Sau khi dành cả một buổi chiều chủ nhật xem đi xem lại một show hài kịch mới được tung ra vào chiều ngày 30/5. Vâng, các bạn không nghe nhầm đâu, mình đã dành hơn 5 tiếng cuộc đời xem đi xem lại một show hài kịch dài 1 tiếng 30 phút. Nghe thiểu năng ha :v
Sau khi dành hơn 5 tiếng cuộc đời mình để xem và chiêm nghiệm về nội dung của nó, mình đã suy nghĩ về nhiều điều, về chính bản thân mình, về thế giới xung quanh, về cách mà xã hội ngày nay thay đổi một cách chóng mặt ra sao, về cách mà mọi người dần đắm chìm trong văn hóa "nhạt nhẽo là bi kịch và nhàm chán là tội lỗi". Mình nghĩ rằng mình nên viết lại những gì mình đã nghiệm ra được ... từ một show hài kịch ... mà mình có thể nói là tuyệt tác, one of the best comedy show - Bo Burnham: Inside.
Mình sẽ KHÔNG spoil nội dung của show trong bài viết để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của các bạn khi xem show này. (Có thể trích vài câu ngắn nhưng không spoil gì đâu. Âm thanh ánh sáng và hình ảnh chứa đựng nhiều thứ hơn cả chính lời bài hát...)
Khi xem show này các bạn sẽ thấy rằng gu hài hước được mô tả ở đây rất khác những show hài thông thường. Không còn là những câu chuyện đùa cợt sáo rỗng "đÂy lÀ mỘt cÂu cHuYệN cÓ tHậT", đem hình ảnh một ai đó ra để làm trò đùa. Show hài kịch này tuy được gọi là show hài kịch đặc biệt (comedy special) nhưng theo mình thấy thì nó giống với một màn trình diễn nghệ thuật (performance art) pha hài kịch hơn. Màn trình diễn nghệ thuật ấy kể về nhiều vấn đề khác nhau xoay quanh cuộc sống ta, những vấn đề mà vốn đã luôn tồn tại xung quanh ta, vẫn luôn ở đó nhưng ... ai quan tâm cơ chứ?! Gần gũi, sâu cay ngay bên cạnh ta nhưng trong đời sống hàng với bao bộn bề, ta nào để ý được. 
Khi xem đôi lúc ta có thể là lạc lõng, bối rối vì "đây phải chăng là chính mình? tại sao lại giống mình đến thế?" hay cũng có thể sẽ cười nhẹ gật đầu rằng "ừ, ai cũng thế mà". Màn trình diễn ấy đã mang lại cho mình nhiều cung bậc cảm xúc, cho mình thấy được nhiều thứ mà trước giờ mình chẳng hề để ý kịp ...
 "Nhận thức, buồn tủi, tức giận, chấp nhận"
Nếu bạn chẳng tìm thấy những cảm xúc ấy, ổn thôi, có thể do trải nghiệm của chúng ta khác nhau nên ta có thể relate / không relate với nội dung trên màn ảnh nhỏ. Mình tôn trọng quan điểm của bạn, đồng ý rằng ta khác nhau.
Dù nội dung có nhiều phần khác nhau nhưng sâu thẳm bên trong, nguồn gốc chính của những vấn đề ta tưởng chừng như chẳng liên quan ấy lại đến từ văn hóa "Self-Centered / Self-Expression" đã dần phổ biến trong mỗi chúng ta ở thời đại công nghệ số này.
You say the ocean's rising - Chú em nói là nước biển đang dâng lên?
Like I give a shit - Như thể t quan tâm á?!
You say the whole worls's ending - Chú em nói là thế giới sắp tàn?
Honey, it already did - Cưng à, nó vốn đã tàn rồi
You're not gonna slow it - Chú em chả thể dừng nó lại được đâu
Heaven knows you tried - Cả thiên đường đều biết chú em đã cố
Got it? Good, now get inside - Hiểu chứ? Tốt, giờ thì vô đây (Và nhìn t này, nghe t nói này,....)
Có bao giờ bạn cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người chú ý, được là người "thông minh", "quan trọng", là trung tâm của đám đông? Rằng cảm xúc hạnh phúc ấy là thứ đáng để bạn theo đuổi, bạn luôn cố gắng làm những gì có thể (một cách chủ động hoặc "bị động") để thể hiện bản thân là người đứng đầu, là "một ai đó"? Rằng mục tiêu thực sự trong thân tâm bạn hướng đến khi làm một điều gì đó tốt là để cảm thấy bản thân mình "quan trọng", "đặc biệt" chứ chẳng phải là kết quả của công việc kia?
Sự thật là văn hóa xã hội luôn thay đổi, luôn xuất hiện những "văn hóa" mới qua từng thời kì, như là cách mà nó đã đang và sẽ luôn diễn ra trong lịch sử của chúng ta. Trong thời đại số hóa - thời đại của kết nối mà không cần kết nối này, xuất hiện một thứ văn hóa mới. Thứ văn hóa ấy đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong xã hội, con người, chi phối cách mà thế giới vận hành. Đó là văn hóa "Self-Centered / Self-Expression".

Tôi! Nhìn tôi này! Lắng nghe tôi nói này!

Văn hóa "Self-Centered / Self-Expression" hay còn gọi là "văn hóa thể hiện / văn hóa đặt bản thân mình là trung tâm" là cách mà ta nói về cách mà xã hội hiện đại "trao thưởng" và thúc đẩy mọi cá nhân thành phần từ già tới trẻ thể hiện cái tôi của mình một cách cực đoan, nơi mà "nhạt nhẽo là bi kịch và nhàm chán là tội lỗi".
Có bao giờ bạn đến với một bữa tiệc cho con nít và một đứa trong số đó chẳng bao giờ ngừng la hét? Hay là một đứa luôn biết cách thu hút sự chú ý của mọi người? Và rồi khi nó lớn lên, xã hội sẽ "thưởng" cho nó vì nó không bao giờ lớn lên, không bao giờ trưởng thành và hiểu rằng mọi ngày, mọi thứ không phải lúc nào là về nó? Phải chăng chẳng có ai đó ở đây mà đó có thể là bạn và tôi? Ít hay nhiều? Chủ động hay bị động?
Đối với đứa trẻ chẳng bao giờ lớn ấy, vì nó là trung tâm, nó sẽ phải luôn cần phải được thể hiện "chất riêng", "ý kiến riêng" của mình về mọi thứ trên đời. Vì đó là cách mà nó trở nên "thành công", rằng ta sẽ không thất bại, không "nhạt nhẽo" hay "nhàm chán". Và cuộc đời của nó giờ đây là một sân khấu và nó là kẻ mà ai cũng phải ngước nhìn, chăm chú lắng nghe trong vở kịch "cuộc đời".
Và trong vở kịch "cuộc đời" của mỗi người, ta là trung tâm, là người hô hào rằng "hãy dơ những cánh tay của bạn lên nào", "hãy lắng nghe tôi", "ý kiến của tôi vô cùng quan trọng",... Ta dành hết mình để diễn tròn vai diễn mà ta cho rằng là của chúng ta, đánh đổi cả sức khỏe (cả về tâm lý và thể chất) lẫn chính bản thân mình chỉ để có thể mãi ngồi giữa ánh đèn sân khấu, làm kẻ mà ai cũng ngước nhìn.
Và trong một xã hội ai cũng là một "đứa trẻ" luôn kêu gào để được làm "một ai đó", được chú ý thì thế giới xung quanh ta cũng sẽ thay đổi theo cách mà xã hội đã thay đổi theo chúng ta.

Internet và công nghệ - Công cụ của thời đại TÔI!

Đi kèm với văn hóa ấy là vô số công cụ được ta khai thác như một cách để nuôi dưỡng cái "tôi" của mình, là nơi để ta "thể hiện", làm trung tâm và "có tiếng nói". Internet giờ đây đã trở thành nơi phục vụ cho mọi nhu cầu mong muốn của bạn. "Bạn muốn được thể hiện / làm trung tâm như thế nào? Ở đây có đủ cả, internet có đủ còn-ten cho bạn, nếu chả cái nào đủ tốt cho bạn? Hãy trở thành người đầu tiên!!! Bạn muốn tiếp cận như thế nào? Tức giận? đồng cảm? đạo đức? Hay mỗi thứ một ít? Đấu tranh cho quyền bình đẳng? Có ngay! Cứ lắc hoặc gật đầu, còn lại cứ để công cụ lo..."
Hình ảnh
Liệu tôi có thể cung cấp cho bạn cái gì nào? Mọi lúc, mọi thứ?

Và chính internet cũng có cách để tự nuôi dưỡng chính nó. Đó là dựa trên việc biến những trải nghiệm của mỗi cá nhân con người trở thành một con số vô cảm đại diện cho lợi ích riêng của ai đó chẳng phải bạn. Khi các bạn lướt facebook, twister, instagram, nhìn vào màn hình với những chấm màu xanh đỏ. Bạn sẽ bắt gặp một ai đó hay có thể là chính bạn, tươi tắn, hạnh phúc, là người với "vô số like, share, follow" tạo dáng cùng với những concept art thật đẹp, nghệ và đầy sắc màu. Kèm với bức ảnh đó là vài câu trích dẫn thật hay ho, thật đặc biệt. Trông những bức ảnh / video ấy, cứ như là họ / bạn sống trên thiên đường, là trung tâm của đám đông, hạnh phúc. Nhưng liệu bạn có hạnh phúc khi xem nó không? Hay nó chỉ khiến bạn cảm thấy như mất đi "ánh hào quang" của chính mình? Liệu bạn có cảm thấy "họ chắc chẳng có hạnh phúc thật đâu" hay "mình thật kém cỏi, mình phải cố hơn nữa"? Bạn phải cố đến đâu mới có thể lấp đầy được khoảng trống vẫn luôn nới rộng ra bên trong mình mỗi khi bạn "nhìn thấy ai đó khác"?

Doanh nghiệp, truyền thông và vòng lặp bất tận của thời đại TÔI

Khi xã hội chìm trong "tiếng ồn" của những "đứa trẻ" âm thầm đục khoét bên trong mỗi chúng ta. Giờ đây việc các thương hiệu đã đang và sẽ không bao giờ tránh khỏi các cuộc trò chuyện bình thường của chúng ta nữa. Lúc này, việc những "thương hiệu" / "doanh nghiệp" nằm ngoài "tiếng ồn" ấy đồng nghĩa với sự thất bại.
Chính vì vậy, các thương hiệu chỉ có thể chọn lựa "Hùa theo sự sai lầm của văn hóa ấy hay tan biến đi trong khi chờ xã hội tự thay đổi?". Đến lúc này, câu hỏi không còn là "Bạn có thể cung cấp cái gì?" mà giờ đây nó đã trở thành "Bạn đại diện cho điều gì?". Cách câu hỏi thay đổi đi kèm với cách mà các công ty thay đổi chiến lược trong đầu tư về truyền thông và bán hàng. Ví dụ như khi xưa các thương hiệu / doanh nghiệp từ tập trung vào việc "Bạn có mua trà sữa LoCha không?" thì giờ đây nó đã trở thành "Bạn có hỗ trợ LoCha trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường hay không?" . Khi doanh nghiệp ở "đúng chiều của lịch sử", họ sẽ đầu tư phát triển nó và đảm bảo rằng "lịch sử" "không xoay chiều" - Đầu tư vào xã hội TÔI, xã hội mà sống ảo nhưng còn thật hơn cả cuộc sống thật.
Và rồi cứ thế, vòng lặp doanh nghiệp / thương hiệu - công cụ xã hội - chính bản thân các bạn - doanh nghiệp / thương hiệu ... Đưa ta đến hệ quả đi kèm, biến những trải nghiệm, cảm xúc của ta thành một con số vô cảm, đại diện cho lợi ích mà "thế lực hữu hình nhưng vô hình" ấy nhận được.

Kết quả - Lợi ích gì khi bước ra bên ngoài chỉ để nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ quay trở lại được?

Không gian thật hay ảo giờ đây đan xen vào nhau, nhấn chìm chúng ta trong chính ham muốn của mình. Cuộc sống hiện tại của chúng ta ngày nay, cuộc sống ảo nhưng nó lại còn thật hơn cả cuộc đời thật của chúng ta ngoài kia. 
Ta cố gắng lắp đầy hố sâu vô tận của cái "tôi" một cách tuyệt vọng, cố gắng trở thành một "ai đó", trở thành anh hề bất lực, đau khổ trong câu chuyện cười của vở kịch. Ngay cả khi bạn "thành công", trở thành một "ai đó", liệu bạn có nhận ra được mình cần phải đánh đổi điều gì? Liệu bạn có giữ được bản thân thành một "ai đó" không phải chính mình đủ lâu? 
I used to make fun of the boomers.
In retrospect, a bit too much.
Now all these fucking zoomers.
are telling me that I'm out of touch?
Oh yeah? Well your fucking phones are poisoning your minds, okay? So when you develop a disassociative mental disorder in your late 20s, don't come crawling back to ...
Turning 30 (Bước qua tuổi 30) - Bo Burnham
Bản thân mỗi chúng ta trong nền văn hóa ấy như một người được cách ly trong những năm dịch covid hoành hành. Ở bên trong thì lúc nào cũng khao khát được ra ngoài, tự cho mình là trung tâm, cần một đám đông quay quanh mình, khao khát được bước ra ngoài để rồi một khi bước ra ngoài thì ta mới nhận ra sự thật phũ phàng. Trớ trêu thay lúc này ta lại chẳng thể quay lại được bên trong nữa, mọi thứ đã quá trễ, những gì ta có thể làm chỉ là 
"nhận thức, buồn tủi, tức giận, chấp nhận"...
Cuối cùng, ta đánh đổi cả thời gian, thể chất và tinh thần của chính mình chỉ để nhận ra rằng sự thật là ta không quan trọng đến vậy, ta chỉ là hạt cát trôi dạt trong vòng quay của lịch sử, rằng chẳng có sân khấu nào hết, ta chỉ đang chạy trong vòng xoay kì vọng của chính mình. Vòng xoay của stress, mệt mỏi, trầm cảm hay ...
Ngủ dậy lúc 11h30 và cảm thấy như lìn? Người thì bẩn? Chẳng thể làm gì? Nhìn vào gương "Gì đấy thằng phế vật?"

Vậy ta nên làm gì? Hay "Liệu ta có thể làm gì không?"

Khi ta bước đến bước "chấp nhận" trong cung bật cảm xúc, ta có thể chấp nhận rằng không phải mọi thứ là về mình, rằng đôi khi mình nên im lặng, rằng sự tĩnh lặng cũng có giá trị của nó và học cách lắng nghe. Lúc đó ta sẽ tìm ra giải pháp cho chính bản thân mình.
Lúc này "đạo đức", "cái tâm" không phải là công cụ để ta đạt được nữa, nó là thứ ta nên có. Làm tốt công việc của mình vì đó là việc mình nên làm, giúp đỡ một ai đó một cách đúng đắng (bằng nhiều cách khác nhau) thay vì chọn cách đơn quăng một cục tiền "làm từ thiện" cho một ai đó nổi tiếng (chỉ cần quăng cục tiền "làm từ thiện" và up facebook thôi là đã khiến bản thân cảm thấy mình quan trọng, tốt đẹp, tràn đầy đạo đức rồi, quăng cho ai chả được quan tâm làm gì?!).
Bạn có thể nói với mình "Nãy giờ toàn là nói về việc ngưng nói nhưng rõ ràng mài là thằng đang nói nhiều nhất còn gì?! Tiêu chuẩn kép hay cú lừa đây?!". Nếu vậy thì mình chỉ có thể nói rằng mình cũng chẳng biết nữa? Liệu mình có đang lấy mất sự chú ý của bạn không?