Mình viết bài này sau khi đọc bài “Ranh giới giữa sự trưởng thành và trẻ con” của bạn Giang Anh NC’. 
Bài viết của mình là để bổ sung thêm về khái niệm sự trưởng thành. Bản thân mình không đồng ý với việc cho rằng khái niệm trưởng thành là tùy vào mỗi người. Đúng, mỗi người khác nhau có thể suy nghĩ khác nhau về sự trưởng thành nhưng sự trưởng thành thực sự là chỉ có một.
Một trong những yếu tố cốt lõi tạo ra ranh giới giữa người trưởng thành và một đứa trẻ là sự biết giới hạn của bản thân mình, thuật ngữ tiếng Anh trong ngành tâm lý học là “ego boundaries” (bạn cũng có thể dịch là ranh giới cái tôi, nhưng mình thì dùng từ “bản thân”). Biết được giới hạn của bản thân không phải là điều duy nhất giúp tạo nên một người trưởng thành, nhưng nó là một trong những yếu tố cốt lõi.

Để hiểu rõ về điều này, hãy quan sát những trẻ em sơ sinh chỉ mới vài tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu về tâm thần học đã kết luận rằng những trẻ sơ sinh vài tháng tuổi không phân biệt được thế giới của mình và thế giới xung quanh nó. Nói ngắn gọn, đứa trẻ cảm thấy nó và vũ trụ là một. Khi nó cử động tay hoặc chân, thế giới chung quanh nó dường như cũng di chuyển theo. Khi đứa bé thấy mẹ nó di chuyển, nó cảm giác như nó cũng đang di chuyển. Khi nó đói, thế giới cũng như bị đói. Nó không thể phân biệt được bản thân nó và những thứ xung quanh như chiếc nôi, cái gối, căn phòng. Sinh vật sống và đồ vật dường như là cùng một thứ, nó và ba mẹ nó như là một. Nó không có khái niệm “bản thân”.
Vì đứa trẻ không phân biệt được nó và thế giới chung quanh nó, nó tưởng rằng ý muốn của nó là mệnh lệnh của mọi người xung quanh. Nhưng rồi khi đứa trẻ lớn, nó bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn và bắt đầu tách biệt bản thân nó ra khỏi thế giới chung quanh. Khi nó đói, không phải lúc nào mẹ nó cũng có thể cho nó ăn được. Khi nó muốn vui chơi, không phải ba mẹ nó cũng sẵn sàng chơi với nó. Đây là một quá trình dài và khi càng lớn, quá trình này càng phát triển theo hướng tâm lý hơn là hướng phân biệt thế giới xung quanh.
Tuy nhiên quá trình này có thể bị tác động bởi các bậc cha mẹ. Những đứa trẻ hai tuổi tuy đã hình thành được cảm nhận về thế giới chung quanh, chúng vẫn bị tác động bởi suy nghĩ rằng ý muốn của chúng là mệnh lệnh của cha mẹ. Chúng sẽ vòi vĩnh, kêu khóc, yêu cầu cha mẹ mua cho chúng một món đồ nào đó bằng mọi giá, nếu không chúng sẽ bỏ cơm, nằm khóc dưới đất. Và cách phản ứng của cha mẹ sẽ tác động tới những đứa bé sau này. Nếu các bậc cha mẹ càng dứt khoát nói không càng nhiều và càng sớm thì họ sẽ càng giúp đứa trẻ hiểu được giới hạn bản thân của nó hơn. Nhưng nếu các bậc cha mẹ tỏ vẻ thương xót và đầu hàng trước những tiếng kêu gào của đứa trẻ, thì các bậc cha mẹ càng giúp nuôi dưỡng khái niệm “giới hạn bản thân vô hạn” của đứa trẻ.
Quá trình hiểu về giới hạn bản thân không chỉ chấm dứt khi một đứa trẻ đi học hay chúng dậy thì, nó sẽ kéo dài cho đến khi người đó nhận ra rằng anh ta cần có một ranh giới nhất định cho bản thân mình. Ranh giới đó là ranh giới về khả năng, năng lực, cũng như ranh giới trách nhiệm. Một người hiểu rõ ranh giới về bản thân mình biết rằng cái gì thực sự là của mình, thuộc về mình, khả năng của mình là gì.
Hãy nghĩ về tuổi học trò của bạn, bạn đã bao giờ say mê ai đó như điếu đổ, nhớ nhung da diết cô bạn lớp trưởng hay anh chàng ăn diện ngầu nhất lớp? Và rồi cái cảm giác bị gục ngã bởi ai đó, và trở thành bạn trai bạn gái của người đó, nó có phải đẹp như câu chuyện cổ tích? Khi bạn yêu say đắm một ai đó, hay một món vật nào đó, hay là một ban nhạc, câu lạc bộ bóng đó nào đó, thì là bạn đang mở rộng ranh giới của bản thân. Bạn lúc đó không chỉ quan tâm tới bản thân mình, tình cảm của bạn vượt quá bản thân. Cái tôi của bạn lúc đó không chỉ bao gồm bạn mà còn bao trùm những người, những thứ mà bạn đang yêu quý.
Trong khi việc mở rộng cái tôi, cái ranh giới của bản thân khiến bạn cảm thấy yêu đời hơn, hung phấn hơn và phấn khích hơn về cuộc sống, việc không kiểm soát được ranh giới của bản thân mình tạo ra nhiều rắc rối cho bạn. Bạn dễ ghen tuông khi người yêu đi với người lạ khác giới, và còn trò chuyện vui vẻ với người đó. Bạn dễ phát bực khi người đó trả lời tin nhắn của bạn chậm, hay là bạn bắt người đó phải xóa hết hình đứa bạn ghét trong điện thoại của người đó. Bạn không lắng nghe người đó nói, gạt đi ý kiến đó và luôn khẳng định rằng người đó tốt nhất là làm theo ý bạn.
Rõ ràng lúc đó bạn không khác gì đứa trẻ lên 2, lên 3 suy nghĩ rằng ý muốn của mình là mệnh lệnh cho người khác. Bạn không nhận ra rằng bạn có cuộc sống của riêng mình và người yêu bạn cũng cần có những khoảng riêng trong cuộc sống. Bạn không nhận ra rằng bạn không có quyền gì và không thể kiểm soát cuộc sống của người khác, cho dù đó là người yêu của bạn. Tình yêu là dựa trên sự tôn trọng và tự nguyện đến với nhau, chứ không phải là ràng buộc.
Ở một xã hội mang đậm tính cộng đồng như Việt Nam và nhiều nước Á Đông, chúng ta không nhấn mạnh về khái niệm bản thân, cá nhân cũng như ranh giới của mỗi người, mà chúng ta nhấn mạnh về lợi ích cộng đồng, tập thể, và khuyến khích mọi người quên đi sự khổ cực của bản thân mình. Trong khi đúng là lợi ích tập thể là vô cùng thiết yếu cho sự phát triển xã hội, nhưng nếu chúng ta bỏ qua lợi ích của những cá nhân trong đó, thì chúng ta chỉ có một tập thể yếu.
Chính vì sự ảnh hưởng mạnh trước hết là từ văn hóa, sau đó đến thể chế chính trị, chính sách giáo dục mà có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội Việt Nam có nguyên nhân từ việc không phân biệt rõ được giới hạn của bản thân.
Ví dụ tiêu biểu như việc bảo bọc con cái trong xã hội Việt Nam, khiến những đứa trẻ khi lớn ra ngoài xã hội chỉ là những con người yếu đuối, hay lo sợ. Các bậc cha mẹ, như những đứa trẻ dưới 2 tuổi, không phân biệt được thế giới của riêng mình và thế giới của con mình. Họ coi nó như là một, và ép đứa trẻ phải nghe theo ý mình. Ý muốn của họ là mệnh lệnh cho đứa trẻ, và trong trường hợp này, nền tảng đạo đức xã hội ủng hộ họ. Làm sao đứa con dám cãi cha mẹ? Họ nghĩ rằng thứ họ cho là tốt nhất cho họ sẽ là thứ tốt nhất cho đứa trẻ. Điều đó dẫn đến việc cha mẹ ép con học ngành mà họ muốn, chứ không quan tâm đến việc đứa con nghĩ gì hay năng lực của nó đến đâu.
Ở nhà là vậy, ở trên lớp thì lũ trẻ gặp phải vấn đề với giáo viên của mình. Có rất nhiều giáo viên tự cho phép quyền hạn của mình bao trùm lên đứa trẻ, và giáo viên muốn gì, muốn làm gì là đứa trẻ phải nghe theo hoặc chịu đựng. Có vô vàn các câu chuyện về việc học sinh bị xúc phạm, sỉ nhục, bị đánh, bị sỉ vả. Đó chẳng phải là vì người giáo viên tin rằng ranh giới của cô ta bao trùm lũ trẻ, rằng ở trường học thì thế giới của lũ trẻ cũng là thế giới của cô ấy, thầy ấy. Thầy ấy muốn coi thư từ riêng tư là lục coi, bắt đứa trẻ phải quỳ là đứa trẻ phải quỳ, mặc cho việc đó có hợp với quy định của trường hay không. Tất nhiên là họ sẽ nhân danh rằng việc đó là để giáo dục, dạy dỗ đứa trẻ trong khi thực tế họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn sự tức giận, thậm chí là ghen ghét, trong con người họ. Đứa trẻ lúc đó nằm trong thế giới của giáo viên, và giáo viên cảm thấy họ có quyền làm gì trong thế giới riêng của họ cũng được.

Hay trong năm 2015, ở Bình Phước xảy ra chuyện thảm sát 6 người trong căn biệt thự. Thủ phạm cầm đầu băng nhóm giết người là Vũ Văn Dương và nguyên nhân là để trả thù việc gia đình cô người yêu Lê Thị Ánh Linh, cũng là nạn nhân, ngăn cấm hai người đến với nhau. Trong trường hợp này ta thấy rõ một lần nữa cha mẹ của chị Linh đã cho rằng mình có quyền kiểm soát cuộc đời của con gái mình, còn anh Tiến thì không nhận ra rằng dù muốn thế nào anh ta cũng không thể có được thứ anh ta muốn. Thay vì chấp nhận thực tế và giới hạn của sự việc, anh ta đã cố vượt qua nó và đã gây ra thảm kịch, cho gia đình chị Linh cũng như anh ta và những người anh ta rủ tham gia.
Những ví dụ kể trên chỉ là một số ít trong vô vàn những vấn đề xảy ra trong xã hội Việt Nam, một xã hội đầy rẫy những người lớn mà không lớn, những người không biết vị trí của bản thân mình trong thế giới họ đang sống.

Bài viết này không nhằm nói rằng chúng ta không mở rộng giới hạn bản thân hay là thu hẹp nó lại. Bài viết này nhằm nói rằng một người không thể gọi là trưởng thành nếu anh ta không thực sự biết được giới hạn của bản thân mình, hoặc ít nhất là dành ra nỗ lực để tìm ra giới hạn đó. Thực tế cuộc sống luôn thay đổi và do đó giới hạn của mỗi người chúng ta cũng thay đổi, do đó không có gì lạ khi chúng ta phải luôn nỗ lực tìm ra giới hạn của bản thân mình, để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn phù hợp với khả năng của mình.
Trưởng thành không phải là khái niệm nhị nguyên: trưởng thành và không trưởng thành. Trưởng thành là một quá trình dài và chia ra nhiều mức độ, có người đã vô cùng trưởng thành, có người nửa trưởng thành nửa không, có người hoàn toàn mãi trong vỏ bọc con nít. Và để trưởng thành, một người cần phải nỗ lực tìm ra được và hiểu được ranh giới bản thân của chính mình.
Bài viết này mình có dùng tư liệu tham khảo từ sách The Road Less Traveled của Bác sĩ Scott Peck. Đây là một quyển sách rất hay viết về sự phát triển nhân cách của con người, bao gồm về tình yêu, giá trị bản thân, tôn giáo. Nếu các bạn đọc bài này và ủng hộ, mình sẽ dịch và viết thêm nhiều bài khác tương tự dựa trên sách này.
Husky