Overloaded!

"Cậu ơi,
Tớ đang nghĩ…nếu tớ là một đứa nhóc vô tư hồn nhiên, chỉ cần nghe lời bố mẹ và “con sao cũng được” thì thật dễ chịu biết bao. Vì giờ tớ đang mệt mỏi quá nè.
Bố mẹ tớ lo lắng cho tớ lắm. Từ chữ lo đó mà họ đã tính đến chuyện lo lắng cả lộ trình cho tớ một cách rất hoàn hảo. Nộp trường A, ngành B, học thôi, xong rồi đến khi ra trường họ cũng lo được cho tớ một công việc ổn định. Thế là xong.
Cả bà con làng trên xóm dưới ý, cũng đầy người lo lắng cho tớ. Xung quanh tớ toàn những người xem tử vi, bói toán cực kỳ tốt. Họ biết cụ thể từng ngành học, từng công việc, từng trường lớp,… Họ biết nếu tớ học ngành này sau này tớ sẽ thất nghiệp. Họ bảo tớ nên học cái này, học cái nọ. Điểm thế này phải nộp trường thế này, trường thế kia. Tớ không biết tớ nên vui đến mức nào khi họ quan tâm đến tương lai của tớ “thái quá”.
Trên báo mạng, vì những con số 50, 60, 70,…% sinh viên thất nghiệp rồi ra trường làm trái ngành nghề, thế nên người ta khuyên tụi tớ là:
- Chỉ nên chọn ngành phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân;
- Chọn ngành phù hợp với năng lực, tính cách, điều kiện bản thân;
- Hiểu bản thân, hiểu rõ ngành nghề sắp lựa chọn.
Tớ cứ ngu ngu ý! Mấy cái đấy tớ lại càng chẳng hiểu được…
Đau đầu thật nhỉ! Tớ không biết mình thích gì. Tớ đã không hiểu bản thân mình quá nhiều. Suốt những năm học đã trải qua, tớ chỉ biết cố gắng để học và thi. Rồi bây giờ, tớ thấy mình đứng giữa vòng vây của những dự án của cuộc đời mình – được thiết kế bởi người khác.
Theo cậu thì tìm hiểu bản thân để đưa ra lựa chọn có dễ không? Tớ thấy không dễ chút nào luôn. Nhiều lúc tớ thấy mình nổi hứng lắm về một thứ gì đó, một việc gì đó. Được vài hôm là hết! Khi mà tớ khám phá sâu vào những điều đó, khi hiểu hơn rồi thì tớ thấy suy nghĩ của mình thay đổi.
Tớ thấy nhiều bạn bè ở tầm tuổi tớ khó kiên định lắm. Chọn cái gì trước mắt thì được, chứ bảo chọn một quá trình học nhiều năm mà đến lúc không như ý, sau này có khi lại hối hận lắm. Thế là chẳng tự tin được, rồi sao? Giờ chẳng tin những người xung quanh, cũng chẳng tin bản thân, ủa là sao?
Rốt cuộc, tớ vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời. Thời gian mà tớ còn lại là quá ngắn, tớ nên học trường nào? Tớ nên học ngành nào?"

HELLO NHÓC!

"Hello nhóc!
Trời đất ơi, cậu là ai thế? Cậu đang mang đến một câu chuyện gom góp đủ các rắc rối của lứa tuổi 18 lúc đang đứng ở những ngã rẽ của con đường học hành đấy hả? Suy nghĩ ít thôi, trạng thái đó sẽ khiến cho cậu càng ngày càng bất an mà không có lối thoát đấy nhóc à. Hãy nghĩ về những điều tích cực đã nào.
Cậu đã vượt qua tận mấy cấp học, đầu tư bao nhiêu thời gian và công sức và giờ có kết quả. Cậu đã rất cố gắng cơ mà. Con đường phía trước mà cậu đang lo lắng ý, tớ chắc chắn với cậu rằng dù cậu chọn bất cứ con đường nào thì nó cũng dẫn cậu đi lên. Chỉ cần cậu không từ bỏ và luôn cố gắng hết mình, cậu sẽ trở nên tốt nhất. Thời điểm mà cậu biết quý trọng bản thân và công sức của chính mình, biết quý trọng gia đình và những người thân thiết xung quanh – cậu sẽ trở nên tốt hơn bao giờ hết.
Vấn đề của cậu không phải là chọn trường trước hay chọn ngành trước đâu. Tớ không phủ nhận góc nhìn của một số bài báo về vấn đề này. Nhưng tớ muốn đào sâu vấn đề bản chất, để cậu hiểu hơn, sau đó chúng ta cùng nhau đưa ra giải pháp nhé. Tớ thấy cậu đang mắc kẹt giữa 3 vấn đề là:
- Không hiểu bản thân muốn gì để chọn xem mình nên học cái gì.
- Có khá nhiều các tác động khách quan khiến cho cậu phải suy nghĩ và mệt mỏi.
- Lo sợ đến việc thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề.

1. Muốn hiểu được bản thân, cậu phải có trải nghiệm

Giới trẻ tụi mình cứ trêu nhau là “tấm chiếu mới, vì chưa từng trải” là có lý do cả đấy.
Việc đầu tiên tớ cần cậu làm là bỏ qua hết tất cả những thống kê về các con số, các dẫn chứng mà được người khác lấy ra để gây áp lực lên cậu. Bởi vì những gì người ta nhắc đến đều không phải là tất cả. Cho dù số đông hay số ít thì cũng luôn luôn tồn tại những người khác họ học hành và phát triển, sau đó thành công. Những ví dụ đấy thì chẳng ai kể gì cho cậu, cậu lo là đúng rồi.
Mà tớ hỏi đểu cậu một câu nhé: Cậu có ghen tị gì với mấy đứa bằng tuổi mà nó tìm được sở thích, đam mê xong chốt được việc chọn lựa trường, lớp trong 1 nốt nhạc không? Là tớ thì tớ cũng ghen dã man! Nhưng tớ chẳng cho đấy là may mắn, tụi bạn đó cũng phải dành thời gian trải qua, tìm hiểu bản thân từ trước đó thì mới được vậy đấy nha.
Bây giờ mình mới cố gắng tìm hiểu xem bản thân thích gì, muốn học gì,… thì có muộn không? Câu trả lời là không. Tớ khẳng định là không bao giờ muộn luôn. Trong số những người thất nghiệp mà báo chí nhắc tới, chắc chắn có không ít người cũng đang dành thời gian tìm hiểu bản thân. Trong số những người tốt nghiệp tồi phải làm trái ngành trái nghề, chắc chắc có rất nhiều người họ đã tìm được con đường phù hợp với bản thân mình hơn. Con đường mà họ trải qua để hiểu mình hơn chính là “con đường học” – có thể là đại học, cao đẳng, trung cấp, thậm chí từ các khóa học,… rất nhiều trải nghiệm đã giúp cho họ hiểu bản thân hơn.
Đây là một quan điểm rất hay, cậu nên đọc nè:
“Trường đại học không phải là nơi làm khó chúng ta. Mục đích của trường đại học là cho chúng ta giá trị, hỗ trợ trung chuyển cho các bước tiếp theo của cuộc đời. Một môi trường đại học tốt là nơi có thể cung cấp cho sinh viên các kỹ năng từ sớm bên cạnh việc giảng dạy kiến thức.” - ThS Ngô Trí Trung, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên, Khoa Quốc tế (ĐHQG Hà Nội).
Thế nên, nếu bây giờ cậu chưa hiểu bản thân mình, đừng lo, đây là yếu tố thời điểm, khi cậu trải nghiệm vừa đủ, cậu sẽ biết mình muốn gì. Thậm chí sau đó, cậu càng ngày càng hiểu rõ bản thân hơn, suy nghĩ của chúng ta đều sẽ mở rộng và thay đổi nhờ vào thời gian và trải nghiệm.

2. Xử lý tác động khách quan – lời khuyên của người khác

Không riêng gì người ngoài, tớ tính cả người nhà trong đó luôn nhé. Đối với người nhà mình, cậu hãy luôn luôn nói lời cảm ơn. Bởi vì tớ chắc chắn rằng họ góp ý là vì họ lo lắng cho cậu. Những gì xuất phát từ tình cảm, từ sự chân thành chúng ta nên quý trọng nó. Nhớ nhé, hãy nói lời cảm ơn!
Tất cả lời khuyên từ nhừng người gần gũi nhất, sẽ có những lời mà cậu thích, có những lời không thích nghe. Nhưng cậu nên xem thử trong những người đó, ai là người mà gần gũi cậu nhiều, ai là người đưa ra lời khuyên cho cậu là vì hiểu cậu. Tớ biết là còn phụ thuộc vào tư tưởng và khoảng cách thế hệ nữa.
Thế nên, cậu sẽ may mắn nếu có ai đó đưa cho cậu một số lựa chọn kèm theo sự phân tích. Sự phân tích này không phải là phân tích gì quá “đao to búa lớn”. Sự phân tích tốt nhất dành cho tụi nhóc chúng ta là họ phán đoán và gợi ý, chúng ta lựa chọn. Tớ không biết cậu sao, chứ tớ không muốn ai đó lựa chọn hộ mình, hoặc ép mình lựa chọn theo ý họ.
Nếu tớ hiểu cậu hơn, tớ sẽ khuyên cậu là: “Vì tớ thấy tính cách cậu *abc*, tư duy của cậu *def*, style của cậu, thế mạnh của cậu,… cậu nên tìm hiểu thêm về ngành ABC”. Như thế sẽ mở hơn, vì người ta không hiểu mình, người ta không thể phân tích mình quá kỹ, nhưng những gợi ý như thế thì đáng quý cực kỳ.
Đối với người ngoài, các ông bà cô bác,… họ cũng khuyên, họ có ý tốt không? Cậu nên để ý xem họ có phải là đang nói vu vơ hay không nhé. Nhiều người họ chưa trải qua bao giờ, chỉ nghe thằng X con nhà ông Y, cái A con nhà bà Á,… nó như thế nên họ khuyên bạn như thế. Đấy là sự vô tư, buông lời bâng quơ rồi cậu có ra sao thì cũng chả ảnh hưởng gì đến họ cả.
Nói nãy giờ chắc cậu hiểu ý tớ về chuyện xử lý và phân tích các lời khuyên rồi nhỉ. Cậu cũng phải tự phân tích bản thân đi, tìm hiểu các ngành nghề để suy luận xem có phù hợp với bản thân không. Cậu sẽ tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, không phải ai khác!
Chứ bây giờ mà ai khuyên gì cũng gật, rồi không hiểu 1 tí ti gì về bản thân, thì tớ chịu. Nói thế chứ có gì đâu, giải quyết được hết. Lúc đấy thì chỉ còn cách để gia đình chọn giúp cậu, khi “quăng” cậu vào môi trường trải nghiệm, chắc chắn cậu sẽ hiểu.

3. Câu chuyện “hoa quả”

Tớ sẽ đưa cậu đến một trong những vườn trái cây lớn nhất cả nước, chúng ta cùng thưởng thức “trái ngành, trái nghề”.
Khi nhắc đến 1 vấn đề, tớ sợ nhất là người ta chỉ đề cập đến một mặt của vấn đề đó. Sao cứ say mê bắt lũ trẻ ăn trái mà không cho tụi nó nghỉ để nhìn những tấm gương đúng ngành đúng nghề, những tấm gương chưa ra trường đã được tuyển dụng thẳng vào doanh nghiệp. Đấy là chưa kể đến, trong những người “trái” kia, rất nhiều người họ đang hạnh phúc vì họ đã tìm được một công việc yêu thích từ cái “trái” đó. Rồi cũng chẳng ai kể xem trong những nhân sự được tuyển dụng thẳng khi đang trên ghế nhà trường đó vẫn tồn tại những người bỏ ngang vì trải nghiệm xong không phù hợp. Có người nọ người kia, cũng có câu chuyện này rồi câu chuyện khác.
Ở trên, tớ có nói là nếu cậu không hiểu một chút nào về mình, dẫn tới việc không nghĩ ra được chuyện mình nên học gì thì đành. Đành để cho gia đình, những người thân họ đưa ra gợi ý hoặc đưa ra lựa chọn giúp cậu. Nhưng cậu nên nhớ, cậu chỉ được phép để bị “quăng” một lần mà thôi. Sau đó, hãy lấy trải nghiệm ở môi trường học tập mới để tìm hiểu, khám phá bản thân càng sớm càng tốt.
Có những người học cái gì cũng chán, làm cái gì cũng chán, học mãi làm mãi vẫn không tìm được sở thích, cũng chả biết bản thân muốn gì. Nhưng ít ra họ có học, có làm thì mới biết bản thân mình không phù hợp. Còn chán nhiều quá, chán mãi không thôi, thì vẫn phải bay nhảy tiếp. Lúc đấy thì chắc chắn sẽ phát hiện ra sở thích của mình là chán. Không chán thì chịu!
Không sớm thì muộn, cậu sẽ tự tìm ra vòng quay của mình: nghề – ngành – trường. Tớ đã nói khá dài dòng về cậu chuyện sở thích, đam mê ở trên rồi. Bạn bè cậu ai mà đã tìm được, thì đã có lựa chọn. Cậu chưa tìm được, cậu mất thời gian. Tớ nói rồi, cậu càng trải nghiệm và khám phá bản thân sớm, đường đi của cậu càng rõ ràng và tiết kiệm thời gian.
Và khi cậu hiểu bản thân mình, nếu duyên số “nghề chọn người” đã dẫn cậu đi đúng vào cái ngành nghề phù hợp với bản thân, cậu hãy thật trân trọng điều đó. Nhưng nếu cậu thấy mình thích một ngành nghề khác hơn, cậu phải chấp nhận thử thách hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Đấy là yếu tố thời điểm, không phải trò chơi cờ bạc mà người ta cứ nói là “đen với đỏ”.
Khi cậu phát hiện ra rằng cậu phù hợp với môi trường khác hơn thì những khó khăn cho việc chuyển hướng của cậu là phải đầu tư về kinh tế, thời gian. Cậu rẽ sang một hướng khác và cậu sẽ phải chấp nhận việc khởi đầu muộn của mình, cậu phải nỗ lực rèn luyện bản thân để chạy đua trong một môi trường nghề mới.
Ngoài ra, nếu cậu không cân bằng được con đường mới và cũ một cách phù hợp, chúng ta sẽ phải nói một câu chuyện khác dài hơn là chuyện dừng học ngành này, chuyển qua học ngành khác. Hay học song song,… Tớ sẽ kể chuyện này cho cậu nghe sau.
À, tớ thấy có mấy tư tưởng về câu chuyện vườn “hoa quả” này là nếu học xong làm trái ngành trái nghề thì sẽ lãng phí công sức nhiều năm học hành trên ghế nhà trường, không vận dụng được vào công việc. Tớ gay gắt với chuyện này luôn và cho rằng đó là quá thiển cận! Giáo dục và học thuật mang lại cho chúng ta kỹ năng làm việc, tớ không phủ nhận. Nhưng điều quan trọng hơn rất nhiều, nếu chúng ta để ý, sau quá trình học tập, trải nghiệm, thứ tài sản không bao giờ mất đi mà mình có là tư duy, chất xám. Làm gì có chuyện lãng phí?
Cố lên nhé! Tớ hy vọng cậu đọc hết và gạt bỏ được những suy nghĩ tiêu cực. Hành trình sắp tới sẽ vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị đâu. Chắc chắn sẽ rất tuyệt vời, và cậu sẽ sợ trưởng thành.".