Đâu Là Lúc Bạn Nên Cân Nhắc Từ Bỏ Công Việc Hiện Tại? (Phần 1)
Mình mong rằng 2 phần của bài viết này có thể giúp bạn phần nào có thêm động lực và phương hướng để cân nhắc khi nào nên từ bỏ công việc hiện tại.
I. “Công Việc Này Liệu Có Dành Cho Tôi?"
Chắc hẳn đây là câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đầu chúng ta, đặc biệt đối với các bạn mới ra trường đi làm được vài năm. Mỗi sáng, chúng ta nằm ỳ trên giường đến khi không thể nằm thêm được nữa, trong đầu liên tục thắc mắc tại sao mình phải thức dậy. Câu hỏi trên cứ lặp đi lặp lại ngày một nhiều hơn, mang đến cho ta không gì khác ngoài sự nghi ngờ năng lực bản thân và cảm giác tiếc nuối: “Phải chăng mình không đủ năng lực để làm công việc hiện tại?”. “Liệu hồi ấy chọn công việc A thì mọi thứ có tốt hơn không?”. “Nếu bây giờ mình theo đuổi công việc B thì mọi thứ sẽ như thế nào?”.
Trớ trêu thay, con người chúng ta có xu hướng tưởng tượng ra viễn cảnh màu hồng khi nghĩ về những điều bản thân đã và đang không làm. Mỗi khi công việc hiện tại gặp phải vấn điều tiêu cực, tâm trí lại không ngừng mơ tưởng đến một nơi mà ta ngỡ rằng mình thực sự thuộc về. Vậy làm thế nào để biết mình nên cố gắng tiếp tục hay mạnh dạn buông bỏ? Hy vọng những trải nghiệm cá nhân dưới đây của mình có thể giúp bạn phần nào tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Giới thiệu một chút về bản thân, mình tốt nghiệp Ngữ Văn Anh – Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Công việc trước đây của mình là làm Account tại Agency. Sau khoảng tổng cộng gần một năm rưỡi làm công việc này, mình nhận thấy bản thân không phù hợp với nghề nên quyết định dành ra ba tháng để chuẩn bị cho một công việc khác.
II. Dấu Hiệu Nên Cân Nhắc Dừng Công Việc Hiện Tại
Dưới đây là năm câu hỏi mà theo kinh nghiệm cá nhân của mình, có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân cũng như công việc hiện tại. Với mỗi câu hỏi, hãy đưa ra câu trả lời chi tiết và thành thật nhất có thể với tất cả cảm xúc vốn có của bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể hiểu hơn về bản thân và đưa ra quyết định phù hợp.
a) Lý do THỰC SỰ bạn chọn công việc hiện tại là gì?
Nhiều page truyền cảm hứng hay ra rả rằng “Trước khi từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do khiến bạn bắt đầu”. Nói thẳng ra thì câu này khá sáo rỗng và mang tính động viên là chính. Tuy nhiên, mình xin phép được mượn câu này cho bài viết, cốt để chúng ta có một cái nhìn trung thực xem lý do thực sự cho việc mỗi ngày đi làm là gì. Hãy nhớ lại xem tại sao bạn chọn công việc hiện tại? Được gia đình định hướng? Để theo đuổi đam mê? Hay đơn giản là vì nhu cầu tài chính? Yên tâm là sẽ không ai đánh giá lý do của bạn - miễn là đối với bạn, nó đủ thuyết phục. Mình còn nhớ như in cái lý do mà mình từng tự tin trả lời mỗi khi được hỏi tại sao chọn làm Account – “Vì không biết làm gì nên làm Account thôi”. Mình cảm thấy rất tự hào và có phần hãnh diện vì lý do chọn nghề của mình – nghe nó thật ngầu và chill, nhỉ? Tuy nhiên, mình sớm nhận ra đây không phải là một lý do “healthy” để bắt đầu bất kỳ một công việc nào vì nó thể hiện hai suy nghĩ tiêu cực sau:
Tự tưởng thiếu trách nhiệm và an phận với bản thân (mặc dù chưa có thành tựu gì). Với tính cách chây lười điển hình của một đứa con út đã quen được mọi người cưng chiều, cộng thêm việc học tương đối khá Tiếng Anh, từ lúc còn đi học mình đã cảm thấy bản thân thượng đẳng hơn người khác. Trong khi mình có thể giao tiếp tốt với người bản xứ và diễn đạt những gì mình nghĩ một cách lưu loát, thì phần lớn những người xung quanh vẫn đang chật vật học thuộc lòng các mẫu câu giao tiếp cơ bản. Mình đâm ra tự phụ và không mảy may quan tâm tìm hiểu những thứ khác. Điều đó phần nào giải thích được tại sao mình không có có bất kỳ đam mê nào. Rõ ràng bạn không thể nào yêu hoặc ghét (hoặc không có cảm xúc) với một thứ nếu bạn không biết đến sự tồn tại của nó được.
Tư tưởng muốn có việc nhẹ lương cao. Khi ấy mình quan niệm rằng sau khi tốt nghiệp đại học, nhất định phải ngay lập tức kiếm được một công việc với mức lương phù hợp (dù cho trước đó mình không có ý thức đi thực tập để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm), nếu không thì sẽ là kém cỏi so với bạn bè. Mình cảm thấy áp lực mỗi khi nhìn sang chúng nó (có đứa nhỏ hơn mình) đều đang làm ở những nơi xịn đét và có vẻ cực kỳ hài lòng với công việc hiện tại. Chính suy nghĩ này khiến cho Account trở thành công việc hoàn hảo dành cho mình vì có vẻ như không cần phải học bất kỳ một kỹ năng nào cũng có thể bắt đầu công việc (ví dụ Designer cần phải học Photoshop).
Nếu bạn thấy lý do chọn nghề của mình sao mà quen quá thì xin chia buồn vì khả năng cao là bạn nên tìm cho mình một công việc mới. Khi này, vấn đề không đơn thuần nằm ở bản thân lý do đó nữa, nó nằm ở vấn đề nhận thức của chúng ta. Chừng nào bạn còn chưa tìm được cho mình một lý do đủ sức thuyết phục thì việc bắt đầu một công việc chỉ khiến bạn cảm thấy mông lung trong mục tiêu nghề nghiệp và bất mãn với những thứ bạn phải làm.
b) Bạn đã NGHIÊM TÚC tìm hiểu công việc hiện tại trước khi bắt đầu?
Thật may mắn cho chúng ta là đa phần trong tất cả các lĩnh vực, phần kiến thức cơ bản thường dễ tiếp thu và thực hành. Tuy nhiên, đôi khi việc này lại khiến não bộ cào bằng mức độ phức tạp và đơn giản hóa quá mức những gạch đầu dòng trong bảng mô tả công việc. Chúng ta thường không gặp mấy khó khăn để bấm được La Trưởng, đọc được bảng chữ cái Tiếng Việt hoặc sút bóng vào gôn trống. Tuy nhiên, thuần thục La Trưởng không có nghĩa bạn có thể fingerstyle Cháu Lên Ba và nhuần nhuyễn Cháu Lên Ba thì cũng không có gì đảm bảo bạn có thể chơi được Cho Tôi Đi Theo của Ngọt. Cũng như vậy, đọc vanh vách bảng chữ cái Tiếng Việt không giúp viết được content chuẩn SEO và sút bóng vào gôn trống không giúp bạn có cơ hội thi đấu ở World Cup. Mình mừng vì bạn nhận ra những điều này quá hiển nhiên và nghe thật lố bịch khi lấy làm ví dụ. Nhưng điều đáng buồn là phần lớn chúng ta thường coi nhẹ việc tìm hiểu thông tin trước khi bắt đầu một công việc. Giá mà mình tìm hiểu công việc Account nghiêm túc hơn thì có khi mình đã không làm nó ngay từ đầu. Mình biết đến công việc Account khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, thông qua chị mình (hiện đang là Account Manager của một Local Agency). Với việc không có bất kỳ đam mê nào cộng thêm tâm lý tiền ít mà đòi hít l*n thơm, mình ngay lập tức vớ lấy chiếc phao cứu sinh này và bỏ qua phần hướng dẫn sử dụng. Mình tự vẽ ra một bức tranh về công việc Account – theo suy nghĩ phiến diện của bản thân thay vì tìm hiểu xem thực tế Account làm những gì. Trong bức tranh của mình, Account muốn đi làm giờ nào thì đi, ưng về lúc nào thì về; khi nào có hứng thì làm. Làm Account là trực tiếp feedback team Creative; là chỉ cần truyền đạt y chang những gì Client nói lại cho team Internal. Mình tự cho rằng bản thân mình chỉ cần đăng ký một khóa học Hands - on Marketing, cộng thêm mớ kiến thức ba cọc ba đồng lượm lặt được trên mạng và tất tần tật mọi case study trên Brands Vietnam là đã có thừa khả năng để trở thành một Account xuất sắc. Mình sẽ cho ra những idea kiệt xuất không chỉ đồng nghiệp mà Client cũng phải khen lấy khen để. Hài hước ở chỗ, tất cả những điều kể trên chưa bao giờ là công việc chính của một Account. Trên thực tế, Account còn phải làm báo giá, phải chốt giá với các bên Vendor, phải chầu chực xin feedback, hối Client duyệt bài để kịp ngày air. Account còn phải lo đồ ăn thức uống, phương tiện đi lại cho cả team mỗi khi đi họp hoặc shooting ngoài trời. Và còn ti tỉ đầu việc không tên khác mà Account phải làm mỗi ngày. Thiếu sự tìm hiểu nghiêm túc trước khi bắt đầu công việc gây cho mình không ít cảm xúc tiêu cực vì hai lý do sau:
Thiếu kỹ năng cần thiết cho công việc: Chính vì mình bắt đầu công việc với lý do rất trời ơi đất hỡi nên không có gì khó hiểu khi mình hoàn toàn thiếu những kỹ năng cơ bản. Với suy nghĩ Account đơn giản chỉ cần khua môi múa mép là đủ để sống khỏe qua ngày, công việc của mình luôn trì trệ lâu hơn mức cho phép, nhất là mỗi khi được giao thêm việc mới. Một tuần đi làm năm ngày thì có khi hết cả năm ngày mình là đứa về muộn nhất công ty. Thật sự chẳng có gì đáng tự hào khi bạn luôn là người cuối cùng ra về, nó chỉ cho thấy rằng bạn quản lý công việc yếu kém đến nhường nào.
Thiếu mục tiêu để cố gắng mỗi ngày: Từ việc đọc được bảng chữ cái Tiếng Việt đến việc viết được content chuẩn SEO là một quá trình dài hơi và không thể đạt được trong một sớm một chiều. Thay vào đó, bạn cần đề ra những mục tiêu ngắn hạn để hạn chế tối đa việc đứt gánh giữa đường. Mà kể cả khi đã có những mục tiêu ngắn hạn cực kỳ rõ ràng thì con đường phát triển cũng không bao giờ thẳng đuột như giới tính của anh chàng hàng xóm kế nhà bạn. Không tìm hiểu công việc một cách nghiêm túc khiến bạn mất phương hướng và không đánh giá được liệu bạn đã làm tốt công việc hay chưa hay bạn chỉ đang ảo tưởng và lạc quan tếu về năng lực của bản thân. Bạn sẽ không biết đâu là mục tiêu mà mình đang hướng tới. Việc này vô hình chung khiến bạn không thể phát triển và mắc kẹt trong tình trạng ngán ngẩm những đầu việc nhàm chán lập lại mỗi ngày nhưng không đủ năng lực để hoàn thành những đầu việc đòi hỏi yêu cầu cao hơn.
c) Công việc hiện tại có phù hợp với thiên hướng tính cách của bản thân không?
Chắc hẳn rất nhiều người trong số chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục tự chất vấn bản thân về mức độ phù hợp của công việc hiện tại. Nhưng bạn có để ý là sau rất nhiều lần tự vấn thì dường như bạn vẫn dính chặt trong mớ bòng bong không lối thoát đó? Có thể ta chỉ đặt ra câu hỏi mà quên mất đi phần quan trọng nhất là cần có câu trả lời thỏa đáng.
Trước hết, hãy điểm qua các yếu tố tạo nên một công việc. Cá nhân mình nhận thấy, tất cả các công việc đều được cấu thành từ hai yếu tố: chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là những đầu việc vốn có (hoặc bản chất, nếu bạn thích gọi như thế) của một công việc. Tùy vào cấp độ mà công việc của bạn sẽ thiên về đầu việc nào nhiều hơn. Yếu tố khách quan là những khía cạnh ngoài công việc, mà dù có là gì thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến bản chất cốt lõi của công việc được nêu. Để dễ hình dung, mình xin phép lấy công việc Account làm ví dụ, yếu tố chủ quan và khách quan sẽ như sau:
(các ví dụ này sẽ mô tả chính xác nhất các đầu việc Account làm hàng ngày, mình không dùng các từ đao to búa lớn như “quản lý dự án”, “điều hành đội nhóm”, “chăm sóc khách hàng” để tránh cho các bạn có một cái nhìn quá chung chung)
Yếu tố chủ quan (bản chất công việc)
- Gọi điện nhắc Client duyệt post để kịp air trong 15 phút nữa
- Đặt đồ ăn cho team Creative khi đi shooting
- Nghĩ lý do với các bên thứ ba (Suppliers, KOLs, Production House, v.v) tại sao trễ hẹn thanh toán
- Khuân vác và vận chuyển quà tặng từ xưởng sản xuất về văn phòng
…
Yếu tố khách quan (môi trường làm việc, benefits, đồng nghiệp, v.v)
- Công ty có trả lương tháng 13
- Creative không có nhu cầu được giao task vào cuối tuần
- Bạn được độc lập handle công việc
- Không gian và địa điểm làm việc cách xa nơi bạn ở
…
Thường thì các yếu tố khách quan sẽ có những điểm khác nhau nhất định tùy vào quy mô và cách thức hoạt động của mỗi tổ chức. Mình tin là mỗi người trong quá trình lựa chọn, sẽ có những ưu tiên về thứ tự các yếu tố này sao cho phù hợp nhất với bản thân. Điều cần được quan tâm hơn ở đây là các yếu tố chủ quan (bản chất) của công việc mà bạn đang hướng tới.
Vậy như thế nào là công việc không đúng với thiên hướng tính cách? Hẹn các bạn vào phần 2 của bài viết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất