngon hơn cả nhà hàng. Mình lại mắt chữ O mồm chữ A.
Bài viết cùng tác giả:
Thường các nghiên cứu người ta sắp xếp thu nhập từ thấp lên cao rồi chia cả số người đã điều tra làm 5 tầng lớp thu nhập, 20% thấp nhất, 20% tiếp theo... Và người ta xem tầng thu nhập này thay đổi như thế nào ở các thế hệ, thường gọi là social mobility index - chỉ số di động xã hội. Ở một xã hội tuyệt đối công bằng, thì thu nhập của bố mẹ không ảnh hưởng gì tới thu nhập tương lai của con cái. Nhưng sự thật thì ở đâu cũng vậy, thu nhập (và giáo dục) của bố mẹ có rất nhiều ảnh hưởng tới tương lai của con cái. Điều mình nhận ra là ở đâu cũng thế, số người trèo được lên từ hai tầng lớp thu nhập so với bố mẹ trở lên là cực kỳ hiếm. Số trèo lên được như thế phải cực kỳ may mắn.
Một trong những may mắn đó là sống trong thời kỳ mà có một cuộc cách mạng nào đấy đang diễn ra và đón được luồng gió đó. Và trong trường hợp của một số người ở thời đại 8x-9x, đó là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận thông tin. Có một số người có may mắn tiếp cận và nhận ra sức mạnh này khi đúng lúc còn đang đi học thì sức bật là rất lớn. Mình ngày xưa chỉ mong được sử dụng internet 30 phút để download một vài email, bài viết, mã nguồn, tin tức. Mình mơ một ngày có internet tốc độ cao, muốn làm gì thì làm, thì sẽ có bao nhiêu người được hưởng lợi. Công bằng mà xét thì ngày đó là hôm nay. Mình nghĩ mặc dù còn nhiều điểm có vấn đề nhưng nói chung, internet ở Việt Nam là rẻ, nhanh và tốt, ai muốn liên lạc, học hỏi ai, muốn tra cứu cái gì trên 99% số chủ đề để giúp cuộc sống của mình khá lên thì đều làm được.
Mình nghĩ là về tổng quan mà nói, chuyện công bằng trong xã hội là việc cùng một cơ hội thì người có năng lực tốt hơn sẽ chiến thắng người có năng lực thấp hơn. Ví dụ, cùng thi đại học, cùng nộp đơn xét tuyển vào trường với cơ chế xét tuyển theo điểm thì ai làm bài được điểm cao hơn sẽ được vào. Nếu điều đó không xảy ra, thì đó là sự bất công. Nhưng mặt khác, công bằng xã hội đối với mình không phải là chuyện ai có bao nhiêu cơ hội. Người ở tầng lớp dưới sẽ có rất ít cơ hội so với người ở tầng lớp trên, và theo mình, nói chung, việc người ở tầng lớp trên của xã hội có nhiều cơ hội hơn không phải là một điều bất ngờ, cũng không phải là sự bất công.
Sự hả hê (hoặc căm phẫn) của xã hội vì một số trường hợp bất công được (hoặc chưa được) giải quyết gần đây mình nghĩ cũng thoả đáng. Hả hê vì nó giàu nhưng vẫn ngu. Hả hê vì nó chạy, bây giờ nó bị đuổi. Another one bites the dust! Nhưng mình nghĩ giảm sự bất công đó, nói chung có ảnh hưởng không nhiều đến khả năng di động xã hội của người nghèo. Vì việc đó cùng lắm chỉ đánh được vài ba cái trường hợp đơn lẻ, một kẻ ra một người vào, chứ nó không làm tăng thêm cơ hội cho người nghèo nói chung.
Bài viết cùng tác giả:
Hôm nay mình có thời gian nói chuyện với một người kỹ sư mình nể phục từ lâu, cũng là người mất rất nhiều công sức đấu tranh cho sự cởi mở của thông tin và internet đến với người Việt. Vì người kỹ sư này tin rằng cũng như anh ấy và mình, sự tự do cởi mở về thông tin sẽ một phần gián tiếp mang tới cơ hội cho những người nghèo để họ di chuyển lên những tầng lớp cao hơn. Mình rất ủng hộ cách nghĩ và cách làm của người kỹ sư đó. Internet và tự do thông tin, hay sự nở rộ của các doanh nghiệp, các nguồn đầu tư là một điều theo mình rất quan trọng cho người nghèo.
Những người giàu họ hỏng việc này họ lại có cơ hội khác đến ngay. Người nghèo là người có ít cơ hội để đổi đời: Cơ hội vào đội tuyển học thầy cô tốt, có bạn bè tốt, vào đại học, học được cái mình cần học, gặp được người dẫn đường tốt, vào công ty tốt, tất cả những những việc đó rất hiếm khi xảy ra với người nghèo. Internet là một trong những công cụ tăng khả năng gặp được người dẫn đường tốt, hình mẫu để học tập, nhu liệu tra cứu học hỏi lên rất nhiều lần với tất cả mọi người, một tài nguyên vô cùng quý giá đặc biệt là với người nghèo.
Bây giờ internet cũng đã nở rộ, ai cũng có cái máy tính, thông tin, tri thức trong tay, nhưng sự thật là không phải ai cũng làm tăng cơ hội được cho cá nhân mình. Người nghèo có một số người vẫn nghĩ là phải đi chọi nhà giàu và người có quyền những mảng biết chắc là sẽ có bất công (trường đại học có nhiều con cháu, làm nhà nước, đua với nhà giàu để chạy chân cán bộ), mà không chịu nhận ra có bao nhiêu cơ hội đã bỏ lỡ ở những nơi khác mà mình không bị bất công như thế. Khi đó thì mình nghĩ cũng có lúc có ai đó bất mãn với xã hội cần phải tự hỏi cái gông đó là do người khác đeo hay do tự mình đeo cho mình.
Người dẫn đường tốt cho người khác tìm sự giải thoát, mình nghĩ không phải là chỉ họ đi chửi bới ném đá những trường hợp bất công do may mắn mà ai đó bóc phốt ra được. Mình nghĩ đó phải là sự khai sáng, mang cho người ta cách tạo ra các cơ hội mà người giàu/có quyền không thể tranh giành với mình, và cần phải chuẩn bị cho chính mình những kỹ năng cần thiết để nắm lấy cơ hội khi nó đến. Vì những cơ hội đó cũng rất nhiều trong thế giới này.
Bài viết cùng tác giả:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất