Nhạc ít người biết thì hay, nhạc trending thì dở?
Mình là một đứa hay lướt Youtube, Soundcloud tìm nghe những sản phẩm mới do các bạn trẻ Việt Nam làm, và đây là cái...
Mình là một đứa hay lướt Youtube, Soundcloud tìm nghe những sản phẩm mới do các bạn trẻ Việt Nam làm, và đây là cái ý kiến mình thường xuyên bắt gặp ở phần bình luận.
“Những bản nhạc ít người nghe lúc nào cũng hay”
”Sao những bài hay thế này lại chẳng có ai nghe, top trending toàn rác”
Bla bla bla…
(Cá nhân mình khi đọc những dòng này cảm thấy khá buồn cười, đây mình sẽ phân tích lý do)
“Nhạc ít người biết” thường là những ca khúc do các bạn nghệ sĩ độc lập chưa có tên tuổi upload trên mạng xã hội. Còn nhạc mainstream là sản phẩm của những nghệ sĩ đã có danh tiếng và đôi khi lọt vào top trending của Youtube.
Bản chất con người ta có xu hướng bênh vực kẻ yếu thế. Khoan bàn đến chất lượng thực sự của sản phẩm, vì là kẻ yếu hơn nên các bài hát 'indie' thường được +1 điểm khuyến khích. Cộng thêm 1 điểm động viên nữa vì để sản xuất ra một bài hát hoàn chỉnh thường mất rất nhiều thời gian, chất xám và tiền bạc (nhất là đối với nghệ sĩ độc lập). Mục đích nghệ sĩ 'indie' làm nhạc đa số là phi lợi nhuận, đều để thỏa mãn đam mê và tiếp cận với thính giả trẻ.
Còn sản phẩm mainstream thì khỏi phải nói, đầu tư vài trăm triệu đến hàng tỷ vì sau lưng các nghệ sĩ có một đội ngũ ekip hùng hậu, lo từ khâu sản xuất âm nhạc đến hình ảnh. Họ là những người chuyên nghiệp, và những sản phẩm chuyên nghiệp được tạo ra đa phần là phục vụ cho mục đích quảng cáo ( “Nghệ sĩ Việt Nam hiện nay kiếm tiền nhờ nhãn hàng, quảng cáo và thông qua các thương hiệu”- Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong ). Những chiếc sản phẩm ấy tiếp cận được với phần đông khán thính giả nhờ âm nhạc bắt tai, hình ảnh đẹp, chiến thuật marketing tốt. (Đơn cử là phi vụ hợp tác giữa Binz và Momo gần đây)
Bạn đã hiểu được vì sao mình lại buồn cười chưa, sự so sánh giữa hai vấn đề này quá khập khiễng. Mục tiêu sản xuất âm nhạc đã khác nhau từ điểm bắt đầu.
Một bài nhạc ‘indie’ điển hình thường chứa những nội dung về quan điểm, chất nhạc được sử dụng khá mộc mạc do không có nhiều kinh phí, màu âm nhạc mang dấu ấn nghệ thuật cá nhân, không quá bắt tai. Có thể nói đa phần những tác giả đều là người trẻ, không học qua trường lớp sáng tác. Nhạc của họ có xu hướng thừa hưởng những gì đã nghe trước đó, các "line cliché" quen thuộc và cái khiến họ được khán giả nhớ đến đó là sự khéo léo kết hợp đường nét cá nhân. Tuy nhiên, do không được học và nghiên cứu bài bản nên những sản phẩm chất lượng lại không có nhiều, và cũng không thiếu những sản phẩm hời hợt, làm cho vui. Chưa kể sẽ rất dễ xảy ra trường hợp vô tình lặp lại những giai điệu có sẵn, dù các bạn không cố ý.
Và ngược lại, âm nhạc mainstream thường áp dụng theo một công thức chung (Verse – Chorus – Verse – Chorus ), chọn sound nhạc cụ quen thuộc, catchy catchy và cực catchy. Mặc dù thường sẽ không lặp lại giai điệu đã có vì phần đông là người học sáng tác chuyên nghiệp, nhưng mô-típ phát triển bài hát lại khá cũ. Để bàn về mặt sáng tạo và mang tính cá nhân thì khá ít, nội dung là những câu chuyện không có gì mới. Nếu suy nghĩ kỹ, cũng thực khó cho các nghệ sĩ mainstream khi phần đông khán giả không quá ưa chuộng những gì mới mẻ, và họ thì cần một thứ gì dễ vô đầu để chạy quảng cáo tốt.
Song, quay lại câu hỏi đặt ra từ ban đầu, cái nào hay và cái nào dở?
Thật ra câu chuyện hay dở là ở mỗi người, mình thì không đủ khả năng để đánh giá tất cả bài nhạc trên quan điểm của từng người một. Tuy nhiên mình cực kì bài xích thái độ hạ thấp một bên để nâng bên còn lại lên nóc nhà. Rõ ràng khi thời thế thay đổi, chúng ta tiếp cận được nhiều hình dáng khác nhau của âm nhạc. Càng nghe nhiều thì càng nên mở lòng hơn, cả mainstream, underground, indie, bla blo... Mình không có ý nói bài nào cũng hay, các bạn nên nghe hết đi, nhưng rõ ràng những thái độ quy chụp cho một bộ phận nào đó xuất phát từ sự không hiểu biết đủ nhiều. Ủng hộ những nghệ sĩ trẻ là một điều tốt, nhưng không phải là nuông chiều họ quá đà để họ ảo tưởng sức mạnh. Và chúng ta cũng không nên quá dễ dãi với sự lười biếng, mì ăn liền của các sản phẩm mainstream.
Chung quy lại. Với khán thính giả thì các bạn hãy khó tính lên, nhìn nhận khách quan về chất lượng đúng của sản phẩm âm nhạc để nghệ sĩ còn cố gắng mà bỏ chất xám thực sự của họ vào. Còn với nghệ sĩ, để làm nghệ thuật nghiêm túc vẫn cần phải học, học rất nhiều và sáng tạo dựa trên đó. Chứ bản thân chúng ta mấy ai sinh ra đã là Mozart. :(
Ơ đáng nhẽ phải đặt tiêu đề là sự quan trọng của việc học trong âm nhạc chứ, ai lại giật tít kiểu này…
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất