Không ở cùng cha mẹ có phải bất hiếu?
Hôm nay tình cờ đọc được một bài nói về việc MC Quyền Linh chỉ trích một chị gái là bất hiếu , do chị ý đã kể lại câu chuyện về sự...
Hôm nay tình cờ đọc được một bài nói về việc MC Quyền Linh chỉ trích một chị gái là bất hiếu, do chị ý đã kể lại câu chuyện về sự khác biệt trong quan điểm và suy nghĩ của mình với mẹ, từ đó, hai mẹ con bất hòa và không còn sống chung một mái nhà nữa.
Lúc đọc được những lời của MC Quyền Linh, tôi đã cảm thấy không được thoải mái lắm.
Trích lời MC Quyền Linh: “Hành động khóc của bạn chẳng qua để giải tỏa sự bức xúc trong lòng chứ không phải vì nghĩ cho mẹ. Bạn luôn muốn giành được phần thắng với mẹ chứ không bao giờ chịu thua mẹ. Chỉ riêng hành động lấy xe chở mẹ về quê đã đủ khiến tôi thấy bạn bất hiếu vô cùng. Tại sao bạn lại để một người già 70 tuổi bỏ về ngay trong đêm như thế? Bạn về nhà có ngủ nổi không?".Link bài viết: https://bit.ly/3hp3g3R
Dựa trên quan điểm của bản thân tôi:
- Khoảng cách về địa lý không minh chứng cho tình yêu thương.
- Gần hay xa là khoảng cách của hai tâm hồn.
- Nếu ở xa giúp đôi bên đều thoải mái và dễ thở, thì đó không phải lựa chọn tồi.
- Khi sự ngột ngạt giữa hai quan điểm đang làm bạn và cha mẹ dần “xa cách” thì việc “cách xa” một thời gian có thể sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn.
- “Xa thơm gần….” thực sự có thể áp dụng lên rất nhiều mối quan hệ (theo một cách tích cực)
Gia đình nên là nơi giúp chúng ta thoải mái và được là chính mình, được vỗ về, được che chở, được đồng cảm, được lắng nghe, chứ không phải là nơi mà tất cả đều phải “chịu đựng” lẫn nhau.
Sự khác biệt luôn tồn tại trong mỗi cá thể, đặc biệt là giữa hai thế hệ: cha mẹ - con cái, khác như thế nào, khác về điều gì, chắc hẳn ai cũng biết rồi.
Không thể phủ nhận, có rất nhiều phụ huynh cởi mở và phóng khoáng với tư duy hợp thời, tân tiến còn hơn cả thế hệ trẻ bây giờ. Nhưng ngược lại, thế giới luôn không chỉ vận động theo một chiều. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới mối quan hệ của những “người con” với những bậc cha mẹ “không thể nói chuyện”.
Có thể sẽ có người nói tại sao con cái không thể cùng ngồi lại với cha mẹ và nói chuyện thẳng thắn, nhẹ nhàng bày tỏ ý kiến và góp ý cho nhau, để cùng thay đổi và vun đắp tình cảm. Bạn à, nếu bạn có thể làm điều đó, tôi chúc mừng bạn, thật lòng, đó là việc ai cũng muốn làm. Không ai muốn từ bỏ gia đình của mình, không ai muốn thờ ơ với người đã sinh thành, nuôi dường mình, không ai muốn ôm sự dày vò, dằn vặt về đạo đức khi bị nói là bất hiếu cả. Nhưng, có những bậc phụ huynh không thể nói chuyện cùng là sự thật.
Quan điểm, lối sống của một người được hình thành bởi sự giáo dục, môi trường sống, trải nghiệm cá nhân. Trải nghiệm của mỗi người khác nhau dẫn tới quan điểm khác nhau. Ai đó có thể đúng trong thế giới quan của họ, nhưng không đúng trong thế giới quan của người khác. Một người cả đời gặp toàn người xấu sẽ không bao giờ lạc quan vào bất cứ mối quan hệ nào. Ngược lại, một người luôn được “quý nhân phù trợ”, thuận lợi trong mọi việc sẽ khó mà mất niềm tin vào cuộc sống. Ai đúng – ai sai? Chẳng ai nói rõ được. Chúng ta không sống trong thế giới của nhau. Chúng ta không cùng trải nghiệm. Chúng ta không đau giống nhau. Chúng ta không mạnh mẽ như nhau. Chúng ta không có sức chịu đựng giống nhau. Và do vậy, khi chúng ta ở bên nhau, yêu thương nhau, thì đó là một sự lựa chọn cùng nhau chấp nhận, cùng nhau thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ. Nếu không thể chia sẻ, thì phải làm sao? Nếu không thể lắng nghe, thì phải làm thế nào? Nếu tự bản thân luôn cho rằng mình đúng, thì đó có phải sự bảo thủ bất biến và sẵn sàng chấp nhận những rạn vỡ trong tình cảm đôi bên không? Vậy trước khi cả hai cùng “lên gân”, ai nên là người nhường một bước? Nếu không ai nhường bước, vậy chúng ta tạm xa một chút để có không gian thở và cùng bình tĩnh lại được không?
Cha mẹ có tuổi rồi luôn cần người săn sóc, bầu bạn, nhưng để tránh xung đột khó hòa giải, có thể có một giải pháp khác: Hãy ở riêng nhà trong cùng một phạm vi địa lý nhất định. Như vậy, bạn sẽ không mất liên lạc với cha mẹ, thỉnh thoảng định kì có thể sang thăm hỏi và chăm sóc họ, đồng thời bạn vẫn có không gian riêng để sinh hoạt theo lối sống của mình.
Tôi không nghĩ rằng MC Quyền Linh nên nói chị gái kia là “bất hiếu”, tốt hơn hết hãy đào sâu thêm một chút, nói chuyện thêm một chút, hãy giúp chị gái ấy nhìn vào nội tâm của chính mình và tìm ra câu trả lời, cũng như cách giải quyết cho chính câu chuyện của chị ấy. Người ngoài cuộc đừng tự cho mình là sáng suốt, người trong cuộc cũng đừng nên biến mình thành nạn nhân. Khi tự kể câu chuyện của mình, thì bạn luôn luôn nhận vai chính diện.
Trước đây, rất lâu rồi, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết có tên là “Momo” kể về một “Cô bé luôn có thời gian và khả năng lắng nghe người khác”. Đặc biệt, Momo không bao giờ ngắt lời người kể chuyện, không bao giờ cho lời khuyên, cô chỉ ở đó, yên lặng, lắng nghe, và kì lạ là những người kể chuyện cho Momo luôn tự tìm được câu trả lời cho những vấn đề của mình. Tôi đã học được là, chúng ta đừng vội phán xét câu chuyện của bất cứ ai. Có những khi chúng ta kể một câu chuyện, nói lên nỗi lòng của mình với ai đó, không phải mong cầu được cho lời khuyên, có thể đơn giản là bản thân chúng ta đã tự biết rõ đáp án, chỉ là ở một khoảnh khắc nào đó, chúng ta chưa dám hoặc chưa sẵn sàng, hoặc cũng có thể, chúng ta chưa kịp nghĩ ra câu trả lời cho chính mình thì đã bị người khác áp đặt ý kiến của họ rồi.
Khi xã hội cởi mở hơn, tiến bộ hơn, rất nhiều giá trị đạo đức cũng được nhìn nhận lại. Có rất nhiều khảo sát được thực hiện trên số đông, lấy ý kiến đa số để đưa ra kết luận. Nhưng số đông ấy là bao nhiêu? Vài chục nghìn người hay 1 triệu người? Nghe nhiều nhỉ! nhưng so với dân số toàn thế giới nó là một con số quá nhỏ bé. Cơ bản nó vẫn chỉ là thiểu số thôi!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất