"When it comes to nature versus nurture, I choose neither. We are built from a DNA blueprint and born into a world of scenario and circumstance we don’t control." 
Hannibal Lecter, trong TV Series Hannibal
Tôi sinh ra với một vết bớt màu mận chín. Những người hàng xóm quanh nhà tôi bảo người có vết bớt màu tối nằm gần tim là những kẻ có “lòng dạ xấu xa”; họ cho là thằng bé lớn lên sẽ trở nên ranh ma xảo quyệt và không phải người tốt. Mẹ tôi vô cùng lo lắng, tìm cách xóa vết bớt ấy đi. Nghe lời của những ông bà lớn tuổi trong xóm, mẹ bế tôi sang nhà một bà cụ chết đột ngột do bị cảm, lấy ngón tay trỏ của xác chết quệt vào bết bớt tôi bảy cái, vừa quệt vừa lẩm bẩm “cụ đi mang theo hộ cháu nhé”. Sau đó vết bớt vẫn không mất đi. Mẹ lại nghe theo người ta, lấy quả trứng gà mới đẻ còn ấm nóng chườm lên chỗ có bớt liên tục như vậy 9 lần. Vết bớt mờ đi rồi mất hẳn, mẹ tôi rất vui mừng.
Năm tôi 18 tuổi, sau khi ba mất, tôi thú nhận với mẹ chuyện mình thích con trai và không có cảm xúc với con gái. Mẹ tôi kiên quyết cho rằng xu hướng tính dục không phải bẩm sinh mà có, mà là do bị lây nhiễm từ xã hội nên cứ nằng nặc đưa tôi đi khám chữa cho bằng được. Thời gian trôi qua, nhận thấy không thể thay đổi được gì, mẹ hay xin lỗi vì đã không dạy dỗ tôi trở thành một người đàn ông bình thường. Mỗi lần như vậy tôi đều bảo mình rất hài lòng với con người hiện tại và rằng mẹ là một người mẹ rất tuyệt vời. Cũng thời gian này, đột nhiên tôi thấy một vệt đen hình tam giác ngược to xuất hiện trên ngực trái của mình. Và hỏi mẹ thì mẹ bảo đó là hình dáng của vết bớt ngày xưa. Không hiểu vì sao nó đã trở lại. “Có những vết bớt không thể xóa được!”, mẹ tôi nói bâng quơ trong một lần trò chuyện.
Như những người trẻ quanh mình, tôi thích thời trang, và những cách thức để biến đổi cơ thể mình sao cho khác đi. Những bộ quần áo, vòng đeo tay hay dây chuyền hợp thời, một lớp trang điểm nhẹ cùng với một chút nước hoa có thể biến tôi trở thành một ai đó đẹp hơn, tốt hơn, hay quyến rũ hơn với con người thật của mình. Điều khiến tôi thấy buồn cười là khi cởi bỏ hết tất cả quần áo và nhìn chính mình trước gương, chỉ có một thứ duy nhất khiến tôi dán mắt vào, và khiến tôi thấy mình đặc biệt: vết bớt hình tam giác ngược sẫm màu trên làn da trắng xanh ngực trái. 19 tuổi. Tôi có hình xăm đầu tiên: dòng chữ “nothing is impossible” ở mặt trong bắp tay. Đó là giai đoạn tôi luyện thi đại học và nghĩ rằng hình xăm này sẽ tiếp thêm cho mình động lực học tập. Thật ngớ ngẩn! Mẹ tôi đã la tôi nguyên cả buổi chiều. Đợt đó tôi vẫn thi trượt. Nhiều năm sau này mấy lần tôi muốn xóa hình xăm này nhưng rồi lại thôi.
Sau đó, tôi bắt đầu học để trở thành một thợ xăm. Tôi nhận thấy mình làm việc này khá tốt. Thầy dạy vẽ bảo tôi có năng khiếu hội họa: phát thảo nhanh, tay vẽ chắc, cảm nhận màu sắc tốt, nhất là sáng tạo. Vậy mà trước giờ, chưa ai nói với tôi điều đó cả. Mẹ và những người xung quanh luôn muốn tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư. “Chẳng ai muốn con mình trở thành một thợ xăm cả!”, mẹ tôi có lần nói vậy.
Mẹ tôi mất vào tháng tám năm tôi 25 tuổi. Mãi ba tháng sau đó, tôi mới bắt đầu quen với sự thật là căn nhà chỉ còn lại mỗi mình mình. Mỗi khi làm những việc mà trước đây mẹ tôi hay làm cho tôi – nấu ăn, giặt giữ, tôi đều thấy nhớ bà. Tôi nhớ những khi bà la mắng về việc tôi về nhà khuya khiến bà phải hâm đồ ăn lại. Những câu trách mắng, khi nhớ lại, làm tôi vừa buồn cười, vừa thấy trống trải. Người duy nhất phàn nàn hay ngăn cấm việc tôi nhuộm tóc, xỏ khuyên hay xăm hình đã không còn nữa, và cũng chẳng còn ai trên cõi đời này thực sự quan tâm đến việc tôi đối xử như thế nào với cơ thể của mình.
Tôi dần không còn hứng thú với việc thay đổi ngoại hình nữa mà tập trung vào sự nghiệp. Tiệm xăm khá đông khách, hầu hết là những người trẻ. Họ, hoặc đã nghĩ ra một hình xăm nào đó, hoặc mơ hồ và đến nhờ tôi tư vấn, đều là những người muốn tìm kiếm một dấu ấn nào đó đặc trưng cho riêng mình. Phần lớn hình xăm được chọn là một biểu tượng, một cái tên, hay một câu châm ngôn ngắn – những thứ trong quá trình sống họ trải nghiệm và thấy quan trọng với mình, theo cách này hay cách khác.
28 tuổi, tôi bị bỏng khí ga một mảng to trên ngực. May mắn là không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng vẫn phải nằm viện vài ngày. Sau khi tháo băng, tôi trở về nhà, nhìn chính mình trong gương. Vết bớt đã không còn, chỉ còn lại một vùng da đỏ hỏn, nhăn nheo, bóng lưỡng to bằng cả bàn tay. Không hiểu sao lúc ấy, cảm giác về thời gian trong tôi trở nên rõ ràng. Làn da quanh vết sẹo đã sạm màu đi nhiều, những dải cơ quanh bắp tay có hình xăm vẻ như chùng xuống, mái tóc xơ đi vì nhuộm rủ xuống gương mặt góc cạnh và che đi một phần vành tai phải có đeo khuyên kim loại. Và tôi nghiêm túc tự hỏi mình, nếu tôi mất đi không chỉ vết bớt, mà cả đôi tai, tay chân hay một bộ phận nào đó của chính mình, liệu tôi có còn là tôi? Liệu những thứ mà tôi đã đắp thêm lên cơ thể của mình có thực sự có ý nghĩa trong việc làm nên con người của tôi?
Cơ thể này đã đi qua hết những tiếp nhận lẫn khước từ, kiêu hãnh lẫn định kiến để trở nên nó của ngày hôm nay. Chúng ta được sinh ra với một tổ hợp gen bất định và bị quẳng vào một thế giới với đầy rẫy những biến cố không thể nào lường trước. mỗi một dấu tích cơ thể, dù là di truyền hay do môi trường tác động, đều có ý nghĩa với chu trình sống cá nhân. Và khi tự hỏi mình phải đối xử như thế nào với chúng, với cơ thể của mình? Tôi lại như nghe thấy những lời của mẹ ngày xưa “hãy yêu thương cơ thể con vì nó là cái bình để chứa linh hồn".
Tháng 12.2016