Bạn muốn học rất nhiều thứ. Muốn học tiếng Nhật, muốn học đàn Piano, học thổi sáo, Ukulele, muốn học làm bánh, muốn học vẽ... Muốn học rất rất nhiều thứ.
Nếu bạn đã từng đọc bài viết về Những kẻ xuất chúng mà mình đã từng viết ở đây thì hẳn bạn đã biết về “Quy luật 10,000 giờ” để trở nên xuất chúng ở một linh vực nào đó. 10,000 giờ đó tương ứng với một công việc full-time 8 tiếng 1 ngày trong vòng 5 năm liên tục!
Lúc đầu bạn nghe thấy rất nản. Để thành thục một kỹ năng mà đã mất cả 5 năm trời làm viêc liên tục thì bạn muốn học nhiều thứ như thế kia, có lẽ sẽ chẳng bao giờ học được thêm điều gì nữa hay sao?
Nhưng câu trả lời, theo Josh Kaufman là bạn hoàn toàn có thể học được tất cả mọi thứ bạn muốn trong một đời người này 😉. 10,000 giờ là thời gian tối thiểu để trở nên xuất chúng, để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng nếu như mục đích học của bạn không phải là trở nên xuất chúng là một lĩnh vực nào đó mà chỉ cần học đầy đủ dùng mà thôi thì sao?
Kinh nghiệm học mọi thứ: Tôi đã học trong 20 giờ đầu tiên như thế nào? –  Thông báo !!! hansilangthang chuyển sang nhà mới: https://buituananh.name/


Bạn muốn học chỉ cần đủ giỏi để chơi được những bản nhạc bạn thích bằng piano, nấu ăn đủ ngon để chiều đãi bạn bè, vẽ đủ đẹp để mọi người hiểu rằng bạn đang muốn thế hiện điều gì hay học tiếng Nhật đủ tốt để xem anime mà không cần sub...
Và để làm được những điều đó bạn không cần đến 10,000 giờ một chút nào cả. Bạn chỉ cần có 20 giờ đồng hồ mà thôi!
20 giờ! 20 giờ để đi từ kém cỏi không biết gì đến đủ tốt và đủ thành thạo cho mục đích của bản thân. Chất lượng hơn số lượng. Trong 20 tiếng đồng hồ đầu tiên này, bạn cần phải học những gì tinh túy nhất, được chia thành 4 bước nhỏ sau đây:
Chia nhỏ kỹ năng
Học vừa đủ để tự sửa cho bản thân
Xóa bỏ rào cản để thực hành
Cam kết luyện tập ít nhất 20 giờ
Nào, giờ đi vào chi tiết từng bước nhé.
1. Chia nhỏ kỹ năng (Deconstruct the skills)
Đầu tiên hãy tưởng tượng chính xác hình ảnh mà bạn muốn đạt được sau khi học xong kỹ năng này.
Ví dụ trước khi học tiếng Nhật bạn cần phải xem bạn muốn mình trở nên như thế nào sau khi học. Bạn có thể là để đi du học một năm không có vấn đề gì về giao tiếp, có thể là xem một bộ anime mà không cần phụ đề, cũng có thể là để thi JLPT đạt N4. Bất cứ mục đích gì bạn cần phải xác định rõ trong đầu hình ảnh của bản thân. Càng rõ ràng bao nhiêu, bạn càng dễ chia nhỏ các kỹ năng cần thiết để học và tiến tới mục đích đó bây nhiêu. Thế nên, nếu bạn chỉ là người thấy người khác học thì mình cũng học theo chứ không xuất phát từ mục tiêu bản thân thì sẽ gặp khó khăn ngay từ bước đầu tiên rồi nhé
Ví dụ cụ thể như học tiếng Nhật thì đầu tiên bạn phải học thuộc bảng chữ cái Hiragana, Katakana và các Kanji thông dụng. Tiếp theo là ngữ pháp tiếng Nhật theo dạng SOV chứ không phải SVO như tiếng Anh và tiếng Việt. Và sau đó nếu mục đich là để đủ đi du học một năm mà không có vấn đề gì thì hãy thử tưởng tượng xem hàng ngày bạn phải đối mặt với những tình huống như thế nào ở Nhật, cấu truc nào hay ứng dụng khi giao tiếp trong nhà hàng, đi du lịch, trong bệnh viện hay trường học... Hãy nhớ rằng tùy từng mục đích của bản thân mà chia nhỏ các kỹ năng sẽ khác nhau. Ví dụ như bạn muốn học cấp tốc lấy cái N4 thì bạn nên nghiên cứu đề thi và các dạng bài làm hơn là học giao tiếp vì thi JLPT đâu có liên quan gì đến nói đâu, chỉ nghe thôi mà.
Vì thế đây là bước quan trọng nhất. Xác định mục tiêu và chia nhỏ từng bước từng bậc thang một để tiến tới mục tiêu đó. Mục tiêu khác nhau sẽ dẫn đến các bậc thang khác nhau.
2. Học vừa đủ để tự sửa cho bản thân (Learn enough to self-correct)
Có một vấn đề như sau: bạn muốn học tiếng Nhật, thế là bạn mua cả tá sách từ Mina no Nihongo, Mimikara Oboeru, Shingeki no Kyojin =))) về học và tự nói với bản thân rằng: học xong đống này nhất định mình sẽ giao tiếp ngon nghẻ. Và thế là quá trình procrastination – sự trì hoãn bắt đầu =)))). Bạn cứ lả lướt đọc hết quyển này đến quyển kia và thế là thay vì 20 giờ học đã lên tới 2,000 giờ từ bao giờ nhưng chất lượng thì không tốt lên tí nào.
Đừng rơi vào bẫy này! Mình đã rơi vào bẫy này rất nhiều lần khi học các thứ khác ví dụ như hồi xưa học Ielts với mình là đi sưu tập các thể loại sách và đề Ielts nhưng cứ lần lữa đến tận 5 năm sau đó mới thi Ielts chẳng hạn =)))).
Hãy chỉ học vừa đủ như bảng chữ cái, cấu trúc cơ bản, những từ thông dụng, các ngữ điệu cần bắt chước như thế nào để có thể giao tiếp một cách tối thiểu. Sau đó hãy vứt hết sách đi, lên Bờ Hồ bắt các bác Nhật để nói chuyện hoặc join vào những group tiếng Nhật. Hãy mạnh dạn để luyện tập. Và khi bạn không giao tiếp được thì dần dần sẽ tự hiểu ra được đâu là những thứ mình cần phải học thêm và đâu lỗi sai cần phải sửa. Học trong sách chỉ có tác dụng khi mà được luyện tập và sau hiểu rằng đâu điều cần học, đâu là điều không cần học để đạt được mục tiêu của mình. Hãy nhảy vào những tình huống để luyện tập. Đây là cách tốt nhất để tăng tốc khả năng học của bạn.
Vì thế hãy mạnh dạn và học hỏi từ những lỗi sai của bản thân. Điều này dẫn đến nhiều thứ ba.

3. Xóa bỏ mọi rào cản để thực hành (Remove any and all barriers to practice)
Những rào cản được nói đến ở đây không chỉ bao gồm những thứ làm cho bạn xao nhãng khi học tập như là điện thoại, TV, Facebook, Netflix mà còn nói đến rào cản tâm lý.
Khi học bất cứ một điều gì mới thì những rào cản về mặt tâm lý như: mình không có năng khiếu, mình không đủ giỏi, mình quá già để học. Đây là những điều bình thường gặp phải khi bạn bắt đầu học một điều gì đó. Và nếu bạn tiếp tục cho phép ý kiến bên ngoài làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, đến quyết định học tập của bản thân thì hầu như bạn sẽ không có khả năng điều khiển được cuộc sống của mình và cũng không có khả năng học thêm kỹ năng nào để phát triển bản thân mà luôn bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài.
Để ý mà xem, xung quanh bạn ai mà chả nói rằng già rồi không học nữa đâu, có những người mới 25, 30, kể cả 40 tuổi còn cho là mình già. Cơ mà con người ta thì chỉ có già đi chứ làm gì có trẻ lên đâu. Nếu già rồi không học được điều gì mới thì tức là từ nay về sau sẽ không bao giờ học được thêm điều gì nữa hay sao? Thật vớ vẩn!
Hãy nhớ rằng với sức mạnh của công nghệ, bạn đang ở một thế giới mà các kiến thức trở nên lỗi lỗi thời chỉ trong vòng một đêm. Việc học liên tục (constant learning) sẽ trở thành một điều bắt buộc để không bị lạc hậu so với thế giới. Chính vì thế mà nghiên cứu về 20 giờ học này mới sinh ra. Nó không hề phản khoa học, mà đã có những nghiên cứu rất rõ ràng. Học để biết và sử dụng một kỹ năng khác hoàn toàn với việc trở thành một chuyên gia của việc đó. Cũng giống như việc bạn chỉ cần học 20% để áp dụng thành thạo đến 80% cho công việc. Nhưng để đạt đến 100% thì cần cực cực kỳ nhiều sự nỗ lực, thậm chí mất đến vài năm hay vài chục năm để đạt được trình độ kiệt xuất.
Tóm lại ở bước này bên cạnh việc loại bỏ rào cản như điện thoại máy tính, tư tưởng bảo thủ và chuẩn bị cho bước bốn nào.

4. Cam kết luyện tập ít nhất 20 tiếng (Practice at least 20 hours)
Hãy cam kết luyện tập ít nhất 20 tiếng.
Khi học một cái gì đó và phải thực hành, chắc chắn bạn sẽ sai rất nhiều. Chắc chắn bạn sẽ muốn bỏ cuộc lắm. Chắc chắn sẽ có nhiều người cười nhạo khi nhìn bạn tập luyện và cũng cố thêm niềm tin là bạn không thể học lắm. Nhưng hãy vượt qua toàn bộ điều đó và cứ tập luyện, tập luyện và tập luyện. Hãy luyện tập ít nhất 20 tiếng.
Tiếng đầu tiên bạn không nhớ hết bảng chữ cái. Tiếng thứ hai vẫn không nhớ được. Tiếng thứ ba vẫn không nhớ được. Tiếng thứ tư vẫn sai một nửa. Tiếng thứ năm sai một nửa. Tiếng thứ sau sai 1/3. Tiếng thứ 10 sai 1/5. Và cuối cùng đến tiếng thứ 15 thì hoàn hảo.
Hãy thật cứng đầu ở bước này.
Hãy cứng đầu và luyện tập. Hãy nhớ rằng đây là 20 tiếng đầu tiên, kể cả khi bạn có sai 80% đi chăng nữa thì bạn đã học được 20% rồi đấy.
Mỗi khi có ý định bỏ cuộc, hãy trở lại bước 1. Nghĩ lại vì sao bạn lại chọn học kỹ năng này và tưởng tượng lại hình ảnh bản thân sau khi mình học sẽ như thế nào. Nếu kỹ năng này quan trọng với bạn như thế, giúp bạn trở thành con người tốt hơn như vậy mà bạn không đi làm không vượt qua được 20 tiếng đầu tiên luyện tập này thì đừng nghĩ đến việc mình có thể làm được nhiều hơn thế.
Focus and Commit!

Mình nghĩ rằng bản thân đang sống trong một thế giới mà việc tự học trở nên cực kỳ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Một thế kỷ với sự cập nhật thông tin ở khắp mọi nơi thì việc cải thiện và thay đổi diễn ra cực kỳ chóng mặt. Master kỹ năng tự học là master một vũ khí tối thượng trong cuộc sống ở thế kỷ này. Và mình đã có công cụ 20 giờ để học bất cứ thứ gì rồi đó!

P/S: Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây.
Phần này không liên quan đến bài viết nhưng mình muốn hỏi làm thế nào để chèn link bài viết hay liên kết các bài viết của mình vào post được không ạ? Mình đã đọc phần hướng dẫn của spiderum (link dưới) nhưng vẫn không biết cách làm sao để hiện thị bài viết cũ lên post mới được. Mong mọi người giúp đỡ.