Xin cảm ơn Thomas Oppong vì một bài viết đầy cảm hứng dành cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng những ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Các bạn có thể xem bài viết gốc trên Medium tại đây >>> https://goo.gl/zG5epL
https://pixabay.com/en/art-therapy-hand-hands-handprint-227585/
Khi mấy đứa bắt gặp một thiết kế "đỉnh", một sản phẩm "ngon", một tác phẩm "nghệ", thưởng thức một bản nhạc say lòng, hoặc nghe tin có nhóm creative nào đó đang giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất của ngành quảng cáo, đừng bao giờ cho rằng những thứ đó đến một cách ngẫu nhiên hay dễ dàng.
Tất cả dân sáng tạo chuyên nghiệp, tuyệt vời và năng suất nhất mà mấy đứa biết, đều đã dành không biết bao nhiêu thời gian của cuộc đời chỉ để trui rèn kỹ năng của riêng họ. Dù một người được xem là có tài năng xuất chúng thì cũng hiếm khi cho ra được các tác phẩm tuyệt vời nếu không có hàng giờ luyện tập bền bỉ.      
Một lần, Mozart viết thư cho bạn của ổng như này:
"Ờm, mấy người mà hay nghĩ nghệ thuật tìm đến tôi dễ ợt. Tôi cam đoan với mấy anh, bạn thân mến, không ai cống hiến nhiều thời gian và tâm tư cho soạn nhạc như tôi. Không có nhạc của một nhà soạn nhạc nổi tiếng nào mà tôi chưa từng nghiên cứu, không biết bao nhiêu lần ấy chứ." 
Kỹ năng đạt được thì không thể chuyển giao, mà nó chỉ có thể được trui rèn đến mức tinh thông - bằng cách áp dụng nó một cách sáng tạo, bắt chước người khác và dồn sức cho nó. Thành tích không tưởng thì cũng yêu cầu một mức độ kiên trì không tưởng và một lòng tin to lớn không tưởng dù cho mấy đứa có thất bại liên tục. Mấy đứa cần có một mối liên kết sâu sắc hơn nếu muốn kiên định đi trên một con đường lâu dài.    
Khi chúng ta có liên kết cảm xúc với thứ mà mình muốn thuần thục, quá trình theo đuổi tự nó sẽ kéo chúng ta vào và đẩy chúng ta đi trên con đường dẫn đến sự thuần thục. Những thiên tài sáng tạo trong lịch sử kiên trì theo đuổi các tác phẩm của mình bởi vì họ không tưởng tượng được mình sẽ làm điều gì khác trong đời. Và điều đó đồng nghĩa với đầu tư hàng năm trời cho một thứ mà họ tâm niệm rằng sẽ mang lại sự thoả mãn và ý nghĩa cho cuộc đời họ.

Hãy trân trọng cả quá trình

Nếu mấy đứa muốn trở thành dân chuyên nghiệp, hãy dẹp ngay cái thói quen nhảm nhí là hay so sánh với thứ người ta có mà không nhìn xem người ta đã làm gì để đạt được nó. Nhắm mắt nhắm mũi đuổi theo kết quả mà không hiểu cái quá trình để đạt được nó thì thành công cũng dễ chết yểu thôi, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại. Ấy là Jeff Goins nói chớ không phải anh nói đâu. 
Mấy đứa có thể dễ dàng đổ thừa những thành công điên rồ là do may mắn đơn thuần. Nhưng đừng nhầm nhé, mọi cá nhân vĩ đại từng hiện diện trên đời đều có một câu chuyện để kể. Và ở mỗi trường hợp, mấy đứa sẽ thấy trong đó tình yêu với công việc, sự kiên trì bền bỉ và sức tập trung không tưởng vào thứ duy nhất trên đời mà họ quan tâm.  
Khả năng để vẫn xuất hiện mỗi ngày dù không còn động lực học, sáng tạo, hay làm ra bất kỳ thứ gì, là cá tính giá trị nhất mấy đứa cần để lên hàng chuyên nghiệp. Nó sẽ không đến dễ dàng nhưng là điều kiện cần để sống sót qua cái quá trình tạo ra những thứ độc đáo và phi thường.
Anh đây chỉ có thể trở thành cây viết "xịn" hơn nếu anh tự ép mình vào một cái kế hoạch viết lách và "trồi lên" đây mỗi ngày để chia sẻ. Nó không cần phải hoàn hảo. Điều quan trọng là anh đã "trồi lên".
Robert Greene, tác giả sách "Mastery" (Trui Rèn) giải thích, "Nếu chúng ta trải qua quá trình trui rèn đủ lâu, được bơm thêm cảm hứng từ sự thích thú và trí tò mò sâu sắc, chúng ta không thể không đạt được điều gì đó phi thường."
Để thuần thục bất kỳ điều gì đều cần sự khám phá, điều chỉnh và ứng biến. Mấy đứa không thể lúc nào cũng biết trước đích đến. Và như vậy cũng không sao cả. Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần cho vô số những tác phẩm "tầm tầm bình bình" để ngày một "xịn" hơn, thuần thục hơn kỹ năng mà mấy đứa chọn. Hãy cho phép bản thân được trật lất và let it go khi mọi thứ không được như ý.
Khoảnh khắc thiên tài chỉ đến khi mấy đứa "trồi lên" đủ lâu để phá vỡ cái ranh giới "tầm tầm bình bình" ấy. Đó cũng là kim chỉ nam của Thomas Edison. Ổng biết rằng mỗi thất bại là một bước tiến gần hơn đến giải pháp đúng thực sự hiệu quả. Edison đã làm thử hàng ngàn vật mẫu trước khi sáng chế ra được bóng đèn. Ổng rất nổi tiếng với câu nói "Tôi không thất bại. Tôi tìm ra 10.000 cách không đúng đấy chứ."  
Mấy đứa không thể tạo ra một kiệt tác mà không để lại một đống hổ lốn sau lưng. Nếu mấy đứa muốn thuần thục bất kỳ thứ gì, dù là bây giờ hay mai sau, mấy đứa đều phải chuẩn bị để đi trên một con đường rất dài. Điều đó đồng nghĩa với hàng ngàn hàng vạn giờ làm sai và làm lại. Và như vậy cũng không sao cả. Rồi mấy đứa sẽ tìm ra thứ thực sự hiệu quả trong quá trình đó. Dẫu nó có là gì chăng nữa thì hãy biến nó thành của riêng. Tác phẩm của những tác giả hàng đầu không chỉ dựa trên động lực mà là tự ép mình vào những thói quen và khuôn khổ, cùng với đó là rất nhiều nỗ lực mỗi ngày.
Nếu mấy đứa muốn nghiêm túc mài giũa tay nghề, mấy đứa phải làm việc đến một mức độ nào đó, làm hết sức lặp đi lặp lại và "trồi lên" hết lần này đến lần khác. Đó là cách duy nhất. Coi trọng cả quá trình.
Không có con đường tắt nào dẫn đến sự thuần thục. Xem lại những thứ đã làm, kể cả những thứ đã xong, đều là work-in-progress. Nó sẽ giúp mấy đứa bỏ được tư tưởng phải toàn mỹ.
Không hành động nào khai phá sức mạnh sáng tạo bên trong hơn là đứng lên bắt đầu ngay hôm nay, làm việc, sáng tạo và làm ra thứ gì đó mà mấy đứa thích. Nhớ là khi làm điều đó, hãy trân trọng cả quá trình. 
Một trong những rào cản lớn nhất của sáng tạo là tính thiếu kiên nhẫn. Trân trọng cả quá trình rồi sẽ được quả ngọt. Đó là cách duy nhất để thuần thục bất kỳ một kỹ năng nào.
*BONUS


Đọc thêm: