Đi nhiều để làm gì?
Chắc hẳn sau khi thấy Spiderum mở đặt trước sách Du học ký: Vạn dặm có chi? , rất nhiều bạn đang tự hỏi không biết chất lượng nội...
Chắc hẳn sau khi thấy Spiderum mở đặt trước sách Du học ký: Vạn dặm có chi?, rất nhiều bạn đang tự hỏi không biết chất lượng nội dung sách thế nào, các bài viết có hấp dẫn không, các tác giả có đẹp trai không, hay quan trọng nhất là:
Tóm lại sách có đáng mua hay không?
Nếu không đáng thì tôi có thể đấm thằng admin như thế nào?
Để giúp mọi người có được những đánh giá khách quan và chính xác nhất, cũng để hạn chế tối đa mức độ sát thương cho bản thân, tôi quyết định đăng bài viết đã từng chuẩn bị cho cuốn sách này nhưng vì quá cùi so với tất cả các bài viết còn lại nhiều lý do nên cuối cùng không xuất hiện trong bản thảo.
Đúng là trời không cho ai tất cả, Du học ký: Vạn dặm có chi nhưng lại không có tôi.
Bốn phiên bản của "tôi"
Sân bay Frédéric Chopin Warszawa, mùa xuân năm 2012
Tôi ngồi một mình trên băng ghế đợi transit, khoác trên mình chiếc áo phao dày sụ mẹ tất tả sắm cho trước chuyến đi quan trọng vì nghe nói "bên đó lạnh lắm, nhiệt độ có thể xuống tới âm mấy chục".
Phải mãi tới tận sau này tôi mới dám thừa nhận với chính mình rằng ở thời điểm đó, không chỉ ở lì một chỗ vì ngại, tôi thậm chí còn không dám cởi chiếc áo khoác trên người trong suốt 10 tiếng đợi chuyến bay nối tới Phần Lan. Một phần vì lo sợ sẽ sơ ý để quên áo ấm ở một nơi xa lạ, phần khác là bởi chiếc áo khoác đó giống như biểu tượng cuối cùng cho sự thân thuộc của quê nhà. Sự thân thuộc tôi sẽ phải tạm rời xa trong ít nhất 3 năm sắp tới.
"Trông cậu có vẻ căng thẳng?" - một người đàn ông Ba Lan cao to tiến tới bắt chuyện, hẳn đã cảm thấy có gì đó hài hước ở tình huống hiện tại.
"Ồ, đây là lần đầu tiên tôi đi xa tới vậy khỏi Việt Nam. Mọi thứ mới mẻ quá, có lẽ tôi cũng hơi bị... choáng ngợp"
"À tôi có thể hiểu điều đó. Nhưng rồi cậu sẽ quen thôi. Một vài tháng nữa là Châu Âu sẽ giống như ngôi nhà thứ hai của cậu"
"Ngôi nhà thứ hai? Thú vị đó" - tôi vừa tự nghĩ vừa gật gù nhìn gói snack đang ăn dở để bên cạnh. Loại rẻ nhất rồi mà tính ra cũng phải mấy chục ngàn, đã vậy còn mặn chát và dở tệ. Với từng đó tiền có lẽ ăn được hai bát phở ở "nhà" cũ rồi, chẳng hiểu bao lâu mới có thể quen được cái "nhà" mới này đây?
Sân bay Fiumicino, mùa hè năm 2013
Lại một sân bay khác ở Châu Âu.
Tôi đứng giữa một hàng dài người đang chờ kiểm soát an ninh cho chuyến bay tới Venice sẽ cất cánh trong vòng một giờ tới. Nổi bật với chỏm tóc đỏ dựng đứng và chiếc quần kaki màu da cam.
Mới chỉ một vài tiếng trước thôi, chính chỏm tóc và phục trang mà mẹ luôn than phiền mỗi lần Skype là “nhìn chẳng giống ai” đó đã giúp tôi lần đầu tiên được cô chú mình (hai người sang Châu Âu chơi, tiện thể liên lạc ngay thằng cháu nhờ làm hướng dẫn viên du lịch) gật gù trêu: “Thằng này cũng được đấy!”
Sự tình là thế này, trong khi cùng hai bậc tiền bối lững thững đi trên phố, đột nhiên tôi được một tốp thanh niên Italia chạy lại tiếp cận:
“Tóc chất đấy, cho tôi bắt tay cái nào ông bạn”
Chất thật hay châm biếm thì không rõ, mà tôi cũng chẳng quan tâm; vì sau hơn 1 năm sống xa nhà, tôi nhận ra rằng ở cái đất Châu Âu này thích gì thì cứ làm, miễn sao không ảnh hưởng tới người khác là được. Vậy nên cứ tự tin hiên ngang mà sống thôi.
Mải đắm chìm trong suy nghĩ về sự kiện mới xảy ra và về những kế hoạch đã vạch sẵn cho điểm đến kế tiếp của chuyến đi, tôi quên béng mất chiếc áo khoác len yêu thích mà mới vài phút trước vừa cởi ra để đi qua máy kiểm soát an ninh sân bay…
Sân bay quốc tế Hồng Kông, mùa hè năm 2014
“Cậu không có quyền nhập cảnh vào Hong Kong, xin mời đi theo tôi” - cô nhân viên an ninh sân bay nói ngắn gọn sau khi xoay ngang xoay dọc hộ chiếu của tôi.
“Nhưng tôi chỉ muốn lấy hành lý rồi sẽ lại bay thẳng về Việt Nam mà”
Đáp lại chỉ là những bước chân vội vã hơn.
Sau khi dẫn tôi đến một căn phòng nhỏ với một dãy ghế chờ đầy những khuôn mặt lo lắng và cáu kỉnh, cô quay sang nói ngắn gọn:
“Cậu ngồi đây. Cảnh sát sẽ phải thẩm vấn cậu”
“Có thể nhanh một chút được không vì chuyến bay nối về Hà Nội của tôi khởi hành trong vòng 1h tới rồi"
Sau khoảng 15 phút chờ đợi, tôi được dẫn tới bàn thẩm vấn, trước mặt là một anh cảnh sát có gương mặt cực kỳ khó đoán.
“Cậu vào Hong Kong làm gì? Tại sao lại không có visa?”
Chết toi. Đúng như tôi đã dự đoán ngay khi hạ cánh và nhận ra “có gì đó sai sai” ở vé máy bay của mình. Nhưng đã đến nước này thì không còn cách nào khác, tôi hít một hơi thật sâu và trả lời rõ ràng nhất có thể:
“Như đã giải thích trước đó, tôi KHÔNG có ý định vào Hồng Kông. Tôi mua vé máy bay về Việt Nam qua đại lý và chỉ nhận ra khi tới đây rằng mình sẽ phải check out, lấy hành lý và ký gửi lại. Đây là sơ suất của tôi vì không kiểm tra kỹ khi đặt vé, mong anh xử lý nhanh giúp vì chuyến bay về Hà Nội của tôi sắp khởi hành rồi, tôi sẽ muộn mất”
Sau đó, tôi lần lượt đưa ra những giấy tờ để chứng minh câu chuyện của mình: visa Châu Âu chưa hết hạn, thẻ sinh viên tại Phần Lan, xác nhận đặt vé… và giải thích cặn kẽ từng chi tiết, trả lời từng câu hỏi nghi vấn được đặt ra. Sau khoảng 15 phút, tôi cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm khi được anh cảnh sát Hồng Kông cho phép tiếp tục hành trình, đồng thời dặn dò cô nhân viên an ninh đi cùng để bảo lãnh cho check in chuyến bay về Hà Nội. Nghe thì cũng đơn giản nhưng quả thực khoảng 30 phút bị nghi vấn ở một quốc gia xa lạ đó có lẽ là một trong những thời điểm kỳ lạ và hồi hộp nhất tôi đã từng trải nghiệm trong đời. Cảm xúc khi đó thật lẫn lộn: vừa lo trễ chuyến bay, đồng nghĩa với việc ít nhất sẽ phải mua lại vé với giá không rẻ; vừa sợ rằng biểu đạt cảm xúc của mình sẽ bị đôi mắt dò xét của anh cảnh sát hiểu nhầm thành biểu hiện của sự thiếu trung thực.
Sân bay quốc tế Adelaide, Úc, mùa hè năm 2015
Tôi đứng đợi check-in cho chuyến bay trở về Việt Nam trong tâm trạng khá bình thản và thoải mái. Chuẩn bị hết cả rồi, làm sao có gì bất trắc xảy ra được:
- Đồ đạc: đã kiểm tra đầy đủ và gói ghém cẩn thận.
- Giờ giấc: còn sớm, không việc gì phải lo.
- Vé: do cố ý đặt chuyến bay có quãng transit khoảng 10 tiếng ở Singapore để tranh thủ ra ngoài gặp bạn, tôi cũng đã nghiên cứu sơ qua về việc nhập cảnh thế nào, di chuyển ra sao… Về cơ bản thì sự cố như ở Hong Kong chắc sẽ không thể lặp lại.
Cảm xúc duy nhất còn lại có lẽ là một chút tiếc nuối vì đây đã là chuyến bay cuối cùng trong chặng đường học tập ở nước ngoài (cho tới hiện tại) của tôi rồi…
Mới nửa năm trước đó thôi, sau khi hoàn thành chương trình học ở Phần Lan, tôi tiếp tục tới Úc học trao đổi với hành trang là 3500 AUD gồm trợ cấp từ trường cũ và một khoản nhỏ mẹ cho thêm để phòng thân. Ngay trong tháng đầu tiên, tôi nhanh chóng nhận ra khoản tiền này là không đủ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bắt đầu lập bảng kê chi tiết các khoản chi tiêu và thu nhập, để nhận ra rằng nếu mình không nhanh chóng tìm việc thì nhiều khả năng không vượt qua được tháng thứ 3 ở xứ sở này.
Những ngày tháng sau đó là những ngày tháng lăn lộn tìm và làm đủ thứ việc. Từ lau dọn văn phòng, nhà nghỉ, đổ xăng xe buýt cho tới làm “vật thí nghiệm” cho các nghiên cứu khoa học trong trường. Tôi vẫn nhớ như in phản ứng bất ngờ kèm thương cảm của anh chị Trung Quốc cùng nhà khi nghe tin thằng em sẽ tham gia một nghiên cứu về ảnh hưởng của việc hấp thụ protein tới quá trình tiết hooc môn insulin ở người trưởng thành:
“Chú định đi bán máu à Việt Anh?”
“Không, em hy sinh bản thân vì khoa học thôi ấy mà” - tôi cười.
Mà nói gì thì nói, công việc này cũng gần giống… bán máu thật. Đại khái là trong 4 buổi thí nghiệm (1 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài 4-5 tiếng), tôi sẽ phải uống protein lắc và ngồi yên một chỗ, cứ khoảng 5-10 phút lại siêu âm dạ dày và nửa tiếng lại lấy máu một lần để đo đạc. Đổi lại thì được trả 18 AUD mỗi giờ kèm một bữa ăn trưa. Tính ra cũng không tệ. Nhất là với mấy thằng đói.
Tôi cũng từng cân nhắc tham gia một nghiên cứu về ảnh hưởng của giấc ngủ tới hoạt động của não bộ - trong đó người tham gia sẽ sống trong môi trường thí nghiệm, không giao tiếp bên ngoài trong vòng hai tuần, và đặc biệt là phải ngủ-thức theo lịch trình bất kỳ được quyết định bởi các nhà nghiên cứu, do đó sẽ hoàn toàn không có ý niệm gì về thời gian, giờ giấc. Cũng may là sau một thời gian cân nhắc kỹ, tôi đã quyết định từ bỏ “công việc” này.
Sau khoảng gần nửa năm “cày cuốc”, tôi không chỉ kiếm đủ tiền ăn ở mà còn tiết kiệm được một khoản để cùng một người bạn thuê xe đi phượt từ Adelaide sang Melbourne, Canberra và Sydney; sau đó còn mua thêm về Việt Nam được nửa vali quà và trả lại được phần tiền mẹ đã cho thêm trước khi đi. Mãi về sau này, tôi vẫn luôn tự hào và coi đó như một thành tựu đầu đời - tuy nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa lớn lao.
Sau tất cả những kỷ niệm đẹp, Adelaide tạm biệt tôi bằng một ngày mùa đông đầy nắng. Còn tôi, trong khoảnh khắc bước lên máy bay để trở về, tôi hiểu rằng thành phố này, cũng giống như Mikkeli ở Phần Lan trước kia, đã cho tôi quá nhiều cơ hội để trưởng thành.
Những bài học bên ngoài giảng đường
Sau này khi đã về nước rồi, tôi vẫn thường hay nghĩ lại về bốn thời điểm đặc biệt đó trong cuộc đời mình. Tôi thường tự hỏi liệu cậu nhóc lơ ngơ với chiếc áo phao to sụ sẽ làm gì nếu gặp trục trặc ở Hong Kong? Liệu cậu có đủ kỹ năng, và quan trọng hơn là đủ tự tin để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân? Hay cậu sẽ phải trả giá cho sự nhút nhát của mình, ít nhất là bằng tiền bạc?
Ngược lại, với cậu nhóc tóc đỏ, cậu sẽ làm gì nếu có tới 10 giờ transit ở Ba Lan?
Tôi tin rằng cậu ta sẽ vội vàng bắt xe vào trung tâm thành phố, ăn một bữa thật ngon, đi dạo một vòng thăm thú chán chê rồi đủng đỉnh bắt xe/tàu ngược lại sân bay chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo - vì thực tế thì đó chính là những gì mà tôi-khi-trở-về-từ-Úc đã làm khi transit ở Singapore.
Điều gì đã giúp tôi-tóc-đỏ tự tin hơn rất nhiều so với tôi-áo-phao chỉ sau khoảng hơn 1 năm du học? Và rồi điều gì đã giúp tôi-khi-trở-về có thể thảnh thơi tận hưởng những giây phút cuối cùng ở nước ngoài, bình thản đón nhận những thử thách trước mắt khi về Việt Nam, thay vì chỉ thu mình một chỗ, lo âu trước tất cả mọi điều như ba năm trước đó?
Sau này khi nghĩ lại, tôi nhận ra rằng sự tự tin đó không phải là kết quả của những bài giảng trên trường lớp; nó được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những trải nghiệm và điều chỉnh của mỗi cá nhân để thích nghi với cuộc sống xa nhà ở một nơi khác xa Việt Nam cả về khí hậu, văn hóa, con người... Sự tự tin đó là kết quả của những phút giây cảm thấy lạc lõng ở xứ người, của những giờ phút háo hức lên kế hoạch cho một chuyến du lịch tự túc, hay những phút giây tương tác với người bản địa trong cuộc sống thường nhật... Chẳng ai có thể tự tin nếu chưa một lần va vấp và biết rằng mọi thứ “thật ra cũng chẳng có gì ghê gớm”:
Nếu không từng phải nằm ngủ giữa bãi cỏ ở Rome chỉ vì thuê nơi ở xa trung tâm cho tiết kiệm nhưng lại không kiểm tra kỹ giờ tàu chạy, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào nhận ra tầm quan trọng của việc lên kế hoạch và phòng ngừa rủi ro trong mọi khía cạnh của đời sống.
Nếu không từng bị đặt trong tình trạng báo động về tài chính ở Úc, có lẽ tôi cũng chẳng thể nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu hay cân bằng cuộc sống để vừa có thể trải nghiệm, nhưng vẫn vừa kiếm được tiền chi trả cho trải nghiệm của chính mình. Đó là bài học về tính trách nhiệm mà có lẽ cả đời tôi sẽ không thể học nếu tiếp tục để người khác (trong trường hợp này là gia đình) phải chi trả hộ.
Cũng trong thời gian này, tôi còn học được rất nhiều từ chính những công việc chân tay tưởng như “chẳng có gì phải động não”:
Đó là tính cẩn thận, chú ý tới từng chi tiết, được ngộ ra sau những lần bị sếp mắng hoặc trừ lương khi… cọ toilet không sạch hoặc sắp xếp giường chiếu không chỉn chu.
Là sự đồng cảm và ngưỡng mộ chân thành với những người lao động khi lăn lê bò toài hái dâu giữa cánh đồng nắng cháy (hồi còn ở Phần Lan) mà hiệu suất có khi không bằng một nửa các anh/chị nông dân từ Thái Lan sang làm việc thời vụ mùa hè.
Là thái độ tôn trọng, không phân biệt và dán nhãn người khác vì chủng tộc, trình độ học vấn v.v. khi quan sát cách đối nhân xử thế và làm việc của những người xung quanh mình. Sếp ở Úc của tôi là một cặp vợ chồng Trung Quốc trẻ tuổi nhưng cực kỳ chăm chỉ và có ý chí. Điều khiến tôi học hỏi được nhiều nhất từ họ là mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, hai anh chị vẫn không nề hà gì và đều đặn đi làm từ những việc nhỏ nhất khi cần thiết. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị vợ - một cô gái Trung Quốc nhỏ nhắn với cặp kính không khác gì một cô sinh viên - mà phóng xe buýt còn nhanh và “lụa” hơn so với những tài xế nam chuyên nghiệp tôi từng làm việc cùng khi đi đổ xăng cho loại xe này.
Sau này khi về nước, chính những bài học và cách tư duy kể trên đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Ngẫm lại thì thấy đôi khi những thay đổi lớn lao lại đến từ những điều nhỏ bé và bình dị như vậy.
….
Thỉnh thoảng tôi thường nghĩ không biết mình sẽ thế nào nếu ngày đó không quyết định lựa chọn ngã rẽ định mệnh mang tên Du học. Liệu tôi có hạnh phúc và thành công hơn? Liệu tôi có tốt hơn khi được học hỏi và thành thục sớm những kỹ năng liên quan trực tiếp tới công việc và ngành mình học thay vì những kỹ năng chẳng liên quan như hái dâu, đóng hộp, lau nhà, cọ phòng vệ sinh…?
Tôi cũng không biết nữa.
Chỉ biết nếu có được lựa chọn lại, chắc chắn tôi vẫn sẽ đi. Đi để mở rộng thế giới quan cá nhân, đi để nhận ra được mình là ai, mình mong muốn điều gì trong cuộc sống. Biết đâu đấy, nếu ở Việt Nam, chắc gì tôi đã có đủ động lực và sự quyết tâm cần thiết để xây dựng Spiderum từ những ngày đầu cho tới khi có cuốn Du học ký: Vạn dặm có chi? cho các bạn đặt trước chứ?
Lỡ tay đánh rơi chiếc link đặt trước sách ở đây nè:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất