Ta bị giằng co giữa khao khát trả thù những người xấu, nhưng lại sợ hãi với việc đánh giá sai những người vô tội.
Đám đông hiện tại làm liên tưởng đến hình ảnh của những Hồng vệ binh, của Cải cách ruộng đất Việt Nam, mạng xã hội như "Quần chúng nhân dân anh hùng", còn giới nghệ sĩ như "Đám tiểu tư sản". "Ai rồi cũng phải sao kê thôi", và trong sự hỗn loạn đó, một số kẻ ác bị trừng trị, và cùng với nó, là những người tốt vô tình bị vạ lây.
Mặt trận đấu tố giờ không còn là mạng người và ruộng đất, mà đã chuyển thành Danh dự và Kế sinh nhai, những hãng quảng cáo sợ hãi thanh lý hợp đồng, một số người trốn sang Mỹ, một số van xin được yên ổn. Ta bị giằng co giữa nguyên tắc "Thà giết lầm còn hơn bỏ sót" và nguyên tắc "Suy đoán vô tội".
Đám đông có sức mạnh thật ghê gớm. Đám đông muốn "Kẻ ác" phải bị trừng phạt ngay lập tức, thông qua nhiều hình thức: Rate app 1* mà ca sĩ T. T từng làm đại sứ thương hiệu, quấy rối ngân hàng V. Một đám đông vô tổ chức và mất kiểm soát.
Vì sao ta lại dám làm vậy? Vì ta giấu mặt và vô hình trong Đám đông, nên ta sẽ bạo gan hơn, và thiếu lý trí hơn so với khi ta độc lập với Đám đông. Trong đám đông, chỉ cần một mồi lửa, mọi thứ sẽ bùng cháy và mất kiểm soát. Không thể ngăn chặn một đám đông giận giữ, kể cả bằng lý lẽ. Không có cách nào khác ngoài một quyền lực còn lớn hơn cả đám đông: Luật pháp. Thế nhưng khi nói đến Luật pháp, liệu người ta còn tin vào uy tín của nó? Còn tùy.
Nhưng cuối cùng, vẫn phải có một ai kiểm soát hệ thống đó. Phải có ai đó kiềm chế đám đông giận dữ, trước khi sự giận giữ đó thiêu rụi tất cả. Việc của ta là thu thập thông tin và đưa ra ý kiến, có thể bênh vực, chống đối hoặc trung lập, nhưng không làm phương hại người khác trước khi chắc chắn điều đó đúng hay sai.