Dịch: Các loạt tweet của Kamil Galeev về chiến tranh Nga-Ukraine (Phần I)
Bản gốc: ...
Bản gốc:
1. Đôi nét về Kamil Galeev:
Kamil Galeev là một nhà nghiên cứu độc lập và một nhà báo sống tại Moscow. Lĩnh vực nghiên cứu ưa thích của anh là nền chính trị căn tính ở nước Nga hậu Xô Viết, sự sắc tộc hóa của chủ nghĩa dân tộc ở Nga và sự thủ tiêu các nền cộng hòa của các dân tộc thiểu số. Là thạc sĩ chuyên ngành Trung Quốc học tại Bắc Kinh, Trung Quốc, và Thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử cận đại tại đại học St. Andrews, Vương quốc Anh. Anh là một nhà hoạt động bất đồng chính kiến, từng ngồi tù trong thời gian ngắn do tham gia các cuộc biểu tình vào năm 2020. Được nhận giải thưởng Galina Starovoitova về Nhân quyền và Hòa giải xung đột năm 2021.
Gần đây anh đã có một số các loạt Tweet khá hay trên Twitter về các vấn đề quân sự, chính trị và lịch sử xoay quanh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, từ điểm nhìn của anh ở bên trong nước Nga, mà mình dự định sẽ dịch lại dần dần trong thời gian tới.
2. Trans notes:
Do bài dịch sẽ khá dài và phần trans note trong bài này sẽ khá quan trọng nên lần này mình sẽ dành một phần riêng cho nó.
- Ngay trong Tweet đầu tiên của loạt Tweet này thì câu mở đầu trong bản gốc là "Nhiều người đã nhận ra được tầm quan trọng của việc áp đặt các biện pháp cưỡng chế chống Nga và sự cần thiết phải chừa cho Nga lối thoát", nhưng sau khi mình đọc thì thấy nó mâu thuẫn với nội dung của bài, và đồng thời trong suốt bài mình cũng thấy tác giả có nhiều các lỗi typo tương tự, nên mình đã quyết định để là "Nhiều người đã nhận ra được tầm quan trọng của việc áp đặt các biện pháp cưỡng chế chống Nga và sự cần thiết phải KHÔNG chừa cho Nga lối thoát".
- Theo quan điểm của Kamil Galeev trong các loạt Tweet trước đó, thì hệ thống chính trị của nước Nga là hệ thống chính trị triều đường nơi Putin là vua và các quan chức cấp cao là các triều thần. Nên anh gọi các quan chức là các quan chức/chính trị gia triều thần.
- Trong một loạt Tweet trước đó thì Kamil Galeev đã bày tỏ quan điểm rằng thực chất Putin (và Liên Xô nói chung) không giỏi về chiến tranh, mà với tư cách là cựu tình báo, ông ta giỏi việc thực hiện các Chiến dịch đặc biệt (a.k.a trấn áp các ổ tội phạm nhỏ, các cộng đồng nhỏ, các quốc gia nhỏ yếu không có khả năng chống cự) nhằm hăm dọa, thị uy, thâu tóm quyền lực trong nước. Và việc ông ta tuyên bố thực hiện một "Chiến dịch quân sự Đặc biệt" tại Ukraine chính là bằng chứng cho việc ông ta đã không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, và đã hy vọng dân Ukraine sẽ đem cờ hoa đón quân Nga vào Kiev.
- Ngoài ra thì Tiếng Anh và cách dùng từ của anh người Nga này có vẻ hơi ... gãy nên trong quá trình dịch mình đã mạn phép thêm một số chú giải trong ngoặc đơn cũng như điều chỉnh cách dùng từ để bài dễ hiểu hơn. Mỗi đầu số thứ tự (1), (2) trong bài sẽ tương ứng với 1 tweet.
3. Bản dịch
(1) Làm thế nào để đánh bại Putin?
Nhiều người đã nhận ra được tầm quan trọng của việc áp đặt các biện pháp cưỡng chế chống Nga và sự cần thiết phải KHÔNG chừa cho Nga lối thoát
Tuy vậy nhưng, một số người vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng cần phải cho Putin lối thoát để khiến ông ta phải đàm phán. Đó là một ý tưởng không thể tệ hơn. Putin không thể thu quân được nữa.
(2) Hãy nhìn vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Họ không đi đến một thỏa thuận nào, và thực tế là họ không thể. Tại sao lại như vậy? Hãy nhìn xem Putin cử ai làm trưởng phái đoàn – đó là Medinsky. Medinsky là một giáo sư ở Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow, người được đề bạt trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa nhờ viết một cuốn sách về sự vĩ đại của nước Nga.
(3) Nếu Putin thực sự có ý định đàm phán, thì ông ta đã cử một ai đó thuộc hàng ngũ tình báo/an ninh. Nhưng ông ta lại cử Medinsky, một tay tuyên giáo rẻ tiền, không có quyền lực, không có ảnh hưởng, bị khinh bỉ ở Kremlin. Mục tiêu của Putin không phải là đàm phán hay hòa bình ở Ukraine
(4) Điều đó thực ra cũng dễ hiểu. Putin muốn phát động một Chiến dịch Đặc biệt, nhưng thay vào đó lại châm ngòi cho một Cuộc chiến tranh nhỏ chắc thắng. Và không có bất cứ thứ gì nguy hiểm hơn cho một nhà nước Nga hơn là việc thua trong một cuộc chiến như vậy. Xét theo lịch sử, các nhà nước Nga thường sụp đổ vì để thua trong những Cuộc chiến tranh nhỏ chắc thắng.
(5) Không thứ gì có thể khủng khiếp cho hào quang của Liên bang Xô Viết hơn là chiến bại tại Afghanistan. Nói về vật chất, thất bại của Liên bang Xô viết không thật sự “lớn” cho lắm, và bản thân nước Nga không hề bị nguy hiểm. Nhưng nỗi nhục thất bại đã lấy đi tính chính danh của nhà nước. Năm 1989, quân đội Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan, và năm 1991 thì Liên Xô sụp đổ.
(6) Thất bại trong chiến tranh Nga-Nhật là thứ đã giết chết Đế quốc Nga. Lần này cũng vậy, Nga đánh một kẻ thù nhược tiểu và hoàn toàn có thể duy trì cuộc chiên tranh cho đến khi Nhật Bản chẳng còn người để đánh nhau nữa. Nhưng những trận thua trước kẻ thù nhỏ hơn và được cho là yếu hơn là một nỗi ê chề quá lớn nó đã làm sụp đổ hoàn toàn hào quang của đế chế. Và thế là Đế quốc Nga sụp đổ.
(7) Đại công quốc Moskva cũng sụp đổ bởi tay một cuộc chiến tranh nhỏ chắc thắng. Cuối thế kỷ thứ 17 nước Nga được trị vì nhiếp chính Sofya và hoàng tử Golitsyn là người tình của bà. Cả hai người đều được thừa hưởng nền giáo dục phương Tây, thạo tiếng Latin, nhưng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi văn hóa Công giáo. Ở thời đại này, nước Nga đã bị đầu độc nghiêm trọng.
(8) Sofya lúc này là nhiếp chính trị vì thay cho hai em trai nhỏ của bà – hai đồng-Sa-Hoàng Peter và Ivan. Để củng cố quyền lực của mình đối với Đại công quốc, người tình của Sofya – Golitsyn – đã quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh để xóa số Hãn quốc Crimea, và ông đã tập trung một đội quân khổng lồ được đào tạo bài bản theo chuẩn phương Tây để thực hiện chiến dịch này.
(9) Mang theo đội quân khổng lồ này, Golitsyn nam tiến lần đầu tiên tới đất Crimea. Nhưng những người Tartar đã đốt cháy cả thảo nguyên, và đánh tỉa trục tiếp tế của quân Nga. Golitsyn, mặc dù không thua trận đánh lớn nào, đã buộc phải rút quân. Quyền lực của ông bị lung lay dữ dội, ông bắt đầu nhận được những lời đe dọa, và trở thành mục tiêu của những âm mưu ám sát.
(10) Một cuộc viễn chinh lần thứ hai được tiến hành, và cũng lại thất bại. Người Nga tiến quân đến sát chân thành Crimea, nhưng không thể đánh đổ nổi nó và phải rút quân. Về định nghĩa mà nói thì đó không hẳn là một chiến bại; Golitssyn cũng lấy được từ Hãn vương một số nhượng bộ. Sofya và Golitssyn cố gắng thuyết phục người dân trong nước rằng đó là thắng lợi. Họ khao thưởng hậu hĩ cho các binh sĩ trở về cũng như quả phụ của các binh sĩ đã tử trận.
(11) Trong cùng năm đó, em trai của Sofya là đồng Sa hoàng Peter đã tiến hành đảo chính. Mặc dù được khao thưởng rất hậu, nhưng các binh sĩ đã không đứng lên để bảo vệ chính quyền. Và thế là Đại công quốc Moskva sụp đổ, và Đế quốc Nga ra đời – Một nhà nước Tin lành và Bắc Âu hơn nhiều so với chế độ cũ.
(12) Một nhà nước Nga có thể sống sót trước đói nghèo, sự trì trệ hay áp bức chính trị. Nhưng nó sẽ khó lòng sống nổi sau thất bại trong một cuộc chiến tranh nhỏ chắc thắng. Một Sa hoàng hoàn toàn có thể trị vì khi bị người dân căm ghét (giống như Peter Đệ Nhất), nhưng sẽ chẳng thể trị vì khi không còn được tôn trọng. Và một thất bại ê chề thì chắc chắn sẽ phá hủy mọi sự tôn trọng.
(13) Lúc này, Putin đang ở thế mắc kẹt. Những giả định ban đầu của ông ta khi tấn công Ukraine đã sai lầm. Sở Tình báo Đối ngoại của Tổng cục An ninh FSB (N5) đã nói dối với ông ta; họ đã nói cho ông ta nghe những thứ mà ông ta muốn nghe. Putin nghĩ rằng Ukraine sẽ gục ngã nhanh chóng, nhưng nó đã không gục ngã. Tuy vậy, ông ta lại không thể vãn hồi quyết định. Vì nếu làm thế thì ông ta sẽ lên đoạn đầu đài.
(14) Đây hoàn toàn không phải là một tai nạn ngẫu nhiên. Nó là một vấn đề mang tính hệ thống, thâm căn cố đế. Nhà nước Nga luôn trở thành nạn nhân của việc các thuộc hạ chỉ bẩm báo những tin tốt lành cho lãnh tụ. Khi những vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ, hàng vài tá các quan chức chóp bu đã biết tin. Nhưng không ai trong số họ báo tin đó với Putin cả.
(15) Thảo mai là thượng sách. Các quan chức triều thần ai cũng muốn hình ảnh của mình trong mắt lãnh tụ gắn liền với những tin vui, tin tốt lành. Chẳng ai muốn lãnh tai bay vạ gió vì là người mang tin xấu (cũng là lẽ dễ hiểu thôi). Vậy nên đám triều thần cứ đá bóng đùn đẩy cho nhau, nhưng chẳng ai dám bước ra báo cáo. Mọi người đều biết, chỉ mình Putin không biết.
(16) Đó là lý do tại sao Trưởng cục tình báo của họ đã run rẩy và lắp bắp (trong cuộc phỏng vấn này). Ông ta biết sự thật. Nhưng ông ta không thể nói ra. Ý Putin đã quyết rồi, anh là ai mà dám ngăn cản cơ chứ. Anh còn chẳng thể cung cấp thông tin, bởi vì chắc chắn thông tin ấy sẽ không vừa tai lãnh tụ. Và anh thì chẳng dám làm phật ý ông ta.
(17) Putin đã đưa ra quyết định sai lầm là xâm lược Ukraine, bởi vì ông ta đã nhận được những thông tin không chính xác từ Cục An ninh FSB, vì họ chỉ muốn làm đẹp lòng ông. Hiện tại thì mấy vị đó đã bị quản thúc tại gia cả rồi. Nhưng quyết định khai chiến không thể được vãn hồi nữa. Hơn nữa, nếu bạn nhìn vào một số các quyết định quân sự của phía Nga, thì có lẽ Putin vẫn còn đang kẹt trong buồng vang thông tin tích cực.
(18) Nhưng giờ Putin không thể quay đầu được nữa. Đã quá muộn. Một số người mơ mộng rằng nếu chúng ta cho Putin một vài những nhượng bộ để ông ta có thể mang về trình làng như chiến lợi phẩm. Suy nghĩ đó thực sự rất viển vông. Lý do thứ nhất là người dân không ngu ngốc đến như vậy. Golitsyn cũng đã thử mẹo đó, và đã oẳng. Ông ta vẫn mất hết quyền lực.
(19) Lý do thứ 2 là, chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến được tuyên truyền rất thành công ở Nga. Thông điệp chữ Z nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của đại chúng, và sự ủng hộ này sẽ không ngừng gia tăng, cho tới khi sự suy giảm mức sống đến mức khủng khiếp bắt đầu hiện diện nhãn tiền hơn trên khắp nước Nga. Đó lại là một buồng vang thông tin tích cực khác: Putin đã khởi động chiến dịch Z, và giờ đứng trước áp lực phải đẩy mạnh nó.
(20) Lý do thứ ba và quan trọng nhất, là cuộc xâm lược Ukraine hoàn toàn chẳng phải một biến cố ngẫu nhiên. Nó chính là lý tưởng của Chủ nghĩa Putin. Mà ở nước Nga người ta gọi nó là "победобесие" – nghĩa đen là "bị ám bởi con quỷ Chiến thắng", trong đó “Chiến thắng” chỉ Chiến thắng trong Thế chiến Thứ II. Ta hãy cùng nghĩ về cuộc tuần hành Trung đoàn Bất tử (Immortal Regiment) mà vị mục sư ở trên đang nhắc đến.
(21) Trung đoàn bất tử là một cuộc diễu hành do nhà nước bảo trợ được tổ chức thường niên. Người dân diễu hành dưới đường với cờ hoa, các vật biểu trưng quốc gia và những bức chân dung của họ hàng mình đã tử nạn trong Thế chiến thứ II. Trông thật ngọt ngào và thánh thiện phải không. Nhưng chính nó đang chuyển tải ngấm ngầm vào tiềm thức người dân một thông điệp ái tử thi bệnh hoạn (đối với nhà nước Xô Viết đã chết).
(22) Thông điệp thứ nhất là, nước Nga đã cứu thế giới khỏi cỗ máy chiến tranh của Phát xít Đức (và thông điệp này đã được nuôi dưỡng năm này qua năm khác, cơ mà ai quan tâm phải không) và do đó cả thế giới mang nợ nước Nga vĩnh viễn. Thông điệp thứ hai, là nước Nga hùng cường hơn bất cứ quốc gia nào khác, và hoàn toàn có thể lặp lại chiến thắng của Thế chiến thứ II - "можем поворить".
(23) Tư tưởng Putin là tư tưởng nhị nguyên. Thế lực xấu xa là chủ nghĩa Phát xít đối lập với thế lực chân lý là nước Nga. Do đó, bất kì ai dám đối đầu với nước Nga NGÀY NAY đều được coi là Phát xít. Người Phần Lan, người Ba Lan và, tất nhiên rồi, người Ukraine nữa. Danh tính người Ukraine là bằng chứng duy nhất cần thiết để chứng minh bạn là Phát Xít. Vì nếu không phải là Phát xít thì bạn đã là người Nga.
(24) Đó là một nét bệnh hoạn đầy nghịch lý của Tư tưởng Putin mà người nước ngoài ít ai rành rõ. Bất cứ bản sắc thiểu số nào được coi là mối đe dọa cho sự đồng nhất của thế giới Slavic sẽ bị tuyên bố là:
Ngụy tạo
Phản động
Phát xít
Người Nga là đội quân ánh sáng, và vì thế những kẻ chống đối là Phát Xít.
(25) Năm 2020 Putin ban hành các nội dung sửa đổi mới trong Điều 68 của Hiến pháp, trong đó gọi ngôn ngữ Tiếng Nga là ngôn ngữ của “sắc tộc lập nên Nhà nước".
Nhiều các dân tộc thiểu số đã phản đối bước đi lộ liễu này của chính quyền trong việc biến Nga thành một nước nhà nước sắc tộc Nga. Và họ lập tức bị buộc tội là theo Chủ nghĩa Phát xít.
(26) Bài đăng blog này phản ánh logic đó. Các nhà hoạt động người Tatar phản đối việc đưa nội dung ‘sắc tộc Nga là sắc tộc lập quốc’ vào trong hiến pháp. Và đó là bằng chứng để các sắc tộc thiểu số này trở thành Nazi. Chống Phát xít tức là chấp nhận Nhà nước sắc tộc Nga, còn Phát xít thì là chống lại tư tưởng đó.
(27) Победобесие, Giáo phái Tôn thờ Thế chiến II ngày nay trở thành công cụ để hợp thức hóa Chủ nghĩa dân tộc Nga. Nước Nga cần phải là nhà nước sắc tộc Nga, và có quyền mở rộng lãnh thổ không giới hạn. Nước Nga hiển nhiên là lực lượng chống Phát xít, do đó những kẻ chống đối hay các sắc tộc thiểu số muốn duy trì bản sắc của mình đều là Phát xít.
(28) Trong thế giới quan của người theo tư tưởng Putin, chiến tranh chỉ là trò chơi. Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa Phát xít, vì vậy chúng ta có thể đánh bại bất cứ ai khác, chúng ta là thượng đẳng. Tâm lý hiếu chiến điên loạn ở nước Nga hiện đại thực sự kinh khủng đến mức không tưởng. Bề ngoài thì đó là tưởng niệm Thế chiến thứ II, nhưng thực chất tất cả là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới.
(29) Một khía cạnh đen tối hơn của chiến dịch này là việc nó sử dụng trẻ em với tần suất rất cao. Nếu bạn google победобесие bạn sẽ thấy ti tỉ những tấm hình trẻ em được sử dụng cho công tác tuyên truyền hiếu chiến này. Phương Tây không hiểu nhiều về tính ái tử thi (đối với nhà nước Xô Viết đã chết) và quân phiệt sâu sắc của tư tưởng chủ nghĩa Putin.
(30) Trong diễn ngôn của nước Nga hiện đại, nước Nga là lực lượng chống Phát xít và các sắc tộc thiểu số chưa được đồng hóa hoặc hiển nhiên là Phát xít hoặc là mầm mống trở thành Phát xít, chỉ chưa bộc lộ bản chất. Nếu bạn không phải Phát xít, thì bạn phải từ bỏ nguồn cội Phát xít của mình và phi Phát xít hóa, tức là phải Nga hóa.
(31) Phi Phát xít hóa = Nga hóa, bởi vì các sắc tộc thiểu số, như người Ukraine, chính là Phát xít. Nếu bạn nói tiếng Ukraine, điều đó chứng tỏ bạn là Nazi. Nếu bạn chỉ trích chính sách của Moscow, bạn chắc chắn 100% là Nazi. Nếu bạn phản đối sự bành trướng lãnh thổ của nước Nga, thì không còn bằng chứng nào chắc chắn hơn – bạn là Nazi, không còn nghi ngờ gì nữa.
(32) Đó là bối cảnh của cuộc xâm lược Ukraine của Putin, mà các chuyên gia phân tích nước ngoài đã hoàn toàn bỏ lỡ. Trong suốt hai thập kỷ qua ông ta đã đẩy mạnh hết cỡ việc tuyên truyền tư tưởng hiếu chiến và sử dụng chiến thắng trong Thế chiến thứ II làm cái cớ để biện minh cho Chủ nghĩa dân tộc sắc tộc Nga và sự bành trướng đế quốc. Chiến dịch Z không phải là một sự biến chất, mà chính là tinh túy của Chủ nghĩa Putin.
(33) Tôi sẽ không trách họ quá nhiều. Nhiều những thứ quái gở trong tư tưởng Putin, như là thông điệp ngầm về việc các sắc tộc thiểu số là Phát xít (lũ dị chủng, tội phạm) nhưng họ có thể chuộc tội bằng cách phi Phát xít hóa (tức là Nga hóa) đơn giản là quá phản-lẽ-thường (để có thể tin là nó tồn tại) đối với tư duy Phương Tây.
(34) Chiến dịch Z hoàn toàn không phải là một sự lệch hướng bất ngờ. Nó là một hệ quả hoàn toàn logic của quá trình. Putin cố gắng rush Z, nhưng ông đã té sml vì những thông tin sai lệch do chính hàng ngũ tình báo của mình cung cấp, những người không dám báo tin xấu để làm mếch lòng ông. Trong lúc này, để cho Putin xuống thang là một ý tưởng điên rồ. Ông ta sẽ khôi phục lực lượng và sẽ rush Z thêm lần nữa, và lần tới ông ta sẽ nguy hiểm hơn nhiều.
(35) Lúc này là thời cơ không thể tốt hơn để đánh bại Putin. Bởi vì ông ta đã tính toán sai, và sa lầy vào chiến dịch Z. Tính toán sai lầm tạo ra một yếu huyệt phải được chúng ta tận dụng triệt để. Bởi vì nếu không, Putin sẽ củng cố lực lượng, và sẽ bắt tay với Trung Quốc. Và cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ khủng khiếp hơn bội lần.
(36) Trung Quốc có thể trở thành đối tác thương mại của Nga thay thế cho phương Tây được hay không? Điều đó còn tùy. Nếu nói về ngắn hạn – thì không. Việc chuyển hướng cần thời gian, và Putin thì không có thời gian, nền kinh tế của Nga đang dần chết ngạt vì những lệnh trừng phạt toàn diện. Nhưng nếu để cho Putin khôi phục lực lượng và tiếp tục nắm quyền, ông ta sẽ có đủ thời gian để hoàn thành việc đó.
(37) Lúc này nền kinh tế nga đã bắt đầu phải chịu những cú sốc toàn hệ thống. Tại sao? Bởi vì cuộc xung đột đã lên đến quy mô không ai ngờ đến được. Họ không trù tính trước sự leo thang này, và do đó họ không chuẩn bị trước. Vì thế nên giờ nước Nga đang trên bờ vực sụp đổ. Nhưng nếu có lần sau, họ chắc chắn sẽ chuẩn bị tốt hơn và sẽ linh động hơn.
(38) Tất cả những lời bàn về việc “xuống thang", dù là nghiêm túc hay bông đùa, đều phản ánh lối tư duy rất thiển cận. Họ chỉ quan tâm những thứ đang xảy ra ở hiện tại, và lo đến chuyện giảm thiểu những rủi ro nhất thời. Không may, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang không nhìn thấy được những hậu quả trong dài hạn của việc xuống thang, mà chắc chắn sẽ vô cùng khủng khiếp.
(39) Một công thức tốt nhất cho sự tiến hóa của một thế lực là:
Dọa cho chúng sợ
Không tận diện chúng
Điều này sẽ làm tăng gấp bội khả năng chúng sẽ tiến hóa trở nên mạnh hơn. Lúc này chính quyền Nga đang run sợ. Vì thế họ đang làm việc cật lực để thúc đẩy hội nhập với Trung Quốc, và "xuống thang" lúc này chính là cho họ khoảng thời gian quý báu nằm mơ cũng không có được để thực hiện điều đó.
(40) Xung đột với Nga dường như là lựa chọn không tối ưu. Nhưng trong trường hợp này, việc “tránh xung đột” sẽ không phải là loại bỏ nguy cơ đó mà chỉ là trì hoãn nó. Tại sao bạn lại đi làm thế? Nước đi sai lầm của Putin khiến cho nhà nước Nga đang vô cùng mỏng manh Ở THỜI ĐIỂM NÀY. Tức là đây chính là lúc phù hợp nhất để leo thang xung đột. Vì nếu có lần sau họ sẽ trở nên linh hoạt hơn (trong đối phó với sức ép từ phương Tây).
(41) Điều này thực sự rất quan trọng, bởi vì "xuống thang" và đánh bại Putin là hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau, sử dụng hai chiến lược trái ngược nhau. Hạ nhiệt căng thẳng đồng nghĩa với việc không đe dọa ông ta theo bất kì cách nào, nhượng bộ cho ông ta nhiều nhất có thể và hy vọng rằng ông ta sẽ không lấn tới. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ vô cùng viển vông.
(42) Đó chính là cách mà cuộc đàm phán giữa Hitler và Chamberlain năm 1938 đã diễn ra. Hitler đòi các vùng đất Sudetenland, và điều này đã đẩy Châu Âu đến bờ vực chiến tranh. Hãy để ý ngôn ngữ cơ thể của hắn. Hitler khao khát được xuống thang, và hắn ta sẵn sàng hạ nhục bản thân mình để có được điều đó, bởi nếu leo thang thành chiến tranh, thì hắn sẽ tiêu đời. Hắn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
(43) Chamberlain không phải là một tay lãnh đạo vô trách nhiệm, hiếu chiến. Ông là một nhà lãnh đạo biết lẽ phải, có ưu tiên rõ ràng là tránh cho quốc gia của mình khỏi nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới. Thế nên ông ta đã xuống thang. Ông ta cho Hitler những nhượng bộ đáng kể và về hí hửng khoe với đồng bào mình rằng ông đã giành cho Liên hiệp Anh “hòa bình muôn đời". Các bạn giờ đã có thể ngon giấc.
(44) Chamberlain muốn hòa bình và đã xuống thang. Và rồi London đã trở thành như thế này hai năm sau đó, sau khi máy bay Đức đánh bom. Những nhượng bộ của Chamberlain đã củng cố vị thế của Hitler bên trong nước Đức. Xuống thang đã cho Hitler thời gian để tái thiết lực lượng và xây dựng cỗ máy chiến tranh của ông ta. Ông ta trở nên hùng mạnh hơn gấp bội.
(45) Có lẽ bạn sẽ tự hỏi tại sao tôi lại nhắc đến Hitler? Bởi vì trên phương diện này thì chiến lược của Hitler và Putin tương đồng nhau:
Khủng hoảng sản xuất
Được đối phương nhượng bộ, lui quân
Củng cố quyền lực quốc nội, tăng cường tiềm lực
Lặp lại, ở cấp độ cao hơn.
Đây sẽ không phải là kết thúc.
(46) Hãy cùng nhìn lại quy mô của các quốc gia mà Putin đã gây chiến, theo trình tự thời gian:
Chechnya, 1999 - 1 triệu dân
Georgia, 2009 - 4 triệu dân
Syria, 2015 - 17 triệu dân
Ukraine, 2022 - 44 triệu dân
Hắn đang leo thang quy mô, một cách nhanh chóng. Mỗi lần hắn sẽ chọn một con mồi lớn hơn. Cho đến bây giờ, chiến lược đó vẫn hiệu quả.
(46) Hãy để tôi giới thiệu với các bạn một chút về Lý thuyết trò chơi. Các bạn biết Song đề Tù nhân chứ? Hai tên tội phạm bị bắt, nhưng cảnh sát hầu như không có chứng cứ nào để kết tội chúng ngoài lời làm chứng của chúng chống lại nhau. Nếu cả hai không khai, chúng sẽ được bản án rất nhẹ. Nếu cả hai cùng khai ra nhau, thì chúng sẽ bị mức án nặng.
(47) Nhưng nếu như chỉ 1 người thú tội, và người còn lại im lặng, thì tên phản bội sẽ được thả và người bạn chính chuyên sẽ bị tù mọt gông. Do đó trường hợp xấu nhất sẽ là bạn hợp tác còn bên kia thì không, và ngược lại. Không trường hợp nào cho lợi ích lớn hơn là phản bội người chịu hợp tác.
(48) Trò chơi này phản ánh sự bất đối xứng về lợi quả trong các hoạt động hợp tác của con người. Bạn sẽ phản bội hay chính chuyên, làm chim ưng hay bồ câu? Trên thực tế phương án nào sẽ là tối ưu? Nghịch lý thay, chiến lược làm chim ưng sẽ chỉ có hiệu quả nhất khi sử dụng chiến lược đó với đối tác là bồ câu. Kẻ phản bội sẽ được lợi nhiều nhất khi đối tác nhượng bộ.
(49) Chiến lược của Putler được xây dựng hoàn toàn trên giả định là đối phương sẽ chọn làm bồ câu. Nếu tôi biết rõ rằng đối phương chắc chắn sẽ làm bồ câu, thì chiến lược cho tôi lợi ích tối ưu sẽ là làm chim ưng. Tôi gây ra những cuộc xung đột, họ nhượng bộ, tôi được lợi ích lớn. Tôi lại gây ra một cuộc xung đột lớn hơn. Cứ như vậy lặp lại.
(50) Nói cách khác, Chiến lược của Putler hoàn toàn hợp lý nếu bạn xét trên quan điểm lý thuyết trò chơi. Nó là chiến lược cho lợi ích tối đa xây dựng dựa trên giả định rằng các đối thủ là lũ hèn. Nếu tao biết chúng mày sẽ luôn chọn làm bồ câu, tao sẽ không ngừng đẻ ra các cuộc xung đột và tăng dần quy mô lên để có được nhiều nhượng bộ hơn.
(51) Nếu tôi biết rõ phương thức hành động của bên còn lại, tôi có thể lợi dụng nó. Tôi có thể thiết kế phương thức hành động của mình sao cho có được nhiều lợi ích nhất, dựa trên những gì tôi biết về phương thức hành động của bên kia. Và nếu phương thức hành động của bạn là “làm bồ câu bằng mọi giá”, thì phương thức dể lợi dụng sẽ là “làm chim ưng bằng mọi giá". Đó hoàn toàn là lý thuyết trò chơi.
(52) Điều này có ứng dụng gì trong thực tế? Thứ nhất, nó cho thấy rằng để đối phương biết rõ chiến lược của bạn sẽ là một sai lầm tai hại. Nếu bạn để cho chúng biết, chúng sẽ lợi dụng. Thế nhưng làm thế nào mà họ biết được những gì bạn trưng ra không phải là giả? Làm thế nào họ chắc chắn được? Đó là khi lần nào bạn cũng làm như thế và hành động của bạn trở nên rất dễ đoán.
(53) Nếu như bạn hành động một cách dễ đoán, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc đối phương sẽ hình dung rõ hơn phương thức hành động của bạn, và do đó sẽ dễ dàng khai thác nó hơn. Hơn nữa, việc họ tự tin về hiểu biết của họ về phương thức hành động của bạn (chính là hệ quả của việc bạn dễ đoán) sẽ khiến họ sẵn sàng thực hiện những chiến lược rủi ro hơn.
(54) Xét trên phương diện này, một số những “tiếng nói lí trí” đang lên tiếng về cuộc chiến này sẽ có vẻ khá ngu ngốc. Chẳng hạn, nếu chúng ta phiên dịch thông điệp này thành ngôn ngữ của lý thuyết trò chơi, nó sẽ trở thành thế này:
"Chúng muốn làm chim ưng. Đó là hành động của kẻ điên. Làm chim ưng là quá rủi ro, vì thế chúng ta phải thể hiện rằng chúng ta sẽ làm bồ câu bằng bất kỳ giá nào"
(55) Hành động dễ đoán sẽ chỉ là lựa chọn an toàn khi bạn có cơ sở để tin rằng đối phương đang không chủ động lợi dụng phương thức hành động của bạn. Nhưng nếu đúng là chúng đang lợi dụng thì sao? Thì điều ngược lại sẽ đúng: Hành động dễ đoán sẽ là lựa chọn tệ nhất. Đầu tiên, nó sẽ khiến đối phương lợi dụng phương thức làm việc của bạn một cách hiệu quả hơn. Nếu như bạn hành động khó đoán hơn, đối phương sẽ khó có thể lợi dụng bạn hơn.
(56) Thứ hai, những kẻ bên kia chiến tuyến CŨNG LÀ CON NGƯỜI. Họ cũng biết sợ hãi, biết lo lắng, biết quan ngại. Theo đuổi các chiến lược rủi ro cao là một việc khá đáng sợ, và thường bạn phải có sự tự tin cao độ để làm điều đó. Vậy tại sao họ lại có được sự tự tin đó? Bởi vì họ cực kỳ chắc chắn là bạn sẽ lại nhượng bộ.
(57) Nếu họ nghĩ rằng có rủi ro, dù chỉ là 20% thôi, là bạn sẽ leo thang chiến tranh một cách tàn khốc, một cách cực kỳ ích kỉ, thì điều đó sẽ làm giảm đáng kể khả năng họ hành động liều lĩnh. Một phần nào đó, sự khó đoán của bạn chính là lá chắn bảo vệ bạn khỏi những kẻ tâm địa độc ác đang chủ động tấn công bạn.
(58) Xuống thang lúc này là điều điên rồ bởi vì nó cho thấy bạn là anh chàng siêu bồ câu dễ đoán. Và kể cả khi trước đây đối phương từng có những lo ngại rằng bạn sẽ chơi rắn, thì giờ bạn đã loại bỏ mối lo đó, và bật đèn xanh cho đội bạn. Thế nên lần sau họ ta sẽ mạnh tay lấn tới hơn nữa – và điều đó hoàn toàn hợp lý. Bạn vừa mới cho họ thấy là làm thế hoàn toàn an toàn.
(59) Đó chính là cách mà Thế chiến II đã nổ ra. Phe đồng minh chơi chiến lược bồ câu và hoàn toàn né tránh xung đột. Theo như lời Chamberlain, sẽ là ngớ ngẩn khi tham gia vào "một cuộc xung đột ở một nước xa xôi, giữa những dân tộc mà chúng ta không hề biết đến" (Czechoslovakia). Vì thế ông đã chọn làm bồ câu.
(60) Việc xuống thang đã cho Hitler những kết luận sau:
Tôi biết chiến lược của họ
Chiến lược của họ là luôn luôn làm bồ câu
Vì thế tôi có thể lợi dụng điều đó và liên tục nhận những lợi ích lớn, vì chúng là lũ hèn dễ đoán.
"Ta đã gặp những kẻ thù của ta ở Munich, và chúng là lũ sâu bọ", ông ta nói.
(61) Thế nhưng, cách hành xử khôn ngoan và có trách nhiệm của phe Đồng minh đã thuyết phục Hitler rằng họ là những con bồ câu dễ đoán và hắn có thể rất chắc chắn về điều đó. Vậy nên hắn ta đã tối đa hóa lợi ích bằng cách bội ước và tăng dần quy mô. Và đến một thời điểm khi phe Đồng minh không còn nhượng bộ nữa thì hắn ta đã bị bất ngờ.
(62) Hitler cố gắng tối đa hóa lợi ích. Hắn làm vậy bằng cách liên tục bội ước, bởi hắn chắc chắn 100% là đối phương sẽ làm bồ câu. Và hắn chắc chắn về điều đó bởi vì liên tục trong nhiều năm phe Đồng minh đã cố gắng thật lực để nhượng bộ và thuyết phục hắn rằng họ sẽ nhượng bộ trong mọi trường hợp.
(63) Phe Đồng minh tin rằng những tín hiệu bồ câu mà họ đưa ra bước đi an toàn. Nhưng thật ra là chúng tai hại đến mức khủng khiếp. Họ càng thể hiện lối hành động bồ câu, thì điều đó càng khiến việc Hitler bội ước tối đa có thể và lấn tới trở nên logic hơn theo lý thuyết trò chơi. Dó là cách Thế chiến II đã nổ ra, và có lẽ cũng sẽ là vậy đối với Thế chiến III will. Hết thread.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất