Trans note: Vâng. Lại là tôi, thằng translầytồ wibu đây :v 
Đợt trước thì mình có than là rảnh quá nên dịch và sau đó thì mình nhận ra mình lúc nào cũng rảnh mà là mình rảnh không đúng lúc và đúng thời điểm. Mình tình cờ đọc được bài viết này khi rảnh háng quá check thử list 10 bài đọc hay nhất năm gì đó do Firefox gợi ý (Máy cq dùng firefox :v) và một số headline trong này thì đánh đúng vào tâm trạng của mình. Thế là mình cắm đầu cắm cổ dịch và dịch được tầm 1/3 bài thì mình nhận ra là Firefox lừa vcl và bài viết này cũng méo hay lắm. Lý do thì là vì người viết bài cũng không triển khai các ý kỹ lắm và cũng 1 phần là vì đối tượng độc giả nữa (có thể là họ thích văn phong này, hoặc là tác giả đã từng viết nhiều bài bàn về các vấn đề thành phần rồi nên ở đây chỉ tóm tắt lại và tri ân độc giả). Tóm lại là lỡ dịch r thôi dịch nốt và post, còn đọc chán thì tội lỗi thằng dịch chọn bài ngu cả :v.
Anw, nguồn:
Bài dịch:
Bài viết này sẽ giúp thay đổi cuộc đời bạn
Bài chuyên san cuối cùng của Oliver Burkeman: tám bí mật để có được một cuộc sống (tương đối) trọn vẹn.
Sau một thập kỷ viết những lời khuyên giúp thay đổi cuộc sống, tôi biết được khi nào mình nên đi tìm một chân trời mới. Còn đây là toàn bộ những thứ khác mà tôi đã học được.
Trong bài chuyên san đầu tiên của tôi được đăng trên tuần san Tạp chí Guardian, mà từ bao nhiêu năm trước rồi tôi cũng không nhớ nổi nữa, tôi đã viết rằng tôi sẽ tiếp tục viết cho đến khi tôi đã khám phá hết được những bí quyết để có được hạnh phúc, và đến khi đó thì tôi sẽ dừng lại. Thường thì đối với tôi hồi đó, thì lời hứa đó quả là một pha ‘lươn lẹo’ đến tởm. Hẳn rồi, hồi đó tôi không hề nghĩ sẽ tìm ra bí quyết đó, nhưng ở mức độ nào đó thì chắc chắn tôi có biết rằng sẽ có những vấn đề mà tôi sẽ phải giải đáp – về chứng lo lắng, vì nỗi sợ phải cống hiến trong các mối quan hệ tình cảm, nỗi ám ảnh về kiểm soát và việc vun đắp một cuộc sống giàu ý nghĩa. Việc viết một bài chuyên san tạo ra một vỏ bọc tuyệt vời cho một màn ‘diễn sâu’ mà đáng lẽ ra sẽ khá là đáng hổ thẹn như vậy.
Chắc chắn rồi, hồi đó tôi cũng hy vọng sẽ giúp đỡ được những người khác, nhưng tôi đã hoàn toàn không ngờ cuộc hành trình này sẽ đầy sự tâm giao, đồng hành đến như vậy: Mặc dù đôi khi tôi cũng nhận được những thỉnh cầu giúp đỡ từ những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống, hộp thư của tôi lại luôn chủ yếu chứa đầy những ý tưởng, những câu chuyện đời, những câu trích dẫn và những gợi ý đầu sách nhận được từ các độc giả, mà thường là họ thông tuệ hơn tôi rất nhiều. (Chắc chắn sẽ không ngoa nếu nói một vài trong số các bạn hoàn toàn xứng đáng được nhận mức phí tư vấn như cho một chuyên gia tâm lý trị liệu thực thụ.) Và vì tất cả những điều đó: Xin cảm ơn các bạn.
Tôi quyết định đặt dấu chấm hết không phải là vì tôi đã có được mọi câu trả lời, mà là bởi vì tôi có một linh cảm mạnh mẽ rằng đây là thời điểm thích hợp để làm như vậy. Nếu không phải là những thứ khác, thì tôi hy vọng rằng tôi đã có đủ hiểu biết về bản thân mình để biết được khi nào mình nên dừng lại. Vậy cụ thể là tôi đã học được những gì? Những gì tôi viết tiếp theo đây không phải là một bản tổng kết trọn vẹn. Nhưng đây là những nguyên tắc mà tôi đã chứng kiến hết lần này đến lần khác, và là những nguyên tắc mà tôi cho rằng hữu dụng nhất trong việc định hướng trong một thời đại đầy rối rắm và dễ gây căng thẳng như thời đại của chúng ta.
Sẽ luôn luôn có quá nhiều thứ để làm – và giác ngộ ra được điều này là một sự giải thoát thực sự. Ngày nay, nhiều hơn là bất cứ thời đại nào trước đó, chúng ta đơn giản là không còn một lý do nào để tin rằng có một sự tương hợp nào giữa nhu cầu về thời gian của bạn – tất cả những thứ mà bạn muốn làm, hoặc cảm thấy bạn phải làm – và số thời gian mà bạn có. Nhờ chủ nghĩa tư bản, công nghệ và tham vọng của con người, nhu cầu này cứ liên tục tăng thêm, trong khi năng lực của bạn thì hầu như vẫn không thay đổi. Do đó lẽ hiển nhiên là những nỗ lực “làm chủ tất cả mọi thứ” đều thất bại. (Quả thực, mọi thứ còn tệ hơn thế – bạn càng làm nhiều công việc, bạn càng đẻ ra thêm nhiều công việc khác.)
Mặt tích cực là bạn không cần phải tự xỉ vả mình vì không làm được tất cả mọi thứ, bởi vì làm tất cả về nguyên tắc là bất khả thi. Giải pháp khả thi duy nhất là có sự thay đổi: từ việc dành cả đời để đảm bảo mình không bỏ sót việc gì, sang việc dành cuộc đời để lựa chọn một cách chủ động và có ý thích những việc mình nên bỏ sót, để ưu tiên cho những việc quan trọng nhất.
Khi đứng trước một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời, hãy lựa chọn “sự phát triển” thay vì hạnh phúc. Tôi phải cảm ơn bác sỹ tâm lý trường phái Jung James Hollis vì ý kiến chuyên môn của bà rằng mọi quyết định cá nhân quan trọng không nên được đưa ra bằng cách hỏi, “Liệu điều này có khiến cho tôi hạnh phúc hay không?”, mà phải là câu hỏi “Liệu lựa chọn này sẽ nâng tầm tôi lên, hay là sẽ hạ thấp tôi xuống?” Con người chúng ta là một đám dở tệ trong việc phán đoán điều gì sẽ giúp chúng ta có được hạnh phúc trong tương lai: câu hỏi “hạnh phúc” sẽ nhanh chóng bị sa lầy vào cái ao tù nhỏ tẹo của nhu cầu về sự ổn định, an toàn và quyền kiểm soát. Ngược lại, câu hỏi “phát triển” khơi gợi ở chúng ta một câu trả lời sâu sắc và trực giác hơn. Bạn thường sẽ luôn luôn tự biết được rằng, chẳng hạn, việc ra đi hoặc ở lại trong một mối quan hệ hoặc một vị trí công việc, dù có thể mang đến sự dễ chịu nhất thời, sẽ dẫn đến việc bạn đang tự tước đi cơ hội phát triển của mình hay không? (Tương tự, đừng ngại việc dứt áo ra đi: những quyết định không thể vãn hồi được thường sẽ thỏa mãn hơn, bởi vì khi đó bạn sẽ chỉ còn một hướng đi đi – thẳng tiến về mục tiêu mà bạn đã chon.)
Khả năng chấp nhận những bất tiện nhỏ là một siêu năng lực. Bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra rằng chúng ta sẽ dễ dãi đến mức nào khi gác lại kể cả những ước mơ lớn nhất của mình trong đời, chỉ để tránh những bất tiện nho nhỏ ở mức độ mà bạn dễ dàng chấp nhận được. Bạn chắc cũng biết rằng sẽ chẳng có gì quá ghê gớm khi bạn chấp nhận chịu đựng những nỗi khó chịu nho nhỏ như trở lại bàn làm việc để tiếp tục một dự án sáng tạo quan trọng; mở lời trong một cuộc nói chuyện gai góc với một đồng nghiệp; rủ ai đó hẹn hò; hoặc kiểm tra số dư tài khoản – nhưng dù vậy bạn vẫn cứ lãng phí nhiều năm trời để tránh chúng. (Đây chính là lý do tại sao các mạng xã hội đang ngày càng bành trướng: bằng cách cung cấp một nơi trú ẩn có ngay tức thì, hấp dẫn không cưỡng nổi để bạn có thể chui vào ngay khi những dấu hiệu nhỏ nhất của sự bất tiện mới vừa xuất hiện.)
Thay vào đó, bạn có thể tạo ra những trò chơi cho mình để tăng dần khả năng chịu đựng cảm giác khó chịu của bạn, chẳng hạn như là tập tạ tại phòng tập thể hình. Khi bạn dự đoán một hành động sẽ mang đến những cảm giác khó chịu, lo âu hoặc tẻ nhạt, thường thì bạn sẽ có thể để cho những cảm giác đó bùng phát và sau đó tự biến mất, trong khi vẫn tiếp tục hành động đó. Phần thưởng sẽ đến một cách nhanh chóng, dưới dạng những thành tựu mà bạn sẽ đạt được, nhanh đến mức mà sớm thôi, bạn sẽ thấy nó trở thành một cách sống còn hấp dẫn hơn.
Lời ngay thẳng thì khó nghe, thuốc đắng thì dã tật. Tôi từng dành một thời gian dài chăm chăm trở thành một con người siêu năng suất, trước khi đến một ngày tôi bắt đầu đặt câu hỏi tại sau mình lại đánh giá giá trị bản thân mình dựa quá nhiều vào năng suất của mình như vậy. Thứ tôi cần không phải là thêm một cuốn sách dạy tăng năng suất lao động thú vị khác, vì những cuốn sách đó chỉ là phương tiện thôi; cái tôi cần là phải đặt ra cho mình những câu hỏi gai góc hơn.
Thông điệp lớn hơn ở đây là sẽ luôn chẳng thích thú gì khi bạn phải đối mặt với những trải nghiệm cảm xúc mà bạn đang né tránh – nếu như thế mà thích thú thì bạn đã chả phải né tránh rồi– vì thế những lời khuyên có thể thực sự có ích thường sẽ là những lời khuyên khiến bạn cảm thấy khó chịu. (Ở đây bạn sẽ phải tự xem xét một cách cẩn thận, vì những lời khuyên tồi từ những người bạn hay những đối tác mưu mô cũng có thể khiến cho bạn cảm thấy khó chịu.)
“Sẽ là sai khi nói rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đặc biệt khó lường. Tương lai vốn dĩ đã luôn khó lường”
Một câu hỏi mà bạn nên tự hỏi mình, đó là những thói quen nào khiến bạn cảm thấy là ủy mị hoặc tự nuông chiều bản thân đến mức không thể ngửi được: nhật ký biết ơn, thiền định tỉnh giác, gặp bác sỹ tâm lý? Điều đó có thể có nghĩa là chúng đáng để theo đuổi đấy. (Từ trải nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng cả ba thói quen này đều đáng đồng tiền bát gạo.) À phải rồi, hãy đặc biệt cảnh giác với những người nổi tiếng khi họ đưa ra những lời khuyên trên những diễn đàn công cộng: có thể họ theo đuổi sự nổi tiếng là để khỏa lấp một khoảng trống trong tâm hồn, mà việc này thì thường sẽ không có tác dụng – do đó có thể bản thân họ còn đang vật vã nhiều hơn cả bạn.
Tương lai không bao giờ có thể mang đến sự bảo đảm mà bạn mong muốn ở nó. Theo quan điểm của các nhà triết học theo Trường phải Khắc kỷ của Hy Lạp và La Mã, phần nhiều những nỗi khổ của chúng ta phát sinh từ việc cố gắng kiểm soát những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Và thứ lớn nhất mà chúng ta – hoặc ít nhất là những người lo xa mãn tính trong số chúng ta – thường cố gắng kiểm soát để rồi không kiểm soát nổi, chính là tương lai. Chúng ta muốn biết, từ điểm nhìn của chúng ta trong hiện tại, là sau này mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng chúng ta không thể biết được. (Đây chính là lý do tại sao sẽ là sai khi nói rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đặc biệt khó lường. Tương lai vốn dĩ đã luôn khó lường; chỉ có điều là ngày nay chúng ta nhận thức được điều đó đặc biệt rõ ràng.)
Sẽ thật là một sự giải thoát to lớn nếu bạn biết được rằng dù bạn có lo sợ đến đâu thì thực tế này vẫn sẽ không thay đổi. Tất nhiên việc lập kế hoạch vẫn sẽ hữu ích. Nhưng hãy làm điều đó đó với ý thức rằng kế hoạch chỉ là một bản công bố dự định của thời điểm hiện tại, không phải một chiếc thòng lọng để bạn có thể ném vào tương lai để ghìm cổ nó như ghìm cổ một con bò tót. Thiền sư Jiddu Krishnamurti từng nói bí quyết của ông vô cùng đơn giản như thế này: “Tôi không bao giờ bận tâm điều gì sẽ xảy đến.” Điều đó không đồng nghĩa với việc ngừng nỗ lực để làm cho cuộc sống của bạn hay những người khác tốt đẹp hơn. Nó chỉ đơn thuần muốn nói là bạn không cần phải lo lắng lên gân lên cốt trước để chờ xem mọi thứ có diễn ra như bạn mong đợi hay không.
Giải pháp cho hội chứng kẻ mạo danh chính là nhận ra rằng bạn đúng là một kẻ mạo danh. Vào thời điểm tôi lần đầu tiên viết về sự hữu ích của việc luôn luôn nhớ rằng mọi người chỉ đang chém gió thôi, thì chưa bao giờ chúng ta từng phải bước vào một kỷ nguyên của những lãnh đạo vô năng như hiện nay (Brexit, Trump, coronavirus). Ngày nay, vấn đề này thật khó có thể làm ngơ. Nhưng bài học cần rút ra ở đây không phải là chúng ta toi tới nơi rồi. Mà bài học đó là các bạn – những con người thiếu tự tin, quá ý thức về bản thân, quá tự ti về những khiếm khuyết của bản thân mình – luôn có khả năng có thể cống hiến cho lĩnh vực bạn hay cho xã hội nhiều như bất cứ ai khác.
"Hãy luôn nhớ: Bạn không thể nghe thấy những đoạn độc thoại dè bỉu bản thân của những người khác không có nghĩa là họ không có những lúc như vậy"
Xã hội loài người được chia làm hai nhóm: Một bên, là những người đang cố gắng xoay xở để vươn lên trong cuộc sống, chắp vá hầm bà lằng các giải pháp và liên tục phải vá lỗ trên thuyền trong quá trình đi, nhưng lại cố gắng lừa phỉnh bản thân rằng không phải như vậy; và bên còn lại, là những người cũng đang làm như vậy, chỉ có điều là họ ý thức rõ được điều đó. Và chắc chắn là thì ở trong nhóm thứ hai thì tốt hơn gấp ngàn vạn lần (mặc dù có quá nhiều các khóa “huấn luyện tính quyết đoán” có dạy các phương pháp để khiến bạn trở thành người trong nhóm đầu tiên).
Hãy luôn nhớ: Bạn không thể nghe thấy những đoạn độc thoại dè bỉu bản thân của những người khác không có nghĩa là họ không có những lúc như vậy
Sự vô tư đang bị xã hội quá đề cao. Cả 2 giới tính trong số chúng ta, mặc dù phụ nữ thì đặc biệt nhiều hơn, được nuôi dạy để tư duy rằng một cuộc đời có ý nghĩa là một cuộc đời dùng để giúp đỡ người khác – và sẽ có rất nhiều các bậc thầy tự lực sẵn sàng đứng ra để khẳng định rằng to lòng tốt, sự hào phóng và tinh thần thiện nguyện là con đường để đến với hạnh phúc. Điều đó cũng có phần nào là sự thực, nhưng thường thì nó bị lẫn lộn vào với các vấn đề thâm căn cố đế về cảm giác tội lỗi và lòng tự tôn. (Đồng thời, tất nhiên, những người suốt ngày ba hoa trên Twitter về những việc làm từ thiện của họ hay về ý thức chính trị thì hoàn toàn không có tí gì là vô tư cả; họ chỉ đang cố đánh bóng cái tôi của mình thôi.)
Nếu bạn thường xuyên rơi vào tình trạng nghĩ rằng bạn cần phải giúp đỡ người khác nhiều hơn nữa, thì đó có lẽ là dấu hiệu có việc bạn có thể đầu tư thêm nhiều năng lượng hơn cho các tham vọng và đam mê của cá nhân mình. Như chuyên gia Phật học Susan Piver nhận định, sẽ thật là cực đoan, ít nhất là đối với một số người trong số chúng ta, nếu ai đó hỏi chúng ta muốn tận hưởng một giờ hay một ngày rảnh rỗi như thế nào. Và điều trớ trêu ở đây là thật sự thì bạn chẳng giúp ích cho ai cả khi bạn kìm nén niềm đam mê thực sự của mình. Trong hầu hết mọi trường hợp, bằng cách làm những điều mình muốn – thay vì làm những điều mà bạn nghĩ mình phải làm – bạn đang thắp lên một ngọn lửa ấm giúp cùng lúc sưởi ấm cho tất cả chúng ta.
Hãy biết khi nào nên buông bỏ. Và cuối cùng, có một điều nữa cần nói về việc nhận biết được thời điểm mà một thứ luôn có ý nghĩa rất nhiều với bạn – như là việc viết bài chuyên san này – đã đến điểm kết thúc tự nhiên của nó, và lựa chọn sáng suốt nhất sẽ là chuyển mình đến những hành trình tiếp theo. Đó sẽ là nơi các bạn sẽ gặp lại tôi. Xin cảm ơn vì đã dành thời gian đọc.
• Cuốc sách mới của Oliver Burkeman với tên gọi Four Thousand Weeks: Time Management For Mortals (dịch: Bốn ngàn tuần: Cẩm nang về quản lý thời gian cho người trần mắt thịt) sẽ được The Bodley Head xuất bản vào năm tới. Xem thêm chi tiết tại địa chỉ oliverburkeman.com.