Tôi có thể được coi là một người cháu may mắn khi được ở với ông bà nội và được ông bà yêu chiều hết mực. Yêu chiều ở đây không chỉ là quan tâm chăm sóc, mà còn là ở tuổi 17, có khi sắp sửa đi làm dâu nhà khác, tôi vẫn hiếm khi phải rửa bát quét nhà, đôi khi sự chăm chỉ trỗi dậy mới nấu cơm, gấp quần áo. Tóm lại, tôi là một đứa cháu gái bị ông bà chiều hư tới mức sắp sửa không biết “nữ công gia chánh” là gì. May thay tôi vẫn biết cắm cơm và rán trứng.
          Hôm đó là 30 Tết.
          Dù có kém-chăm-chỉ đến mấy, tôi vẫn cảm nhận được không khí Tết đang tràn ngập từ nồi lá mùi đang sôi, từ cây đào chẳng may chạm nhẹ nên rụng mấy bông hoa nở sớm, nên tự nhiên trở nên lăng xăng lon ton giúp đỡ mọi người hơn ngày thường. Nghĩ lại, tôi giúp cũng nhiều việc lắm chứ. Bày mứt dừa (rồi ăn mất 1/3) này, treo những lồng đèn rồi câu đối nho nhỏ trên cây đào (rồi làm một cơ số bông hoa phải lìa cành) này, cả lau nhà quét nhà (rồi mẹ tôi phải làm lại cả hai công việc ấy) nữa. Chung quy lại, tôi có tâm, nhưng chưa có tầm.
          8 giờ tối ngày 30 Tết từ đâu đã trở thành thời gian mà người người nhà nhà đều tập trung trước TV chờ “Táo quân” lên sóng. Và gia đình tôi cũng vậy. Những tràng cười giòn tan với những câu nói tuy hài hước nhưng vô cùng thâm thúy, những câu phàn nàn “Sao quảng cáo lâu thế?”, cả những bài học được rút ra cuối chương trình, tất cả đều tạo nên món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam trước đêm Giao thừa. Ấy vậy mà bà tôi không được thưởng thức trọn vẹn món ăn này. Đang ăn dở, bà lại kiểm tra xem khay mứt đã đầy đủ chưa, ấm nước chè còn ấm không, rồi nồi măng đang sôi có bị trào không. Bà ngồi không yên nên ông dù rảnh rỗi cũng không thể để tâm vào những chuyện xung quanh đang diễn ra.
          Tôi không biết bắt đầu câu chuyện này thế nào nữa. Như thường lệ, bố mẹ và hai anh em tôi chuẩn bị đi xem pháo hoa, còn ông bà tất bật với mâm cỗ cúng Giao thừa. Thời điểm ấy, một người cháu 16 tuổi vẫn háo hức được diện quần áo mới đi xem pháo hoa (dù hơn 10 năm được xem pháo hoa rồi) nên chỉ vội vàng nói “Con chào ông bà con đi ạ” rồi chạy như bay. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn không biết mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài gà luộc ra còn gì. 16 năm đi xem pháo hoa, cũng là 15 năm tôi chưa hỏi “Ông bà không đi xem pháo hoa ạ?”.
          Có một lần tôi đã hỏi, và nhận được câu trả lời nghe có vẻ đơn giản: “Thế ai cúng Giao thừa? Với lại ông bà không thích đông đúc ồn ào. Nhà chúng mày cứ đi đi”. Tôi chỉ là tiện hỏi nên không quá suy nghĩ đến câu trả lời này. Lớn hơn một chút, là bây giờ, mới để ý. Nhà tôi đâu thiếu người cúng Giao thừa? Cũng đâu thiếu chỗ xem pháo hoa không đông đúc?
          Năm nay là năm đầu tiên tôi không quay video hay chụp ảnh pháo hoa. Tôi chăm chú ngắm nhìn từng quả pháo được bắn lên trời rồi nổ tung thành cơ số những hình thù khác nhau. Tôi cố gắng ghi nhớ từng chi tiết, từng khoảnh khắc trong 15 phút ấy vì có thể năm sau tôi không được tận mắt nhìn thấy pháo hoa nữa. Tôi muốn thời điểm ấy năm sau, tôi đang ở nhà, ngồi cạnh bà tôi cúng Giao thừa, hoặc cùng ông tôi xem bắn pháo hoa qua TV.
          Nhưng tôi không hoàn toàn tập trung vào màn bắn pháo hoa ấy. Cắt ngang sự ghi nhớ của tôi là những câu hỏi “Giờ này bà cúng xong chưa nhỉ?”, “Ông đã xuống đường hái lộc chưa?”, “Ông bà có kịp cùng nhau xem pháo hoa không?”. Tôi dù chỉ thêm một tuổi, nhưng cảm giác suy nghĩ như lớn thêm vài năm. Ở với ông bà từ khi lọt lòng, dù mới không gặp nửa tiếng, nhưng tôi nhớ ông bà đến trống rỗng đầu óc. Trong đầu tôi lúc ấy từ lâu không còn những chùm pháo lóe sáng nữa. Mặc kệ pháo hoa, tôi muốn về với ông bà!
          Năm nay cũng là năm đầu tiên tôi nhớ ai đó đến mức rơi nước mắt khi xem pháo hoa chào đón năm mới...
Hà Nội, 3h57 sáng mùng 2 Tết Kỷ Hợi
.
.
.
.
(Mọi người đọc xong cho mình ý kiến ạ, mình mới bắt đầu viết thôi)