Một người
Nếu nhìn Decision To Leave chỉ đơn thuần là một cuộc ngoại tình hay một “Quyết tâm chia tay" (tên phim bản Tiếng Việt) thì tôi cho rằng hạn hẹp quá. Phim là nhiều khoảnh khắc, nhiều cuộc tình, nhiều giọng nói và nhiều mặt người. Trong đời người, đặc biệt là những người dám thể nghiệm, việc ở trong nhiều vai diễn hay phân cảnh trớ trêu và nghiệt ngã là điều dễ hiểu. Đây có thể là sự tự quyết hoặc là một ván cờ được sắp đặt. Hoặc cũng có thể, mọi quyết định đều xuất phát từ nguyên cớ bên sau mà con người thường vô ý thức về nó. Tất cả nhân vật trong phim có thể là một cá thể duy nhất, xét trên khía cạnh hoàn cảnh. Trong những giai đoạn khác nhau hoặc tại một thời điểm đồng nhất, chúng ta có thể là người ngoại tình, người bị phản bội và người thứ ba. Tất cả những định danh đều chỉ mang tính chất tương đối. Ai cũng là kẻ xấu trong câu chuyện người khác và nhân vật chính trong thước phim đời mình. Bất cứ quan điểm nào cũng chỉ đúng tại thời điểm được phát ngôn.
Người biết
Trong một câu chuyện, luôn có người biết ít, biết nhiều, giả vờ không biết hoặc thực sự không biết gì. Sự “biết" kéo theo sự “hiểu" và bóp nát sự “ngây ngô". Khi nhận biết được người tình chính là kẻ sát nhân và lợi dụng ông để che giấu tội ác, thanh tra Hae Joon đã hoàn toàn “vụn vỡ". Mức độ “biết" cao nhất trong Decision To Leave thuộc về Seo Rae (nhân vật do Thang Duy thủ vai). Chính người đàn bà ấy đã giải thích: “Người khôn ngoan thích biển, người nhân từ thích núi. Tôi không phải kẻ nhân từ. Vậy nên tôi thích biển”. Hay theo một góc nhìn khác, sự “khôn ngoan" ấy chính là sự “biết" và sự “hiểu". Những từ ngữ đó góp dồn lại thì khác gì một nỗi chất chứa. Người quay quắt dài lâu trong niềm chất chứa vẫn thường hướng mắt về với màu xanh của biển. Dành cả đời để leo núi nhưng Seo Rae lại chọn chết ở biển cũng vì lẽ đó. Thuỷ triều dâng mất đầu một người đàn bà “trái tim lầm lỡ để trên đầu". Cảnh tượng khốc liệt nhưng huy hoàng nhất trong phim cũng chính là cảnh cuối - khi Hae Joon đi tìm người tình Seo Rae đã bị sóng nước vùi trôi cùng những bí mật mà cô trót lỡ thấu hiểu. Kẻ biết nhiều thì đoản mệnh. Đứng trước biển - trời - đời hùng vĩ, con người chợt nhỏ nhoi, ngỡ tan ra được.
Người mất ngủ
Thế giới có hai loại người. Loại mất ngủ và loại không mất ngủ. Giấc ngủ và những cơn mơ nói nhiều về một con người hơn chính lời nói của anh ta. “Con người ngay cả trong nhật ký của riêng mình cũng có thể viết những lời dối trá". Thanh tra Hae Joon tỉnh giấc 47 lần mỗi tiếng. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết: “Người ta buồn và cô đơn nhất mỗi khi thức dậy". Bao nhiêu nỗi sợ hãi, ám ảnh và bất lực lờn vờn trong giấc ngủ mới có thể gọi những linh hồn đọa đày tỉnh giấc. Một giấc ngủ vốn để né tránh hiện thực tàn khốc lại trở thành liều thuốc kịch độc phản tác dụng. Thật tội cho kẻ giật mình thon thót mỗi đêm và ước ao rằng thà đừng cố nhắm mắt. Mất ngủ và nhìn người bên cạnh mất ngủ là một trạng thái dày vò âm ỉ. Những con nước cuộn trào dữ dội hay sóng biển du dương êm đềm đều có thể mài mòn chân đá. “Nỗi buồn có thể ập đến nhanh như sóng, nhưng cũng có thể chầm chậm lan ra như mực tan trong nước”. Mỗi đêm, vẫn có những người đàn ông trằn trọc và những người đàn bà thao thức vì mộng mị. Vài cuộc làm tình liệu có thể lấp đầy nỗi cô độc? Hay phút run rẩy ngắn ngủi chỉ khiến người ta thêm thiếu thốn, ít nhất là thiếu đi những mảnh vải?
Người tình
Seo Rae là màu đỏ. Mặc dù, màu sắc của cô trong mắt người tình là xanh lá - xanh dương, nhưng có lẽ đấy là màu cô muốn Hae Joon thấy. Seo Rae đối với tôi vẫn đàn bà nhất trong chiếc váy đỏ thẫm màu máu. Người đàn bà ấy là một tình nhân hoàn hảo. Sau khuôn mặt bướng bỉnh là sự biết điều đến khó tin. Nàng chấp nhận len lỏi ở một ngóc ngách nào đấy trong trái tim những người đàn ông đi qua đời nàng. Đoạn đối thoại cuối cùng trước khi Seo Rae tự chôn sống mình diễn ra như sau:
- Đoạn ghi âm đó anh nói: “Anh yêu em". Em thích nó lắm, nên em nghe nó mỗi ngày.
- Anh đã nói anh yêu em bao giờ?
Đoạn băng ghi lại câu nói thừa nhận Hae Joon đã từ bỏ lòng kiêu hãnh của một cảnh sát để bảo vệ người tình.
- Khoảnh khắc đó, khi tình yêu trong anh kết thúc cũng là lúc tình yêu trong em bắt đầu.
Nàng còn chẳng cần một lời tuyên bố hay khẳng định. Tình yêu của nàng vì thế chưa một lần tròn vẹn. Đàn ông có thể thích thú một thiếu nữ, nhưng khó có thể quên một người đàn bà. Seo Rae là một người đàn bà. Mùi đàn bà tỏa ra trên nét mặt u sầu, ngón tay chai sạn và ánh nhìn đau đáu. Nàng nhạy cảm đến từng tiếng thở và hiểu chuyện theo từng làn khói thuốc tư lự, vì thế mà nàng bất hạnh.
Nói Seo Rae là một người đàn bà biết điều có lẽ chưa đủ. Nàng còn điên nữa. Nụ cười khó hiểu khi thẩm vấn như ám thị một ý nghĩ thao túng tinh ranh. Seo Rae quả đã làm thế. Nhưng trả thù lúc nào cũng phải đào hai mồ chôn. Chính tay nàng nhóm lên ngọn lửa tình cuồng nộ và tự thiêu đến tàn lụi trong đó. Cũng đáng, vì nàng tìm thấy khoái cảm trong sự chết chóc đó. Khoái cảm của Seo Rae là sự đau thương. Nàng cần những chuyển động dữ dội, mãnh liệt và kịch tính để biết bản thân còn tồn tại. Tình yêu của nàng không phải một cuộc hôn nhân (dù nàng đã có đến hai đời chồng) mà là một cuộc ngoại tình. Ở những góc nhìn khác nhau, Seo Rae lại ướm lên hình hài nhỏ bé những vai diễn đối lập. Nàng có thể là một góa phụ tội nghiệp - một kẻ sát nhân máu lạnh, một người vợ mẫu mực - một người tình không đoan chính, một người đàn bà đáng thương - một nữ nhân tội lỗi. Tay nàng nhuốm máu nhưng trái tim nàng rỉ máu.
Seo Rae thà nhận nỗi căm hận còn hơn bị lãng quên; thà trở thành vụ án không có lời giải duy nhất trong lòng viên thanh tra còn hơn thuộc quyền xử án của người tình; thà chết đi để mãi là niềm nhớ còn hơn sống như một phần đời người khác.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất