Người lớn hay cằn nhằn con nít chỉ cái lo ăn và học thôi cũng không nên thân."Ăn" luôn đi liền với "Học" bởi lẽ khi chúng ta ăn, hoạt động chuyển hóa thức ăn được thực hiện qua nhiều giai đoạn bởi các cơ quan chức năng đảm nhận vai trò như nghiền nát, hấp thụ chất dinh dưỡng,loại bỏ và phóng thích chất thừa thãi, ô uế cũng giống như khi chúng ta học, ta lĩnh hội chuyển hóa những kiến thức của nhân loại thành của mình qua hành trình tiếp cận, khám phá, sàng lọc, tiếp thu những kiến thức có giá trị và bác bỏ những gì vô nghĩa.

 Với mình, "Ăn" và "Học" không đơn thuần như khái niệm cơ bản,thông dụng và đầy bao quát của nó. Nghĩa là "Ăn" không chỉ là hành động nạp năng lượng cho cơ thể bằng cách mở mồm cho thức ăn vào nhai rồi nuốt,chờ chúng tiêu hóa và "Học" không chỉ là việc thức dậy có mặt ở trường trước 6h45, cố gắng tiếp thu những bài học trong sách giáo khoa được BGD ban hành. Với mình, bản thân chữ "Ăn" thôi cũng có ti tỉ kiểu ăn, cách thức ăn, khái niệm ăn đa nghĩa trong nhiều ngữ cảnh như là ăn theo (bịt mõm tiếng nói chính kiến cá nhân, a dua theo người khác vì sợ khác biệt hay vì tư lợi, sĩ diện hoặc đơn giản bao biện cho sự tự ti), ăn nói ( mất 3 năm học nói nhưng mất cả đời để học cách lúc nào nên và không nên nói, cái nào nên nói và ngược lại) , ăn ở (sống sao cho không đi ngược với giá trị đạo đức khuôn mẫu xã hội, không trái với lương tâm và nom cho ra dáng Người),ăn mòn (đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ, sắc đẹp, sự đơn thuần, vô tư sau khi cọ xát với đời rồi sẽ bị phôi pha và chóng mất đi hình dáng ban đầu), ăn năn hối lỗi (cái "ăn" này "ăn" một lần nhưng hương vị cay xè và đắng ngắt thì khắc ghi dai dẳng, không phai suốt đời) ... Còn bản thân chữ "học" lại càng muôn hình vạn trạng hơn dẫu có những thứ dù không muốn học cũng phải học, nên học: cách đối xử hòa nhã ôn nhu bạn bè ngay cả khi chỉ muốn thét vào mặt nhau vì tôn trọng sự khác biệt trong nhận thức của những bản thể không- phải- là -ta, cách để giữ một mối quan hệ xã giao không xa cách cũng không quá phụ thuộc, cách tạo nên thương hiệu cá nhân trong một tập thể để khẳng định tiếng nói của mình cũng như những đặc cách ưu tiên, cách ăn mừng khi chiến thắng và cách thua không được nản, cách hiểu được rằng ai ai cũng là người "Tiêu chuẩn kép" nên chớ bất ngờ vì thái độ thất thường của họ, cách nhìn nhận và chấp nhận hai mặt của một lời nói như đằng sau một lời an ủi tinh tế là một lời trách móc khéo léo...
 Các bậc làm cha, làm mẹ hay lấy lí do mình từng là trẻ con còn trẻ con chưa từng là người lớn để thể hiện sự am hiểu của mình về việc ăn học. Tuy đã xa lắm rồi cái thời đất nước còn nghèo đói, giờ đây,xã hội phát triển, cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ, hiện đại nhưng kèm theo đó là đời sống tinh thần ngày càng chuyển biến phức tạp. Trong tháp nhu cầu Maslow, bậc thấp nhất là những nhu cầu sinh học, quyền được sống cơ bản của con người. Và đương nhiên khi đã có đủ thậm chí là thừa nhu cầu tối thiểu đó thì người ta sẽ phải tiến đến mưu cầu bậc cao hơn là những nhu cầu liên quan đến tinh thần kèm theo đó là những vấn đề phức tạp liên quan đến đời sống tinh thần phát sinh. Các bậc cha, mẹ nên quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lí con em mình trong thời đại mọi thứ đã quá khác biệt với thời còn "Hợp tác xã", "ăn no mặc ấm là đủ" thay vì chủ quan với tâm lí "Giai đoạn này mình từng trải qua rồi nên con mình cũng sẽ ổn thậm chí phải làm tốt hơn mình vì cái ăn cái mặc đã đầy đủ". Có một số những người bạn cùng lớp tìm tới mình và bày tỏ rằng mất đi sự gắn kết với gia đình khi không tìm được sự đồng cảm, vỗ về sau những giờ học căng thẳng, có những tiếng nói muốn cất lên nhưng cuối cùng lại  nghẹn lại ở cổ và tiếp tục chọn cách lặng lẽ chịu đựng những rắc rối tâm sinh lí một mình. Gia đình là gốc rễ, là bóng mát trong lành vỗ về tâm hồn, giúp ta dừng chân mỗi khi mệt nhoài trên hành trình học làm Người, lăn lộn ngoài xã hội nhưng giờ đây lại trở thành không gian ngột ngạt và đầy bốc đồng quan điểm chỉ vì thiếu sự cảm thông và thấu hiểu do thế giới quan cả hai thế hệ khác biệt và bảo thủ. Liệu việc "Ăn" và "Học" có dễ dàng và dễ chịu như cách người lớn vẫn đinh ninh và những người mất kết nối với chính nơi gọi là "Nhà" của mình có phát triển một cách bình thường, toàn diện mà không mang theo mình một sang chấn tâm lí nào cho chính con của họ mai này?