Bàn về dân chủ, nhiều người tin vào hai nhận định sau: 
1) dân chủ bắt nguồn từ Athens cổ đại;
2) từ Athens, nó lan rộng ra ngoài và duy trì tính Tây phương rất riêng.
David Stasavage, giảng viên chính trị tại ĐH New York nhận thấy cả hai quan điểm này đều có sự nhầm lẫn. Ông cho rằng khi không còn những hiểu lầm này, những hy vọng hay những lo ngại về dân chủ ngày nay sẽ được đặt vào góc nhìn và trạng thái cân bằng hợp lý hơn.
Stasavage chỉ ra rằng, dân chủ - được hiểu là chính quyền dựa trên cơ sở tham vấn và đồng thuận là mô hình được ghi nhận tồn tại ở nhiều nền văn minh sơ khai, không chỉ có Hy Lạp cổ đại (Classical Greece) – có thể kể đến như: Mesopotamia – Lưỡng Hà Cổ đại, Ấn Độ Phật giáo, những vùng đất bộ lạc vùng Ngũ Đại Hồ (American Great Lakes), vùng Mesoamerica trước chinh phạt (Trung Mỹ ngày nay; “trước chinh phạt” được hiểu là trước khi có sự xâm chiếm của Đế quốc Tây Ban Nha  – ND) và châu Phi tiền thuộc địa (“Tranh giành châu Phi” – ND). Xuất phát từ ý này, ông viết rằng, từ những điều kiện sẵn có, “quản trị dân chủ… đến với loài người một cách tự nhiên”. Một điều cần lý giải đó là hình thức quản trị chuyên chế cũng diễn ra tự nhiên tương tự. Hình thức chính quyền chuyên chế (cai trị) cũng được ghi nhận xuất hiện ở rất nhiều nơi. Ví dụ, tại Trung Hoa tiền-hiện đại và thế giới Hồi giáo, chính quyền chuyên chế - đi cùng là bộ máy quan liêu tập trung (centralized bureaucracy) – là chuẩn mực (norm) trong hàng thế kỷ.
Để hiểu vì sao dân chủ buổi đầu có mặt ở những nơi nhất định, tác giả dựa vào các bằng chứng từ địa chất học, khoa học về đất, nhân khẩu học và các nghiên cứu khí hậu. Chìa khóa trong tập hợp tri thức được ông thu thập được là: “thông tin”.
Dân chủ sơ khai có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại những nơi mà ở đó, nhà cầm quyền không biết nhiều về thứ mọi người tiến hành trồng trọt, và có rất ít cách để tìm hiểu. Vì thế dẫn đến việc xác định không đủ lượng nông sản có khả năng đánh thuế được (thất thu thuế) hoặc xác định quá mức thực tế (kích động sự bất tuân, do lạm thu thuế - ND). Tốt hơn là hỏi người dân họ trồng được từng nào, và đổi lại, lắng nghe những yêu sách của họ. Đây là kiểu thực hành điển hình ở những nơi dân số tương đối nhỏ, chính quyền tập trung thì tương đối yếu hoặc không tồn tại.
Ở những nơi đông dân, việc tham vấn như thế khó có thể áp dụng được. Nhà cầm quyền trong trường hợp này, sẽ cử các quan chức đến tận nơi để xem lượng nông sản đã được tạo ra và cũng sớm xác định được số nam thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ. Bộ máy quan liêu ra đời, hỗ trợ để cai trị chuyên chế áp lên tập quán địa phương. Trong các bối cảnh tiền-hiện đại, chế độ quan liêu chuyên chế phổ biến hơn ở những nơi đất đai thuận lợi cho trồng trọt, năng suất cao và các tri thức trở nên tiên tiến, đặc biệt trong việc viết và đo lường. Những hệ thống như thế có khả năng đánh thuế mạnh. Nhà Tống ở Trung Hoa (thế kỷ 10 đến 13) và nhà Abbasid Caliphate (thế kỷ 8 đến 13) khai thác thuế ở mức cao, lần lượt 10% và 7% tổng sản phẩm hàng năm. Trong khi đó, nhà cầm quyền ở Châu Âu thời Trung cổ chỉ thu được quanh mức 1%.
Một khi được thiết lập, bộ máy quan liêu tập trung không dễ để bị phá bỏ. Nó bắt nhịp tốt với tính hiện đại và các công nghệ mới. Dân chủ buổi đầu thì ngược lại – tuy không đến nỗi bị đe dọa sống còn, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trước sự trỗi dậy của các nhà nước hiện đại và sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Mô hình dân chủ dần dần biến mất ở nhiều vùng đất, trong khi vẫn tồn tại được ở một số khác.
Vậy thì nói cách khác, tính hiện đại và sự xuất hiện của các nhà nước trung tâm (central states) có khả năng tạo điều kiện cho cả chuyên chế lẫn dân chủ. Nhưng có tồn tại một kiểu mẫu/ quy luật nào đó không? Stasavage cho là có. Ông gọi tên hiện tượng đó là “tiếp nối”/ “trình tự” (sequencing) và viết rằng “Nếu các thể chế dân chủ sơ khai dựa trên đồng thuận được thành lập trước hết, thì sau đó, có thể xây dựng bộ máy quan liêu mà không cần chuyển sang chế độ chuyên quyền (autocracy hay despotism). Nó phụ thuộc vào những gì đã xảy ra trước đó.

Lợi thế đi trước

Luận điểm trên có vẻ gặp phải vướng mắc khi mà trên thực tế, phương Tây lại là phần của thế giới nơi dân chủ buổi đầu, với tính chất trực tiếp, quy mô nhỏ, đã diễn tiến từng bước chắc chắn để trở thành dạng dân chủ hiện đại, mang tính đại diện. Sau tất cả, điều này không phải đã khiến dân chủ mang đậm tính phương Tây hay sao? Trong ba làn sóng dân chủ hiện đại – thế kỉ 19, sau 1945 và sau 1989 – dân chủ phương Tây đều đi trước. Dù về sau có những kết cục sụp đổ rõ ràng, nó cũng đã hoạt động một cách tốt nhất. 
Tuy vậy, theo lời của Stasavage, không tồn tại một yếu tố thiết yếu nào – giả dụ như một quan điểm phóng khoáng (liberal), sự coi trọng vấn đề tài sản, hay một kĩ nghệ trong công nghiệp – đã vượt lên trên tính may rủi (luck) trong quá khứ để có khả năng đóng vai trò liên kết hai yếu tố “phương tây”“dân chủ hiện đại” với nhau.
Châu Âu tiền-hiện đại đã có các tập quán dân chủ và có các nhà cầm quyền tiềm lực mỏng, không có hệ thống quan liêu hiệu quả đi kèm (cũng có những ngoại lệ). Chính phủ đồng thuận của nền dân chủ, ở những nơi nó đứng vững được và không bị xóa sổ bởi chuyên chế, đã để lại những “dấu vết rất sâu đậm”. Dân chủ hay chuyên chế, bản thân mỗi thứ đều có những gốc rễ vững chắc. Người ta có lý do hợp lý để kì vọng cả hai hình thái có khả năng tồn tại được.
--
Recommend mọi người đọc thêm: 
Những hiểu lầm phổ biến về Dân chủ (đây là bài viết mình đã đọc được vài hôm trước, trong đó có nhắc đến bài viết của David Stasavage mà mình dịch trên đây)