Bỗng dưng...thất nghiệp
Sau 7 năm đi làm ở mấy DN khác nhau, tôi quyết định nghỉ, gọi là đi làm tư vấn cũng được, hoặc là đi làm freelance cũng được. Cái nghề...
Sau 7 năm đi làm ở mấy DN khác nhau, tôi quyết định nghỉ, gọi là đi làm tư vấn cũng được, hoặc là đi làm freelance cũng được. Cái nghề tư vấn này phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của khách hàng, nhiều khi cân nhắc một hồi khách hàng lại nghĩ thôi không thuê tư vấn nữa, hoặc đơn giản là chưa thuê tại thời điểm này. Thế là tư vấn viên lại méo mồm, nghỉ ở nhà.
Tôi đang như thế :)). Đúng hơn là gần như thế. Lúc mà tôi xin nghỉ công ty cũ thì có 2 dự án gần như chắc ăn rồi. Đùng 1 cái, khách mãi chưa thấy phản hồi gì cả, có vẻ tự ngầm hiểu là "tạch lô" rồi. Thế là tôi thuộc dạng thất nghiệp, trừ việc support về công tác tài chính kế toán cho đứa em và vẫn còn lớp ACCA để dạy trong lúc chờ tìm thêm khách hàng. Trong 7 năm đi làm, tôi gần như chưa bao giờ có ngày nào nghỉ. Tức là khi nghỉ ở 1 công ty cũ thì đã có sẵn việc ở công ty mới rồi. Kinh điển nhất là sáng thứ 7 làm xong việc ở công ty cũ, sáng thứ 2 bắt đầu công việc mới luôn. Không có cho mình 1 thời gian nghỉ ngơi nào để mà hồi phục và tổng kết.
Thế mà giờ tôi lại có 1 đống thời gian để mà làm những gì tôi muốn. Dù có khi nó chả tạo ra đồng tiền nào. Kể ra cũng khó chấp nhận phết.
Nhưng lùi lại, tôi thấy một người đi làm điển hình (có tôi trong đó) có 3 mục tiêu lớn như sau:
Kiếm tiền (1)
Học hỏi thêm được kiến thức mới (2)
Có cơ hội phát triển lên các chức vụ cao trong tương lai (3)
Khi liệt kê được 3 mục tiêu nêu trên ra, tôi thấy việc tôi nghỉ thì mất điều số (1) và điều số (3). Thế nhưng đào sâu thêm 1 chút, tôi vẫn có công việc giảng dạy của mình, ít nhất cũng thu được một số lương nhất định để bù đắp cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình hàng ngày. Còn mục số (3) ư, năm nay tôi còn chưa tròn 29 tuổi (nếu tính đúng tháng đúng ngày). Tức là tôi còn hơn 1 năm đến tuổi 30 để mà nhìn lên nhìn xuống xã hội này xem mình được đến đâu.
Vậy chỉ còn mục số (2), mà đó là mục mà tôi cảm thấy tự tin nhất trong việc nghỉ của mình. Tôi có thời gian để học thêm 1 đống thứ về quản trị doanh nghiệp, về kế toán quản trị, về lập trình...Nghĩa là nếu tập trung, tôi có thể gia tăng lượng kiến thức rất lớn trong thời gian sắp tới. Và với kinh nghiệm trong suốt quá trình học và làm từ 10 năm trở lại đây, tôi thấy răng biết đâu 1 lúc nào đó, những kiến thức này nó sẽ kết nối với nhau thành 1 bức tranh rõ ràng. Nó giống như câu chuyện "connecting the dots" mà Steve Jobs đã kể trong bài phát biểu nổi tiếng của mình.
Tôi cho mình 1,5 năm để đi theo 1 con đường mới này. Nó có thể vui, nó cũng có thể buồn. Nó cũng có thể khiến tôi thành công rực rỡ, kiếm được x2 x3 số tiền mà tôi đang kiếm được mỗi tháng. Hoặc tôi sẽ chẳng có gì, và tiền học của con tôi sẽ đến từ lương của mẹ nó chứ không phải từ tôi.
Nhưng tôi là người lạc quan. Và không phải là người lạc quan quá. Tôi biết câu chuyện về nghịch lý Stockdale. Stockdale ở đây chính là tướng James Stockdale, nguyên đô đốc của lực lượng hải quân Mỹ trong chiến tranh. Ông từng bị cầm tù suốt 8 năm ròng mà vẫn sống sót không cần đến quyền tù binh, không biết trước ngày được trả tự do, không biết chắc mình có còn sống để gặp lại gia đình hay không. Ông nhận trách nhiệm chỉ huy, làm mọi việc có thể để tạo ra những điều kiện giúp thêm nhiều tù binh khác sống sót. Trong buổi nói chuyện với Jim Collins, Stockdale đã phân tích về những người không thể trải qua được sự khắc nghiệt của nhà tù như sau:
"Đó là những người lạc quan. Những người lạc quan, – chính là những người sẽ nói: “Chúng ta sẽ được thả vào Giáng sinh”. Rồi Giáng sinh đến, Giáng sinh đi, họ lại nói: “Chúng ta sẽ được thả vào Lễ Phục sinh.” Rồi Phục sinh đến, Phục sinh đi họ vẫn không được thả. Sau đó lại Lễ Tạ ơn, rồi lại đến Giáng sinh nữa mà hi vọng của họ vẫn không trở thành hiện thực. Và rồi họ chết vì thất vọng và trái tim tan nát".
Và chính ông cũng kết luận rằng:
"Anh biết đấy, đây là một bài học rất quan trọng. Anh không được lẫn lộn giữa niềm tin rằng mình sẽ chiến thắng, cái mà anh không bao giờ được để mất, với việc anh đồng thời phải đối diện với sự thật hiện tại, bất kể nó phũ phàng đến thế nào đi nữa"
Tất cả những điều tôi vừa viết và phân tích ở trên có nghĩa là gì với 1 người bỗng dưng thất nghiệp ở tuổi 29. Đó là tôi sẽ làm, sẽ học bất cứ cái gì đến tay để phục vụ cho mục tiêu dài hơi và sâu xa của mình: Trở thành 1 nhà tư vấn quản trị chuyên nghiệp. Có thể 1 bước lùi như 1 chiếc lò xo nén lại để bật lên thật mạnh trong tương lai. Và tôi cũng viết ra những dòng này để răn mình rằng, đừng mất niềm tin trong quá trình "nén" đó.
Tái bút:
À. Nếu công ty của bạn cần tư vấn về quản trị, kế toán, tài chính, thì tôi rất rất sẵn lòng để có cơ hội thuyết trình về bản thân và phương pháp triển khai của mình trước BOD của công ty bạn nhé. Tôi trân trọng mọi cơ hội, mọi email đến với mình.
Xin chân thành cảm ơn.
Bài gốc trên blog của tui, blog với mục tiêu kể về ACCA, về nghề kế toán kiểm toán, và chuyện đi làm. Bỗng dưng...thất nghiệp
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất