Trong thời đại ngày nay, Facebook, dù muốn khẳng định hay không, chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người… Mặc dù rất nhiều phong trào khởi xướng việc “bỏ Facebook”, song mình nghĩ rằng nếu sử dụng đúng cách, Facebook sẽ trở nên hữu ích hơn. Dưới đây là một vài biện pháp mà cá nhận mình đã sử dụng để mỗi lần ra khỏi Facebook không còn là trải nghiệm lướt màn hình vô nghĩa.
1. Tắt thông báo Facebook cho điện thoại của bạn
    Với mục đích giữ chân người dùng lâu nhất có thể , Facebook luôn tìm cách thu hút sự chú ý của bạn. Một minh chứng rõ ràng nhất là số lượng thông báo mà mạng xã hội này gửi đến người dùng ngày một tăng. Các thông báo, nhiều khi chẳng quan trọng lắm như “A vừa thích bình luận của bạn”, hay “B vừa cập nhật ảnh đại diện của anh ấy”, lại dễ dàng khiến bạn mất tập trung. Bạn chạm vào nó, với suy nghĩ đơn giản rằng mình sẽ chỉ kiểm tra đúng thông báo đó. Song, trước khi bạn nhận ra, bạn đã lướt Facebook hẳn 1 giờ liền rồi!! Vì vậy, hãy tắt thông báo đi trước khi nó làm phiền bạn!
Facebook may finally let you turn off those annoying notification ...
Nguồn: Google Image
2. Dừng theo dõi một vài người bạn của bạn.
        Mỗi ngày, chúng ta dành khoảng 2 giờ đồng hồ chỉ để sử dụng mạng xã hội. Nếu tính theo năm, đó là 730 giờ. Vì vậy, ít nhất hãy dành thời gian đó cho những người thật sự quan trọng với chúng ta.
        Đối với cá nhân mình, mình đã lựa chọn giải pháp “ngừng theo dõi” tất cả các bạn bè của mình trên Facebook. Một tính năng mình thấy rất phiền hà trên mạng xã hội này chính là việc ngay cả những cái like, comment của bạn mình cũng có thể xuất hiện trên newsfeed của mình. Điều này gây ra xao nhãng rất lớn, và nhiều khi nó hiện lên những thông tin mà mình nghĩ là mình không muốn nghe.
     Việc ngừng theo dõi bạn bè trên mạng, theo một cách nào đó, lại giúp mình quý trọng những giây phút ở bên họ hơn. Ví dụ như lúc trước, nếu một người bạn thân thiết của mình đi du lịch và up ảnh trên mạng, mình chỉ có thể like, comment “vui thế”…. Vậy là hết chuyện. Song, nếu được gặp họ trực tiếp, mình có thể tâm sự nhiều hơn, hiểu thêm nhiều về trải nghiệm của họ, bộc lộ những cảm xúc thực sự của mình thay vì để lại thông báo like, thả tim cho tim cho họ trên facebook :)).
3. Cụ thể hóa và thống nhất nội dung những page mà bạn theo dõi trên Facebook:
      Điều đầu tiên mà chúng ta nhận thấy khi mở bất kì một mạng xã hội nào đó, chính là lượng thông tin khổng lồ. Newsfeed của bạn gần như dài vô tận, chỉ cần một vài phút sau, Facebook, Instagram sẽ có thêm hơn chục bài đăng mới. Lượng thông tin này có 1 nhược điểm chính: Quá tràn lan và thiếu liên kết. Hẳn bạn đã từng gặp tình huống giống thế này: Bạn vừa đọc xong một bài viết tràn đầy cảm xúc về tình bạn thời cấp 3, rằng “thanh xuân như một cơn mua rào” vv.. . Trong đầu đang ngập hoài niệm về mái trường, thầy cô, bạn kéo xuống và thấy bài viết từ New York Times “The Fed got a big file of cash to help the economy. Who will benefit” Tụt hứng, bạn lướt xuống, chẳng mảy may nghĩ tới mấy hôm trước, bạn nghĩ rằng sẽ follow trang này để học tiếng Anh.
    Việc newsfeed như một nồi lẩu thập cẩm gây ra một hiện tượng là: Đôi lúc bạn vào Facebook mà chẳng vì lí do gì cả. Do đó, bạn lướt Facebook và tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Việc này, kết hợp với hàng dài các tin tức thiếu sự liên quan đến nhau (từ giải trí, phim ảnh đến thời sự, kiến thức chuyên môn) sẽ khiến cho não bộ bạn bị quá tải.
    Do đó, hãy xây dựng newsfeed một cách nhất quán. Ví dụ, bạn quan tâm đến du học, học bổng chẳng hạn, hãy follow các page, group du học. Nếu bạn quan tâm đến nghệ thuât, hãy follow các page về phim ảnh, hội họa. Hạn chế  follow các trang page về meme, chế ảnh, showbiz,…. Cách bạn sử dụng Facebook khi đó cũng sẽ thay đổi đáng kể, bởi bạn biết khá chắc rằng nội dung trong đó về cái gì, và bạn chỉ vào khi có mục đích muốn tìm hiểu nó.