Nho giáo trong xã hội hiện đại được coi là một học thuyết kìm hãm sự phát triển, học thuyết của sự cổ hủ đến từ quá khứ. Thậm chí, trong một giai đoạn Nho giáo còn bị bài xích và lên án mạnh mẽ. 
“Có bột mới gột nên hồ” Phát triển bền vững nhất, sinh ra được nhiều giá trị chính là phát triển từ chính bản thân mình. Làm thế nào để bản thân phát triển cốt lõi vẫn chính là giáo dục. Với danh xưng “Vạn thế sư biểu”, triết lý Nho giáo khởi nguồn từ Khổng Tử đã trở thành triết lý giáo dục của thế giới đương đại. Vậy nên, để có được nền tảng tốt hãy làm bạn với Nho học. 

Tại sao lại là Nho giáo mà không phải bất cứ học thuyết nào khác?

Không phủ nhận một điều, ngoài Nho giáo chúng ta có thể lấy vô số học thuyết khác thay nhằm thúc đẩy giáo dục: Thuyết hiện sinh, thuyết trường tồn, thuyết tiến bộ,...Những học thuyết này đều có tính hữu dụng, tính thực tiễn cao. Nhưng để áp dụng những học thuyết đó vào xã hội Việt Nam, một xã hội bị chi phối bởi yếu tố làng xã, khi chúng ta chưa thuần thục sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. 
Thậm chí, việc áp dụng khi chưa nắm vững và không đúng lúc còn sản sinh ra nhiều yếu tố tiêu cực. Trong xã hội ngày trước khi yếu tố Nho học còn có sức ảnh hưởng ít nhiều, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy việc học sinh đánh chửi giáo viên của mình mà thay vào đó chỉ tràn ngập sự tôn kính. Trên mạng xã hội cũng sẽ chẳng lan truyền câu nói “Không phải người già nào cũng đáng kính, trẻ con nào cũng đáng yêu”. 
Có nhiều yếu tố để dẫn đến vấn đề như trên, nhưng có một lý do mà chúng ta có thể thấy dễ dàng nhất chính là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Kẻ bề trên chưa có đủ tài đức xứng đáng để kẻ bề dưới ngước lên noi theo thì làm sao giữ được vị trí, giữ được quyền cai quản với người dưới. Sẽ chẳng trách được người dưới lộng hành ngang ngược, xúc phạm bề trên. Nhưng nếu người bề trên mà rèn giũa bản thân mình hàng ngày, làm cho bản thân mình phù hợp với vị trí của mình thì sẽ chẳng kẻ dưới nào dám tiếm quyền làm bừa. Không những vậy, người trên sẽ trở thành tấm gương, mục tiêu phấn đấu cho kẻ dưới noi theo. 
Nho giáo đã được sùng thượng hơn hai ngàn năm nay, chúng đồng hành cùng với tiến trình phát triển của dân tộc xây dựng một thể chế xã hội và duy trì trật tự. Vậy nên, chúng ta sao lại phải mất thời gian đi xây dựng một hệ thống mới sau đó đón nhận hậu quả. Từ đó tiến đến chỉnh sửa bổ sung để phù hợp với xã hội. Không bằng, chúng ta xây dựng từ cái đã có, làm rõ và bổ khuyết những điều còn thiếu nhờ vào các học thuyết bên ngoài. 
Thời đại công nghệ, thế giới phẳng là điều kiện tốt để cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện hơn. Họ ý thức được giá trị, quyền tự chủ của bản thân và khao khát khẳng định bản thân hơn bao giờ hết. Thế nhưng, vấn đề này sẽ dẫn đến kết quả tiêu cực nếu như không nhận ra đâu là giới hạn của hành động: Đâm chém người chỉ vì những xích mích nhỏ, đua xe sử dụng vũ khí lạnh,..Nhưng nếu chúng ta sử dụng Nho giáo như một bàn đạp xây dựng hệ tư tưởng hành động sau đó bổ sung bằng những học thuyết khác thì sẽ hạn chế được những điều như vậy xảy ra. Dù có phóng túng bản thân nhưng hành động bên ngoài sẽ tự ý thức không vượt quá khỏi khuôn khổ của đạo đức, không vượt quá những giới hạn cơ bản được đề ra trong quá trình giáo dục hình thành nhân cách. “Quân tử kiến đức tu nghiệp. Trung tín, sở dĩ tiến đức dã; tu từ, lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp dã. Tri chí chí chi, khả dĩ cơ dã; tri chung chung chi, khả dữ tồn nghĩa dã”: Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín là đế tiến đức; tu tinh ngôn từ để lập cái thành thực của mình, là để để giữ vững cái nghiệp vậy. Biết chỗ đến mà đến chỗ ấy, là có thể gần tới đức, biết chỗ cuối cùng mà suốt đời giữ vững là có thể giữ cho còn cái nghĩa vậy. 

Bạn sẽ xây dựng nền tảng như thế nào nếu làm bạn với Nho giáo?

Nhân cách lý tưởng 

Một trong những mục đích lớn của Nho Giáo là xây dựng  hình mẫu con người lý tưởng dưới danh xưng: Người quân tử hay bậc đại trượng phu. 
Người quân tử của Khổng Tử thì hồn nhiên, lúc nào cũng nhân hòa, ôn hậu, đức hạnh nhưng những hành động biểu lộ ra bên ngoài không thể hiện là kẻ vô năng chỉ biết nói suông. Đến Mạnh Tử, bậc đại trượng phu của ông lại khuê giốc, nghĩa là thông minh hiểu biết mà cứng cỏi đối chọi với bên ngoài. Hình tượng quân tử trong khuôn mẫu Tuân Tử có phần khắt khe hơn. Người quân tử và tiểu nhân khoảng cách không còn xa, những việc người quân tử có thể làm thì tiểu nhân cũng làm được. Nhưng khác nhau chính là con đường mà mỗi nhân cách chọn, đường ngay thẳng hay cong queo nghiêng lệch. 
Kết hợp cùng với yếu tố thời đại, chúng ta thấy được sự thay đổi về định nghĩa người quân tử của ba tượng đài Nho giáo chính là quá trình phát triển của nhân cách con người. Trong quá trình phát triển này chúng ta dễ dàng bị tha hóa bởi nhiều yếu tố: danh và lợi, thiện và ác,...
Khi chúng ta còn nằm trong vòng tay cha mẹ, những yếu tố nhân hậu và ôn hòa luôn được đề cao. “Đệ tử nhập tắc hiếu xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm nhi ái chúng, nhi thân nhân” (Người quân tử ở trước mặt cha mẹ thì hiếu thuận, ra khỏi nhà thì cần kính trọng bậc huynh trưởng, ít lời ít tiếng, khi nói thì phải đặt chữ tín lên đầu, yêu tất cả mọi người mà thân cận với những người nhân đức). 
Đến khi lớn va vấp với cuộc sống, nhân cách lý tưởng đó gặp phải những thử thách. Từ đó biến đổi phù hợp với thời cuộc để nhập thế mà không bỏ đi đức tính được xây dựng từ thuở ban đầu. Người quân tử giờ đây phải gai góc hơn, cứng cỏi để đối chọi với những tha hóa. “Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo. Đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu.”: Ở cái chỗ rộng trong thiên hạ, đứng giữa cái ngối chính trong thiên hạ, đi con đường lớn trong thiên hạ (làm việc đường hoàng, không cúi đầu chịu khuất phục, phục tòng theo lễ và nghĩa). Đắc chí thì đi cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình theo đạo (phân biệt được đúng sai, không bị lôi kéo), giàu sang không làm cho lòng của mình bị thay đổi, uy quyền không làm khí chất của mình bị thay đổi, ấy thế mới là bậc đại trượng phu. Vấn đề tha hóa là việc dễ dàng trong xã hội hiện đại nhưng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mới thực là đáng quý biết bao. Nhìn nhận một cách sâu rộng, đây chính là cách mà bạn bảo toàn những giá trị cốt lõi của bản thân mình. Mọi vấn đề tâm lý đều diễn ra khi những giá trị bên trong và hành động thể hiện bên ngoài không được đồng nhất. 
Những bài báo gần đây đã cho chúng ta biết được rằng: Kẻ ngu làm điều ác không đáng sợ bằng kẻ thông minh làm điều ác hay “Nếu đã không tử tế thì đừng đẹp trai”. Đây là những cám dỗ mà chúng ta gặp hàng ngày khi đối mặt với những giá trị lợi ích. Thành công là một trong những mục đích sống của con người và để đạt được cũng có có nhiều phương pháp. Có một sự thật rằng con đường dựa vào chính thực lực của bản thân, con đường chính đạo thì luôn gian nan hơn những con đường xấu xa, tội ác. Nhưng lựa chọn làm sao cho hợp lẽ lại là vấn đề mà ta phải vượt lên trên chính mình.
“Tài, tinh, trí năng, quân tử tiểu nhân nhất dã. Hiếu vinh, ô nhục, hiếu lợi, ố hại, thị quân tử tiểu nhân chi sở đồng dã, nhược kỳ sở dĩ cầu chí chi đạo tắc dị hỹ”
Tuân Tử
Người quân tử hay bậc đại trượng phu rất gần gũi với đời sống hằng ngày, nó chẳng phải cầu đâu xa mà chính là bản thân của chúng ta trong quá trình phát triển. Làm bạn với Nho giáo sẽ xây dựng được cho bản thân một nhân cách lý tưởng, thuận theo lẽ phải mà không bị thiên lệch. Nhân cách đó được xây dựng bằng một bức tường mang tên tự nhận thức, tự nhận thức về bản thân và bên ngoài từ đó so sánh đối chiếu luân lý đạo đức. Có thể trong một tình huống nhất định, bởi vì nhân cách này sẽ khiến chúng ta nhận nhiều chỉ trích như không hợp thời, không biết nắm bắt cơ hội,...Nhưng ai rồi cũng sẽ mất đi, giá trị vật chất bên ngoài rồi cũng hóa thành cát bụi nhưng có một thứ sẽ sống mãi trong lòng mỗi người khi điểm mặt đọc tên đó chính là nhân cách. 
Làm thế nào mà Nho giáo lại có thể xây dựng được nhân cách lý tưởng. Điều đó có được nhờ vào giáo dục.

Giáo dục - tu dưỡng tâm tính cho đến hành động nhập thế 

Giáo dục theo góc độ của Nho giáo không chỉ đơn thuần là học hỏi kiến thức kinh nghiệm, trao truyền kỹ năng từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các hoạt động giảng dạy đào tạo, nghiên cứu. Giáo dục ở đây còn là giáo dục tư tưởng. Giáo dục từ tâm.

Tu dưỡng tâm tính 

Để rèn luyện được tâm trở thành bậc quân tử, Mạnh tử đã tạo ra phương pháp tu dưỡng tâm tính. Ông quan niệm, mọi người đều có “Xích tử chi tâm” - tâm em bé sơ sinh. Em bé sơ sinh không có thất tình lục dục, đói thì đòi ăn, khát thì đòi uống, vô tư vô lự, không suy nghĩ tính toán, tâm không khởi lên một tư dục nào cả. Khi em bé đã thành người lớn, bắt đầu có thất tình lục dục, bắt đầu suy nghĩ tính toán, bắt đầu phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, khi đó cần phải tu dưỡng. Pháp dưỡng tâm là khi tâm phóng ra ngoài đuổi theo ngoại cảnh thì kéo nó lại trở về với bản chất tâm em bé vốn có: “Phóng kỳ tâm nhi bất tri cầu, ai tai ! Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi, hữu phóng tâm nhi bất tri cầu. Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỹ” (Phóng tâm rong ruổi theo ngoại cảnh mà không biết kéo nó lại, buồn thay! Con người ta có gà, chó thả rông còn biết tìm về lại, vậy mà tâm mình phóng ra ngoài không biết kéo trở lại. Đạo của học vấn không gì khác, chỉ là kéo cái tâm đang rong ruổi trở lại mà thôi.)
Làm thế nào để có thể kéo tâm trở về “Xích tử chi tâm” lại còn phải nhờ vào bốn loại hạt giống tính thiện đã được trời phú cho nằm bên trong “Xích tử chi tâm”: Tâm trắc ẩn (Trắc ẩn chi tâm), Tâm biết thẹn, ghét (Tu ố chi tâm), Tâm khiêm tốn nhường nhịn (Từ nhượng chi tâm), Tâm biết đúng sai (Thị phi chi tâm). Và bốn hạt giống này có thể phát triển được hay không là do môi trường giáo dục và sự tự sửa đổi bản thân. Nếu được vun bồi nhờ môi trường giáo dục thì sẽ phát huy mạnh lên thành 4 đức lớn, thành quân tử, nếu không được chăm sóc giáo dục thì 4 hạt giống sẽ hư hoại, sẽ thành tiểu nhân : “Hữu thị tứ đoan nhi tự vị bất năng giả, tự tặc giả dã; vị kỳ quân bất năng dã, tặc kỳ quân giả dã. Phàm hữu tứ đoan ư ngã dã, tri giai khuếch nhi sung chi hĩ, nhược hỏa chi thủy nhiên, tuyền chi thủy đạt. Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải; cẩu bất sung chi, bất túc dĩ sự phụ mẫu.” (Có 4 đầu mối ấy mà tự cho rằng mình không thể sửa mình được, ấy là mình tự hại mình; tự cho rằng bậc quân chủ của mình không thể sửa mình được, ấy là hại bậc quân chủ vậy. Ta đã có 4 đầu mối ấy, nên biết khuếch sung chúng cho lớn rộng ra, như lửa bắt đầu cháy, như suối bắt đầu chảy. Nếu có thể khuếch sung chúng, thì thành bậc quân tử che chở 4 biển; nếu không khuếch sung được chúng thì dẫu như việc phụng sự cha mẹ cũng không làm được)
Nhờ có hiểu được phương pháp tu dưỡng này của Mạnh Tử, tôi tin chắc rằng các bậc làm cha mẹ sẽ có cái nhìn sâu sắc về vai trò của bản thân trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ được phát triển toàn diện, có nhân cách tốt, vững vàng nếu như trẻ sống và được chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường gia đình có mối quan hệ tốt đẹp và có phương pháp giáo dục phù hợp. Vì chưng, nếu không được xây dựng nền tảng đúng mực muốn “kéo tâm” mình về “xích tử chi tâm” cũng không thể kéo được bởi 4 hạt giống hạt chột hạt mất. 
Về phần những người trưởng thành thì việc thu cái tâm của mình trở về “xích tử chi tâm” e là khó khăn. Con người là động vật quần cư, cần phải giao tiếp xã hội mà lại bỏ đi cái dục vọng của mình sợ là khó có thể thành. Nhưng nếu không trở về với “xích tử chi tâm” thì chí ít hãy giữ lại những dục vọng cao thượng, phù hợp với nghĩa. Điều này đòi hỏi ta có tính tự giác cao cùng với đó phải kết nối bản thân mà rèn luyện tâm tính của chính mình. Kết nối bản thân bằng những câu hỏi mà Tăng Tử thường tự hỏi bản thân sau mỗi ngày: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ" (Tăng Tử nói rằng: "Mỗi ngày phải ba lần tự kiểm điểm bản thân xem, có hết sức mà làm những việc người ta giao phó hoặc nhờ cậy không? Có giữ được sự tín nghĩa với bạn bè hay không? Có ôn tập những gì mà thầy đã dạy không?). 
Đối với việc hoàn thiện nhân cách thì học thuyết tính Thiện của Mạnh Tử là một phương pháp rèn luyện từ gốc. Khổng Tử và Mạnh Tử đều có phương pháp giáo dục của bản thân mình nhưng phương pháp giáo dục của Tuân Tử lại thiết thực hơn cả. 

Giáo dục nhập thế 

Tuân Tử, một đệ tử của Nho gia nhưng học trò lại là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho trường phái pháp gia. Giáo dục đối với ông chính là uốn nắn tâm tính “ác” trở thành tính “thiện”. Điều này dựa trên quan điểm về bản tính con người của ông “Nhân chi tính ác, kỳ thiện sở ngụy dã” (Tính của con người là ác, những điều thiện là người đặt ra).
Trường thi Nam Định năm 1912
Trường thi Nam Định năm 1912
Giáo dục tu dưỡng tâm hồn bởi học thuyết tính thiện sẽ chiếm nhiều ưu thế. Nhưng đặt vào xã hội hiện tại, khi mà có quá nhiều nguyên nhân khiến con người sa ngã thì học thuyết tính ác sẽ có phần nổi trội hơn. Rèn luyện hành động nhập thế nhờ vào thuyết tính ác sẽ đưa giáo dục về giá trị cốt lõi của nó: uốn nắn chỉnh sửa trở về nẻo chính đường ngay. Điều này đánh thẳng vào tâm lý con người. Khi mà mỗi chúng ta chỉ thích nhìn vào điểm thiện, mặt tốt của nơi mình để phát triển nhưng lại không dám đối mặt với vấn đề chưa hoàn thiện, điểm xấu nơi mình. Chỉ khi dám đối mặt, điều chỉnh với những điểm trên thì khi ấy bản thân mỗi con người chúng ta mới thực sự phát triển toàn diện.
Theo Tuân Tử việc học như thế nào mới là đúng? 
Việc học đầu tiên phải lấy khuôn mẫu thánh nhân làm đầu. Học đi đôi với việc tu dưỡng tâm tính, một ngày ba lần xét lại bản thân mình. 
“Quân tử sinh phi thị dã, thiện giả ư vật dã” (Người quân tử không phải sinh ra đã khác người ta, vì khéo mượn cái vật bên ngoài vậy). Vì con người vốn tính ác, không hoàn hảo nên dù có tự lực sử dụng năng lực của bản thân sẽ không bao giờ thành công được. Nhận biết được cái dở của mình với thái độ cầu thị góp nhặt những ý kiến bên ngoài, sau đó biến thành của mình thì mới trở nên tốt hơn được. 
“Nô mã thập giá, công tại bất xá” (Ngựa kém kéo xe đi trong mười ngày cũng lập công được nhờ vào chỗ đi mãi không từ bỏ). Học tập là quá trình dài, không phải ngày một ngày hai. Học một nửa mà đã thấy khó thấy nản thì chẳng khác gì “đẽo cày giữa đường”, tốn công vô ích. Chính vì vậy, việc học theo Tuân Tử cần có sự kiên trì, kiên định theo đuổi đến tột cùng chân lý. Chúng ta nhìn lại vào cuộc sống, năng lực có thừa hay yếu kém nhưng ý chí không có thì cho dù có bước một bước hay vạn bước để thành công thì đó mãi là khoảng cách xa vời. Vậy nên, nếu đã xác định được mục đích xin bạn hãy đừng bỏ cuộc mà kiên định bước tới, dù cho có mất nhiều thời gian nhưng bạn vẫn có cơ hội để thành công. 
Học để tâm và thân hòa làm một. “Quân tử chi học dã, nhập hồ nhĩ, trứ hồ tâm, bố hồ tứ thể, hình hồ động tĩnh, suyễn nhi ngôn, nhuyễn nhi động, nhất khả dĩ vi pháp tắc” (Sự học của người quân tử vào ở tai, rõ ở tâm, hiện ra ở tay chân, thở ra mà nói, cụ cựa mà động, đều có thể lấy làm phép tắc”. Phải chăng đây là điều mà chúng ta luôn muốn hướng tới. “Tôi làm có đúng không?”, “Mình làm như thế chắc không có vấn đề gì?” , “Hành động này có phải là khiếm nhã không” đã và đang là câu hỏi của rất nhiều người trước những quyết định hành động. Nhưng nếu khi chúng ta học để tính ác trở về thiện, thì hành động bên ngoài và suy nghĩ bên trong hợp làm một. Trước mọi quyết định của hành động sẽ không còn phải đặt câu hỏi hay lăn tăn nữa, dù phóng túng tâm mình cũng sẽ hợp với đạo. 
Học thì phải biết, biết thì phải làm, chứ không phải học cho biết để lấy cái biết của mình để lừa dối thiên hạ, rồi chính mình lại không làm những điều mình biết. Thật tệ làm sao khi giáo viên luôn mực nói học sinh phải kính trên nhường dưới, yêu thương bạn bè nhưng chính họ lại đi nói xấu đồng nghiệp, chèn ép học sinh. Vậy người thầy ấy đáng với danh phận của mình chăng? Tâm người thấy ấy vẫn bị vẩn đục, tu dưỡng chưa đạt, học chưa tới chăng? Hay đây chỉ là hạng tiểu nhân bởi những việc mà bậc quân tử làm thì tiểu nhân cũng làm được vậy, chỉ khác cái tâm thiện hay ác mà thôi.
“Bất văn bất nhược chỉ, văn chỉ bất nhược kiến chỉ, kiến chỉ bất nhược hành chỉ. Học chí ư hành chỉ nhi chỉ hỹ. Hành chi minh dã, minh chi vị thánh nhân. Thánh nhân giả dã bản thân nghĩa, đương thị phi, tề ngôn hạnh, bất thất hào ly”.
Tuân Tử
Học luôn phải đi đôi với hành, nếu không thì đó chỉ là mớ lý thuyết. Chẳng thiếu gì trong cuộc sống xuất hiện những kẻ “Thùng rỗng kêu to”, chỉ biết nói mà không biết làm. 

Cải tạo phần con trở thành nền tảng 

Tâm tính cho dù tính thiện hay tính ác vốn dĩ ai cũng như ai, cũng có phần “con”, bản năng. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ chối bỏ nó là một phần của chúng ta. Nhưng thay vì gạt nó sang một bên thì Nho giáo đã chỉ cho chúng ta giáo hóa chúng, uốn nắn chúng để phát triển đồng điệu với phần người. 
Nho giáo như một sợi dây thắt chặt, kìm hãm và thuần hóa phần con tạo ra bàn đạp giúp chúng ta phát triển đồng nhất bên ngoài và bên trong. Chính vì thế, để có được nền tảng tốt hãy làm bạn với Nho giáo.