/Thực sự không biết/
Bố tôi hay bảo “Không biết không có tội”, đó là một trong những câu nói tôi hay dùng để tự an ủi trước sự ngờ nghệch của mình.
Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh lên thập giá, Ngài đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha hãy tha thứ cho họ, họ không biết mình đang làm gì.”
Không biết, không có tội. Nhưng thoạt tôi nghĩ, phần lớn mọi người đều “không biết”, đều vô minh trước khi họ tiếp cận với hiểu biết. Họ vẫn sẽ luôn “không biết” cho đến khi họ tìm đường đến chân thiện. Có lẽ vì thế mà người ta luôn tin vào sự bao dung của Chúa, của Đức Phật, của các vị thánh thần, bởi vì các Ngài phải có một tấm lòng bao dung quá đỗi mới có thể luôn tha thứ cho chúng sinh, trong khi hầu hết chúng sinh đều vô minh, hầu hết chúng sinh đều không biết mà phạm tội. Thực, tôi thiết nghĩ, số người không biết mà phạm tội có lẽ sẽ nhiều hơn số người biết mà vẫn phạm tội.
Có lần tôi nghe người lớn than thở khi bước vào quãng thời gian khó khăn: “Mình ở hiền mà chẳng hiểu sao không gặp lành, chẳng hiểu sao vẫn khổ thế này...” Có phải, vì họ đã không biết mà phạm tội hay không? Có phải họ nói mình “ở hiền” nhưng cũng chưa định nghĩa được “ở hiền” là như thế nào, hay nói đúng hơn, là định nghĩa “ở hiền” của họ có lẽ chưa đúng với định nghĩa “ở hiền” nơi chân thiện. Có một câu chuyện rất phổ biến trong các đề bài nghị luận xã hội: chuyện kể về một cậu bé thấy chú bướm đang giãy dụa thoát khỏi vỏ kén, cậu thấy chú cực nhọc quá, bèn rạch một đường ở kén để chú bướm có thể chui ra dễ dàng hơn; nhưng cậu không hay biết chú bướm buộc phải trải qua sự giãy dụa đó, để chất dịch từ vỏ kén thấm vào cánh, từ đó chú bướm mới có thể bay; sự trợ giúp của cậu xuất phát từ thiện ý, nhưng lại khiến chú bướm đó cả đời không bay được nữa. Thế là “ở hiền”, hay gây tội? Không biết, không có tội? Có lẽ, người ta chỉ có thể an tâm với sự không có tội đó chừng nào người ta không biết, đến khi người ta biết, người ta sẽ mặc cảm vì tội lỗi của mình. Nếu tôi là cậu bé, tôi hồn nhiên khi không hay biết chú bướm cần tự thoát ra khỏi vỏ kén để có thể bay, thậm chí tôi còn ngạc nhiên không hiểu sao chú lại không bay được nữa sau khi mình giúp chú, nhưng nếu sau đó tôi biết, tôi nghĩ mình không thể xoa dịu bản thân “không biết, không có tội”.
Tôi nghĩ mình không thể xoa dịu bản thân “không biết, không có tội”.
/Được chỉ cho biết vẫn làm như không biết/
Trong vở bi kịch “Antigone” của kịch gia Sophocles, vua Creon đã hạ lệnh không được chôn cất Polynices vì anh ta đã dẫn quân tấn công thành quốc của mình trong cuộc tranh giành quyền lực với anh ruột của anh ta, trong khi anh trai anh ta – Eteocles đã chiến đấu để bảo vệ thành quốc. Sắc lệnh này trái với điều luật của thần linh, rằng người chết cần được chôn cất bất kể họ đã sống như thế nào. Antigone, em gái người không được chôn cất vì không thể làm ngơ khi thân xác anh trai mục ruỗng, đồng thời không thể làm ngơ trước điều luật của các thần linh, đã chôn cất anh trai bất chấp lệnh cấm của nhà vua. Vua Creon tức giận vì cho rằng Antigone thách thức quyền uy của mình, đã hạ lệnh chôn sống Antigone mặc cho lời khuyên răn của những người xung quanh. Cuối cùng, sau khi nghe lời phán truyền của một nhà tiên tri già trong vương quốc về hậu quả kinh hoàng có thể xảy ra với thành quốc, vua Creon đã quyết định chuộc lại lỗi lầm bằng cách chôn cất Polynices và thả Antigone. Nhưng đã quá muộn, vua Creon phải trả một cái giá đắt khi đồng thời mất đi con trai và người vợ yêu quý.
Trong vở bi kịch “Antigone”, vua Creon đã quá cứng nhắc với nguyên tắc và quyền uy của mình, làm ngơ trước lời khuyên bảo của những người xung quanh. Ông được chỉ cho biết, nhưng đã không nhận thức được điều nên biết này. Mãi cho đến khi vị tiên tri già đã từng tiên đoán chính xác rất nhiều sự kiện quan trọng của thành quốc cất lời, nhà vua mới hoảng hốt và tin tưởng, nhưng bấy giờ đã muộn.
Lúc đó mình đã thắc mắc, vì sao vua Creon đã thay đổi quyết định nhưng vẫn phải chịu trừng phạt? Sau đó mình đã nghĩ, bởi vì vua Creon thay đổi quyết định vì e sợ trước lời tiên tri, chứ không phải vì tự thân ông hiểu ra lý do nhân đạo của hành động này. Phải đến khi chính ông mất đi người thân ruột thịt, hiểu được nỗi đau lòng khi mất đi những người thương yêu nhất, ông mới hiểu vì sao Antigone lại hành xử như vậy, vì sao thần linh lại đề ra những điều luật như vậy.
/Trả giá vì mục đích tốt?/
Plato (ẩn mình sau hình tượng Socrates) đã trình bày trong triết phẩm “Cộng hòa” rằng nếu thần linh là đại diện cho điều tốt lành, cho điều thiện, thì tại sao thần linh lại hiện lên trong các tác phẩm thi ca với động thái trừng phạt người làm sai? (Mình không chắc mình dẫn giải đúng về ý của Plato) Tức là tại sao thần linh đại diện cho điều tốt lành, điều thiện, lại thi hành một hành động làm người khác khổ sở (trái với tốt lành, thiện). Như vậy có nghĩa là dù là trừng phạt, thì cũng là với mục đích để con người trở nên tốt hơn.
Mình ngẫm nghĩ điều này cũng đúng. Nếu vua Creon không phải đối diện với cái chết của con trai và vợ, rất có thể ông sẽ cố chấp cả đời với những sắc lệnh nhằm bảo vệ quyền uy tuyệt đối của mình. Một vị vua bảo thủ, cố chấp, chuyên quyền có thể gây họa cho thành quốc. Như vậy, sẽ làm hại không biết bao sinh mệnh.
Càng ngày mình càng nhận ra là mình cần học rất nhiều thứ ở đời này để dần dần cởi trói bản thân khỏi vô minh.
Mình hay nói đùa là tự ăn hành trước đi để khỏi bị đời hành. Mình chưa tìm hiểu về thần học hay tôn giáo, nên mình hay thường nói là do đời khiến mình trả giá để mình hiểu. Tại vì, quả thực có nhiều điều, sau khi mình trả giá, mình trầy da tróc vẩy với cái giá đó, mình mới nhận ra điều gì nên hơn và điều gì không nên hơn. Sự trả giá đó, hay sự trừng phạt đó, có lẽ cũng với mục đích để mình tốt lên. Nên mình mới hay tự cổ vũ bản thân là hãy tự cố gắng tốt lên ngay lúc này đi, nếu cứ sa đọa đến lúc đời không nhìn nổi mà ra tay, thì hậu quả chưa chắc mình gánh nổi đâu.
Càng ngày mình càng nhận ra là mình cần học rất nhiều thứ ở đời này để dần dần cởi trói bản thân khỏi vô minh. Liệu có cởi trói hoàn toàn được hay không thì mình cũng không chắc và nhiều khả năng là không được. Nhưng mình hiểu (hoặc có lẽ đúng hơn là đang nỗ lực hiểu) và nhắc nhở về sự bất toàn và “không biết” của bản thân, để mình đừng ngừng học hỏi, để mình đừng hùng hổ cự cãi khi bất kể ai phát ngôn điều gì trái với hiểu biết và quan niệm hiện có của mình. Mình nỗ lực hiểu và nhắc nhở về sự bất toàn và “không biết” của bản thân, để hiểu sự sống là một hành trình dài mà mình không đoán định được, (có lẽ) cũng không đạt đến chân lý cuối cùng được, nhưng sẽ luôn tiếp tục cố gắng tốt hơn mỗi ngày, hiểu thêm chút ít, rồi lại chút ít, dần dần, từng chút một.
Bài viết này được gợi cảm hứng và tham khảo từ bài viết của chị Thân Trang: https://trangthan.wordpress.com/2019/11/06/em-co-biet-minh-dang-lam-gi-khong/