Lời đầu tiên, chúc mừng Pride Month!

Okay. Tư bản cầu vồng. Nếu tư bản xanh là cách tư bản nội hóa những diễn ngôn, phong trào bảo vệ môi trường, thì tương tự như vậy, tư bản cầu vồng là cách tư bản nội hóa những đấu tranh, phong trào của các nhóm queers.
Biểu hiện dễ thấy nhất của tư bản cầu vồng là việc các nhãn hàng lớn trưng ảnh cầu vồng, có những thông cáo ủng hộ “tháng LGBTQA+” và bày bán các sản phẩm cầu vồng (giày cầu vồng, chai nước cầu vồng…). Hầu như ai nhìn vào cũng có thể thấy các nhãn hàng chỉ cố gắng làm lợi cho bọn họ và xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện với nhóm thiểu số này. Khó thấy hơn một chút thì những diễn ngôn về tư bản cầu vồng đan xen cùng những diễn ngôn chính trị khá khó phân biệt đúng sai hơn. Ví dụ, mới đây quân đội Mỹ vừa chào đón đội máy bay đánh bom đầu tiên có toàn bộ các thành viên đều là queers. Sự nghịch hợp (oxymoron) ở đây nằm ở chỗ, việc họ là queers và họ được đại trong bộ máy quân sự của một nước đế quốc có thay đổi việc họ đang làm những kẻ đánh bom và rất có thể họ sẽ đánh bom một cộng đồng thiểu số nào khác hay không?  Nhưng hãy tạm gác lại vấn đề chính trị sang một bên.
May be an image of text that says "Các nhãn hàng kiểu như Tôi yêu đồng tính Like Just now Reply hết tháng 6 rồi đã đến lúc anh bị đàn áp"

Quay trở lại những ví dụ đơn giản về các nhãn hàng lớn. Ta có thể biện luận rằng việc họ mở rộng các mặt hàng, thay avatar hình cầu vồng hay (nói rằng họ) chào đón Pride Month đã một phần giúp cộng đồng queers được công nhận bởi xã hội đại chúng, khiến những hình ảnh đại diện của giới được biết đến rộng rãi hơn, ngay cả khi chúng có động lực đến từ tiền bạc…
Nhưng có thật vậy không? Phải nhìn thẳng và bóc tách chính cách chúng ta bảo vệ nó: 1. Tại sao cộng đồng queers lại cần được công nhận rộng rãi bởi xã hội đại chúng, và liệu cách xã hội đại chúng đang công nhận cộng đồng queers có thật sự tốt cho phong trào hay không?  2. Tại sao cộng đồng queers lại cần hình ảnh đại diện khi nó cũng đồng thời làm lợi cho tư bản, là đại diện của đồng tiền?
Ở ý đầu tiên, chúng ta có thể tìm đến quyển “Lời hứa hạnh phúc” của học giả nữ quyền Sarah Ahmed. Ở đó, khi nói về cộng đồng queers và cách họ được đại diện trong truyền thông đại chúng, bà chia ra làm hai thái cực: “Happy Queers” và “Happily Queers” (có thể tạm dịch: Những người queer hạnh phúc và những người hạnh phúc queer). Ở vế đầu tiên, Happy Queers, thì hình ảnh của queer được khắc họa trên truyền thông hoàn toàn bằng ánh nhìn heteronormative (chả dịch nữa chán rồi). Chúng ta có thể chỉ ra cả đống phim Hollywood mà ngoài nhân vật chính trắng thẳng thì nhân vật phụ sẽ là “một người queer hạnh phúc”. Ở đó, sự vui vẻ của họ là việc “đương nhiên”. Họ vui vẻ gần như không vì lý do gì mà chỉ đơn giản vì họ được khắc họa như vậy. Sự vui vẻ này cực kỳ gượng ép và được xây dựng, theo lời của Ahmed, “như một mong ước xã hội, một ánh nhìn kiểu “ồ chúng ta đã đi thật xa này” và mong ước về một thế giới giả tưởng nơi người queers không còn bị kỳ thị”. Tất nhiên sự thật không phải như vậy. Sự “tự sướng” với những hình ảnh vui vẻ (không có lý do) của người queers trên truyền thông là cách họ phủi phui đi những đấu tranh hiện đang dang dở của cộng đồng.
 Ngay cả đến những sản phẩm truyền thông tập trung vào giới queers, thì khi được chấp bút bởi những đạo diễn thẳng, những nỗi lo, nỗi sợ của họ vẫn xoay quay những vấn đề vô cùng thẳng. Ahmed lấy ví dụ về phim “If these walls could talk”, trong đó hai nhân vật đồng tính nữ chỉ tức giận và buồn bã hai lần: khi họ không thể có con và khi họ nghĩ con họ có thể bị bắt nạt. Cả hai vấn đề này đều cực kỳ “thẳng”, theo nghĩa cái nhìn “buồn vì không thể có con” là một cái nhìn chưa đủ sâu về hình ảnh cộng đồng, cũng như phủi phui đi việc trẻ con bị bắt nạt vì có phụ huynh là queers là một vấn đề thông thường.
Ngược lại, Sarah Ahmed cho chúng ta định nghĩa đầy hy vọng về “happily queers”, những người hạnh phúc (bởi vì họ là) queers. Ở đó, những sự khác biệt về mặt bản chất của người queers được trân trọng, và họ được xây dựng một cách hoàn chỉnh trong thế giới riêng của mình với những vấn đề của riêng mình.

Quay trở lại vấn đề với tư bản cầu vồng. Dễ thấy, khi diễn ngôn đấu tranh của cộng đồng queers được tư bản hóa, những hình ảnh hiển hiện trên các nhãn hàng thường là hình ảnh hạnh phúc, gần như là hớn hở. Điều này đương nhiên bắt nguồn từ việc nhìn vào những vấn đề tồn tại thật sự thì người xem sẽ buồn, mà buồn thì không bán được hàng. Nhưng cũng chính vì lý do đó, những người queers và cuộc đấu tranh của họ lại một lần nữa bị “chết” trong cái nhìn “liệu tôi có được công nhận bởi thế giới của người thẳng không” và bị mọi sự đấu tranh đều bị phủi sạch, thay vào đó là một bức nền vui vẻ, hạnh phúc… không vì lý do nào cả ngoài vì nhìn vui thì sẽ bán được hàng.
Chúng ta đều biết, tháng Pride xuất phát từ cuộc đấu tranh Stonewall. Ở đó, cách cộng đồng gay đứng lên không chỉ đấu tranh đòi bình đẳng, mà họ đấu tranh thể hiện khác biệt. Từ “queer”, mang nghĩa khác biệt là cách tốt nhất để nhìn nhận và tôn trọng những giá trị “không bình thường” kia. Và sự “không bình thường” đó không chỉ mang lại bất hạnh. Vâng, sự bất hạnh được mang lại bởi diễn ngôn heteronormative, nhưng họ không cần phải vui theo cách nhìn đó. Họ vui vẻ và hạnh phúc bởi chính những yếu tố “khác thường” của họ. Đây chính là điều Tư bản cầu vồng không nhìn thấy (và không muốn nhìn).

Ở vế thứ hai, như đã nói, tại sao cộng đồng queer lại cần một sự đấu tranh khi “những kẻ đấu tranh” có động lực tiền bạc? Sự queerness của cộng đồng giờ đây chỉ là một khía cạnh khác của tư bản để trục lợi họ và trục lợi tất cả những người khác. Tháng Pride, thay vì là tháng đưa ra sự khác biệt trong cộng đồng, trở thành một tháng, như ngôn ngữ marketing, đưa ra những USP để xem cách nào trục lợi cộng đồng queers được tốt nhất và ÍT.ẢNH.HƯỞNG.TỚI.NHÃN.HÀNG.NHẤT. Và đương nhiên, khi nhãn hàng chọn cộng đồng queer để bán hàng, họ cũng đã khoanh vùng cả thu nhập, tiểu sử và nhân khẩu của cộng đồng. Nghĩa là, các nhãn hàng sẽ chỉ tập trung vào một nhóm RẤT nhỏ những bạn queers nhiệt tình tuổi từ 18 đến 35 chẳng hạn, sống ở thành phố chẳng hạn và có thu nhập từ 10 – 20 triệu một tháng chẳng hạn. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Một thanh niên đồng tính người Mường có thấy được sự đại diện của bản thân ở những lễ hội, những cách trưng bày này hay không? Hay như mọi diễn ngôn được nội hoá bởi tư bản khác, đây chỉ là cách kiếm tiền nhanh (cash grab) của những nhãn hàng lớn?

Đây chỉ là một vài suy nghĩ của cá nhân mình về Pride Month nói riêng cách tư bản nội hoá mọi thứ xung quanh nó nói chung. Cuối cùng thì mình cũng không quan tâm lắm, lol không có ý định lật đổ tư bản đâu (không lật đổ được đâu). Mình chắc chắn cũng không nghĩ là vì thế mà xã hội không nên chúc mừng Pride Month hay gì. Mình không nghĩ có giải pháp dài hạn cho vấn đề, nhưng trong tầm ngắn hạn, với những việc tiêu dùng, cộng đồng queers và cả người ngoài như mình nên chú ý ủng hộ những nhãn hàng vốn luôn ủng hộ, phục vụ cộng đồng thôi, kiểu Hà Nội Queer các thứ? Cũng chả phải lỗi của ai cả, đương nhiên :::))